Lễ giỗ 20 năm Cha cố Đa Minh Trần Thái Hiệp - Cựu Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
WGPSG -- Tưởng nhớ một người thầy
Thánh lễ giỗ 20 năm của cố Linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp, cựu giám đốc ĐCV, đã được tổ chức vào lúc 10g30 ngày 12/6/2012, tại Nhà nguyện Đại Chủng Viện (ĐCV) Thánh Giuse, do Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Tổng đại diện GB. Huỳnh Công Minh, cha Gioakim Trần Văn Hương - Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn và 25 linh mục gồm trưởng các Giáo Hạt, các linh mục học trò và linh tông của cha cố. Ngoài ra còn có sự hiện diện của một số nam nữ tu sĩ và gia đình linh tông, huyết tộc.
Tổng Giáo phận TP.HCM long trọng tổ chức sự kiện này với tâm tình tri ân trước những đóng góp của ngài trong hơn 30 năm tại chức.
8g30 tại Nhà Truyền Thống, chương trình được bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ, chia sẻ về tiểu sử của Cha Đa Minh với sứ vụ đào tạo linh mục, công trình sưu tập bộ tranh Mỹ Thuật Tôn Giáo và Dân tộc, và công lao thành lập nhà truyền thống. Sau đó quý khách mời đã thưởng lãm phòng tranh và tham dự Thánh lễ đồng tế lúc 10g30.
Trong nghi thức khai mạc, Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, là học trò của Cha cố Đa Minh khẳng định: “Đối với tôi, ngài là một người thầy hết sức đáng kính và đáng trân trọng”. Theo Đức Cha Phêrô, Cha Đa Minh không chỉ là một giáo sư, ngài còn là một nhà đào tạo, là giám đốc ĐCV nên ngài đã giúp học trò của mình tìm kiếm Chúa như là sự thật, là chân lý tuyệt đối. Ngài không chỉ là giáo sư, ngài còn là nhà đào tạo, là giám đốc ĐCV, cho nên ngài giúp học trò của mình gặp gỡ Chúa là sự thiện tuyệt đối. Ngoài ra Cha cố Đa Minh còn có một đặc điểm rất độc đáo là sự cảm nhận sâu sắc về cái đẹp, một cái đẹp vĩnh hằng dẫn người ta đến với Thiên Chúa là cái đẹp tuyệt đối. Vì thế ngài đã âm thầm hình thành bộ sưu tập tranh mà càng ngày chúng ta càng thấy quý giá.
Trong trí nhớ các học trò của Cha Đa Minh, ngài là người kỹ lưỡng, cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, đồng thời lại rất mực hiền từ, hòa nhã và gần gũi. Ngài là người nhẹ nhàng, tế nhị, nhưng đồng thời cũng là người cương quyết. Đối các học trò, ngài luôn nhẹ nhàng khuyên nhủ bằng tấm chân tình của một người thầy, bằng tình yêu thương của một người cha với con cái, chứ không phải “lệnh truyền” của người bề trên với người thấp hơn.
Tiếp theo phần khai mạc của Đức Cha phụ tá, Cha phó giám đốc ĐCV Giuse Đỗ Mạnh Hùng, là học trò và cũng là nghĩa tử của Cha Đa Minh kể rằng người thầy đáng kính của ngài xuất thân từ giáo phận Bùi Chu. Ngài sinh năm 1926. Ước mơ trở thành linh mục của ngài đơm hoa kết trái vào năm 1952 tại Rome, khi đó ngài 26 tuổi. Sau thời gian du học, ngài trở về Việt Nam và trở thành phó giám đốc Đại Chủng viện từ 1961 đến 1975. Cũng trong thời gian này, ngài giữ chức Tổng thư ký Ủy ban Mỹ Thuật Tôn giáo thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Khi Cha Đa Minh nhậm chức Phó Giám đốc cũng là lúc sáp nhập các ĐCV di cư vào ĐCV Sài Gòn vào năm 1961. Cũng kể từ đó, ngài làm giáo sư dạy các bộ môn Tín Lý Thần học cơ bản, Giáo hội học và môn Giảng thuyết tại ĐCV này.
Cha Giuse cho hay, lớp học ĐCV thời đó không có tên, nên được gọi là “khóa zero”. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn sau năm 1975 (1975 – 1982), các chủng sinh vào học tại ĐCV phải đóng gạo và vừa học vừa làm: khi làm vỏ xe đạp, lúc làm mành trúc, lúc đan lá buông; và Cha Giám đốc luôn đồng hành với các học trò không chút quản ngại. Và cho đến khi ĐCV tạm thời ngưng hoạt động (1982 – 1986), ngài đã thành lập Tổ Sản Xuất Sơn mài Đông Sơn để tạo việc làm cho các nghệ nhân.
Thời đó, mỗi năm chỉ có 1-2 thầy chịu chức, Cha phó giám đốc cho biết Cha giáo Đa Minh luôn đồng hành với các chủng sinh, giúp các thầy bền đỗ với ơn gọi. Ngài luôn luôn dùng những lời nói nhẹ nhàng, tinh tế để khuyên nhủ những điều cần kíp, ngài hòa giải và tháo gỡ khi có mâu thuẫn, ngài nâng đỡ tinh thần khi các thầy gặp khó khăn, thử thách…
Xem video: Lễ giỗ 20 năm Cha Cựu Giám đốc ĐCV
Tưởng nhớ một người yêu mến văn hóa nghệ thuật
Bên cạnh bản tính nghiêm túc của một giáo sư Thần học Tín lý, nhiều người lấy làm ngạc nhiên vì Cha Đa Minh còn là người có tâm hồn say mê hội họa. Tuy ngài say mê hội họa, nhưng lại không vẽ tranh.
Vào thời đó, khi cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thì vải lụa, phẩm màu đối với nhiều họa sĩ Công giáo hay không Công giáo, có tên tuổi hay không có tên tuổi là một thứ hàng xa xỉ. Thế là ngài xin người thân, bạn bè ở nước ngoài từng khúc vải lụa, từng lọ màu và đem đến cho những họa sĩ yêu nghề đang “khát vẽ”. Và thế là họ vẽ cho thỏa niềm khát khao và đem đến tặng cho ngài những bức tranh đẹp, thanh tao, đong đầy niềm khao khát hội họa của họ.
Vì yêu mến nhân cách của Cha Đa Minh, nên nhiều họa sĩ đã tìm đến với ngài, trong đó có một số họa sĩ không Công giáo, họ muốn thể hiện niềm say mê hội họa bằng những tác phẩm Công giáo. Khi ấy, Cha Đa Minh đã gợi ý cho họ, đã cho họ mượn Kinh Thánh để tìm hiểu về đức tin Công giáo, để rồi diễn tả những mầu nhiệm Kitô giáo (truyền tin, giáng sinh, hiển linh, thập giá…), hay những giá trị nhân văn cao đẹp (tình mẫu tử, tình yêu…), trên những bức tranh sống động. Đó là “hội nhập văn hóa”, là diễn tả đức tin trong nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Những bức tranh này là những tác phẩm hội họa đẹp thanh khiết và gần gũi với văn hóa người Việt Nam. Ví dụ như những bức tranh Đức Mẹ miền Bắc mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ; Đức Mẹ miền Nam với chiếc áo bà ba, tóc búi sau gáy; Đức Mẹ miền Trung đội khăn đóng, mặc áo gấm bông thọ của hoàng hậu….
Không chỉ gây ngạc nhiên bởi những tác phẩm đẹp, tác giả không Công giáo Nguyễn Phước còn làm cho người thưởng lãm phải ngạc nhiên về sự hội nhập văn hóa ở bức tranh “Hiển Linh”, chính diện bức tranh là Đức Mẹ mặc áo dài Việt Nam, tay bế Chúa Giêsu bé nhỏ, 3 vua đang bái kiến và thờ lạy đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Phía bên phải bức tranh là hai người phụ nữ nông thôn người đội khăn mỏ quạ, người cầm chiếc nón lá tìm đến thờ lạy Chúa. Người thưởng lãm cũng sẽ thấy rõ được một cách nhìn khác về sự hy sinh của những chứng nhân anh dũng qua tác phẩm “Các Thánh Tử Đạo” của họa sĩ Trần Ngọc Thu. Với sự gợi ý của Cha Đa Minh, nhân ngày lễ Phong Thánh cho 117 Thánh Tử Đạo, họa sĩ Trần Ngọc Thu không phác họa một bức tranh của cảnh tù đày, gông cùm, xiềng xích hay đầu rơi máu chảy của các Thánh Tử Đạo như thường lệ, mà là cảnh thái bình của cánh đồng lúa vàng mênh mông, phía xa xa tại chân trời nổi lên 3 nhà thờ chánh tòa (Hà Nội, Huế, Sàigòn) với tháp chuông cao vút, hàm ý nói lên Giáo hội Việt Nam được bình an và phồn thịnh là nhờ sự hy sinh anh dũng của các Thánh Tử Đạo. Người thưởng lãm cũng sẽ cảm nhận sự thú vị khi xem bức họa “Dưới Chân Chúa” của tác giả Tôn Thất Văn. Họa sĩ Văn, một tín đồ Phật Giáo, đã vẽ bà thánh Madalena tay cầm hoa sen, đứng dưới chân thập giá và có hoa sen rải rác ở xung quanh…
Trong một thời gian dài, Cha Đa Minh đã góp nhặt từng bức tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu của các họa sĩ Công giáo và không Công giáo thành một bộ sưu tập gồm 68 tác phẩm. Xem tranh, khán giả sẽ tìm thấy cảnh miền quê, bến thuyền êm đềm, lễ hội ngày xuân tưng bừng, thiếu nữ Việt Nam dịu dàng trong tà áo dài e ấp, hay những tác phẩm đậm tính tôn giáo như những bức tranh về Đức Mẹ, Mầu nhiệm nhập thể: tác phẩm “Đức Mẹ Vô Nhiễm” (Phạm Hoàng), “ Giáng Sinh” (Nguyễn Siên), " Mục đồng thờ lạy" (Nguyễn Anh), “Các Thánh Tử Đạo”, hoặc những tác phẩm khắc họa những nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm có giá trị của văn học Việt: “Kiều và Kim Trọng” (Nguyễn Uyên), Chinh Phụ Ngâm”, “Tiếng đàn Kiều” (Tú Duyên)…
Theo Cha Giuse Hùng: “Cha Hiệp đã gợi ý cho các họa sĩ vẽ tranh diễn tả mầu nhiệm Kitô giáo, giá trị Phúc Âm rất cao đẹp, hướng người ta đến Đấng Siêu Việt”.
Tưởng nhớ một người cha đã để lại gia sản vô giá cho con cháu
Sau 31 năm gắn bó với việc đào tạo linh mục tại ĐCV và với nghệ thuật cùng với thao thức “hội nhập văn hóa”, Cha Đa Minh qua đời vào ngày 12-6-1992 vì bệnh ung thư phổi. Ngài làm việc, dạy học và hướng dẫn các chủng sinh cho đến khi sức khỏe không còn cho phép. Ngài kịp để lại cho hậu thế một bộ sưu tập tranh phong phú và quý giá. Ngài thành lập Nhà Truyền thống Giáo phận Tp. HCM trong đó có phòng tranh mang tên “Phòng Mỹ thuật Tôn giáo và Dân tộc”. Ngày khánh thành Nhà Truyền thống là ngày 28-6-1990 nhằm chuẩn bị cho Lễ mừng thượng thọ 80 tuổi của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình vào ngày 30-8-1990.
Trong di chúc còn lưu giữ, Cha Đa Minh viết rằng ngài muốn dâng bộ sưu tập tranh cho giáo phận “như chút vốn nghệ thuật góp phần vào kho tàng nghệ thuật chung của Giáo hội và quê hương”.
Cha phó giám đốc ĐCV Giuse Đỗ Mạnh Hùng cho biết nhân dịp lễ giỗ lần thứ 20 này, hài cốt của Cha cố Đa Minh đã được cải táng, hỏa thiêu và đưa tro cốt về ĐCV, nơi ngài đã gắn bó cả cuộc đời trong sứ vụ linh mục, phục vụ và yêu thương; đồng thời “Thánh lễ giỗ của Cha cố Đa Minh được diễn ra trong dòng sự kiện mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn, như là cách bày tỏ lòng thương mến, tưởng nhớ và tri ân ngài. Đồng thời cũng lời mời gọi hãy trân trọng, gìn giữ và phát triển công trình ngài đã khởi sự, hầu lưu truyền cho các thế hệ mai sau”.
Trong Thánh lễ giỗ, Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chia sẻ rằng Cha cố Đa Minh được đề cử là một mẫu gương về đời sống đạo đức của linh mục trong Năm Linh Mục 2010 của Tổng Giáo phận. Ngài có kiến thức rất rộng về Thần Học và Kinh Thánh, là hai lãnh vực chuyên môn của ngài. Và mỗi lần Cha Đa Minh dâng lễ, thì hầu như các thầy ai cũng chuẩn bị sẵn cuốn sổ để ghi chép, vì bài giảng của ngài rất phong phú và sâu sắc.
“Ở nơi ngài có một sự hài hòa giữa đạo đức và tri thức, ở nơi ngài có sự nhẹ nhàng và cương quyết, chính thống nhưng cởi mở. Hội thánh cần những vị linh mục như thế, cho sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay”. Đó là lời mà Đức Giám mục phụ tá đúc kết về cuộc đời của thầy mình, với tâm tình kính trọng và mến yêu tuyệt đối!
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020