Khai mạc diễn đàn đối thoại với người không tín ngưỡng

Khai mạc diễn đàn đối thoại với người không tín ngưỡng

PARIS. Chiều ngày 24.3.2011, ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa (HĐTTVH), đã khai mạc Diễn đàn cấp cao đối thoại với người không tin.

Diễn đàn do Hội đồng Tòa Thánh đề xướng, gồm một loạt các sinh hoạt trong đó các nhà trí thức, triết gia, văn sĩ, thuộc nhiều vũ trụ quan, trao đổi với nhau. Các cuộc thảo luận chiều hôm 24/3 có chủ đề “Ánh sáng, tôn giáo, lý trí chung” (Lumières, religions, raison commune), diễn ra tại trụ sở UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) ở Paris. Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc tổ chức quốc tế này, đã cùng với ĐHY Ravasi, chào mừng các tham dự viên.

Trong số những người hiện diện đặc biệt có ông Giuliano Amato, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Jean Vanier, người Canada, sáng lập cộng đoàn Arche (Con Tàu Noe), triết gia kiêm văn sĩ Pháp Fabrice Hadjadj, ông đại sứ Tiệp tại Pháp và bà đại sứ Maroc cạnh UNESCO, cùng nhiều nhân vật khác thuộc Đại học Sorbonne, triết gia và nhà phân tâm học, nói về quan hệ giữa chủ thuyết Ánh sáng và tôn giáo.

Trong lời khai mạc, ĐHY Ravasi đề cao tầm quan trọng của công cuộc tìm kiếm, nghiên cứu, như Platon đã viết trong cuốn Biện hộ của Socrate: “Một cuộc sống mà không có sự tìm kiếm thì không đáng sống” (Une vie sans la recherche n’est pas digne d’être vécue). Trong chiều hướng đó, từ “tín hữu” (croyant) không chỉ người tin một lần cho tất cả, nhưng là người không ngừng canh tân sự tin tưởng của mình. ĐHY Ravasi kể lại: “Cách đây nhiều năm, tôi được dịp gặp một nhân vật đặc biệt của nền văn hóa Pháp, Julien Green, và khi tôi hỏi ông đâu là điều giúp bảo tồn đức tin của ông, ông đã trả lời bằng một câu nói theo tư tưởng của thánh Augustinô: “Bao lâu ta cảm thấy bất an, thì bấy lâu ta có thể ở yên hàn”. Đó chính sự bất an sinh động và mạnh mẽ của việc tìm kiếm”.

ĐHY Ravasi cũng giải thích về từ “Tiền đường dân ngoại” (Cortile dei Gentili) được chọn để chỉ diễn đàn đối thoại giữa các tín hữu và những người không tín ngưỡng. Đó là một khu vực tượng trưng ở Giêrusalem được chọn làm nơi đối chiếu giữa các tín hữu và những người không tin, cả hai đều ở trong tiến trình tìm kiếm.

Trước đây ít ngày, vị Chủ tịch HĐTTVH đã cho biết:

“Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, Giáo Hội quyết tâm bắt tay thực hiện một phương thức mới về đối thoại, trao đổi và hành động chung giữa các tín hữu và những người không tin. Công cuộc này được ĐTC ủy thác cho Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa… Lấy lại hình ảnh Sân Chư dân ngày xưa, một không gian rộng rãi cạnh Đền thờ Giêrusalem, dành cho những cuộc thảo luận giữa người Do Thái và chư dân không phải Do Thái, phương thức này đã gợi ý khai sinh Chương trình Sân Chư dân. Bổ túc cho cuộc đối thoại liên tôn diễn ra trong nhiều thập niên qua, sáng kiến tổ chức Sân Chư dân chính là quyết tâm dấn thân lâu dài và sẽ liên quan đến nhiều người trên thế giới, đến các tín hữu và những người không tin”.

“Cái hàng rào ngăn cách Sân Chư dân, biểu tượng chia cắt tính linh thánh, phân biệt các chủng tộc đã bị gỡ bỏ bởi Đức Kitô, Đấng không muốn có bất kỳ hàng rào ngăn cản nào để người Do Thái và không Do Thái có thể gặp gỡ nhau trong sự hòa điệu. Ngày nay, các tín hữu và những người không tin đứng trên những mảnh đất khác nhau, không được lui vào chủ trương cô lập sự thánh thiêng như những người theo chủ nghĩa thế tục, chẳng biết đến gì khác, hoặc tệ hơn, bài xích, xúc phạm như liên minh giáo điều chủ nghĩa vẫn muốn thực hiện.

Hẳn là chúng ta không nên cào bằng những khác biệt, loại bỏ những xung khắc về quan niệm, bỏ qua những bất đồng… nghĩa là những tư tưởng và phát biểu, những công trình và sự lựa chọn có thể đối mặt nhau và cả gặp gỡ nhau nữa.

Có lẽ ngày nay người ta chấp nhận cuộc đọ sức tay đôi (song đấu) giữa các Kitô hữu và chư dân… nhưng trái lại, Dự án Sân Chư dân lại muốn đề nghị giải pháp song ca, trong đó các bè có thể thuộc các âm vực tương phản, như bè nam trầm và bè nữ cao, nhưng lại tạo ra hòa điệu mà không làm mất căn tính riêng của mỗi giọng, nghĩa là không làm mất bản sắc trong một tích hợp lớn lao về mặt nhận thức”.

Tại Học viện Pháp Quốc (Institut de France) thứ Sáu hôm nay 25/3, có cuộc thảo luận về luân lý đạo đức trong kinh tế, nền tảng luân lý đạo đức của luật pháp và quan hệ giữa tín ngưỡng và văn hóa. Trong số các nhân vật tham dự, có Ông Giulio Tremonti, Bộ trưởng kinh tế và tài chánh của Italia, Đức cha Claude Dagens, Giám mục Giáo phận Angoulême ở Pháp..

Ngoài ra, tại Trung tâm văn hóa 'Học viện Bernardins' của Tổng Giáo phận Paris, có diễn đàn thảo luận kết thúc.

Theo ban tổ chức, mục đích các sinh hoạt trên đây là tạo cơ hội cho một cuộc đối thoại mới giữa thế giới tín ngưỡng và giới trí thức. Trong thời kỳ của chủ thuyết vô thần cho đến thập niên 1970, người ta xây dựng một kiểu mẫu phản Kitô giáo, các thế hệ trẻ thường tỏ ra dửng dưng đối với tôn giáo.

Ngoài các sinh hoạt trí thức cấp cao trên đây, có một sinh hoạt mở rộng đặc biệt cho giới trẻ và diễn ra tại tiền đường Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Paris. Sinh hoạt này có màu sắc lễ hội với sự tham dự của khoảng 10 ngàn người, tín hữu và người không tín ngưỡng.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng gửi một sứ điệp Video cho Diễn đàn đối thoại với người không tin (SD 24-3-2011).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top