Lễ kính Thánh nữ Têrêsa HĐ tại Đan viện Cát Minh Sàigòn
WGPSG -- Hôm nay ngày 01/10/2010, vào lúc 16 giờ 30, một Thánh lễ trọng thể kính thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã được cử hành tại Đan Viện Cát Minh Sàigòn số 33 Tôn Đức Thắng, quận 1 TPHCM. Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn chủ tế Thánh lễ. Đồng tế với ngài có cha Tổng Đại diện và 2 linh mục. Tham dự Thánh lễ có hơn 500 giáo dân đến từ khắp nơi trong và ngoài Giáo phận.
Đan Viện Cát Minh Sàigòn là một dòng khổ tu chiêm niệm, là đan viện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam và cũng là đan viện đầu tiên nơi các xứ truyền giáo, xuất phát từ nhà Kín Lisieux.
Đan viện thành lập năm 1861, ngay dưới thời “phân sáp” và bách hại cao nhất, được khánh thành trong ngày Đại Lễ Thánh Tâm Chúa năm 1862 do Đức Cha Lefèbre, đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse.
Vì sự phát triển của đạo Chúa nên từ nội vi cho đến khuôn viên của Đan viện mỗi ngày càng trở nên nhỏ bé và chật hẹp hơn, nhất là trong các ngày lễ lớn, đặc biệt như ngày hôm nay: sự quá tải đã biến thành bức bối ngột ngạt!
Tuy nhiên, sự bức bối ngột ngạt và thiếu phương tiện kia không là trở ngại cho lòng sùng mộ tin mến, mà ngược lại, đây chính là dịp để mọi người có thể sẻ chia phần nào với đời sống khổ tu chiêm niệm. Bởi lẽ, vẻ hân hoan sâu lắng trên từng khuôn mặt mỗi người dự lễ đã nói lên điều ấy.
Một cuốn sách thấm đẫm chất Thiền
Trong bài giảng, Đức Hồng Y đã nói nhiều về vị nữ thánh thời danh Têrêsa Hài đồng. Một nữ thánh quá nổi tiếng đã được tôn vinh với nhiều tước hiệu khác nhau, là Tiến sĩ Hội Thánh, vị Tiến sĩ anh hùng của tình yêu, Tiến sĩ truyền giáo, quan thày của các xứ truyền giáo, vv…Một nữ thánh với rất nhiều độc đáo, ngay khi vừa qua đời đã làm mưa hoa hồng xuống cho trần gian.
Điều đặc biệt, Đức Hồng Y kể lại, trong một lần tiếp xúc với Thiền sư Thích Thanh Từ, vị Thiền sư này cho biết đã không chỉ đọc nhưng còn nghiên cứu rất kỹ về Thánh nữ Têrêsa, cách riêng, với cuốn “Tự Thuật” còn được gọi là “Truyện một tâm hồn”, cuốn này đã thấm đẫm chất Thiền. Thiền sư Thích Thanh Từ hết sức tâm đắc với một tác phẩm Công giáo qua cuốn sách trên.
Sau 16 phút triển khai, phần giảng thuyết của Đức Hồng Y chấm dứt. ( Xin tham khảo qua Audio đính kèm)
Sau khi nhận phép lành và ơn toàn xá Năm Thánh 2010, Thánh lễ đã kết thúc vào lúc 18 giờ cùng ngày.
Trong dịp này, chúng ta cùng nhau ôn lại quá trình hình thành đời sống chiêm niệm, qua các Đan sĩ, Đan viện… một linh đạo mang chiều kích nội tâm vô cùng phong phú, đầy tính thánh thiêng.
Đôi nét lịch sử
- Đời sống đan sĩ có nguồn gốc từ thời tiên tri Êlia sống trên núi Carmel (Năm 854 trước Công Nguyên).
- Đến năm 1247, Đức Giáo Hoàng Innocente IV đã phê chuẩn quy luật tiên khởi Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh.
- Sau cơn dịch, tiếp đến chiến tranh đói kém tại Châu Âu năm 1347, sức khoẻ con người suy yếu, dần dà đời sống tinh thần trong Đan viện cũng lỏng lẻo, nên các đan sĩ đã sống theo Luật Dòng Cát Minh giảm chế.
- Đến thời Thánh Têrêsa vào thế kỷ XV, vì muốn hoàn toàn thuộc về Chúa và sống cho Ngài, để cầu nguyện cho hàng Giáo phẩm đã thoái hoá và chống lại nhóm ly khai, nên Thánh Têrêsa đã cùng một số chị em say mê lý tưởng tu kín đi thành lập Dòng Cát Minh Cải Tổ đầu tiên tại thành Avila ngày 24 tháng 8 năm 1562.
- Đến năm 1585, nhóm Cải tổ đã tách ra thành Tỉnh Dòng tự trị với tên: “L’Ordre Des Carmes Déchaussées” (OCD).
- Năm 1604: Dòng Cát Minh cải tổ được thành lập tại Pháp.
- Carmel Lisieux (Pháp) đã lập Dòng Cát Minh Sài Gòn là Đan viện Cát Minh đầu tiên tại Việt Nam năm 1861, do Mẹ Philomène de L‘Immaculée Conception.
- Sau đó, Dòng Cát Minh Sài Gòn đi lập Dòng Cát Minh Hà Nội (1895).
- Dòng Cát Minh Hà Nội lập Dòng Cát Minh Huế (1909) và Dòng Cát Minh Bùi Chu (1923).
- Dòng Cát Minh Huế lập Carmel Jalo Iloilo (1923) ở Philippines, Carmel Cholet (1925) ở Pháp và Dòng Cát Minh Thanh Hóa (1929) tức là Dòng Cát Minh Nha Trang bây giờ.
- Tháng 04/1975, hoàn cảnh đất nước biến động. Các Dòng tu ở Huế đều di tản vào Nam để tránh bom đạn. Dòng Cát Minh Huế cũng vào Sàigòn và định cư tại giáo xứ Bình Triệu. Vì thế, Dòng được gọi là “Đan viện Cát Minh Huế – Bình Triệu”. Nhờ hồng ân Chúa, ơn gọi ngày càng phát triển theo dòng thời gian. Năm 1996, Đan viện có gần 40 nữ tu.
- Ngày 17-04-1996, Mẹ Bề Trên M.Thérèse Consolata đã đưa 12 nữ tu trở về Huế để tái thiết Đan viện Huế. Trong thời gian này, Đan viện đã nhận thêm nhiều ơn gọi.
- Tháng 3 năm 1998, khi Đan viện Cát Minh Huế đã ổn định, Toà Thánh gởi sắc chỉ công nhận Đan viện Cát Minh Bình Triệu được chính thức thiết lập qua sự chấp thuận của Đức Tổng Giám mục Sài gòn - ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Từ nay, Đan viện Cát Minh Huế và Cát Minh Bình Triệu là hai đan viện khác nhau.
Vẻ đẹp chiêm niệm
Thánh Kinh luôn ca tụng vẻ đẹp núi Cát Minh, nơi tiên tri Êlia đã chiến đấu bảo vệ niềm tin của dân Israel đối với Thiên Chúa hằng sống. Ở đó, bên dòng suối mang tên của Vị Tiên Tri, bắt đầu từ thế kỷ XII trở đi, một số đan sĩ đã đến lập Dòng và xây cất một nguyện đường kính nhớ Mẹ Thiên Chúa và đã xin Giáo Chủ Giêrusalem một quy luật để sống. Chính vì thế mà họ được gọi là đan sĩ Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Các đan sĩ này đã chọn Đức Maria làm quan thầy, chẳng những cho thánh đường mà còn cho cả cộng đoàn, coi Người như Mẹ và gương mẫu hướng dẫn đời sống tu trì. Lễ này được cử hành đó đây từ thế kỷ XIV, lần hồi đã lan rộng ra cả Dòng ở khắp nơi như biểu hiện lòng tri ân của con cái trong Dòng về bao phúc lộc mà Mẹ Thiên Chúa đã ban cho gia đình Cát Minh của Người.
Ngoài lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh là lễ chung cho cả Hội Dòng, mỗi Đan viện còn có một Thánh Quan Thầy riêng: Riêng Đan viện Sài Gòn: Thánh Cả Giuse.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12