Kỷ niệm 100 năm thành lập Học Viện Thánh Kinh Roma

Kỷ niệm 100 năm thành lập Học Viện Thánh Kinh Roma

Phỏng vấn Linh Mục José Maria Abrego de Lacy, Viện trưởng Học Viện Thánh Kinh Roma nhân kỷ niệm 100 năm thành lập

Cách đây 100 năm ngày 5-11-1909 Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh Roma đã bắt đầu niên khóa đầu tiên trong lịch sử của mình. Học viện đã được Thánh Giáo Hoàng Pio X thành lập ngày 9-5-1909 và ủy thác cho Dòng Tên điều khiển.

Sáng ngày 26-10-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến 400 người gồm các giáo sư, sinh viên và nhân viên của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo, trong tư cách là Đại Chưởng Ấn của Học Viện Thánh Kinh, và Cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên, Adolfo Nicolas, Phó Chưởng Ấn.

Ngỏ lời trong dịp này Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn dòng Tên đã hy sinh nhân lực và tài lực cho công trình giáo dục tại Học Viện Thánh Kinh. Trong một thế kỷ qua đã có hơn 7.000 giáo sư và những người thăng tiến các nhóm Kinh Thánh xuất thân từ học viện này, cũng như nhiều chuyên gia khác về Kinh Thánh, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu cũng như giảng dậy các môn học Kinh Thánh và ấn hành nhiều nghiên cứu có gía trị.

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao việc nghiên cứu và đọc Kinh Thánh trong sự gắn bó với niềm tin của Giáo Hội, là một hình thức đồng cảm. Qua các cơ chế của mình Giáo Hội được ủy thác nhiệm vụ giải thích chính thức Lời Chúa, được viết ra và thông truyền, và thi hành quyền bính nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (DV 10). Trong thế giới bị tục hóa ngày nay Đức Thánh Cha cầu mong Kinh Thánh là linh hồn của Thần Học và nguồn mạch linh đạo và năng lực đức tin của tất cả mọi Kitô hữu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục José Maria Abrego de Lacy, Viện trưởng Học Viện Thánh Kinh Roma nhân kỷ niệm 100 năm thành lập.

Hỏi: Thưa cha, Học viện Thánh Kinh Roma tròn 100 tuổi. Sức khỏe của Học Viện hiện ra sao?

Đáp: Đối với một Học viện 100 năm giống như một hơi thở, nhưng cũng là một thời gian đủ để học từ lịch sử và có thể nói rằng mình có một kinh nghiệm. Khi nhìn vào viễn tượng tương lai, tôi thành thật tin rằng sức khỏe của Học viện còn tốt.

Hỏi: Có nhiều sinh viên ghi danh theo học không thưa cha, và h đến từ đâu?

Đáp: Chương trình học của Học Viện là chương trình chuyên môn, nên số sinh viên không nhiều lắm. Nhưng trong 40 năm qua nó khá ổn định, vào khoảng 300 sinh viên.

Các sinh viên đã luôn luôn là một nhóm quốc tế, cả khi hiện nay có ít sinh viên đến từ Tây Âu, trong khi số sinh viên Á châu, Ấn Độ và Phi châu gia tăng. Các sinh viên Italia vẫn luôn luôn là một nhóm tương đối đông.

Hỏi: Các tương quan cộng tác của Học Viện Thánh Kinh Roma với giới chức do thái tại Giêrusalem và với Trường Thánh Kinh của các cha dòng Đa minh như thế nào thưa cha?

Đáp: Học viện duy trì các tương quan ổn định với các cơ cấu đại học Giêrsualem như Đại học do thái, Trường Thánh Kinh của các tu sĩ Đa Minh và Trường nghiên cứu Thánh Kinh và Khảo cổ của các tu sĩ dòng Phanxicô.

Các sinh viên của chúng tôi có thể theo các lớp học trong các trường này. Đối với một người nghiên cứu Thánh Kinh một chuyến viếng thăm nghiêm túc học hỏi và cầu nguyện tại Thánh Địa là điều hữu ích và quan trọng. Chúng tôi rất vui vì các tương quan này, một vài tương quan đã kéo dài từ hơn 35 năm nay, và chúng tôi muốn phát triển chúng kể cả với các cơ quan nghiên cứu khác trên thế giới.

Hỏi: Cuộc khủng hoảng ơn gọi có tạo ra khó khăn cho việc kiếm ra các giáo sư bên trong dòng Tên không thưa cha?

Đáp: Chắc chắn là chúng tôi có khó khăn trong việc kiếm ra các giáo sư. Tuy nhiên, tôi xin nói thêm rằng tôi đã luôn luôn nghe nói là các vị hữu trách của dòng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các giáo sư dòng Tên cho Học viên Thánh Kinh. Đây là vấn đề đã có ngay từ thời hậu công đồng chung Vaticăng II, khi tại các phân khoa thần học việc học hỏi Kinh Thánh trở thành nghiêm chỉnh, và các lãnh vực khác cũng cần có các giáo sư được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đàng khác trong các năm qua dòng Tên đã học biết rằng công việc phục vụ Giáo Hội của mình, các sứ mệnh đã được ủy thác cho mình cần phải được phát triển với người khác. Vì thế nên ban giáo sư của Học Viện Thánh Kinh tìm các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân khác để làm cho mình được phong phú hơn.

Hỏi: Thỉnh thoảng cũng nảy sinh ra các tranh luận trong thế giới các nhà chú giải kinh thánh. Chúng có liên lụy gì tới Học Viện không thưa cha?

Đáp: Tôi còn là người mới trong Học Viện, vì thế tôi không thể nói rằng mình có kinh nghiệm về một cuộc tranh luận chú giải quan trọng. Nhưng Học Viện không phải là không dính líu tới các cuộc tranh luận, vì tất cả những gì liên quan tới việc chú giải kinh thánh đều liên lụy tới chúng tôi và đều khiến cho chúng tôi chú ý.

Tôi tưởng tượng là giữa các giáo sư sẽ có các ý kiến khác nhau, như đã luôn luôn xảy ra như vậy. Không cần phải sợ hãi các tranh luận, khi áp dụng các nguyên tắc chú giải bởi vì sau cùng thì sự thật sẽ thắng, và trong lãnh vực chú giái kinh thánh thì sự thật liên quan tới ý nghĩa giáo hội và việc hiểu biết Chúa Kitô sâu xa.

Hỏi: Học Viện dậy cho các sinh viên phương pháp chú gii nào thưa cha?

Đáp: Không thể nói là chỉ có một phương pháp duy nhất đặc thù của Học viện. Các sinh viên ca ngợi các phương pháp và các kiểu tìm hiểu văn bản khác nhau được sử dụng. Chúng tôi tìm dậy phương pháp chú giải, chứ không dậy một phương pháp giải thích duy nhất.

Hỏi: Trong bài viết về dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Học viện đăng trên nguyt san Văn Minh Kitô, cha khng định rằng ”vấn đề hiện nay là thảo luận việc ”chú giải khoa học”, nhưng mà trong nghĩa nào thưa cha?

Đáp: Không có nhiều tiếng nói phản đối, nhưng kể cả trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa, người ta cũng nghe thấy có người tỏ ra không tin tưởng nơi việc ”chú giải khoa học”. Có thể nói rằng có các khó khăn, và đôi khi một vài kiểu trình bày của các nhà chú giải xem ra có thể ít chu đáo hay ít thích hợp để phát triển đức tin. Chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã trình bầy với Ủy Ban Kinh Thánh các lo ngại của ngài liên quan tới công việc của một vài nhà chú giải nghi ngờ không coi sự sống lại là một sự kiện lịch sử. Một kiểu đọc hiểu Kinh Thánh với óc phê bình, có khoa học, không qúa khích, cần rất nhiều nghiên cứu, và các khảo cứu chuyên môn lại không dễ đối với đa số dân chúng. Và như thế xem ra các nghiên cứu đó không đáng kể đối với đức tin. Một khi phong trào lớn tìm hiểu Kinh Thánh thời hậu công đồng mất đi sức mạnh ban đầu của nó, thì sẽ khó mà tìm ra các kích thích đối với việc học hỏi nghiên cứu Kinh Thánh. Các nhu cầu mục vụ thì rất cấp bách và rất nhiều, nhưng các công việc chú giải lại đòi hỏi nhiều dấn thân và công phu, cho nên rất dễ tưởng tượng được rằng thỉnh thoảng người ta có cảm tưởng các nghiên cứu tìm tòi chú giải đó thật là vô ích.

Hỏi: Có thật là kiểu chú giải của Học Viện xa cách với truyền thống của Giáo Hội như có người than phiền hay không thưa cha?

Đáp: Tôi muốn biết nền tảng của lời ta thán này một sách sâu xa hơn. Nếu nó có nghĩa là người ta không áp dụng nhiều truyền thống chú giải của các Giáo Phụ, thì tôi có thể đồng ý, cả khi có các sách và khảo luận được phát hành trong nghĩa này. Cả tín lý cũng không sử dụng nhiều gia tài phong phú của các Giáo Phụ. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta phải thú nhận đó là khoa chú giải kinh thánh và tín lý không đối thoại với nhau đủ, trong khi đáng lý ra chúng phải đồng hành với nhau tay trong tay. Chúng tôi là các nhà chú giải kinh thánh chúng tôi không biết rõ các phát triển của thần hoc tín lý, mà cả từ phía các chuyên viên của thần học tín lý người ta cũng chờ đợi nhiều chú ý hơn đối với các phát triển của khoa chú giải kinh thánh.

(Avvenire 6-11-2009)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top