Hội Thừa Sai Việt Nam: Khánh thành nhà học viện
WGPSG -- Lúc 09 giờ 30, ngày 04/12/2010, Hội Thừa Sai Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Học viện do Đức Giám mục Giáo phận Phú Cường Phêrô Trần Đình Tứ, đặc trách Hội Thừa Sai Việt Nam, chủ sự. Quý cha bề trên, cha quản hạt Tân Sơn Nhì cùng cắt băng khánh thành. Tiếp theo, Đức cha Phêrô chủ sự Thánh lễ Tạ ơn trọng thể, gần 100 quý cha đồng tế, có đông đảo các tu sĩ nam nữ, khoảng 2.000 khách mời và giáo dân tham dự.
Hội Thừa Sai Việt Nam được phục hồi theo quyết định của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1999, đánh dấu một bước ngoặc mới, mở ra một trang sử mới cho Hội. Hội Thừa Sai được thiết lập với mục đích trước tiên là để làm việc truyền giáo, là tự hiến để được sai đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì, chủ yếu là đem Tin Mừng đến cho mọi người và đưa mọi người về với Chúa để nhận ơn cứu độ Chúa thông ban.
Học viện nằm cạnh khuôn viên giáo xứ Gò Mây, giáo hạt Tân Sơn Nhì, trên địa bàn Kp. 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ chí Minh. Cha Giuse Nguyễn Hồng Phúc, giám đốc Học viện Hội Thừa Sai Việt Nam, cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Đức cha Phêrô đặc trách, Hội đã có những bước chuyển mình và đã đạt được những thành quả về nhiều phương diện. Một trong những thành quả mà chúng ta thấy hôm nay là ngôi nhà Học Viện khang trang, bề thế nhất trong các cơ sở của Hội tính đến thời điểm này. Hy vọng nơi đây sẽ trở thành nơi quy tụ, huấn luyện, đào tạo những nhà truyền giáo cho cho Hội Thánh Việt Nam."
Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức cha Phêrô nhấn mạnh: “Tất cả mọi người có mặt trong ngày hôm nay, dù là thành viên Hội Thừa Sai, hay những khách từ xa tới, tất cả chúng ta đều là những người thọ ơn Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Nếu tất cả là hồng ân, thì tất cả những gì chúng ta đang có, từ thân xác, linh hồn, các tài năng, của cải vật chất và tinh thần, đều do Chúa ban. Nhưng nên nhớ rằng, khi Chúa ban cho ai một ơn huệ nào, thì Ngài không muốn người ấy hưởng một mình, mà phải chia sẻ cho những người chung quanh.
Nói khác đi, thực sự, chúng ta không phải là sở hữu chủ những gì mình đang có, nhưng chỉ là những người quản lý. Và nếu là quản lý, thì chúng ta có nhiệm vụ phải làm theo ý chủ. Và ý của Chúa là muốn chúng ta sử dụng những gì Chúa ban để tôn vinh danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho anh chị em chúng ta. Đó là cách quản lý đúng đắn những tài sản Chúa trao phó cho chúng ta vậy.”
Đức Cha Phêrô cám ơn tất cả các ân nhân, và ngài kêu gọi tiếp tục giúp đỡ, như trước đây các vị Thừa sai từ ngoại quốc đến để gieo hạt giống đức tin đức tin trên quê hương chúng ta, thì nay Hội Thừa Sai Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ đến bất cứ nơi đâu.
Đại Hội Dân Chúa Năm Thánh 2010 vừa kết thúc. Tinh thần của Đại Hội nhấn mạnh tới sứ vụ Loan báo Tin mừng của toàn thể cộng đồng Dân Chúa cũng như của mỗi cá nhân. Vì thế, ý thức về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội và mỗi người, cũng như nỗ lực thực thi sứ vụ ấy, chính là việc làm tốt nhất để tỏ lòng biết ơn Chúa trong hoàn cảnh hiện nay.
Thánh lễ kết thúc lúc 11h00, một niềm hân hoan trào dâng trong lòng mọi người, cảm tạ muôn vàn hồng ân Chúa ban. Hôm nay Hội Thừa Sai Việt Nam đã có nơi xứng đáng để học tập, để đào tạo nên những “Sứ giả Tin Mừng”, đáp lại lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
ĐÔI NÉT LỊCH SỬ VIỆC THÀNH LẬP HỘI THỪA SAI VIỆT NAM (theo VietCatholic)
Hội Thừa Sai Việt Nam được Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định thành lập năm 1971, với mục đích:
Đào tạo và hướng dẫn các vị truyền giáo Việt Nam, để họ ra đi loan báo Tin Mừng giữa lương dân.
Và để Giáo hội Việt Nam tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban đức tin cho dân tộc mình, đồng thời chia sẻ với Giáo hội toàn cầu bổn phận truyền giáo cho các dân tộc (AG 20).
Khi thiết lập Hội Thừa Sai Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã trao cho Đức Tổng Giám mục Huế - Phillipphê Nguyễn Kim Điền, Giám mục tiên khởi đặc trách hội.
Khi Hội được báo cáo cho Tòa Thánh và ban ngành liên hệ, như Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng y tổng trưởng và Đức Giám mục tổng thư ký Bộ Truyền giáo, và cuối cùng, chính Đức Thánh cha Phaolô VI đã ký văn thư bày tỏ sự ưng thuận và khích lệ như sau:
Gởi hiền đệ của chúng tôi là Đức cha Phillipphê Nguyễn Kim Điền,
Tổng Giám mục Huế, vị phát động và đặc trách Hội Thừa Sai Việt Nam.
Chúng tôi bày tỏ sự vui lòng của chúng tôi đối với sáng kiến truyền giáo đầy quả cảm và theo sự quan phòng của Chúa. Trong giờ phút đầy đau thương và thử thách hiện tại, sáng kiến này chứng tỏ sức sống và sự kiên trung của Giáo hội Công giáo Việt Nam đối với ơn gọi của mình là Kitô hữu và Tông đồ, điều đó cho phép chúng ta thoáng nhìn được công cuộc truyền bá Tin Mừng trên lục địa Á Châu trong niềm khích lệ và hy vọng. Vì thế, với tất cả lòng tha thiết, chúng tôi ban cho Đức cha và cho tất cả những ai tiếp nhận lời mời gọi của Đức cha, tham gia và hỗ trợ công cuộc thừa sai này, Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.
Vatican, ngày lễ Thánh Giuse 19.3.1971
Phaolo VI, Giáo Hoàng.
Để hoạt động của hội đi vào nề nếp quy củ, Đức cha đặc trách đã soạn thảo một quy chế với tên gọi “quy chế hội Thừa Sai Việt Nam” và đệ trình lên Hội đồng Giám mục, và được chuẩn y ngày 23-8-1972.
Một tuần sau đó, ngày 1-9-1972, Đức cha đặc trách đã gởi tới các Linh mục Việt Nam một lá thư ngỏ, trình bày nguồn gốc, đường hướng và quy chế hội Thừa Sai Việt Nam.
Chỉ trong hơn 2 năm hoạt động, hội đã có 75 thành viên, gồm 6 cộng đoàn, và một Đại Chủng viện Thừa Sai (chính thức thành lập ngày 7-8-1974 và đặt tại Trung tâm Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé, nay là Bình Dương). Trong ngày lễ khai giảng khóa đầu tiên của Đại Chủng viện, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã đến dự.
Một sự kiện quan trọng đáng nhớ đối với Hội, ngày 10-8-1974, Đức Hồng y Rossi, Tổng Trưởng Bộ Truyền bá Phúc Âm, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngài đã đến thăm các cộng đoàn của Hội và các gia đình Thừa Sai để động viên khích lệ.
Biến cố 1975 xảy ra, hoàn cảnh mới và nhiều thay đổi nên sinh hoạt của Hội cũng bị ngưng trệ một thời gian dài, cho đến ngày 5-10-1998, Hội đã đệ trình lên Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, khi đó đang là Chủ tịch Hội đồng Giám mục, một thỉnh nguyện thư, xin can thiệp với Hội đồng Giám mục để Hội được sinh hoạt trở lại. Thỉnh nguyện thư đã được Hội đồng Giám mục chấp thuận trong khóa họp tháng 10-1999, và trao cho Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường đặc trách Hội.
Tính từ ngày Hội được phục hồi đến nay là 11 năm, một thời gian ngắn ngủi trong một hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn cả về mặt khách quan lẫn chủ quan, thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Đức Cha Phêrô đặc trách, Hội đã được những thành quả rất đáng trân trọng và khích lệ.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12