HVMV: Ngày Tĩnh tâm cuối tuần tại Cao Thái
Ngày 1.4.2017, 43 học viên và thân nhân của Học viện Mục vụ đã tĩnh tâm tại Tu hội Bác ái Cao Thái, với sự đồng hành – chia sẻ của cha Giám đốc và cha Giám học Trung Tâm Mục Vụ.
Qua buổi đúc kết của các học viên Trung tâm Mục vụ, cuối ngày tĩnh tâm tại Tu hội Bác ái Cao Thái, những chia sẻ giao nhau ở điểm chung này: cuộc tĩnh tâm đã mang lại bình an và nhiều ích lợi tâm linh cho mỗi người, dù sống bên Chúa, bên nhau chỉ vỏn vẹn một buổi sáng và một buổi chiều thứ Bảy.
Tạ ơn Chúa! Cám ơn các anh chị phục vụ ở Tu hội và chúng ta cám ơn nhau!
Có thể chia Ngày tĩnh tâm làm hai phần:
Phần I: Khám phá bản thân để sống vui.
Phần II: Niềm vui của tình yêu – nét đẹp hôn nhân.
Mở đầu phần I, các học viên được cha giám học Phanxicô dẫn dắt khám phá bản thân. Và thật bất ngờ, khi làm bảng tìm những từ ngữ có liên quan tới “vui” và “buồn”, tôi chỉ cặm cụi kê khai những từ chỉ buồn, còn bên vui, tôi bỏ trống! Tôi thường hay nghĩ: “Đời có gì vui đâu!? Cái vui trôi qua nhanh lắm, còn cái buồn, - cái không bằng lòng,- thì cứ đọng lại, kè kè ở bên mình lâu ngày?” Thật ra, tôi biết, mình là người không mấy lạc quan sau bấy nhiêu trận mạc. Và khi mình buồn, mình thật lẻ loi, cô độc. Tôi cũng đã ngộp thở, bực bội lắm rồi, khi ở trong cái vỏ của mình. Tôi vừa muốn thoát ra, vừa cứ ở lì trong đó, vì lười thay đổi!?
Có anh chị đã nói, mình đi tĩnh tâm mùa Chay, sao không nghe nói gì về mùa Chay, về tội, nhưng lại thấy nhẹ nhàng, thanh thản, và sẵn sàng bước vào cuộc sống mới, sau khi ra về. Theo tôi, có lẽ vì sau khi trả lời những câu hỏi giúp khám phá bản thân, các tham dự viên đã có thái độ buông mình, thật lòng trả lời, và nhờ Thánh Thần Chúa linh ứng, soi dẫn, nên có kết quả tốt đẹp.
Các câu hỏi ấy là:
1. Điều gì khiến tôi buồn?
2. Điều gì hay làm tôi mất vui?
3. Điều gì thường khiến tôi vui tươi?
4. Loại niềm vui nào tồn tại lâu dài trong tôi? (thể xác, tinh thần, tri thức, tâm linh, tình yêu…)
5. Hiện giờ tôi đang vui hay buồn? Nguyên do?
6. Có nỗi buồn nào trong quá khứ hay hiện tại, đã làm tê liệt cuộc sống của Bạn? Vì sao?
7. Bạn thường làm gì khi buồn chán, thất bại hay thất vọng?
8. Tôi thường phản ứng như thế nào trước lời khen hay tiếng chê của người khác (dư luận) về mình?
9. Đã có bao giờ niềm vui hay nỗi buồn của người khác trở thành niềm vui hay nỗi buồn của tôi? Khi nào? Đối với ai?
10. Bạn thường nghĩ mình già hay trẻ? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của Bạn?
Bạn để ý, chữ Bạn trong các câu hỏi, ở giữa câu, được viết hoa. Và tôi yêu, tôi thích, tôi vui cách của người viết. Nó làm tôi nhớ đến mẹ mình. Mẹ tôi đã yêu thương, nâng niu, quý trọng tôi như trứng, như một kho tàng. Ngày xưa, vì tính chất công việc, tôi luôn phải thay đổi chỗ ở, rày đây mai đó. Nhưng dù ở chỗ nào, khó đi cách mấy, mẹ cũng tìm cách đến ghé thăm tôi ít nhất là một lần, và mang theo một giỏ đầy thức ăn tôi ưa thích. Rồi các em nhỏ tôi chăm sóc cũng vui theo tôi, chúng ùa vào mẹ, kêu to “bà ngoại, bà ngoại, con yêu bà”. Chỉ một hành động quý trọng, nâng niu, yêu thương của một người thôi đã nhân lên nhiều hạnh phúc đến vậy.
Kết thúc phần I, buổi sáng, cha giám học đã đặt vấn đề: Niềm vui của tôi đến từ đâu? - Thưa từ N.F.P.S, viết tắt của 4 từ :
- N: New = Mới mẻ
- F: Freedom = Tự do
- P: Present = Hiện tại/quà tặng
- S: Satisfied = Mãn nguyện
Và chúng tôi đã vui vẻ đồng thuận với các gợi ý của cha về Niềm vui của Tin Mừng: mặc lấy con người mới, sống tự do của con cái Thiên Chúa, trân trọng hiện tại như nơi gặp gỡ Chúa và cố gắng làm vui lòng Chúa bằng cách thực hiện ý Chúa.
Phần đông chúng ta thường sống trong lo lắng, sợ hãi. Biết lo xa thì cần, nhưng có khi vì quá lo xa, chúng ta đã lo cả đến những gì chưa xảy ra/ hay không xảy ra. Còn về sự sợ hãi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Đừng sợ hãi! Sợ hãi đóng kín mọi cánh cửa. Trái lại sự tự do mở ra mọi cánh cửa”
Phần 2: cha giám đốc Phêrô, nói về niềm vui của tình yêu. Cha giúp cho các gia đình nhớ lại, mình đã quên “ngắm nhau”, “chiêm ngưỡng nhau” khi sống chung. Và họ đều đồng ý với cha, những lúc cùng vượt khó với nhau là những lúc họ yêu thương nhất, nhớ nhất.
Và cha đã tóm tắt, để mọi người dễ nhớ, để sống: Hãy nhớ “tôi là VIP”, “Bạn ấy là VIP”, “Chúng ta là VIP”.
Phải rồi! khi nhớ mình là VIP, người khác là VIP, thì chúng ta sẽ sống bên nhau cách trân trọng hơn, dễ yêu thương nhau hơn. Và cũng sẽ yêu quý giây phút hiện tại hơn => sống mãn nguyện với những gì mình đang có.
Bài hát Tân ca, đưa chân chúng tôi lên đường, bước vào đời sống mới, đón mừng Chúa Phục Sinh:
“Hỡi con của thanh bình, hỡi con người hoàn vũ. Người đi đi vào đường, vừa cất bước vừa ca. Hỡi con của an bình, hỡi con của thế giới. Người hôm nay lên đường, hãy hát vang mà đi. Khách đường làm thế đấy cho bớt cơn nhọc nhằn. Trên đường trường rong ruổi, người hát lên mà đi.
…những người hiện tại, đừng hát những gì đã qua…
Đường mới, khách đường mới, hát khúc tân ca.
Đường mới, khách đường mới, hát khúc tâm hòa”.
BẠN nhớ nhé: mỗi người chúng mình là VIP đấy!