Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần 32
WGPSG -- “Hát là cầu nguyện hai lần”
Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức buổi Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần 32 vào thứ Tư, 10.04.2013, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.
Đến tham dự chương trình có Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc; Lm. Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký Ủy ban Thánh nhạc; Lm. Giuse Xuân Thảo, chủ nhiệm nội san Hương Trầm; Lm. Phêrô Huy Hoàng, chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác; Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, OP, nguyên Trưởng ban Thánh nhạc TGP Sài Gòn; các Lm. nhạc sĩ: Ân Đức, Tiến Lộc; các Lm. Trưởng ban Thánh nhạc các Giáo phận Hà Nội, Bùi Chu, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Xuân Lộc, Phú Cường… Ngoài ra, còn có sự hiện diện của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ Công giáo, nam nữ tu sĩ, chủng sinh, các ca trưởng và nhạc công đến từ nhiều Giáo phận.
Đúng 8g15, Hội thảo được khai mạc bằng lời cầu nguyện tha thiết qua bài hát Kinh Hòa Bình. Sau đó, người dẫn chương trình, nhạc sĩ Minh Tâm, đã giới thiệu thành phần tham dự và điểm qua một số thông tin về Giáo hội và Thánh nhạc trong nước.
Tiếp theo, Cha Rôcô Nguyễn Duy đúc kết một số góp ý cho bản Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc từ Hội thảo 31 cho đến nay. Những góp ý ấy cho thấy những thao thức về Thánh nhạc đã lan tỏa và lớn lên trong lòng các thành phần dân Chúa. Thánh nhạc đã thực sự khởi sắc và đi đúng nhịp sống Phụng vụ của Giáo hội, có vị trí xứng đáng trong cử hành Phụng vụ. Cha đặc biệt cám ơn những góp ý giá trị của Đức cha Nguyễn Văn Hòa, Lm. Kim Long, Lm. Đỗ Xuân Quế.
Chương trình được tiếp tục với phần thuyết trình của Lm. nhạc sĩ Ân Đức với đề tài: “Cung hát Thánh vịnh”.
Cha Ân Đức đã mở đầu bài thuyết trình bằng câu nói bất hủ của Thánh Augustinô: “Hát là cầu nguyện hai lần”. Tám cung hát Thánh vịnh mà Cha Ân Đức giới thiệu đã được trải qua những nghiên cứu và thử nghiệm hơn 30 năm của tập thể Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Công trình này nhằm thích nghi Phụng vụ theo tinh thần của Công đồng Vatican II, bằng cách cung điệu hóa việc cử hành Thần vụ: phối hợp cách hát Bình ca với tính đặc thù của ngôn ngữ Việt Nam. Hiện có rất nhiều Dòng đã và đang ứng dụng phần nào cách hát này trong các Giờ Kinh của cộng đoàn. Ngoài ra, những nguyên tắc hát Thánh vịnh này có thể ứng dụng để hát Đáp ca trong Thánh lễ, đúng theo tinh thần Phụng vụ.
Trong khi thuyết trình, Cha Ân Đức đã có những áp dụng cụ thể cho từng cung, với phần hát minh họa của các Đan sĩ Dòng Nữ Xitô Thánh Gia và một số ca viên.
9g30, hội thảo viên được chia thành ba nhóm và bước vào phần thảo luận với hai gợi ý sau:
1. Xin góp thêm những ý mới cho bản Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc.
2. “Các cung hát Thánh vịnh” có thể áp dụng trong Phụng vụ được không?
Phần thảo luận đã diễn ra thật sôi nổi. Trong phần báo cáo đúc kết của các nhóm, mỗi nhóm đều đưa ra những góp ý chân thành cùng những thắc mắc xin được giải đáp. Nhìn chung, các hội thảo viên vẫn còn nhiều ưu tư về nền Thánh nhạc Việt Nam. Riêng công trình “Các cung hát Thánh vịnh” của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam đã được đánh giá là phong phú, khi có sự phối hợp hài hòa cách hát bình ca với tính đặc thù của ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, “Cung hát Thánh vịnh” thích hợp cho giờ kinh Phụng vụ của các cộng đoàn Dòng tu hơn là sinh hoạt Phụng vụ ở các giáo xứ.
Cha Rôcô Nguyễn Duy và Cha Ân Đức đã trình bày một số giải đáp cho những thắc mắc được nêu lên trong phần đúc kết thảo luận của ba nhóm.
Trước khi kết thúc, Đức cha Vinh Sơn, Chủ tịch Ủy Ban Thánh nhạc Toàn quốc đã đưa ra một số thông báo, nhận định. Ngài cũng chia sẻ nỗi băn khoăn của ngài trước thực trạng hiện nay về vai trò của ca đoàn trong sinh hoạt phụng vụ. Theo ngài, vai trò của ca đoàn trong cộng đoàn phụng vụ cần được đề cao, nhưng đồng thời phải để ý đến vai trò cộng đoàn trong việc ca hát. Khi lựa chọn bài hát, ca trưởng cần lưu ý đến tính phổ quát, để cộng đoàn có thể tham gia và cầu nguyện một cách sốt sắng, cần tránh tình trạng biểu diễn, phô trương tài năng.
Vâng! Lời nhắn nhủ của Đức cha thật là hữu ích cho những ai đang dùng lời ca, tiếng hát của mình để phục vụ cộng đoàn dân Chúa trong các sinh hoạt phụng vụ.
Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần 32 đã khép lại vào lúc 11g30, nhưng đã mở ra những định hướng cần thiết cho nền Thánh nhạc Việt Nam trong tương lai.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020