Hội ngộ Liên tôn: “Cùng nhau vượt qua khổ đau”

Hội ngộ Liên tôn: “Cùng nhau vượt qua khổ đau”

WGPSG -- “Cùng nhau vượt qua khổ đau” là chủ đề của buổi Hội ngộ Liên tôn do Trung tâm Mục vụ và Ban Mục vụ Liên tôn Tổng Giáo phận TPHCM (TGP) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II (1962-2012), đồng thời mừng 100 năm sinh nhật thi sĩ Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012), vào lúc 8g00, thứ Bảy ngày 27.10.2012, tại Trung tâm Mục vụ TGP, số 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, TPHCM. 

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám mục TGP đã tham dự và phát biểu khai mạc cho buổi Hội ngộ. Đến dự buổi hội ngộ có trên 600 người, trong đó gần 100 là chức sắc và tín đồ tôn giáo bạn. 

Về phía các tôn giáo bạn có quý chức sắc đại diện: Tổng lý Tường Định, Đạo tỷ Huyền Như Như Tịnh, Phòng khám từ thiện thuộc Minh Lý Thánh Hội, Đạo Huynh Đạt Tịnh và Ban Cai Quản Thánh thất Bàu Sen, Phòng khám Phước thiện của Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo (CQPTGLĐĐ), Giáo hữu Thái Thọ Thanh, thánh thất Sài Gòn (đại diện Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tại TPHCM), Giáo sư Thượng Phong Thanh và Truyền trạng Thanh Căn (đại diện Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, tỉnh Bến Tre), Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam, Iman Trịnh Ngọc Đạt - Islam, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Trung ương và tại TPHCM, đại diện báo Giác Ngộ, đại diện báo Công giáo và Dân tộc, chùa Phật Đà (VP Đại diện Phật giáo quận 3), Đại Đức Thích Giác Hoàng - Tịnh xá Trung Tâm, Đạo trưởng Đạt Trí (Hiệp Lý, Ban thường vụ CQPTGLĐĐ), giáo sĩ Huệ Ý (phó tổng thư ký CQPTGLĐĐ), giáo sĩ Hồng Mai và tập đoàn giáo sĩ CQPTGLĐĐ, Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, Giáo hữu Thượng Công Thanh đại diện Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài tại TPHCM và ba thánh thất Trung Hiền, Trung Minh, Từ Vân, Mục sư Phạm Đình Mẫn - Hiệp hội Thông công Tin Lành Việt Nam và Mục sư Nguyễn Tấn Bình - Đoàn Truyền giáo Báp-tít Việt Nam. 

Bên Công giáo có Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Trung tâm Mục vụ, một số cha Hạt trưởng, quý cha Trưởng các ban Mục vụ, quý linh mục, rất đông các tu sĩ nam nữ, đại diện các Học viện dòng tu, các Học viên Học viện Mục vụ, đại diện các đoàn thể, các giới, các anh chị em đang cộng tác trong lãnh vực đối thoại liên tôn, giáo lý viên, CLB Đồng Xanh Thơ Sài Gòn và quý thân hữu. 

Hướng dẫn chương trình hôm nay là Tu sĩ linh mục Giuse Phạm Văn Bình dòng Phanxicô, Đạo hữu Huệ Khải - tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, và chị Lý Ngọc Anh - Ban MV Đối thoại liên tôn.

Người ta nói cuộc đời này khổ nhiều hơn vui “đời là bể khổ, đời là vô thường”, linh mục Bình kể câu chuyện: “Tại sao con người phải khổ?. Một câu chuyện nhỏ thú vị, làm cho mọi người có nụ cười thoải mái để bớt “khổ”. Kết câu chuyện: “Thế là con người được 20 năm làm người. Đến khi lập gia đình, họ sống 30 năm như con lừa và làm đủ mọi việc nặng nhọc. Sau đó, khi lũ con của họ lớn lên, họ sống 15 năm như con chó, chỉ quanh quẩn trông nhà và ăn thức ăn thừa của lũ con. Rồi tuổi già đến, họ sống 10 năm như con khỉ, chỉ biết làm hề mua vui cho lũ cháu. Qua nhiều thế hệ, cuộc sống của con người vẫn là như thế.”

Để xoa dịu bớt những đau khổ nơi con người, có nhiều quan niệm khác nhau, nhiều phương thế khác biệt, nhưng chúng ta có chung một viễn cảnh đó là hạnh phúc cho con người trong niềm tin nơi Thượng Đế.

Công đồng Vatican II là Công đồng của đối thoại và liên đới để Giáo hội có thể hiện diện trong mọi tình huống trong đời sống nhân loại, nhờ hoa trái của Công đồng này mà chúng ta có cơ hội gặp nhau và hiểu nhau hơn giữa. Tuy chúng ta có nhiều khác biệt và có thể đi trên nhiều con đường khác nhau, nhưng chia sẻ cùng một xác tín, đó là “chỉ có chân lý mới đưa con người thoát bến mê”.

Hội ngộ Liên tôn, chủ đề “Cùng nhau vượt qua khổ đau” nhằm cổ vũ cho việc đối thoại và cộng tác giữa tín đồ các tôn giáo trong việc xây dựng thiện ích xã hội, như Đức Hồng y nói: Chính “lòng đạo”, đưa chúng ta đến cuộc gặp gỡ hôm nay, giúp mọi người chúng ta liên kết với nhau vượt qua những đau khổ trong cuộc sống.

Ngay từ 7g30, các tham dự viên lần lượt tiến vào hội trường, vừa ổn định vị trí, vừa xem phim tài liệu: Công đồng Vaticanô II và việc Đối thoại Liên tôn tại TGP.

Để đi vào nội dung chính, mọi người cùng nhau vừa vỗ tay vừa hát: “Gần nhau trao cho nhau…” tạo bầu khí gần gũi, vui vẻ giữa mọi người.

Người tin trước khổ đau

Trong phần này, các tham dự viên lần lượt thưởng thức:

Đầu tiên Hợp xướng Trường ca Ave Maria (Thơ Hàn Mặc Tử - Nhạc: Hải Linh), do Ca đoàn Quê Hương, một ca đoàn được tập hợp bởi dòng Phanxicô, linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo điều khiển.

Thứ đến là chia sẻ "Cùng nhau vượt qua khổ đau" theo quan niệm của giáo lý Baha’I, do Đạo hữu Võ Ngọc Hồng Phúc, đại diện Cộng đồng Tôn giáo Baha’I Việt Nam thực hiện.

Và ca nguyện "Sự an ủi", lời Đức Abdul Baha, nhạc: Quốc Cường, do toàn thể Đạo hữu Baha’I có mặt trình bày “Lạy Thượng Đế! Xin Ngài làm cho tâm hồn con tươi mát… con xin dâng trọn đời con cho Ngài.

Để chứng minh người ta có thể vượt qua đau khổ, Anh Phêrô Đỗ Văn Tiến, giáo lý viên giáo xứ Bình Đông (bổn đạo mới) chia sẻ về cuộc sống khó khăn do gia đình không chấp nhận hôn nhân khác đạo. Nhưng nhờ “tình yêu thương và lòng hiếu thảo” của vợ chồng trẻ, cuối cùng người cha đã tha thứ và tất cả gia đình đã theo đạo Công giáo, từ đó cả gia đình được hạnh phúc.

Một phương thế để không còn khổ, Đạo huynh Lê Như Hùng, Trưởng Ban Phổ Tế thánh thất Trung Minh, đại diện Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài, trình bày đề tài “Lo tu cứu vớt nạn đời, góp phần vượt qua khổ đau”. Đạo hữu đã nói đến những đau khổ mà nhà thơ Hàn Mặc Tử phải nhận, sự cầu nguyện cho mình và cho người khác khỏi phải đau khổ. Chỉ có tu mới cứu được thế gian này thoát khỏi khổ đau. 

Và để minh họa, Đạo tỷ Ca Thị Nguyệt, thánh thất Từ Vân, Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài diễn nguyện bài thơ “Ngoài vũ trụ” của Hàn Mặc Tử, với sự tiếng sáo phụ họa của một đạo huynh từ Thánh thất Từ Vân. 

Một góc nhìn khác về khổ, Imam Trịnh Ngọc Đạt, cộng đồng Islam TPHCM đã chia sẻ về “Xoa dịu người đau khổ”, theo tinh thần Chương Al-Fatihah trong Thiên kinh Qur'an.

Và để diễn tả tâm tình phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, nhóm học viên Trường Suối Nhạc hòa tấu violon bài “Phó thác”, của Kiều Linh, đã làm cho mọi người quên đi những đau khổ của mình, và kết thúc phần I.

Mọi người giải lao, uống nước, kết hợp xem triển lãm “Mở rộng con tim”, được trình bày tại sảnh Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, bao gồm: Tranh thủy mặc và thư pháp “Sống Lời Chúa hằng ngày” của Trần Thị Thanh Hằng, sản phẩm tranh cát và sơn dầu của Trịnh Thiên Phú và anh em khuyết tật Mái ấm Phan Sinh, nhiều hình ảnh sinh hoạt tôn giáo và liên tôn của nhiều tác giả, trong đó có nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ, sách các tôn giáo: Baha’i, Cao Đài, Islam, Minh Lý đạo, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, các tập san và nhiều sách tôn giáo khác.

Mời xem video - Hội ngộ liên tôn: "Cùng nhau vượt qua khổ đau"

Cùng nhau vượt qua khổ đau 

Sau những phút nghỉ giải lao và xem triển lãm, mọi người vào hội trường, linh mục Giuse Phạm Văn Bình và Đạo hữu Huệ Khải, tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đối thoại với nhau về “Khổ hay sướng là do mình” rất lý thú, tạo một cảm giáo vui tươi để tiếp tục thưởng lãm lần lượt:

Trước tiên là Tham luận đề tài “Con đường ban vui và cứu khổ” do anh Nguyễn Thành Út, phó trưởng tiểu ban huấn luyện và truyền bá giáo lý trung ương của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trình bày, có nhắc sơ lược về Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo chủ sáng lập.

Rồi một nhân chứng khác, Bà Maria Madalêna Nguyễn Thị Yến, giáo xứ Gia Định, tâm tình về cuộc đời đau khổ của mình khi không được gia đình nhà chồng chấp nhận, đối xử lạnh nhạt, do hôn nhân khác đạo. Nhưng nhờ niềm tin, tình yêu, đức tin đã giúp bà vượt qua khổ đau trong vai trò là vợ, làm con dâu, và đã cảm hóa được gia đình nhà chồng. Cuối cùng, gia đình nhà chồng đã trở về với Chúa sau một thời gian định cư tại nước ngoài.

Để thay đổi bầu khí, một vũ khúc vui tươi, nhẹ nhàng “Thiên Chúa là Tình yêu”, do nhóm múa trẻ giáo xứ Phanxicô Xaviê trình diễn dịu dàng và rất đẹp, đã giúp cả hội trường thư giãn sau thời gian tập trung nghe những câu chuyện về đau khổ và vượt qua khổ ải. 

Sau đó, Chị Sơn Thị Thảo, tín đồ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Diễn ngâm bài Sấm giảng Thi văn giáo lý của Đức Huỳnh Giáo chủ.

Cuối cùng, Chị Vũ Thủy, một người bị mù hoàn toàn từ cuối năm 1993, đã chia sẻ về cuộc đời của mình “Sống mầu nhiệm thập giá”. Câu chuyện chị kể thật cảm động, đầy nước mắt, nhưng chất chứa sức mạnh của niềm tin, và cũng nói lên rằng: “Đối với Thiên Chúa thì không người nào bị bỏ quên, thế nên đừng lo sợ vì mình khiếm khuyết, nhưng hãy để Chúa sử dụng đời mình, và bạn sẽ làm sáng danh Chúa bằng chính quà tặng mà Thiên Chúa ban cho mình.” Cha Giuse Phạm Văn Bình nói.

Trước khi đến phần quan trọng nhất, Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP TPHCM đã cám ơn những người trực tiếp hay gián tiếp, cầu nguyện âm thầm, hỗ trợ bằng tinh thần, kỹ thuật, vật chất, đang hiệp thông với cuộc hội ngộ hôm nay.

Cầu nguyện cho người đau khổ

Đây là phần quan trọng nhất, đỉnh điểm  của ngày hội ngộ.

Cha Giuse Phạm Văn Bình nói: Chúng ta đã nghe nhau nói, hát, kể lể tâm sự của nhau, ước mong tất cả sẽ đọng lại trong mỗi người chúng ta một tâm tình chung, đó là “lòng yêu mến cuộc đời hơn và yêu thương con người hơn”, chúng ta không xem con người là nạn nhân của khổ đau, nhưng ngược lại, con người có thể chiến thắng đau khổ nhờ tình người và tình liên đới. Nhưng yếu tố quyết định làm nên phần thắng vẫn là niềm tin nơi một Thượng đế công minh và giầu lòng xót thương.

Chúng ta cùng hướng tâm hồn lên cao để chạm đến được Đấng vô hình bằng những lời cầu nguyện của chúng ta.

Khởi đầu cho phần cầu nguyện, Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc thắp đuốc và đốt sáng 8 cây nến, đại diện: Tôn giáo Islam, Cộng đồng Baha’I, cơ quan phổ thông giáo lý đại đạo Cao Đài giáo sĩ Hồng Mai, Giáo hội Phật giáo Đại Đức Thích Giác Hoàng, Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo, Minh Lý Thánh Hội Đạo tỷ Như Tịch, Kitô giáo, và mục sư Phạm Đình Mẫn Hội thánh Thông công truyền giáo tiến lên trước ngọn đuốc và các ngọn nến cháy sáng lung linh. Có 8 em thiếu nhi thuộc giáo xứ Thánh Phanxicô phụ lễ, và lần lượt dâng lời cầu nguyện.

Bế mạc

Toàn thể cộng đoàn hát Kinh Hòa Bình để khép lại ngày hội ngộ Liên tôn hôm nay, sau đó chức sắc và tín đồ các tôn giáo cùng chụp hình lưu niệm, mọi người ra về trong tiếng ca “Tạ ơn Cha, Alleluia” của Cha Giuse Phạm Văn Bình.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top