Khóa Huấn luyện Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản 2019, tuần 2, tại Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Khóa Huấn luyện Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản 2019, tuần 2, tại Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Khóa Huấn luyện Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản 2019, tuần 2, tại Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

“Chương trình gây ý thức cách hiện diện mới của Hội Thánh”; đó là đề tài trong tuần thứ 2 của khóa huấn luyện Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản (CĐGHCB), được tổ chức từ 8 – 11g thứ Bảy ngày 06.4.2019, tại Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (VP HĐGM VN), 72/12 Trần Quốc Toàn, P.8, Q.3, TP. HCM.

Thành phần tham dự tất cả có 80 người. Trong đó gồm có đại diện 5 giáo xứ: Thánh Tống Viết Bường, Gia Định, Tân Định, Tân Lập và Vĩnh Hòa. Về phía cộng đoàn có: Giáo chức, Kinh Thánh Cầu Nguyện, Chuyên đề Mục Vụ Gia Đình và Cùng theo Chúa. Ngoài ra, còn có linh mục Giuse Mai Thanh Tùng - Chánh xứ Gia Định và một linh mục Dòng Đồng Công.

Nhân sự tổ chức gồm có: Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng, Trưởng nhóm Điều hành Chương trình; Antôn Nguyễn văn Hùng, Phụ tá; Gioan Phêrô Tạ Đình Vui, Ban Huấn Luyện; Gioan Lê Quang Vinh, Linh hoạt viên. Và một số thành viên khác trợ giúp cho công tác này.

Chương trình bao gồm 3 nội dung chính:

  • CĐGHCB là “ngôi nhà của mọi người.”
  • Người cộng sự đồng trách nhiệm chứ không chỉ là “người phụ việc.”
  • Ước mơ về một Hội Thánh tham gia.

Phần 1 gồm 2 đề tài, do ông Antôn Nguyễn văn Hùng trình bày.

CĐGHCB là “ngôi nhà của mọi người.”

Theo thống kê của HĐGM VN, tỷ lệ tín hữu Công Giáo VN sau 1955 (1960-2915) vẫn như nhau: 6,93%. ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long nói: “Việc loan báo Tin Mừng lẽ ra phải có kết quả hơn”. Phần đông số tân tòng là vì hôn nhân (theo Đạo của chồng hay vợ là người Kitô hữu). Những điều trên cho câu hỏi tại sao? Để trả lời có lẽ phải nhìn đến “Một cách hiện diện mới của Hội Thánh”.

Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ có nơi gọi bằng những tên khác nhau. Các Giám Mục Á Châu gọi “Cách hiện diện mới của Hội Thánh”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II thì gọi là “Cộng đoàn Giáo Hội Cơ bản” và xem cộng đoàn này là “Ngôi nhà và gia đình của mọi người”. Khi sống “Điều mà Thiên Chúa vui lòng là làm cho mọi người nên thánh thiện và được cứu chuộc, không phải như là những cá thể không có sự liên kết, nhưng là làm cho họ trở nên một dân duy nhất” (Trích Ánh sáng muôn dân số 9).

Trong Kinh Thánh cho thấy hình ảnh của một Hội Thánh tiên khởi họp tại nhà nhau tham dự Lễ Bẻ Bánh (Cv 2,42-47); họ cùng hiệp một lòng, một ý (Cv 4,32-37); sống với nhau như một cộng đoàn (Rm 12, 3-1); họ xác định Hội Thánh là thân thể Đức Kitô (1Cor 12,12-30); duy trì sự hiệp nhất và mỗi người hoạt động theo chức năng của mình. (Ep 4, 1-16). Cộng đoàn GH tiên khởi là chuẩn mực cho CĐGHCB tiến tới, thực hiện những gì Hội Thánh đề nghị làm cho khu xóm này: Nuôi dưỡng đức tin cho nhau, dạy giáo lý, giúp đỡ người nghèo khổ, cùng nhau mừng kỷ niệm, cải thiện điều kiện sống.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã nói: “Hội Thánh là ngôi nhà và gia đình cho mọi người, đặc biệt cho những ai vất vả và mang gánh nặng nề”. Điều này được diễn tả cụ thể trong giáo xứ, trong CĐGHCB. Nơi mà mỗi Kitô hữu giữ vai trò tích cực, gánh vác việc chung. Ngài còn nói: “Các CĐGHCB là điểm khởi đầu vững chắc cho một xã hội mới trên nền tảng “văn minh tình thương.”

Ước mơ của chúng ta về một Hội Thánh tham gia

HĐGM Á Châu khuyến khích bỏ “cung cách thể hiện Hội Thánh theo lối cũ” mà hướng tới “cung cách thể hiện Hội Thánh theo lối mới”, được gọi là “Hội Thánh tham gia”.

Cung cách cũ thể hiện: Hội Thánh bao cấp, giáo dân chờ linh mục đưa ra mọi sáng kiến; giáo dân là những “người phụ giúp cho hàng linh mục”; một Hội Thánh bị phân cách thành hàng giáo sĩ và hàng giáo dân; có nhiều hoạt động của Hội Thánh, nhưng lại ít thời gian dành cho Đức Kitô; giáo xứ là một cộng đoàn các cá thể trong ngày Chúa Nhật; một Hội Thánh với các nhóm công tác mà phần lớn thành viên thụ động; một Hội Thánh chỉ hướng nội.

Nét đặc trưng của Hội Thánh Tham gia: Giáo sĩ hay giáo dân là Kitô hữu, tham gia vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô. Cùng nhau cử hành Thánh lễ, tham dự vào các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản. Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ thực hiện sứ vụ theo như Chúa muốn. Toàn bộ cộng đoàn giáo xứ là dấu chỉ cho thế giới của một xã hội mới. Mọi kế hoạch mục vụ đều quy về Chúa Kitô, và sau cùng là đồng trách nhiệm trong sứ vụ của Hội Thánh địa phương.

Phần 2: Đồng sự và đồng trách nhiệm. Do ông Gioan Phêrô Tạ Đình Vui trình bày.

  • Đồng trách nhiệm trong gia đình là quan tâm và đem lại hạnh phúc cho từng thành viên trong gia đình.
  • Đồng trách nhiệm trong Hội Thánh tiên khởi. Hội Thánh tiên khởi được tràn đầy Thánh Thần, sống như một gia đình, đồng tâm hiệp ý trong đời sống cầu nguyện, chia sẻ cho nhau không để ai túng thiếu, mọi sự để làm của chung, nhận thức trách nhiệm trong việc loan báo Tin Mừng, cùng nhau giải quyết những khó khăn trong Hội Thánh. Tất cả thành viên trong cộng đoàn đều nhận thức trách vụ mà Chúa trao cho họ và chủ động tham gia tích cực để thực hiện. Tất cả những điều này được nói trong sách Công vụ Tông đồ.
  • Đồng trách nhiệm trong hội Thánh Á Châu ngày nay. Trong tuyên bố chung của Đại hội đồng thứ V của Liên hiệp HĐGM Á Châu 1990 trách vụ như sau: – Tình trạng kinh tế, xã hội Á châu: Nghèo khổ, hủy hoại môi trường, kỳ thị phụ nữ…– Thách đố với Kitô hữu Á Châu: Thăng tiến công lý, hòa bình, đề cao giá trị Nước Trời – Khi Hội Thánh Á Châu: Thi hành sứ mệnh đích thực của môn đệ Chúa trong  bối cảnh đích thực của môn đệ Chúa trong bối cảnh Á Châu – Hội Thánh phải là cộng đoàn của các cộng đoàn. Sau cùng, Hội Thánh Á Châu phải là một dấu chỉ ngôn sứ. Đồng trách nhiệm trong hội Thánh Á Châu thuộc về sứ mệnh của Đức Kitô tại Á Châu trong thập niên 1990. Chúng ta được Chúa mời gọi để đảm trách sứ mệnh của Ngài và cùng chia sẻ trách nhiệm với các giám mục và linh mục của chúng ta.
  • Đồng trách nhiệm trong hội Thánh Việt Nam và giáo xứ. Thư chung của HĐGM VN năm 1980 minh định sứ mạng của Hội Thánh VN là: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” để xây dựng hạnh phúc của đồng bào. Giáo dân cùng chung trách nhiệm loan báo Tin Mừng trong giai đoạn mới này.

Tóm kết: Khóa huấn luyện Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản đã giúp cho những tham dự viên hứng thú trong học hỏi, được đào sâu trong các đề tài. Nhờ có được nhiều thời gian dành cho thảo luận trong các nhóm, qua những phát biểu ý kiến về những thực trạng tại các cộng đoàn, trong giáo xứ, mà ước mơ về một “Hội Thánh tham gia” càng mong chóng được hiện thực. Đồng thời cũng giúp tham dự viên ý thức hơn trong việc đồng trách nhiệm của người Kitô hữu đối với các cấp trong Giáo hội.

Top