Hội thảo Thân Thế và Sự Nghiệp Linh mục Léopold-Michel Cadière tại Huế - Bản tin số 1

Hội thảo Thân Thế và Sự Nghiệp Linh mục Léopold-Michel Cadière tại Huế - Bản tin số 1

Với dụng ý đặt cuộc Hội thảo "Thân thế và sự nghiệp Linh mục Léopold Michel Cadiere (1869-1955)" dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, cuộc Hội thảo đã được bắt đầu bằng nghi thức cung nghinh và tuyên đọc Lời Chúa (Ep.2,11-22), và tuyên đọc phần mở đầu của Tông huấn “Giáo Hội tại Châu Á” của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, sau đó, hát kinh Chúa Thánh Thần.

Trong số quý khách, chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của quý Đức Cha:

- Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN.

- Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa, Phó CT HĐGMVN.

- Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Chủ tịch HĐGMVN.

- Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan Thiết, Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá.

- Giuse Võ Đức Minh, GM Nha Trang, Phó Tổng Thư Ký - HĐGMVN.

- Phêrô Trần Đình Tứ, GM Phú Cường, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự - Nghệ thuật thánh.

- Phaolô Bùi Văn Đọc, GM Mỹ Tho, Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin.

- Giuse Vũ Văn Thiên, GM Hải Phòng, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Giới Trẻ.

- Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội.

- Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GM Thái Bình, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông.

- Phaolô Nguyễn Thái Hợp GM Vinh.

- Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM Huế.

- PX Lê Văn Hồng, GM Phụ tá Huế.

Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các tôn giáo bạn:

- Ông Mai Thanh Danh, Chánh Trị sự Ban cai quản Hội thánh Cao Đài Tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Mục sư Đinh Văn Tư, Trưởng Ban Đại diện Hội Thánh Tin Lành Thừa Thiên Huế.

Về phía Chính quyền, chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của quý vị :

- Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Công giáo Ban Tôn giáo Chính phủ.

- Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, TT Huế.

- Ông Hoàng Trọng Bình,PCT UBMTTQVN, TT Huế.

- Ông Nguyễn Tài Tuệ, Phó GĐ Sở Nội Vụ, Trưởng ban Tôn giáo TT Huế.

- Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng Ban Tôn giáo Tỉnh Quảng Trị.

- Ông Hoàng Thế, Phó Chủ tịch UBMTTQVN Tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, còn có lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Tỉnh TT Huế, Thành phố Huế và Phường Vĩnh Ninh.

Hội trường của Trung tâm Mục vụ Giáo phận, với hơn 600 chỗ, đã đầy ắp tham dự viên, đến từ nhiều giáo phận, kể cả một số từ nước ngoài (Đức, Pháp…), rất đông linh mục và nam nữ tu sĩ, cùng nhiều nhà nghiên cứu từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại Thừa Thiên Huế.

Sau phần giới thiệu quý khách tham dự, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã lên phát biểu khai mạc.

Ngài đã lướt qua lịch sử truyền giáo ở VN, khởi từ 1533, qua thời điểm năm 1615 tại Đàng Trong và năm 1627 tại Đàng Ngoài. Đức cha Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh đến thời điểm năm 1659 khi Tòa Thánh thành lập hai giáo phận ở Việt Nam, kèm theo một Huấn thị về truyền giáo, trong đó nhấn mạnh đến hội nhập văn hóa, với tinh thần tôn trọng và quý mến văn hóa địa phương. Đức Cha Chủ tịch đề cao Cha Léopold-Michel Cadière là người đã thấm nhuần Huấn thị của Tòa Thánh và đem ra thực hành một cách xuất sắc trong 63 năm sống và chết ở Việt Nam. Đức Cha Chủ tịch cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các thừa sai thuộc nhiều Dòng khác nhau đã từng đến Việt Nam hoạt động truyền giáo, cách riêng, tri ân Hội Thừa sai Paris đã đồng hành và hỗ trợ Giáo hội Việt Nam từ ngày dầu cho đến nay. Đức cha Chủ tịch cũng “bày tỏ cách chính đáng niềm tự hào về sự đóng góp khiêm tốn nhưng thiết thực của Giáo Hội Công Giáo cho nền văn hóa, văn minh của đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta”.

Kế đó, Đức Cha Vũ Duy Thống, Chủ tịch Uỷ ban Văn hóa - HĐGMVN, đã phác thảo chân dung của Linh mục Cadière trên ba chiều kích: một thừa sai nhiệt thành, một nhà nghiên cứu khoa học say mê, và một con người văn hóa, thực hiện hội nhập hết mình với văn hóa Việt. Chính việc kết hợp nhuần nhuyễn ba chiều kích này nơi một con người Cadière, đã nâng tầm cao của nhân vật này.

Phần tham luận chính được bắt đầu bằng bài thuyết trình của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, với tựa đề “Léopold Cadière và hội nhập văn hóa, một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng”, đề cập đến tinh thần của Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, cách riêng Huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền Giáo vốn là những cơ sở để Cha Cadière dựa vào và áp dụng trong hoạt động truyền giáo ở Việt Nam.

Ở phần kết luận, diễn giả nêu ra ba điều: 1/ Đã đến lúc chúng ta nên có một nghĩa cử nào với Cha Cadière; 2/ Giáo hội Việt Nam nên tiếp tục dấn thân theo con đường hội nhập văn hóa mà Cha Cadière đã vạch ra; 3/ Và đề nghị: Sắp tới ngày kỷ niệm 70 năm mất của thi sĩ Hàn Mặc Tử, Giáo hội Việt Nam cũng nên có một hoạt động tưởng niệm nào đó để tôn vinh một nhân tài và đồng thời khích lệ hoạt động văn hóa trong giới Công giáo.

Sau phần giải lao có phục vụ văn nghệ (do các ca viên thuộc ca đoàn Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam đảm trách), Hội thảo được tiếp tục nghe bài tham luận của nhà sử học Đào Hùng.

Diễn giả đã từ những công trình nghiên cứu của Cha Cadière, liên tưởng đến những đóng góp của các thừa sai khác về lãnh vực văn hóa, tiêu biểu là Linh mục Francois Marie Savina, với nhiều công trình ngôn ngữ các dân tộc miền Tây Bắc, và Linh mục Jacques Dournes, với hơn 250 công trình liên quan đến đồng bào Tây Nguyên. Nhưng so sánh giữa các nhân vật này, diễn giả cho rằng Cadière nổi vượt về lòng kính trọng và quý mến người Việt và đi trước thời đại về quan niệm nghiên cứu. Từ đó, diễn giả đề cao nền đào tạo của Hội Thừa sai Paris và mong ước rằng các Đại chủng viện ở Việt Nam cũng sẽ đào tạo ra những nhân tài như các vị thừa sai tiền bối. Và đó sẽ là một đóng góp rất lớn cho quê hương Việt Nam.

Buổi chiều, cử tọa được nghe ba bài tham luận, trước hết là của Giáo sư Trần Văn Toàn, từ Pháp về, trình bày đề tài Minh triết dân gian VN theo cái nhìn của Cố Cả (Léopold Cadière).

Diễn giả cho rằng, theo Cha Cadière, tuy người Việt không có một hệ thống triết lý, nhưng lại có cả một nền minh triết dân gian phong phú, gồm cả vũ trụ quan và nhân sinh quan. Diễn giả đưa ra nhiều minh họa lý thú, nhưng vì hạn chế thời gian nên không thể trình bày hết. Phần cuối, diễn giả cho rằng khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, người Việt bắt đầu xây dựng một hệ thống triết lý cho riêng mình, và tương lai, nền triết học này tùy thuộc vào thế hệ trẻ.

Đề tài thứ tư do Nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan trình bày với tựa đề "Huế dưới con mắt của Cadière và L. Cadière dưới con mắt một người Huế", đề cao những tình cảm sâu đậm và công trình của Cadière với Huế, và gợi ý về một đền đáp của người dân Huế với vị linh mục khả kính này.

Diễn giả nói: “Cadière đã đến Huế, đã ở với Huế, đã nghiên cứu về Huế, đã hiểu biết sâu sắc về Huế, đã yêu mến Huế, đã bảo vệ Huế, đã giới thiệu Huế ra thế giới và cũng đã mong muốn được ở Huế cho đến ngày cuối cùng và được chết trên đất Huế” và kết luận: “ Đã đến lúc Huế phải tôn vinh Cadière”.

Thuyết trình cuối cùng trong ngày là của Cha Jean Baptiste Etcharren, nguyên Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris. Tựa đề bài là L.Cadière, hình ảnh một thừa sai và lời khuyên cho thế hệ thừa sai trẻ”.

Cha Etcharren trình bày bằng tiếng Việt, với giọng nói rất chuẩn và thu hút, nên cử tọa lắng nghe thích thú. Theo diễn giả, Cha Cadière trước hết là một con người của đức tin và chiều kích tâm linh là nền tảng cho mọi chọn lựa và hoạt động của ngài. Ngài đặt ánh sáng đức tin lên trên tất cả. Và trong thực tế, Cha Cadière là một thừa sai nhiệt tình và đức hạnh, và chính ngài đã truyền lại những kinh nghiệm cho các thế hệ thừa sai trẻ, qua các nghiên cứu của ngài, trong đó, phải kể đến lãnh vực giảng dạy và đào tạo các linh mục, cũng như việc tổ chức và hoạt động của các giáo xứ. Diễn giả đã dẫn chứng nền tảng đức tin của Cha Cadière bằng cách đọc lại những lời cuối cùng của Cha Cadière, bài “Nâng tâm hồn lên” (Élévation!), như một tuyên xưng đức tin và như những lời tụng ca. Cũng theo Cha Etcharren, cách tri ân hay nhất với tiền nhân và người có công, là “làm sống lại tinh thần của họ trong thời đại chúng ta”. Chính trên cơ sở đức tin và lòng nhiệt thành loan truyền Ơn Cứu Độ mà Cha Cadière đã thực hiện các công trình nghiên cứu của mình, và chính các công trình này lại hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động truyền giáo của ngài.

Một trong những điểm chung nhất của các tham luận, được lặp lại nhiều lần, là tài năng đa dạng của Cadière trên nhiều lãnh vực, từ lịch sử, văn hóa đến ngôn ngữ học, nhân chủng học, mỹ thuật và cả thực vật học...Và nhất là lòng yêu mến và quý trọng mà Cha Cadière dành cho văn hóa Việt và người Việt. Nhiều diễn giả đã trích lại những lời này của Cha Cadière: “Tôi đã nghiên cứu các tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, những thói quen, những phong tục của họ… Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ…Khi đã nghiên cứu và đã hiểu người Việt Nam, tôi đã yêu mến họ. Tôi đã yêu mến họ vì tài thông minh và trí sắc sảo của họ…Tôi đã yêu mến họ vì những nhân đức luân lý của họ… Tôi đã yêu mến họ vì tính cách của họ… Sau hết, tôi đã yêu mến họ vì những đau khổ của họ”.

Ban tổ chức cũng dành thời gian cho thảo luận, cả sáng và chiều. Đã có tất cả 12 phát biểu từ các nhà nghiên cứu và từ cử tọa, tập trung về các nội dung mà các diễn giả đã nêu, phần lớn là các ý kiến đồng thuận và bổ sung về tính cách con người Cha Cadière và các công trình của ngài. Trong số các ý kiến này, đáng chú ý là đề xuất của TS Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Huế về một hành động tôn vinh nào đó dành cho Cadière, như một con đường, một thư viện, hay một công trình văn hóa, và hơn nữa, là làm sao tiếp tục được sự nghiệp và tinh thần của Cadière ? GS Đỗ Quang Hưng cũng nêu lên hai đặc điểm tuyệt vời và đi trước thời đại, đó là phương pháp nghiên cứu tôn giáo và nhất là trong ngành nhân chủng học tôn giáo.

Ngày hội thảo đầu tiên đã diễn ra khá sôi nổi và làm hài lòng cử tọa, hứa hẹn ngày hôm sau hấp dẫn.

Ban Thư ký Hội Thảo

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top