Hướng về Cha qua dòng chảy kinh nguyện của nhiều mảnh đất niềm tin
Con người là hữu thể tương quan, do đó lúc nào con người cũng ở trong tâm thế tương quan với ai đó. Có nhiều cuộc “nói chuyện”: nói chuyện riêng, nói giữa cộng đoàn, lắng nghe và tọa đàm… Sau một cuộc giao tiếp giữa người với người, đôi bên đều cảm nhận một kết quả do tương quan. Kinh nghiệm của mỗi người ít nhiều đều chứng thực sự kiện này.
Đối với tín đồ các tôn giáo, thì việc cầu nguyện với “Đấng Thiêng Liêng” mà mình tôn thờ là bổn phận – niềm vui – niềm tin yêu, cậy trông – là con đường tu tập, đạo đức – là hạnh phúc … Cầu nguyện biểu thị “cuộc hội thoại giữa con người thể phách với Đấng Linh Thánh vô hình”. Cuộc đàm đạo giữa phàm nhân với thần linh mang lại hoa quả siêu thường! Điều này thoạt nghe có vẻ võ đoán, nhưng đối với tôi lại là một quả quyết. Có ai trong đời chưa từng có thái cử “cầu nguyện” theo kiểu ngửa mặt lên trời thở dài hoặc kêu “TRỜI ƠI!”?
“Đấng Thiêng Liêng” được quan niệm khác nhau theo xác tín riêng của mỗi cộng đồng tôn giáo. Thần Phả và niềm tin về thần linh của các tín đồ không giống nhau, thôi thì Đạo ai người ấy theo! Hình như tại Việt Nam, chưa có một buổi thưa chuyện với các thần của các tôn giáo trong cùng một thời gian. Có lẽ vì sợ thần không hài lòng hay e ngại bị hiểu lầm về sự trộn lẫn niềm tin như một thứ “tôn giáo thập cẩm”…
Lúc 16g, ngày 27.10.2011, tại Giảng đường của Trung Tâm Mục Vụ TGP Tp.HCM đã diễn ra chuyện “người của sáu niềm tin khác nhau thưa chuyện với Đấng mình tin thờ trong vòng nửa giờ”. Được diễm phúc tham dự, nơi trí lòng tôi cũng trỗi lên bao thắc mắc: cầu nguyện sao đây với sáu niềm tin tôn giáo khác nhau? Nội dung kinh hạt và cách thức tụng niệm khác nhau quá mà! Có hình ảnh, tượng Chúa, Phật… gì không ?
Sau cùng tôi tự chọn một giải pháp cho riêng mình để sống buổi cầu nguyện này: nhẩm Kinh Lạy Cha. Lời nguyện do Chúa Giêsu dạy gồm 10 ý: 1. Lạy Cha chúng con ở trên trời 2. Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng 3. Nước Cha trị đến 4. Ý Cha được thể hiện dưới đất và trên trời 5. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực (Lời Chúa và cơm bánh) 6. Tha tội nợ của chúng con 7. Như chúng con tha tội cho anh em 8. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ 9. nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ 10. Amen. Dựa vào 10 ý trên, tôi lắng nghe từng lời cầu nguyện của từng vị Đại diện của các tôn giáo, tôi dễ hiểu lời cầu nguyện của họ hơn (tôi xác tín rằng Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu dạy là đủ ý cho những nhu cầu của tôi). Xin mời quý độc giả cùng tôi hồi tưởng lại nửa giờ cầu nguyện đó, hy vọng có ai đó cũng rơi lệ hạnh phúc-bình an như tôi…
Cha Bình, một trong hai MC của ngày “HỘI NGỘ-CHUNG TAY XÂY DỰNG BÌNH AN” nói: “kính mời mọi người đứng lên, chúng ta cùng dành 3 phút thinh lặng để chuẩn bị vào giờ cầu nguyện ... Xin kính mời ông Nguyễn Đình Thỏa, Đại diện Cộng Đồng tôn giáo Baha’i VN, Lễ sanh Ngọc Hiếu Thanh, Đại diện Cao Đài, Imam Trịnh Ngọc Đạt - Cộng Đồng Hồi Giáo, Đạo trưởng Đại Bác, Đại diện Minh Lý Đạo, Thượng Tọa Thích Minh Lộc, Đại diện anh chị em Phật Giáo, sister Grace, Đại diện khối Kitô giáo. Kính mời mọi người đứng, cùng hiệp ý với Đức Hồng Y, Đức Giám Mục Phaolô, Cha Phanxicô Xaviê dâng hương. Làn điệu nhẹ nhàng, thanh thoát của bài “Lời con như trầm hương” với âm sắc đàn tranh nâng lòng trí chúng tôi lên chơi vơi cùng với làn trầm thơm đang ngào ngạt bay.
1/ Lời kinh của Đạo Baha’i do Abdul-Baha soạn, có nội dung chính như sau: Lạy Đấng Từ bi chí tôn, Ngài đã tạo ra nhân loại cùng một bản thể … mọi người đều thuộc về một gia đình … ai cũng là tôi con của Ngài (ý 1)
… Xin ban phúc thống nhất loài người, xin ban phúc cho các tôn giáo hòa hợp, các quốc gia trở thành một nước, mọi người coi nhau như anh em trong một gia đình (ý 3)
… xin ban phúc cho mọi người sống chung trong sự thái hòa (ý 4)
… xin Ngài mở đường soi sáng mắt chúng con bằng linh quang của Ngài, xin Ngài mở tai chúng con bằng lời êm dịu của Ngài (ý 5 “Lời Chúa cũng là lương thực của con”)
… Đấng Đại từ Đại bi, Đấng Quảng đại khoan dung mọi nỗi ươn hèn của nhân loại (ý 6)
Tôi hiệp thông được các ý: 1, 3, 4, 5, 6.
2/ Lời nguyện của đại diện Đạo Cao Đài:
Nghe lời khuyến thiện rất may (ý 4)
Nguyện lòng niệm Phật ăn chay làm lành (ý 2)
Ngày ngày tập sửa tánh thành
Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn (ý 8)
Một là hối ngộ tự căn (ý 6)
Hai là cầu đặng siêu thăng cửu huyền (ý 3)
Đương sanh hưởng phước duyên
Trong nhà già trẻ miên miên thái bình (ý 9)
Sau dâu đến chốn Diêm Đình
Linh hồn trong sạch nhẹ mình thảnh thơi
Luân hồi trở lại trên đời
Tiền công thì cũng Phật Trời thương ban. (ý 3)
Cầu xin trăm họ bình an
Nước giàu dân mạnh thanh nhàn muôn năm (ý 4)
Tôi hiệp thông được các ý:2,3,4,6,8,9
3/ Lời cầu nguyện của vị đại diện Islam:
Kính thưa ALLAH xin Ngài ban hồng phúc cho nabi MUHAMAD (Đấng Sáng lập) … nabi IBRAHIM (Tổ phụ ABRAHAM) đây là nói về Thiên Chúa Do Thái Giáo (ý 1)
ALLAH đã tạo ra nabi ADAM và EVA … để cai quản và sử dụng muôn loài vạn vật trên hành tinh này (Tôi nhớ đến Chương 1 và chương 2 của sách Sáng Thế, hồi hộp quá !)
… nay cầu xin ALLAH tha thứ tội lỗi cho những người quá cố cũng như những người còn sống (ý 6) Tôi cảm nhận được mầu nhiệm hiệp thông giữa Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội thanh luyện ở ý này nên cảm giác thật mênh mông và sâu chơi vơi.
… xin Ngài ban cho chúng tôi sống bình yên, bởi Ngài là Đấng chủ nhân của sự thái bình (ý 3)
… xin Ngài ban sự tốt đẹp cho chúng tôi ở trần gian này (ý 5)
… xin Ngài che chở chúng tôi đừng làm điều sai quấy do SHAITON (ma quỷ) cám dỗ, và xin Ngài che chở chúng tôi khỏi lửa địa ngục (ý 9) Ở lời cầu nguyện này không khác gì ý số 9 của Kinh lạy Cha. AMEN (ý 10) tôi gật gù tâm đắc lắm vì nhớ lại Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: “Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,31-32)
Sao nghe lời cầu nguyện của vị Iman này mình có nhiều liên tưởng thế nhỉ, cũng cảm thấy gân gũi vì có điểm tương đồng với truyền thống Kinh Thánh chăng!
Tôi hiệp thông được các ý:1, 3, 5, 6, 9, 10 và tâm tình tạ ơn vì Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa.
4/ Bài Kinh Cầu Nguyện của Minh Lý Đạo
Trước bệ ngọc lòng thành khấu bái,
Đấng Chí Tôn quảng đại bao dung.
Đoái thương nhân loại trần hồng,
Hạ ngươn mạt kiếp chập chồng tai ương.
Qui vạn pháp mở đường tân pháp
Dù rằng Đạo trưởng Đại Bác đang nói đến Kỳ III của Đại Đạo tam Kỳ Phổ Độ, nhưng nghe đến từ “tân pháp”, tôi lại nghĩ đến thời kỳ Tân Ước với sự xuất hiện của NGÔI HAI THIÊN CHÚA LÀ ĐỨC GIÊSU. Tai tôi như nghe lại lời của Thánh Gioan đã viết “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1, 14)
… Chuyển Thượng-ngươn, dinh hoàn tái tạo,
Nghe được từ “tái tạo”, trí tôi chợt lật lại “Lịch sử Cứu độ” với Kế Hoạch Tái Tạo của Thiên Chúa sau khi nguyên tổ phạm tội. Tự dưng cảm thấy gần gũi, cảm giác vui vui của tôi không phải là sự tương đồng của hai tôn giáo, nhưng là nhờ lời cầu nguyện này mà tôi lại được nhìn ngắm Tình Yêu bao la-vĩ đại-nhưng không của Đấng Tạo Thành qua Chương Trình Cứu Độ. Bỗng dưng tôi cảm động.
Nay đệ tử trước đàn cung kính,
Nguyện một lòng thọ lịnh thiên ân.
Dầu cho gian khổ muôn ngần,
Nguyện đem chánh pháp hóa hoằng mười phương. (ý 4)
Nguyện đem cả tình thương san sẻ,
Cho mọi người, mọi kẻ, mọi nơi.
Năm Châu cũng một bầu trời, … (ý cầu cho Tình Huynh Đệ đại đồng)
Tôi vừa được Tình Yêu Thiên Chúa đánh động, thì tai tôi lại nghe tiếp ý “đem cả tình thương san sẻ”. Mặt tôi đang ngẩng nhìn lên bao la, bỗng cúi đầu ! Tương quan chiều dọc tôi vừa có thì liền xuất hiện mối tương quan hàng ngang, mối tương quan với anh chị em mà ta đang chung sống đây lại dễ thấy mà khó làm lắm thay! cúi đầu để tự vấn.
Tôi hiệp thông được các ý: 4, thời kỳ Tân Ước với Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế, Kế Hoạch Tái Tạo của Thiên Chúa, tình Huynh Đệ Đại Đồng, tâm tình thống hối (ý 6)
5/ Lời cầu nguyện của các chư tăng thuộc phái Khất sĩ Việt Nam (không chuông, mõ)
Lời cầu nguyện gồm 4 phần: Dâng hương, Kinh cầu nguyện, Thập nguyện, Hồi hướng.
Tôi xin nói về phần Thập nguyện
Một nguyền lễ kinh Như Lai (ý 2)
Hai nguyền xưng tán công dày Thế Tôn (ý 2)
Ba nguyền tu phước cúng dường (ý 4)
Bốn nguyền sám hối nghiệp vương tội trần (ý 6)
Năm nguyền tùy hỉ công huân (ý 7)
Sáu nguyền thỉnh chuyển pháp luân độ người (ý 7)
Bảy nguyển thỉnh Phật ở đời (ý 9)
Tám nguyền học Phật tùy thời phát minh (ý 4)
Chín nguyền hằng thuận chúng sinh (ý 3)
Mười nguyền hồi hướng phước Lành khắp nơi (ý 3)
Có thể nói, trong sáu lời cầu nguyện thì lời của đại diện Phật giáo là lạ nhất, giọng ngân nga, liên tục, bổng trầm, giàu tính nhạc. Nghe vài câu là tôi biết cách để nghe cho hiểu các vị đang tụng gì. Là lạ và thú vị khi hiểu được ý niệm đạo đức nào đó. Tôi hiệp thông được các ý:2,3,4,6,7,9
6/ Lời cầu nguyện của chị Grace
Lạy Chúa, nhân Danh Chúa Giêsu, chúng con cầu xin Chúa cho chúng con nói lời hòa bình với nhau (ý 3 và ý 7)
… chúng con là những người con của Thiên Chúa (ý 1)
Chúng con không thể làm đau khổ cho nhau (ý 7)
Chúng con phải yêu thương nhau trên toàn thế giới này …, chúng con là con cái của Ngài (ý 1, nhân loại là con cùng một Cha trên trời).
Chúng con đến với nhau, hiệp nhất với nhau trong tình yêu (ý 3, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)
Nghe lời chị cầu nguyện mà lòng rộn rã, vì ý số 1: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” Từ “ABBA” bây giờ mới được nghe, mà nghe nhiều lần qua nhiều dạng thức khác nhau, nghe mà hãnh diện vì mình được là con của Đấng Tối Cao, sung sướng thay!
AMEN (ý 10)
Tôi thầm cảm ơn Ban Tổ Chức đã thiết kế mô hình thật ý nghĩa cho buổi cầu nguyện. Bạn hãy tượng tượng cả giảng đường là một thân mình, ba vị đại diện đứng bên trái lễ đài và ba vị kia đứng bên phải hình bán cung. Tất cả đều quay lên và mặt hướng về bộ lư đang ngào ngạt hương … sáu vị này tạo thành hình hai bàn tay và bộ lư trở thành bát hương. Toàn cảnh trí như tạo hình một người đứng đưa hai tay dâng bát hương lên trời mà khấn nguyện. Liên tưởng thế đang khi tai nghe nói về Chúa Cha Tình yêu … tôi lại mường tưởng tiếp theo là được Thiên Chúa giang tay ôm trọn đoàn con. Ôi thân thương và nồng nàn quá!
Chị lại còn “nhân Danh Chúa Giêsu” nữa, tôi nghĩ đến Lời Chúa trong thư Thánh Phaolo gởi Xứ Đoàn Philipphê: “Khi vừa nghe Danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (2, 10) Lời cầu nguyện thứ sáu này khiến lòng tôi vui và cảm động quá sức, vì hiệp thông với sáu lời nguyện dựa trên Kinh lạy Cha, tôi đã thỏa mãn vì đã tìm đủ mười ý. Kinh Lạy Cha được cảm nhận xuyên qua chuỗi kinh nguyện của các tuyên tín khác nhau, giúp cho bản thân thêm xác tín vào “Đấng Tạo Hóa” (từ được Đức Hồng Y dùng trong bài phát biểu).
“Tôi hòa cùng tâm tình vui mừng vì có dịp gặp gỡ nhau để xây đắp tình huynh đệ … Sự hiện diện của quý vị trong cuộc gặp gỡ làm cho con tim của mình, tình thương trong lòng mình lớn lên và được nở hoa” (lời tâm tình của ĐHY)
Tôi nghẹn lời và trào nước mắt vì niềm vui “Tao phùng giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và con cái loài người”. Tôi tạ ơn Chúa Thánh Thần đã tạo nên bầu khí cầu nguyện đầy xúc động, vừa thiêng thánh mà đồng thời cũng đậm tính nhân văn. Đến lúc mọi người Công giáo đồng lòng cất lên lời nguyện hứa của mình qua “Kinh Hòa Bình” là hồn tôi đã đắm mình trong hoan lạc bình an và nước mắt hạnh phúc.
Vẻ mặt lưu luyến và thân ái của mọi người khi chào tạm biệt nhau, lời trao đổi chúc mừng và hò hẹn cho hoạt động sắp tới với nhau. Gặp gỡ liên tôn quả thật giúp hiểu biết, tôn trọng nhau và dẫn đến sự hợp tác xây dựng Tâm Đạo giữa đời … Có điều gì đó khôn tả đọng lại trong lòng mỗi Tham dự viên.
Những khoảnh khắc linh thiêng hạnh phúc đã được ghi lại phổ biến qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng có lẽ “âm bản” của cuộc gặp gỡ và đàm đạo với Đấng vô hình còn khắc sâu nơi tim của mỗi người trong cuộc.
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah