Hội thảo: Đồng hành cùng Tự Kỷ
WGPSG -- Buổi hội thảo “Đồng hành cùng Tự Kỷ” đã được tổ chức thật quy mô vào lúc 07g30 sáng thứ Bảy, ngày 11/04/2015, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM.
Văn nghệ chào mừng
Chương trình bắt đầu bằng phần văn nghệ chào mừng do chính các em, các phụ huynh, giáo viên trường Chuyên Biệt Gia Định phụ trách. Những màn biểu diễn mà chính Cha Giám đốc Trung tâm Mục vụ đã đánh giá là rất vui, tươi mát và gây xúc động. Thật vậy, mọi người sẽ cảm nhận được khi đón nhận bằng con tim và ánh mắt thương yêu. Trên nền nhạc hòa tấu bài Viva của Ban Nhạc The Bond, các em tái hiện phần trình diễn của ban nhạc nổi tiếng này bằng những động tác khiến cử tọa phải thán phục về sự nhập vai của các em, về năng khiếu thật độc đáo mà các em có, đồng thời cũng mô tả về bản chất của các em. Các diễn viên ngây thơ này tạo những tình huống “gây cười không sao cưỡng được”. Có vài em cứ nhảy nhót theo ý riêng mình, luôn động nhưng tiềm ẩn biết bao tâm tình xúc động: mọi người cảm nghiệm được đó chính là sự khiếm khuyết của các em.
Phần các phụ huynh và những đứa con của mình, qua những cử điệu bài "Cho Con" đã muốn diễn lại những nỗi khổ khi cùng dẫn con đi "lòng vòng" tìm trường, và cuối cùng là niềm hạnh phúc là ngày được đưa con đến lớp, chào tạm biệt con. Những tràng pháo tay cổ vũ vang lên trong hội trường. Thông điệp các vị muốn gửi tới mọi người rằng: Trong quá trình giáo dục giúp trẻ Tự Kỷ thành NHÂN, ngoài nỗ lực của nhà trường, gia đình chúng tôi rất cần sự cảm thông và sẻ chia từ cộng đồng xã hội, một lời nói động viên, một ánh mắt nhìn thiện cảm hay một nụ cười khích lệ. Tất cả đối với chúng tôi thật vô cùng quý báu vì những điều đó sẽ mang lại cho chúng tôi sự ấm áp tình người, để chúng tôi không mặc cảm con chúng tôi là một trẻ em Tự Kỷ! Cho dù Tự Kỷ nhưng con vẫn là Mùa Xuân của Mẹ! Hình ảnh con là Mùa Xuân đã giài tỏa trầm cảm, âu lo. muộn phiền… để mẹ có thêm năng lực, chấp nhận, nhìn con, giúp con phát triển. Trong tâm tình đó, các cô và các phụ huynh chỉ biết dạy các em dâng lên Chúa tâm tình đơn sơ mộc mạc của mình, "từng phút giây, hồn ngất ngay, lòng đắm say con hướng về Chúa" qua các cử điệu bài thánh ca của Nhạc sư Kim Long. Nhìn các em thành kính chắp tay trước ngực, cử tọa cũng xúc động hòa tâm tình cầu nguyện với các em.
Đại biểu tham dự
Tiếp theo là phần giới thiệu và tặng hoa cho quý đại biểu tham dự: Lm. Tổng Đại diện Ignatiô Hồ Văn Xuân, Lm. Giám đốc Trung tâm Mục vụ Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Lm. Phụ trách Di Dân của Giáo phận, giảng viên lớp giáo lý đặc biệt Giuse Đào Nguyên Vũ, quý bác sĩ, quý chuyên gia, quý giám đốc các trung tâm các trường giáo dục chuyên biệt. Và đặc biệt quý ân nhân đồng tài trợ cho buổi hội thảo: Ông Okouchi - thành viên của Achan Japan - và Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Quỹ Từ Thiện Regina.
Khai mạc
Phần tuyên bố khai mạc, đại diện Gia đình Trung tâm Mục vụ, cha Giám đốc Phêrô Nguyễn Văn Hiền, gửi lời chào đến các tham dự viên, đặc biệt những người đầu tiên đến sinh hoạt tại Trung tâm. Qua đôi lời giới thiệu về chức trách cũng như hoạt động của Trung tâm, ngài bày tỏ niềm vui trước sự hiện diện đông đảo của tham dự viên và vui hơn nữa là người tổ chức hội thảo này là giáo dân giáo xứ Gia Định, Cô Võ Thị Khoái, Hiệu trưởng trường Chuyên Biệt Gia Định. Ngài cám ơn Cô Khoái và cha Giuse Đào Duy Vũ đã có sáng kiến tổ chức hội thảo này, vốn được gợi hứng từ một chuyên đề trong tuần lễ giáo lý dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Như vậy, giáo lý không chỉ dừng lại việc phục vụ tinh thần và tâm linh mà còn xây dựng trên chính sức khỏe của thể xác. Ngài dự định sẽ tổ chức cuộc họp mặt dành cho Tự Kỷ vào đầu tháng 10 sắp tới, do Ban Giáo lý phối hợp với Ban Bác ái Xã hội tổ chức để nói lên sự quan tâm của Giáo hội đối với các em. Ngoài mục đích chuyên môn, hội thảo còn nhắn với cộng đoàn quan tâm đến các em, với các tín hữu, đặc biệt các cha xứ sao cho các em vốn là một giáo dân có chỗ trong giáo xứ, có quyền được học giáo lý. Ngài chúc hội thảo thành công.
Hội thảo cũng rất vui trước sự hiện diện đầy ưu ái của Lm. Tổng Đại diện. Ngài đại diện Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, bận đi công tác, tham dự hội thảo này để nói lên sự quan tâm, đồng cảm, đồng hành và chia sẻ của các vị mục tử trong Giáo hội từ Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám mục và quý Giám mục trong Hội đồng Giám mục. Ngài khen ngợi sự liên kết tốt đẹp từ các ân nhân tài trợ, các chuyên viên để chia sẻ sự đau khổ của các gia đình kém may mắn, đặc biệt sự quan tâm của quý linh mục sao cho hình thành lớp giáo lý đặc biệt cho các em, để các em có cơ hội hòa nhập tốt nhất. Ngài đọc Thông điệp của Đức Tổng Giám mục, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa nhân ngày Thế giới ý thức về Tự Kỷ lần thứ VIII.
Hội thảo
Nội dung chương trình hội thảo chia làm ba phần: Phần chuyên môn y khoa, nguyên nhân y sinh chẩn đoán, và trị liệu, Can thiệp và giáo dục và cuối cùng là Đồng hành với phụ huynh.
Qua phần chuyên môn y khoa, các bác sĩ và chuyên gia khẳng định: Các trẻ Tự Kỷ cũng như người lớn không thể chữa khỏi hoàn toàn Hội chứng Tự Kỷ, nhưng nhờ chẩn đoán can thiệp sớm trước 3 tuổi, sẽ giúp trẻ hội nhập tốt.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Chuyên khoa Tâm lý lâm sàng nhi, khuyên các phụ huynh những điều cần tránh khi phát hiện con bị tự kỷ: không sốc, đừng buồn bã hoặc trầm cảm, tức giận, phủ nhận hoặc cảm thấy bị cô đơn nhưng phải chấp nhận thực trạng này. Tiến hành điều trị ngay cho con. Để chăm sóc tốt cho con hãy chăm sóc bản thân mình. Yêu cầu giúp đỡ bằng cách trò chuyện với một ai đó, tham gia vào một nhóm tương trợ.
Về các phương pháp giáo dục có phương pháp Montessori, Tâm Vận Động, Trị Liệu bằng Âm Nhạc. Phần này Cô Khoái thuyết trình rất sinh động, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hình ảnh của các giáo viên diễn tả trên sân khấu, và mời cả cử tọa cùng nhúc nhích theo điệu nhạc. Nhờ âm nhạc giải quyết những khó khăn cho trẻ về Ngôn ngữ, Hành vi lăng xăng, Không tập trung, Thụ động khép kín và giúp các em Nhạy cảm âm thanh. Bài khóa rất cần thiết cho tương lai các em: Hướng nghiệp cho người Tự Kỷ.
Giao lưu
Phần giao lưu: Một học sinh 25 tuổi đã được học tại trường chuyên biệt, đã có việc làm. Qua cuộc nói chuyện của em, mọi người cũng nhận ra tính cách của một trẻ Tự Kỷ dù đã "lớn". Nhân vật thứ hai là một phụ huynh đã 10 năm đồng hành cùng con nói lên cảm xúc của mình. Từ khi tâm lý được giải tỏa nhờ khóa học với cố tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, chị đã chấp nhận con, cho con hòa nhập, dạy con học, nhờ đó em giảm bùng nổ, giảm lăng xăng, cứng ngắc, rập khuôn.
Mục vụ cho người Tự Kỷ
Và bài nói chuyện thu hút đám đông cử tọa, các tu sĩ các giáo lý viên cũng như các phụ huynh Công giáo là “Mục vụ cho người Tự Kỷ” do Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ.
Logo của Trung tâm Mục vụ có hình ảnh chữ M và chữ V đan kết vào nhau như trái tim của người mục tử đan kết với Thầy của mình là Chúa Giêsu Phục Sinh để phục vụ không bằng cái gì khác mà bằng trái tim. Ngài có những lời khuyên rất căn bản: Nếu không có trái tim không nên đi dạy. Phải là điểm tựa của các em bởi vì các em có hoàn cảnh đặc biệt. Một câu nói rất hay cho các nhà giáo: Còn làm người, khóc được là tốt, chỉ sợ mình không biết khóc. Đó cũng là tâm tình của Hội Thánh chúng ta. Mùa Chay, Đức Thánh Cha có nhắc đến một vấn nạn của thế giới là sự dửng dưng. Chữ Autism theo tiếng gốc Hy Lạp là tự thân, tự động. Ngẫm ra tất cả chúng ta ai cũng có những giây phút tự kỷ - chỉ biết tôi mà thôi. Ngay khi cầu nguyện với Chúa, chỉ xin cho riêng mình được hạnh phúc không cần biết đồng loại đang thiếu thốn, đau khổ.
Các em Tự Kỷ không phải là các em khác biệt nhưng là đặc biệt mà mình không đặc biệt để hiểu các em. Phải kiên nhẫn vì các em hành động khác thường, không biết trước được. Nếu làm căng với các em thì sẽ thất bại, vì thế tuyệt đối không xấu hổ vì chịu thua. Các em có trái tim, các em cảm được tình thương của mình đối với các em. Tình thương là giáo án thành công nhất không chỉ dành cho các em Tự Kỷ mà còn cho tất cả mọi người. Thái độ cần có của nhà giáo dục là khiêm nhường cúi xuống, mắt ngang tầm với mắt các em sao cho các em biết mình đang đối thoại với các em. Không vội vàng xét đoán ai Tự Kỷ khi chưa có những chẩn đoán đầy đủ. Tiếp cận bằng trái tim của Chúa không bằng khả năng riêng của mình, khiêm tốn chấp nhận chịu thua các em, chịu nhục như Chúa Giêsu trên Thập giá. Nói chung nhường ai một chút không mất mát gì, nhất là đối với người kém may mắn hơn. Ngài chân thành chia sẻ: Chính nhờ tiếp cận đồng hành với các em Tự Kỷ, ngài bớt “tự kỷ” hơn. Ngài vui mừng vì hôm nay có thêm 500 người đang hiện diện, cùng với ngài làm cho xã hội ý thức hơn, làm cho Giáo hội có nhiều điều kiện tiếp xúc, đồng hành với các em.
Ngài ước mơ có thể tổ chức lớp giáo lý Chúa nhật, tạo sân chơi cho các em Tự Kỷ và các phụ huynh đến cùng chia sẻ với nhau.
Ngài chúc cho mọi người sau buổi hội thảo gặp gỡ, khám phá không chỉ về mặt tri thức nhưng còn về mặt tương quan với nhau, tương quan với chính mình, đặc biệt là làm sao những kiến thức những cảm nghiệm ta có hôm nay, giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn, quảng đại hơn, chan chứa trong yêu thương với tất cả anh em.
Kết thúc
Vì thời gian có hạn, hội thảo đành phải kết thúc trong lưu luyến với lời hẹn: Lần sau sẽ có những cuộc gặp gỡ khác đông đảo hơn và bổ ích hơn nữa.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020