Kinh nghiệm truyền giáo của Linh Mục

Kinh nghiệm truyền giáo của Linh Mục

WGPSG -- Vào lúc 14g thứ bảy 10.10.2009, tại hội trường  FX. Nguyễn Văn Thuận (lầu 1) của Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận TP.HCM, chương trình chuyên đề  cuối tuần của Ban Gia Đình đã diễn ra:  Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu chia sẻ đề tài "Kinh nghiệm truyền giáo của Linh Mục, người đem tình yêu, niềm tin cho gia đình."

Nghe Cha Piô Hậu kể chuyện Kinh nghiệm truyền giáo của Linh mục

(Nghe Audio:
- Cha Piô: Kinh nghiệm truyền giáo 1
- Cha Piô: Kinh nghiệm truyền giáo 2
- Cha Piô: Kinh nghiệm truyền giáo 3
- Cha Piô: Kinh nghiệm truyền giáo 4
- Cha Piô: Kinh nghiệm truyền giáo 5
)

Giảng đường Lầu 1 của Trung Tâm Mục vụ hồi 14 giờ chiều ngày 10/10/2009 không còn chỗ trống. Thậm chí, sơ Hồng Quế và Ban tổ chức đã phải liên tục kê thêm rất nhiều ghế đơn ở đằng sau cho những người tới trễ, đến nỗi tràn ra cả ngoài hành lang để nghe Cha Piô Ngô Phúc Hậu trình bày về đề tài: “Kinh nghiệm truyền giáo của Linh mục” trong Chương trình Nói chuyện chuyên đề cuối tuần.

Từ lâu, Linh mục Ngô Phúc Hậu đã là một cái tên rất quen thuộc, thân thương và gần gũi. Cái gần gũi trước hết là qua các tác phẩm của ngài. Với văn phong giản dị và dí dỏm, đầy hình ảnh đời thường, lại được chuyển đi với cả một tấm lòng yêu người và thương đời thiết tha, chính điều này đã tạo ra những lôi cuốn và lay động không nhỏ.

Quả thật, văn đúng là người nơi Cha Piô. Với những giản dị đến tuềnh toàng của một Hai lúa vùng Năm Căn Cà Mau đã nhiều thập niên “đi lội ruộng truyền giáo”, Ngài bắt đầu kể chuyện.

Chuyện cái rốn và Bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể là lương thực hằng ngày không thể thiếu cho tâm hồn của người Công giáo, nhưng đối với người lương dường như lại là những điều ghê sợ khó có thể chấp nhận được, vì ai lại đi ăn thịt và uống máu người bao giờ? Điều kỳ diệu có nguy cơ biến thành kỳ cục nếu không biết trình bày.

Cha Piô đã hóa giải điều ấy bằng cách nói về sự sống của thai nhi. Người ta thường nói chín tháng mười ngày cưu mang, nhưng chính xác là 278 ngày bào thai ở trong lòng mẹ. Suốt thời gian ấy, bào thai được nuôi dưỡng bằng máu của người mẹ thông qua nhau thai, có chức năng như một nhà máy lọc máu bởi cuống rốn.

Vậy thì, rốn để làm gì? Người thì bảo rốn để xức dầu cù là, kẻ lại nói vui, rốn để cho chuồn chuồn cắn nhằm biết bơi. Thực ra, rốn chính là cửa khẩu đã mở ra để nuôi dưỡng thai nhi, giờ không cần thiết nữa thì nó đóng lại. Như thế, thai nhi đã được dưỡng nuôi và phát triển bằng máu của chính mẹ mình, nên có thể nói, ai cũng đã từng “uống máu” ngay từ khi vừa được tượng hình trong dạ mẹ một cách tự nhiên, chẳng có gì ghê sợ.

Tình mẫu tử thật thiêng liêng cao cả. Người mẹ nào chẳng mong luôn được bên cạnh, che chở cho con mình, muốn bản thân và đứa con yêu dấu trở nên như một. Nhưng những ước mong ấy đã thất bại ngay từ khi hài nhi được sinh ra, tách khỏi cung lòng người mẹ, và càng thất bại hơn nữa khi đứa con dần trưởng thành, ngày một rời xa mẹ mình.

Thế nhưng, với tình yêu vô biên và ý muốn của Chúa, điều thất bại ấy đã trở nên sự thành công kỳ diệu, dường vượt xa tưởng tượng của con người: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ có sự sống đời đời”. Những lời đó Chúa không nói đùa. Và ngay trong bữa tiệc biệt ly giữa thày và trò để đi chịu chết, Người còn nói rõ và thiết tha hơn nữa: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.Chúa đã lập nên Bí tích Thánh Thể, tạo sự kết hợp nên một giữa Người và chúng ta mãi mãi.

Vì thế, khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, khi ta ăn thịt và uống máu Chúa, ai cũng có quyền nói rằng, râu của tôi, tóc tai của tôi, mắt mũi và toàn thân thể của tôi đã trở thành của Chúa. Cũng vì thế, ăn thịt và uống máu Chúa thông qua Bí tích Thánh Thể chính là một sự kết hợp nên một rất tự nhiên vậy. Qua đó, cái khó hiểu nhất, buồn cười nhất đã trở thành dễ hiểu và hoàn toàn tin được.

Thánh lễ - Dịp để người tín hữu quây quần tỏ lòng thảo hiếu với Thiên Chúa là Cha

Không phải người tín hữu nào cũng hiểu rõ ý nghĩa và sự cần thiết của Thánh lễ Misa, và người lương càng khó có thể hiểu tại sao lại phải cần dự Thánh lễ.

Bằng chuyện kể sinh động về một người mẹ có những đứa con hiếu thảo, Cha Piô đã giúp cho mọi người hiểu thêm về sự cần thiết của Thánh lễ, cũng như những ơn ích mà Thánh lễ mang lại. Những người con hiếu thảo, dù đi đâu hoặc ở đâu, đến ngày lễ tết, giỗ quảy cũng phải tìm về nhà thăm mẹ mình. Về nhà cha mẹ, để tỏ lòng yêu thương, thảo hiếu, để người con thể hiện lòng biết ơn công lao dưỡng dục sinh thành. Về thăm nhà cha mẹ cũng là để tạ lỗi với các ngài những điều vấp phạm, và cũng để xin cha mẹ những điều này, điều kia.

Người tín hữu đến nhà thờ cũng gồm những mục đích tương tự, nhưng cao hơn khi tin Chúa là Cha, nên họ đến nhà thờ như về nhà cha mình. Vì thế, không đi lễ là bất hiếu vì không về thăm cha mẹ. Tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật chính là đi thăm cha mẹ, là tỏ lòng hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha vậy.

Và những câu chuyện khác…

Cứ thế và cứ thế, Cha Piô đã phối hợp những lý giải mang tính khoa học và những hình tượng cụ thể như con sâu, con nhộng, con bướm để giải thích thật dí dỏm về những điều cao siêu như Đức Mẹ đồng trinh, hoặc chuyện bảy anh em cùng lấy một người phụ nữ, sau này, khi sống lại, người phụ nữ kia sẽ là vợ của ai trong bảy người ấy…

Và vẫn mãi như thế, trong suốt hành trình truyền giáo của mình, ngài đã kể chuyện về Đức Kitô bằng ngôn ngữ dân gian bình dị với những hình tượng địa phương đời thường gần gũi, bằng những lý giải khoa học đơn giản dễ hiểu. Thêm nữa, trong câu chuyện của Cha Piô, tính dí dỏm và sinh động không bao giờ thiếu làm ai cũng thích nghe. Nhiều lần, những tràng pháo tay tán thưởng đồng tình đã vang lên trong giảng đường ngắt quãng lời ngài đang nói.

Đặc biệt, Cha Piô đã nhấn mạnh rất nhiều lần, việc kính trọng, yêu thương và đề cao các tôn giáo khác là điều không thể thiếu trong công việc truyền giáo.

Ngài cũng nói đến những sai lầm khủng khiếp đã tồn tại gần 500 năm, qua cuốn Phép giảng tám ngày của cha Đắc Lộ, mà ở đó, nơi quyển thứ tư, đã cho rằng Phật Thích Ca là tên gian dối và xếp hạng Đức Phật ngang với Bụt, thần và ma quỷ. Cả những kinh đọc hàng ngày, mà theo đó, đã coi dân ngoại là dân không thể được cứu độ vì không ở trong Hội Thánh.

Dù những điều đáng tiếc về lịch sử này đã được điều chỉnh từ sau Công Đồng Vaticano II và ĐGH Phaolô VI cũng đã chính thức nói lại, nhưng những hệ lụy của nó không dễ phai mờ trong một sáng một chiều. Điều ấy đã ảnh hưởng không nhỏ cho công cuộc truyền giáo hôm nay.

Phần giao lưu

Nhiều cánh tay đã giơ lên, cũng có cả những thắc mắc được viết lên giấy để xin được giải đáp và chia sẻ giao lưu. Có 3 câu hỏi đáng chú ý:

1/ Có nên bái khi vào chùa?
Đáp: Cứ việc cúi chào như mọi người, vì Phật dù đã được xem là một đại ân nhân của nhân loại, nhưng cũng chỉ là một con người. Nhưng phải thận trọng, kẻo sẽ gây gương mù gương xấu.

2/ “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Chưa hẳn như thế đâu, vì cha mẹ góp phần không nhỏ trong việc hình thành tính cách cho người con.
Nếu thụ thai tốt, sinh đẻ tốt, giáo dục tốt, nhiều khả năng người con ấy sẽ trở thành người tốt và ngược lại.

3/ Khi đi đám tang người ngoại giáo, người ta thường đưa mấy nén nhang để bái Phật, nên hay không?
Đáp: Cũng như câu hỏi 1, hãy hết sức thận trọng, kẻo sẽ gây gương mù gương xấu.

Phần giao lưu mỗi lúc một thêm thú vị và hữu ích, nhưng thật tiếc, sơ Hồng Quế báo, đã gần hết giờ. Buổi giao lưu phải tạm ngưng.

Chút tâm tình và liên tưởng

Được đọc các tác phẩm, lại được nghe Cha Piô nói và cả được biết lối sống của ngài, nhiều người đã liên tưởng đến Michel Quoist, vị linh mục đã được coi là một Hiền nhân với cách dùng ngôn ngữ hình tượng tuyệt vời. Một tác giả đã cho rằng, trong tương lai, ngôn ngữ tôn giáo phải là ngôn ngữ hình tượng, thứ ngôn ngữ mà Lão tử, Đức Phật và Chúa Giêsu vẫn thường sử dụng qua các dụ ngôn. Điều này là quá đúng, nhưng có gì lạ đâu, vì như thế cũng chỉ là trở về nguồn cội của ngàn năm trước thôi mà.

Nhưng liên tưởng cũng chỉ để liên tưởng, vì sự so sánh nào cũng sẽ trở nên khập khiễng. Hãy thử đọc lại một đoạn rất quen thuộc trong “Hãy nói với tôi về Tình yêu” (Parlez moi d’Amour) của hiền nhân Michel Quoist để thấy rõ điều này, và từ đó, sẽ giúp tô đậm thêm hình ảnh Cha Piô Hai Lúa Ngô Phúc Hậu:

“Nếu mỗi nốt nhạc âm thầm tự nghĩ, một nốt nhạc chẳng làm nên một bản tình ca…thì sẽ chẳng bao giờ hình thành bản giao hưởng ngọt ngào bay bổng.

Nếu mỗi viên đá chán ngán nghĩ thầm, có đâu một viên đá làm nên nổi bức tường…thì sẽ chẳng bao giờ ngôi nhà xuất hiện.

Nếu giọt nước buồn phiền tự nhủ, một giọt nước làm sao kiến tạo nổi dòng sông…thì sẽ chẳng bao giờ đại dương hiện hữu.

Và nếu mỗi con người thì thầm tự nghĩ, làm sao cứu vớt được tất cả chúng sinh, chỉ bằng một cử chỉ yêu thương nhỏ bé của mình…thì sẽ chẳng bao giờ có bình an và công chính, phẩm giá và hạnh phúc trên mảnh đất loài người….”

Ngoài kia, nhà “lội ruộng truyền giáo” đang hối hả chuẩn bị trở về Cà Mau, dù trời chiều đã muộn, và dù cơn bão vẫn chưa thực sự đi qua với mây đen vần vũ trên đầu.

Mọi người nhìn theo cái dáng lom khom già nua của Cha Piô Ngô Phúc Hậu đang chậm rãi xuống lầu, ai đó đã chợt thấy có cái gì cay cay nơi sống mũi.

Xin tạm biệt một người con xứ Bắc, đã được bà con nơi miền cực Nam đất nước hết lòng yêu thương quý mến, chỉ vì người con ấy đã giúp tỏa sáng sứ điệp yêu thương của Đức Kitô nơi nào có mặt.

Lời nói và chữ viết lúc này, chưa bao giờ vô duyên và thừa thãi đến thế.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top