Lịch sử Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành qua nghiên cứu khảo cổ học

Lịch sử Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành qua nghiên cứu khảo cổ học

WHĐ/ZENIT (10.07.2010) – Từ nay khách hành hương đã có thể khám phá trọn vẹn công trình kiến trúc Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, một nhân chứng trung thành của hai nghìn năm lịch sử Kitô giáo.

Ngày 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khánh thành khu phức hợp khảo cổ học quan trọng này, với các phế tích của tòa vương cung thánh đường cổ được xây dựng theo yêu cầu của Hoàng đế Constantinô vào thế kỷ IV. Trang tin điện tử Zenit đã tháp tùng Đức Tổng Giám mục Francesco Monterisi, vị Tổng linh mục Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, đến thăm khu khảo cổ phức hợp.

Giữa phế tích vừa được phát hiện, là một hành lang triển lãm dẫn từ tu viện Biển Đức (từ 1300 năm nay, các tu sĩ ở đây phụ trách mục vụ tại vương cung thánh đường), đến lối vào khu mới được khai quật và tòa nhà dành cho khách du lịch và khách hành hương, ở đây có một thư viện và một cửa hàng giải khát.

Tại phòng trưng bày này, có thể thấy các di tích khảo cổ mới được phát hiện trong quá trình khai quật do Viện khảo cổ Kitô giáo của Tòa Thánh và Bảo tàng Vatican tiến hành gần đây. Các tủ kính trưng bày hiện vật của phế tích được sắp xếp theo sơ đồ thể hiện diễn tiến lịch sử của tòa vương cung thánh đường: từ lúc được cung hiến vào thế kỷ IV đến nay.
Một cầu thang dẫn xuống phần dưới mặt đất, hiện chưa được mở cửa cho công chúng xem, nhưng có lẽ đây là nơi đã khai quật được phế tích tu viện ban đầu của dòng Biển Đức tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Ba chặng đường lịch sử của Đền thờ

Vương cung thánh đường (quen gọi là Đền thờ) Thánh Phaolô ngoại thành được Đức giáo hoàng Sylvestrê I cung hiến năm 324. Chính hoàng đế Constantinô đã xin Giáo Hội cho xây Đền thờ này.

Tiếp theo, các hoàng đế Théodose, Valentinien II và Arcade đã xây “Tòa vương cung thánh đường thứ hai” có kích thước của ngôi đền thờ hiện nay. Sau đó công trình kiến trúc này được bổ sung các yếu tố mới như lọng tán của Arnolfo di Cambio, bệ nến phục sinh của Nicola D’Angelo và Pietro Vassalletto còn giữ được đến tận ngày nay.

Bên phải đền thờ có thể nhìn thấy những mũ cột và phế tích các cột của ngôi đền thờ thứ hai.

Năm 1823 đền thờ hầu như hoàn toàn bị phá hủy trong một cuộc hỏa hoạn. Đức TGM Monterisi giải thích, đám cháy đã phá hỏng các cột nên không đỡ dược phần mái nữa, đền thờ bị hư hại hoàn toàn. ĐGH Lêô XII kêu gọi cả thế giới xây lại ngôi đền thờ theo đúng kiểu cũ.

Không những người công giáo khắp nơi hưởng ứng, mà còn các tín hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác cũng gửi những đóng góp của mình về.

Nga hoàng Nicôla đệ nhất gửi tặng hai khối đá malachite và lapis-lazuli để làm các bàn thờ cạnh, bên phải và bên trái gian cung thánh. Vua Fouad I của Ai Cập tặng 4 cột cái và đá cẩm thạch để làm các cửa sổ.

Đức TGM Monterisi cho biết: ngôi đền thờ mới đã được ĐTC Piô IX cung hiến vào ngày 10-12-1854, hai ngày sau khi ngài tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Đây là ngôi đền thờ chúng ta đang thấy ngày nay.

Ngôi mộ Thánh Phaolô

Một trong những nét mới của Năm Thánh Phaolô là việc mở cửa di tích ngôi mộ thánh Phaolô. Theo truyền tụng cũng như dựa trên kết quả khai quật mới nhất, đây là nơi lưu giữ hài cốt của Thánh Phaolô.

Trên phần đất xây đền thờ ngày nay, có nghĩa trang Ostiense, được cho là gần nơi Thánh Phaolô chịu trảm quyết. Một tu viện đã được xây dựng tại nơi thánh Phaolô chịu chết. Đó là tu viện Ba Dòng suối (Abbazia delle Tre Fontane). Một phiến đá ghép có ghi dòng chữ: “Phaolô, tông đồ, tử đạo” được tìm thấy trên mộ của thánh nhân.

Đức TGM Monterisi giải thích: “Vào năm 2002, ngôi mộ của Thánh Phaolô là mục tiêu cuộc khai quật lần thứ nhất. Chiếc quan tài của thánh nhân được thành mộ dày bảo vệ không bị hư hại mỗi khi sông Tibre gây ngập lụt. Cuộc khai quật lần thứ nhất bao gồm việc dỡ một phần thành mộ, làm lộ ra phiến đá được dùng làm quan tài. Phiến đá này hiện nằm dưới đáy, qua một của nhỏ được khai thông trước ngôi mộ”.

Khách hành hương có thể theo các bậc thang ngay trước gian cung thánh để xuống di tích hầm mộ của thánh nhân.

Đức TGM Monterisi tiếp tục giải thích: “Cuộc khai quật thứ hai được tiến hành vào năm 2008. Một chiếc camera nhỏ xíu, như chiếc kẹp dùng trong phẫu thuật, được đưa vào bên trong quan tài qua một lỗ nhỏ được khoan thủng, gắp được một mảnh xương nhỏ và một miếng vải xanh đỏ có dệt sợi vàng, dấu hiệu thường gặp nơi vải liệm một nhân vật quan trọng”.

Đức TGM Monterisi cũng cho biết thêm: “Những phân tích của các nhà khoa học cho thấy người được táng trong mộ qua đời vào khoảng giữa thế kỷ I và thế kỷ II sau công nguyên. Điều này càng củng cố giả thuyết được lưu truyền đây là nơi mai táng thi hài của Thánh Phaolô tông đồ, như ĐTC nhấn mạnh trong bài giảng bế mạc năm Thánh Phaolô”.

Đền thờ đã từng được tô điểm thêm. Năm 1931 đặt thêm cánh cửa bằng đồng, công trình của Antonio Mariani và năm 2000 đặt thêm Cửa Thánh, tác phẩm của Enrico Manfrini.

Mặc dù có khoảng cách so với trung tâm lịch sử của Rôma –mà một số tuyến du lịch không biết– Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ngày càng trở nên một điểm tham khảo không thể thiếu đối với nhiều lĩnh vực: phong trào đại kết; các nơi lưu trữ di sản nghệ thuật, kiến trúc; nghiên cứu lịch sử các triều đại giáo hoàng, từ Thánh Phêrô đến ĐTC Bênêđictô XVI, qua đó thấy được tính liên tục của các đời giáo hoàng, và bây giờ, đang dành cho khảo cổ học với những khám phá mới về lịch sử Kitô giáo tại Kinh thành muôn thuở này.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top