Khoa học và khía cạnh đạo đức trong việc nghiên cứu tế bào gốc

Khoa học và khía cạnh đạo đức trong việc nghiên cứu tế bào gốc

WHĐ (17.06.2011) – Trưa 16-06, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh (HĐTT) về Văn hóa, đã giới thiệu với báo chí Hội nghị quốc tế bàn về “Tế bào gốc trưởng thành: Khoa học và Tương lai con người và văn hóa” sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11 tháng Mười Một tới đây.

Tham dự cuộc họp báo còn có cha Tomasz Trafny, Giám đốc Ủy ban Khoa học và đức Tin thuộc HĐTT về Văn hóa, và Bà Robin L. Smith, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty sinh-dược phẩm NeoStem Inc., Hoa Kỳ.

Trước hết, cha Trafny giải thích về sự tham gia của HĐTT về Văn hóa vào sáng kiến tổ chức Hội nghị quốc tế của Công ty sinh-dược phẩm NeoStem hiện đang nghiên cứu về tế bào gốc. Cha nói: “Gần đây, HĐTT hướng đến việc cổ võ một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh giữa khoa học, triết học và thần học trong khuôn khổ chương trình mang tên ‘Khoa học, Thần học và Nghiên cứu hữu thể học’ (viết tắt STOQ). Mục đích của chương trình này được giới hạn trong việc nghiên cứu ảnh hưởng về văn hóa của những công trình liên quan đến nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành và liệu pháp tái tạo trung hạn và trường hạn”.

Cha Trafny cho biết sự hợp tác với NeoStem dựa trên cơ sở thẩm định về mặt đạo đức và nhằm “bảo vệ sự sống con người trong tất cả các giai đoạn phát triển” đồng thời nhận thấy cần phải đưa ra sự thẩm định về tác động của tiến bộ khoa học trong lĩnh vực này xét về khía cạnh văn hóa.

Cuối cùng cha Trafny nhấn mạnh chương trình STOQ “sẽ giúp sinh viên tại các Học viện Tòa Thánh và các trường đại học Công giáo tiến hành các nghiên cứu liên ngành về mối quan hệ giữa các ngành khoa học với thần học”.

Hội nghị quốc tế vào tháng Mười Một, dự trù sẽ quy tụ nhiều người không thuộc các ngành khoa học về sự sống hoặc y học, cũng sẽ có sự tham dự của HĐTT về Mục vụ Y tế và Viện Hàn lâm Tòa thánh về sự Sống.

Sau đó bà Smith cho biết công ty của bà hiện đi tiên phong trong lãnh vực nghiên cứu về hướng đi mới của y khoa với tế bào gốc trưởng thành, đồng thời nêu rõ mục đích của việc nghiên cứu nhằm đem lại khả năng giảm bớt nỗi đau đớn cho con người bằng cách giải mã năng lực chữa lành của chính cơ thể con người”.

Bà nói: “Điều quan trọng nhất là chúng ta có thể làm mọi sự mà không hủy hoại bất kỳ yếu tố sự sống nào khác của con người. Không dùng đến cách phá hủy phôi thai để lấy tế bào gốc trưởng thành. Chúng ta tin rằng sự sống con người là vô song và cần phải được bảo vệ trong mọi giai đoạn phát triển của hiện hữu sự sống. Việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành cho phép chúng ta đạt được tiến bộ về kiến thức khoa học trong khi vẫn giữ được vị thế đạo đức. Những tế bào này được gọi là những tế bào mầm, cận phôi thai, tức VSEL (very small embryonic-like), mang nhiều đặc tính tương tự tế bào mầm ở phôi thai, nhưng không gây trở ngại về phương diện đạo đức hoặc luân lý vì những tế bào này lấy từ người trưởng thành chứ không từ phôi thai hay bào thai”.

Sau khi phác thảo một số ví dụ về ứng dụng y khoa, nữ tiến sĩ Smith kết luận bằng cách nêu lên bốn điểm đặc trưng cho sự hợp tác với Tòa Thánh: “Cổ võ tiến bộ khoa học - Giảm bớt đau đớn - Quảng bá và giáo dục cho người đương thời cũng như cho các thế hệ mai sau - Cùng nhau hợp tác để đạt các mục tiêu trên”.

(Theo VIS)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top