Lễ kỷ niệm Matteo Ricci tại Macerata: “Thực thi sứ vụ tông đồ bằng phong cách bè bạn”

Lễ kỷ niệm Matteo Ricci tại Macerata: “Thực thi sứ vụ tông đồ bằng phong cách bè bạn”

WHĐ (8.12.2010) – Hôm nay, 8-12, Đức Hồng y Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tham dự lễ kỷ niệm 400 năm ngày mất của cha Matteo Ricci (1552-1610), tu sĩ dòng Tên, nguời bạn lớn của Trung Hoa với 28 năm sống tại đất nước này.

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Macerata (Italia), quê hương của Matteo Ricci.

Đón tiếp ĐHY Bertone có Đức cha Claudio Giuliodori, giám mục Giáo phận Macerata-Tolentino-Recanati- Cingoli-Treia.

Chuyến viếng thăm của vị hồng y xuất thân từ Dòng Don Bosco cũng đánh dấu 120 năm thành lập học viện Salêdiêng San Giuseppe. Do đó đón tiếp ĐHY còn có cha Dalmazio Maggi, giám đốc Học viện.

Vào tháng Năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi cho Đức cha Giuliodori một sứ điệp nhân kỷ niệm 400 năm Matteo Ricci.

Trong sứ điệp, ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của công trình Nhà truyền giáo vĩ đại này đối với ngày hôm nay, trong cuộc đối thoại của lý trí giữa các nền văn hóa, và đối với công cuộc đưa Tin Mừng hội nhập văn hóa.

ĐTC viết: “Cha Matteo Ricci là người có đức tin sâu xa đồng thời là một tài năng lỗi lạc về văn hóa và khoa học. Cha đã dành nhiều năm của đời mình để dệt nên một cuộc đối thoại hiệu quả giữa phương Tây và phương Đông, đồng thời đưa Tin Mừng bén rễ sâu vào nền văn hóa của dân tộc Trung Hoa vĩ đại. Cha còn để lại cho ngày nay mẫu gương về sự gặp gỡ giữa các nền văn minh của châu Âu và Trung Hoa”.

ĐTC ca ngợi cha Matteo Ricci là “thừa tác viên của Giáo Hội vâng phục”, là “vị sứ giả tài trí và không hề sợ hãi của Tin Mừng Chúa Kitô”.

ĐTC viết: “Những hoạt động rất nhiệt thành về phương diện khoa học và tinh thần đã khiến người ta phải ngỡ ngàng trước khả năng sáng tạo độc đáo của cha khi tiếp cận, với tất cả sự tôn trọng, các truyền thống văn hóa và tinh thần của người Trung Hoa”.

Sứ điệp của ĐTC nêu rõ: “Thái độ này của cha Matteo Ricci cho thấy nét đặc sắc trong hoạt động truyền giáo của ngài là tìm sự hài hòa có thể có giữa nền văn minh Trung Hoa lâu đời và cao quý với cái mới của Kitô giáo, hạt mầm của giải phóng và sự đổi mới đích thực cho toàn xã hội, bởi Tin Mừng là một sứ điệp cứu độ phổ quát gửi đến mọi người, dù họ thuộc về bất kì một bối cảnh văn hóa và tôn giáo nào. Cha thực thi sứ vụ tông đồ một cách độc đáo, có thể nói là mang tính tiên tri, qua mối thiện cảm sâu sắc cha dành cho người Trung Hoa, cho nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo của họ”.

ĐTC nhắc đến tác phẩm “De amicitia Jiaoyoulun” (Bàn về tình bạn) của Matteo Ricci, “một tác phẩm thành công vang dội ngay từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1595 tại Nam Kinh”.

ĐTC nhận thấy trong tác phẩm này “một kiểu mẫu cho sự đối thoại và tôn trọng niềm tin của người khác”. Bởi cha Ricci “thực thi sứ vụ tông đồ bằng phong cách bè bạn”.

ĐTC nhấn mạnh, cha Ricci đã thực hiện “một phương pháp luận khoa học và một chiến lược mục vụ, một đàng dựa trên sự tôn trọng các tập quán lành mạnh của địa phương - nên các tân tòng không cần phải bỏ để giữ đức Tin Kitô giáo - đàng khác, dựa trên nhận thức Mạc khải sẽ đem lại giá trị và bổ túc cho những tập quán đó… Cha đã đặt nền móng cho công việc lâu dài là đưa Kitô giáo hội nhập Trung Hoa, bằng cách tìm kiếm một sự đồng thuận vững chắc nơi các bậc thức giả của đất nước này”.

Vào năm 2007, trong một hội thảo được tổ chức tại Macerata, ĐTC Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh cha Matteo là “Vị Tiền hô” của mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Hoa và Kitô giáo.

Vụ án phong chân phước cho cha Matteo Ricci đã được mở lại. Vụ án này đã kết thúc ở cấp giáo phận vào năm 1984 và hồ sơ đã được chuyển về Rôma. Nhưng sau đó cái chết của vị cáo thỉnh viên là Đức cha Otello Gentili đã khiến vụ án phải ngừng lại. Bây giờ các tài liệu mới đang được đưa vào hồ sơ cũ: có khoảng 15 đến 20 chứng từ liên quan đến “Sự thánh thiện lẫy lừng”.

Vị tân cáo thỉnh viên, cha Anton Witwer, đã tiếp nhận và bổ túc hồ sơ qua việc phục hồi ủy ban lịch sử và tiếp nhận những chứng từ mới: biết đâu một sự kiện phi thường nào đó sẽ đem lại cho vụ án một cuộc điều tra đặc biệt.

Theo Anita S. Bourdin (Zenit)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top