Hội ngộ Liên tôn - Phát biểu của đại diện Phật giáo Hòa Hảo: Con đường ban vui và cứu khổ
Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) là một nền đạo xuất phát từ lòng dân tộc, do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, đã tồn tại và phát triển hơn 72 năm qua. Với nội dung giáo lý đặc thù, giản dị, khế lý khế cơ nên giáo thuyết “học Phật tu Nhân” của PGHH vừa phù hợp với nếp sống dân tộc, vừa có thể áp dụng được trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Với trí tuệ của bậc sanh nhi tri, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã sử dụng Sấm-Thi như một pháp bảo nhiệm mầu, khơi nguồn cho tư tưởng “Hòa Hảo” quyện nhập vào lòng dân tộc và Ngài đã thành công trong quá trình thuyết pháp độ chúng để pháp luân thường chuyển và đã phổ truyền rộng rãi một lý tưởng “vị nhân sinh”, một nếp sống nhân hòa thiện hảo, đoàn kết cho hằng triệu nhân sinh. Đức Giáo Chủ đã lấy chữ Hòa mở đường cho Bi, Trí, Dũng để cứu khổ sanh linh, hướng tới một môi trường an lạc, ở đó “Khắp thế giới liên dây Hòa Hảo” và cả nhân loại sẽ cùng nhau bốn biển hiệp một nhà, không ganh ghét dứt câu thù hận oán.
Giáo pháp “Học Phật Tu Nhân” chủ yếu lấy việc báo đáp Tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại) làm căn bản tu hành đưa người tín đồ PGHH tiến lên giải thoát từ vị trí của một con người: “Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần”, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã làm một cuộc cách mạng tạo nên sự hòa hợp giữa đạo pháp và dân tộc, giữa nhập thế và xuất thế, đã đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, nhân sanh và đã dần dần trở thành nhu cầu tất yếu khách quan trong quá trình dung hợp đạo - đời; luôn gắn bó với từng cuộc sống đời thường của mỗi tín đồ trong mối tổng hòa các quan hệ xã hội, kinh tế, tư tưởng đạo đức, lối sống, nhất là trong bối cảnh tôn giáo Việt Nam hội đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ giai đoạn đầu mở đạo (1939) cho đến khi Ngài vắng mặt (1947), Đức Huỳnh Giáo Chủ tích cực kêu gọi lòng yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc, tương thân tương ái, khoan dung từ hòa, Ngài đã dạy: “Đồng bào nỡ giết nhau chi / Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông”, bởi theo Ngài thì: “Đạo Phật là đạo từ bi bác ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ; tuy tình thế đổi thay chớ tấm lòng nhơn chẳng đổi”.
Và: “Rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy”.
Năm 1945, miền Bắc nước ta bị nạn đói làm chết hơn hai triệu người dân. Đau lòng trước cảnh nguy khốn đó, Đức Huỳnh Giáo Chủ đi khắp các tỉnh Nam Kỳ để Khuyến nông, kêu gọi nông dân tích cực phát triển nông nghiệp để có lương thực cứu trợ đồng bào ruột thịt đang đói khổ. Ngài sáng tác bài Khuyến nông, trong đó có đoạn:
“Cả kêu điền chủ phu nông
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang
Muốn cứu khỏi tai nàn cho nước
No dạ dày là chước đầu tiên
Nam Kỳ đâu phải sống riêng
Mà còn cung cấp cho miền Bắc, Trung”.
Tình cảm bao la ấy, tấm lòng nhân ái đó được Ngài bọc lộ qua 4 câu thơ trong bài “Tình Yêu”:
“Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ hải với sơn minh.
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”.
Căn cứ nội dung giáo pháp “học Phật tu Nhân” và hoạt động đạo sự của PGHH từ ngày hình thành cho đến nay có thể khẳng định PGHH là một nền đạo “vị nhân sinh”, ban vui và cứu khổ.
Sau ngày được công nhận tư cách pháp nhân suốt gần 3 nhiệm kỳ (1999-2012) BTS TƯ. GHPGHH luôn thực thi đúng tinh thần Hiến chương của Giáo hội được Đại hội cấp toàn đạo đề ra trong đó có đạo sự : đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội, đem lại cái phước lợi cho chúng sanh; đẩy mạnh đạo sự phổ truyền giáo lý, góp phần tích cực phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc.
1. Hoạt động Từ thiện xã hội:
Đứng trước những tình cảnh khó khăn của con người về phương diện vật chất, PGHH thường có mặt tham gia các phong trào từ thiện cứu trợ, xóa đói giảm nghèo, xây cất nhà tình thương, giúp đỡ nhau trong Quan-Hôn-Tang-Tế, mở các phòng khám và điều tri y học cổ truyền miễn phí, tổ chức các bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện và một số trường học, cấp học bổng khuyến học khuyến tài cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho các em khó khăn về đời sống, xa nhà được tiếp tục cắp sách đến trường, vận động mua xe cấp cứu chuyển viện miễn phí, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, xây cất cầu, nâng cấp lộ giao thông nông thôn … Đó cũng là sự hành đạo thiết thực của PGHH đúng theo tinh thần của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đề xướng: “Cái hành đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh, thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành đạo của mình”.
Qua thống kê của BTS.TƯ GHPGHH việc thực hiện công tác từ thiện - xã hội chỉ tính từ 2011 đến tháng 9/2012 tổng số tiền trên 500 tỷ đồng.
2. Đạo sự Phổ truyền giáo lý:
Trợ giúp về tiền của chỉ là giải pháp để tháo gỡ những khó khăn nhứt thời về phương diện vật chất. Nhưng với những người mà tư tưởng bị danh lợi, tình, quyền tước cám dỗ; sống sa đọa, trụy lạc, không cần kiệm sốt sắng lo làm ăn chân chánh để vượt khó mà nguyên nhân chính là do không biết đạo đức nên có thể sẽ hành động trái pháp luật, trái đạo đức, gây đau khổ cho mình và cho người, nên giáo lý PGHH dạy tín đồ “Phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất” và “Khuyên chúng sanh bỏ tánh biếng lười / Phải sốt sắng làm ăn cần thiết".
Tuy nhiên, sự ban vui cứu khổ thuộc vật chất ở thế gian chưa phải là rốt ráo, chưa giúp con người thoát khỏi sinh tử luân hồi, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ còn hướng dẫn tín đồ thực hành pháp môn tịnh độ, thiền định, trì giới và làm theo con đường Bát chánh đạo để tâm được an lạc, thanh tịnh, không duyên khởi theo vọng niệm sinh diệt, giải thoát phiền não khổ đau. Đó là 2 bước hành đạo cần thiết mà người tín đồ PGHH học Phật tu Nhân cần phải đạt được như Ngài đã minh thị: “Các ngươi nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình".
Vì vậy, PGHH coi trọng việc phổ truyền chánh pháp; truyền thông những quan điểm đạo đức, góp phần tích cực xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn Minh”; chuyển hóa ý niệm tiêu cực vị kỷ trở thành tâm lượng tích cực lợi tha, “sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa đạo đức”; đoàn kết xây dựng môi trường cuộc sống có ý nghĩa tốt đẹp và ta bà trở thành thiên đường bất diệt.
Trong giai đoạn khởi đầu khi khai sáng PGHH, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khẳng định công việc quan trọng nầy:
“Chớ chia rẽ phải đồng tâm lực,
Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
Chấn hưng Phật giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chọn đường qui nguyên”.
Do giáo lý Phật giáo Hỏa Hảo dựa trên cơ sở duy lý và thực tế, nên người tín đồ chân tu tâm đạo không bao giờ suy luận mơ hồ, tuyên truyền mê tín dị đoan, bàn luận thiên cơ thời cuộc … Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy rất rõ trong bài “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ”:
“Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt.
Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc chắn ta học đạo mau thành công đắc quả”.
Và Ngài chủ trương cho tín đồ: “Trước khi thờ, học đạo nào hay theo ông Thầy nào ta hãy suy gẫm, phán đoán kỹ càng, chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, Thầy ấy. Được như vậy chắc chắn ta sẽ học đạo mau thành công đắc quả.”
Ngài tiếp tục cân nhắc:
“Luận bàn chân lý cho minh,
Việc chi xét đoán xảo tinh mới là”.
Và:
“Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện,
Đừng để cho lầm lạc nẻo tà.
Dầu việc người hay việc của ta,
Nên phán đoán cho tường cho tận.
Tội với phước xét coi nhiều bận,
Mới khỏi lầm tà kiến đem vào”
Hiện tại, đội ngũ giáo lý viên của Ban phổ truyền giáo lý BTS TƯ GHPGHH với hơn 200 vị, đã và đang tích cực hoạt động thuyết giảng giáo lý PGHH, góp phần cùng Tạp chí Hương Sen (cơ quan ngôn luận của TƯ và toàn đạo xuất bản định kỳ hằng quí); trang website PGHH mang thông điệp học Phật tu Nhân của Đức Huỳnh Giáo Chủ truyền bá sâu rộng khắp 14 tỉnh thành trải dài từ Bình Định đến Cà Mau, quyết “Đem đạo lành ban rải khắp nơi nơi” , thực hiện trọn vẹn hoài bão mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã hằng ấp ủ:
“Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng
Đưa nhơn loại đim vào vòng hạnh phúc”.
Tóm lại, PGHH là một nền đạo nhập thế, vị nhân sinh dấn thân vào đời để hóa giải những nỗi khổ đau của con người và chúng sinh trên nền tảng từ bi và trí tuệ; đưa chúng sinh đạt đến cứu cánh giải thoát:
“Đem nguồn sống mới cho nhân loại,
Để tiến tiến lên cõi đại đồng”.
Hay là:
“Ước mơ thế giới lân Hòa Hảo,
Nhà Phật con Tiên hé miệng cười”.
TTMV ngày 27.10.2012
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah