Khóa “Tông huấn Lời Chúa” trong Tuần lễ Giáo lý 18-22/7/2011

Khóa “Tông huấn Lời Chúa” trong Tuần lễ Giáo lý 18-22/7/2011

WGPSG -- Nhân dịp mừng lễ Thánh Anrê Phú Yên – quan thầy giáo lý viên, Ban Giáo lý TGP TP.HCM tổ chức “Tuần lễ giáo lý” tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM từ ngày 18 đến 22/07/2011.

“Tuần lễ Giáo lý” bao gồm 4 khóa hội thảo (workshops), trong đó có khóa “Tìm hiểu Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini)” do Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, chuyên viên Kinh thánh đảm trách. Khóa này đã diễn tiến trong năm ngày như sau:

Ngày thứ nhất

Vào lúc 18g15 ngày 18/7/2011 tại phòng học 204A thuộc Trung tâm Mục vụ TGp TP.HCM, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Giáo lý TGP.TPHCM - giới thiệu giảng viên lớp Tông Huấn Lời Chúa: Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả là cha giáo về Kinh Thánh và Phụng vụ.

Khai mạc buổi học, Đức Ông Phanxicô B. giới thiệu khái quát thế nào là các Văn Kiện của Tòa Thánh: Tự sắc, Thông Điệp, Tông Huấn, Tông Thư, Văn kiện khác của Đức Thánh Cha. Đức Ông khái quát về tính tập đoàn của Giám mục thể hiện qua các Công đồng chung của Giáo hội. Hội đồng Giám mục không được đụng đến quyền của Giám mục Giáo phận, vì các ngài có chức năng kế vị các Thánh Tông đồ.

Tiếp theo, Đức Ông cho biết cơ cấu của Tông Huấn:
Phần mở: Đặt Verbum Domini liên hệ với Hiến chế tín lý Dei Verbum
Phần 1: Lời Thiên Chúa
Phần 2: Lời Chúa trong Hội Thánh
Phần 3: Lời Chúa cho thế giới.

Mục đích của Tông Huấn này là làm sống động lại vai trò và sức mạnh của Lời Chúa trong phụng vụ, trong việc dạy giáo lý, trong đời sống riêng của mình, trong các nghiên cứu về khoa học… làm sao để Kinh Thánh không chỉ là một Lời quá khứ, mà còn là một Lời sống động trong hiện tại, rất hiện thực, rất “hôm nay”.

Ngày thứ hai

Bước qua buổi học thứ hai, 19/7/2011, Đức Ông trình bày về Lời của Chúa trong Tông Huấn:
- Thiên Chúa đối thoại với chúng ta. Thiên Chúa tạo nên con người để thực hiện cuộc đối thoại với con người. Đây là đối thoại đặc biệt: Thiên Chúa nói với chúng ta về chính Con một của Ngài.
- Mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa: chúng ta dâng lên Chúa những tâm tình thờ lạy, cảm tạ, đền bù, xin ơn.
- Những cụm từ chính yếu: Ngôi Lời là Thiên Chúa, Ngôi Lời chính là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa tốt lành vô cùng.

Tiếp theo, Đức Ông nói về sự “mặc khải” của Thiên Chúa:
- Thiên Chúa nói với chúng ta về chính Ngài.
- Lời Chúa tạo dựng nên vũ trụ và con người chúng ta. Nhờ vũ trụ, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa và đến được với Chúa.
- Nhiều người còn định nghĩa: Kitô giáo là Tôn giáo của Lời.
- Lời của Thiên Chúa nói với chúng ta qua Thánh truyền và Kinh Thánh. Kinh Thánh có được là do ơn Linh hứng Thiên Chúa soi sáng cho các Thánh ký viết ra, để đem lại ơn cứu độ cho những ai đọc Kinh Thánh đó.

Cuối cùng, Đức Ông nói, trong Giáo Hội có 3 nguồn gốc của Đức tin: Kinh Thánh, Thánh truyền, Giáo quyền để phân định đâu là Kinh Thánh.

Ngày thứ ba

Trước khi vào bài ngày thứ ba, 20/7/2011, Đức Ông giải thích một số câu hỏi liên quan đến Kinh Thánh và Thánh truyền: Tất cả đều do Thiên Chúa mặc khải.
- Thánh truyền được truyền khẩu từ đời trước đến đời sau.
- Kinh Thánh do các Thánh ký viết nhờ Ơn Linh Hứng của Chúa Thánh Thần, để đem lại ơn cứu độ cho những ai đọc sách đó.

Tiếp theo, Đức ông trình bày nội dung Tông Huấn với chủ đề: Vai trò của Chúa Thánh Thần và Lời Thiên Chúa.
+ Chiều kích thiêng liêng của Lời Thiên Chúa, được mặc khải bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi: Chính Chúa Kitô là Lời của Thiên Chúa.
+ Vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc hình thành Kinh Thánh: Chúa Thánh Thần luôn làm việc trong lịch sử nhân loại; hướng dẫn các Ngôn sứ (Tiên tri) nói thay cho Thiên Chúa; luôn hiện diện trong quá trình cứu rỗi của Thiên Chúa, đặc biệt liên hệ đến cuộc đời của Chúa Giêsu và được hứa ban cho các tông đồ; nâng đỡ Giáo hội trong trách vụ loan báo Lời Thiên Chúa; chính Chúa Thánh Thần linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh.
+ Mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần với chúng ta, và giữa chúng ta với Lời của Chúa.
+ Vai trò của Chúa Thánh Thần trong các Bí tích: giúp chúng ta biết chắc chắn và hiểu đúng mặc khải của Thiên Chúa, giúp Giáo Hội hiểu Lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, lòng khát khao nghe và thấm nhuần Lời Chúa.

Tóm lại: Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của Kinh Thánh.

Đức Ông nhấn mạnh: chúng ta phải mộ mến Chúa Thánh Thần, và cổ võ sự sùng mộ Chúa Thánh Thần nơi các tín hữu, vì Chúa Thánh Thần là vị Thiên Chúa hay bị quên lãng.
Người đọc Kinh Thánh có nhiều mục đích: đọc để biết về Chúa, tò mò xem Sách Thánh nói gì, đọc để giúp người khác (Giáo lý viên), tín hữu muốn đào sâu đời sống thiêng liêng.
Đức Ông hướng dẫn cách đọc sách Thánh:
Trước tiên phải có lòng khát khao đọc hết một lần toàn bộ Kinh Thánh trong đời của mình.
Cách đọc thông dụng ngày nay, là đọc Kinh Thánh với lời cầu nguyện: Mỗi ngày dành từ 3 đến 5 phút, đọc một hoặc một số câu, cầu xin Chúa cho chúng ta hiểu, sống theo Kinh Thánh. Suy niệm xem đoạn Kinh Thánh nói cái gì, ai làm gì, ý nghĩa siêu nhiên của văn bản Kinh Thánh, ý nghĩa đoạn Kinh Thánh này với đời sống chúng ta.
Chúng ta phải cảm thấy đọc Kinh Thánh là một nhu cầu trong mọi lúc: vui, buồn, tai nạn, đau khổ, khó khăn, vất vả, những vấn đề không biết giải quyết cách nào… Lời Chúa sẽ mang lại cho ta sự bình an.
Nên tạo thói quen kết hợp trong lúc đọc kinh tối gia đình, chọn một đoạn Phúc âm ngắn để đọc, Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta.
Đức ông kết luận: Chúng ta phải biết cách đọc Kinh Thánh thật sinh động và đem lại lợi ích cho chúng ta.

Ngày thứ tư

Trong buổi học thứ tư, 21/07/2011, Đức Ông hướng dẫn học viên tìm hiểu về “Giáo Hội đón nhận Lời Chúa”.
- Tính cách hiện thực của Lời Chúa: Ngôi Lời của Thiên Chúa là nền tảng cho tất cả mọi sự. Lời Chúa bền vững muôn đời.
- Tính cách cánh chung của Lời Chúa: Cánh chung có thể được nhìn theo nhiều quan điểm:
. Quan điểm Do Thái: Trong Cựu ước, Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế đến cho nhân loại. Do không công nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nên người Do Thái luôn chờ đợi cho tới ngày hôm nay. Khi Đấng Cứu Thế đến là ngày cánh chung của họ.
. Quan điểm Kitô học: Chúa Giêsu đến thì kết thúc thời kỳ mong đợi, ngày cánh chung đã bắt đầu được thể hiện.
. Quan điểm Thời gian: có khởi đầu và có kết thúc.

Tiếp theo, Đức Ông giải thích Giáo Hội đón nhận Lời Chúa như thế nào?
- Giáo Hội là nơi cư ngụ của Lời Chúa.
- Giáo Hội được mời gọi lắng nghe và công bố Lời của Thiên Chúa.
- Giáo Hội có trách nhiệm chú giải Lời của Chúa (Chú giải Kinh Thánh). Nơi xuất phát ra việc chú giải Lời Chúa là đời sống Giáo Hội, Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp đỡ cho việc chú giải Lời Chúa một cách đích thực. Không ai được tùy tiện chú giải một lời nào trong Kinh Thánh. Chú giải Kinh Thánh phải theo các tiêu chuẩn sau:
. Tính cách thống nhất của Kinh Thánh.
. Có truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội.
. Tôn trọng nguyên tắc loại suy đức tin.

Cuối cùng, Đức Ông nhắc lại cách đọc Kinh Thánh riêng tư:
- Để biết
- Tìm hiểu xem đoạn Kinh Thánh nói cái gì, ai làm gì, ý nghĩa đoạn Kinh Thánh này với đời sống chúng ta.
- Đọc lại với lòng sốt sắng và cầu nguyện với bản văn Kinh Thánh đó.
- Áp dụng vào đời sống của mình.

Kết thúc buổi học, Đức Ông đã ban phép lành cho tất cả các học viên.

Ngày thứ năm

Bước vào buổi học cuối cùng, 22/7/2011, sau lời nguyện đầu giờ, Đức Ông nhắc lại:
- Lời của Thiên Chúa và việc cử hành Thánh Thể.
- Lời của Thiên Chúa và các Bí tích.
- Lời của Thiên Chúa và sách các Giờ kinh phụng vụ.
- Lời của Thiên Chúa và sách Các phép.

Tiếp theo, Đức Ông trình bày về Sứ mạng của Giáo Hội với các nội dung sau:
1. Công bố Lời Chúa cho thế giới.
2. Lời Chúa đến với chúng ta qua các bản dịch Kinh Thánh.
3. Lời Chúa trong đối thoại Liên tôn.
4. Tự do Tôn giáo.
5. Lời Thiên Chúa và việc dấn thân vào thế giới.

Giáo lý viên được mời gọi vào tác vụ giáo huấn của Giáo Hội.

Chúa Giêsu là vị giáo lý viên đầu tiên, là gương mẫu cho các giáo lý viên khác. Người hành động: bằng việc cầu nguyện và lời rao giảng (nhắm vào những người bé nhỏ, nghèo nàn nhất). Phương pháp của Người: kể chuyện, dùng dụ ngôn, ứng dụng các biến cố trong đời sống hằng ngày, và tiếp cận trực tiếp với cử tọa.

Đức Ông kết luận: “Chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa: Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả. Niềm tin đó giúp chúng ta có niềm vui trong khi rao giảng Tin Mừng của Chúa cho người khác”.

Kết thúc buổi học cuối cùng này, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Giáo lý TGP TP. HCM - cám ơn lòng ưu ái của Đức Ông dành cho các học viên trong suốt tuần qua, và tặng quà cho Đức Ông. Cha Trưởng ban cũng mời tất cả các học viên tham dự lớp học hôm nay đến tham dự Đại Hội Giáo Lý TGP vào lúc 15g, ngày Chúa Nhật 24/7/2011, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top