Khóa “Kịch Bản Kinh Thánh” trong Tuần lễ Giáo lý 18-22/7/2011

Khóa “Kịch Bản Kinh Thánh” trong Tuần lễ Giáo lý 18-22/7/2011

Nhân dịp mừng lễ Thánh Anrê Phú Yên – quan thầy giáo lý viên, Ban Giáo lý TGP TP.HCM đã tổ chức “Tuần lễ giáo lý” tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM từ ngày 18 đến 22/07/2011. “ Tuần lễ Giáo lý” bao gồm 4 khóa hội thảo (workshops), trong đó có khóa “Kịch Bản Kinh Thánh”.

Ngày thứ nhất

Khóa “Kịch bản Kinh Thánh” đã khai mạc vào lúc 18g15 ngày 18/7/2011 tại hội trường B203 của Trung Tâm Mục Vụ GP dưới sự hướng dẫn của Lm. Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa, dòng Tên. Tham dự có khoảng 200 học viên, gồm các giáo lý viên thuộc các tiểu ban giáo lý. Đặc biệt còn có giới phụ huynh, những người quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con cái.

Bắt đầu buổi học, cha Vinh Sơn đã khái quát cho học viên hiểu rõ hơn thế nào là một Kịch bản Kinh Thánh. Về cơ cấu, kịch bản gồm có các yếu tố:
- Sự kiện (events).
- Các nhân vật (characters): có hai loại nhân vật chủ yếu là nhân vật chính và nhân phụ.
- Dàn dựng ( setting).
- Kết cấu hay tình tiết câu chuyện (plot).

Ngày thứ hai

Trong buổi học thứ hai, 19/7/2011, để giúp học viên hình dung rõ hơn về một Kịch bản Kinh Thánh, cha Vinh Sơn đã cho xem video về cuộc đời Chúa Giêsu. Thông qua những đoạn phim, cha Vinh Sơn phân tích về tính cách nhân vật, phục trang, âm thanh, áng sáng, âm nhạc…
Để đúc kết cho hai ngày học qua, cha đưa ra 24 đề tài cho 24 nhóm thực hành về việc viết kịch bản Kinh Thánh.

Ngày thứ ba

Trong buổi học thứ ba, 20/7/2011, Cha Vinh Sơn tiếp tục giúp học viên hiểu sâu hơn về các yếu tố quan trọng để hình thành nên một kịch bản Kinh Thánh hoàn hảo.

Cha đã dùng những hình ảnh minh họa về việc Chúa Giêsu chữa người phụ nữ bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại. Qua đó, cha phân tích từng bức họa để giúp học viên hiểu rõ hơn về tính nghệ thuật mà tác giả muốn thể hiện: tính cách nhân vật, ánh sáng, bối cảnh, các tình tiết chính, tình tiết phụ…

Những minh họa này giúp học viên nhận rõ các điểm sau:
+ Đối với người kể chuyện: Lối kể chuyện mà các tác giả Phúc Âm hay Thánh sử thường sử dụng là lối kể chuyện không chú thích và kể có chú thích.
+ Đối với người nghe: cần phải có tính logic trong kịch bản. Nếu hiện đại hóa kịch bản thì phải cho người xem thấy rõ tính hiện đại này trong suốt kịch bản. Cần thêm các tình tiết hư cấu, hài hước… trong kịch bản để người xem không bị nhàm chán.
+ Hiệu quả của câu chuyện: cần quan tâm đối tượng nghe là ai để kịch bản được viết ra cho phù hợp, từ đó người nghe sẽ không hiểu sai ý nghĩa kịch bản (cốt truyện).
+ Đối với người quay phim: Tầm quan trọng của người cầm máy quay là làm sao có những thước phim phù hợp và đẹp mắt cho người xem, nên phải lưu ý về góc của máy quay, về nhân vật, về chọn lựa bối cảnh…
+ Kỹ năng sử dụng hình ảnh: cha hẹn lại vào buổi học tiếp theo.

Ngày thứ tư

Trước khi bắt đầu buổi học thứ tư, 21/07/2011, cha Vinh Sơn ôn lại những nội dung trước đó và cho học viên xem tiếp phim tài liệu về địa dư thành Giêrusalem, quang cảnh hồ Têbêria, thành phố Tel Arad .
Trong đoạn video này, cha giải thích cho học viên biết thêm về cách sử dụng hình ảnh chết để làm tư liệu cho mình và áp dụng khi dựng phim.

Đi vào bài học chính, cha đã giúp học viên hiểu về:
+ Trang phục và các đạo cụ trong kịch bản: các vật dụng, đạo cụ, hóa trang. Tất cả cần phải phù hợp với thời kỳ văn hóa và phong cách nhân vật. Để giúp học viên thấy rõ tầm quan trọng của các yếu tố này, cha đã lần lượt “hóa thân” một cách dí dỏm, hài hước vào hai nhân vật cụ thể - gã bụi đời và chàng ca sĩ - làm cho lớp học sinh động hẳn lên.
+ Hư cấu trong một kịch bản: đây là yếu tố rất quan trọng để đưa khán giả vào trong câu chuyện và hiểu được sứ điệp câu chuyện. Một kịch bản với hư cấu hài hước sẽ không làm người xem nhàm chán.
+ Tương quan giữa kịch bản, đạo diễn và diễn viên: trong phần này, cha giúp học viên hiểu sâu thêm vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận.
+ Vai trò của người chủ nhiệm chương trình: cha giúp học viên hiểu quyền hạn tối cao của Giám đốc chương trình, những nguyên tắc của một bản quyền kịch bản, các chi phí phải trả cho một kịch bản.
Buổi học tiếp theo cha Vinh Sơn sẽ giúp học viên phương pháp chú giải một văn bản Kinh Thánh.

Ngày thứ năm

Hôm nay, ngày học cuối cùng của “ Tuần lễ giáo lý”, cha Vinh Sơn giảng về các phương pháp chú giải cho một bản văn Kinh Thánh. Thường các trình thuật Kinh Thánh được các học giả trình bày theo nhiều phương pháp khác nhau. Vì thế, có thể giải mã các trình thuật đó theo nhiều hướng khác nhau. Mỗi phương pháp có thể giúp chúng ta khám phá ra sứ điệp của văn bản.
Hiện có 3 cách thông dụng để đọc một trình thuật Kinh Thánh như sau:
+ Theo phương pháp phê bình lịch sử.
+ Theo phương pháp cơ cấu.
+ Theo phương pháp văn chương.

Để giúp học viên hiểu rõ hơn các khái niệm về chú giải bản văn Kinh Thánh, cha Vinh Sơn nêu ra các ví dụ minh họa:
+ Chúa Giêsu chữa lành người bất toại: quyền tha tội
+ Gọi Matthêu và ăn với người tội lỗi
+ Ăn chay và không ăn chay: chàng rể, vải mới, áo mới, bầu da mới.
+ Bứt lúa ăn ngày Sabbat.
+ Chữa người bại tay ngày Sabbat.
Cha giải thích từng phương pháp chú giải và giúp học viên tiếp thu sâu sắc hơn khi chú giải một bản văn Kinh Thánh.

Để kết thúc cho giảng khóa viết kịch bản Kinh Thánh, cha kết luận: Khi viết một kịch bản, phải nghiên cứu kỹ bản văn, tìm ra ý hướng của tác giả ở mỗi trình thuật. Thường phải dựa vào những trình thuật trước đó, và trình thuật sau đó, thì mới có thể nắm bắt được sứ điệp của một văn bản Kinh Thánh. Có như thế, chúng ta mới có thể chọn biên tập một trình thuật theo cả một đơn vị văn chương chứ không chỉ riêng trình thuật đó thôi.

Kết thúc buổi học cuối này, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Giáo lý TGP TP.HCM - đã đến và cảm ơn cha Vinh Sơn và toàn thể học viên.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top