Liên Hội đồng Giám mục Châu Á
WGPSG -- Giới Thiệu:
Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC: Federation of Asian Bishops’ Coferences) đã được tròn 40 tuổi. Nhân dịp này, các vị lãnh đạo và đại biểu của các Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) khác nhau tại châu lục sẽ tổ chức tại Việt Nam Đại Hội Toàn Thể lần thứ X từ 19-25/11/2012. Dự kiến sẽ có khoảng 100 thành viên tham dự, gồm các Chủ Tịch của các HĐGM, các nhà thần học và các lãnh đạo khác của Giáo Hội. Các thành viên sẽ suy tư về các cơ hội và thách thức mục vụ mà xã hội đang đặt ra cho Hội Thánh tại Châu Á trong thế kỷ 21 này. FABC là tổ chức bảo trợ của 19 HĐGM thành viên trên khắp châu lục, trải rộng từ Kazakhstan ở Trung Á cho tới Đông Timor ở Đông Nam Á. Dự kiến sẽ có tham dự của các đại diện từ Vatican.
Chủ đề của đại hội là: “FABC Tròn 40 Tuổi - Đáp lại các thách thức của Châu Á: Cuộc Tân Phúc Âm Hoá.” Đại Hội sẽ thảo luận về những cách thức để sống tinh thần đổi mới và tầm nhìn về việc loan báo Tin Mừng tại Châu Á. Tài liệu làm việc cho Đại Hội toàn thể lần thứ X này mời gọi các đại biểu phân định rõ làm cách nào Hội Thánh có thể thông truyền các giá trị Tin Mừng trong các xã hội tại Châu Á đang chịu tác động mạnh bởi hiện tượng toàn cầu hoá, sự đa dạng văn hoá, tình trạng nghèo khổ và các nhân tố khác. Các đại biểu cũng cố gắng lưu tâm tới các vấn đề như: di dân và tị nạn, các dân tộc bản xứ, dân số, tự do tôn giáo, các mối đe doạ sự sống, truyền thông xã hội, sinh thái, giáo dân, phụ nữ, giới trẻ, giáo phái Ngũ Tuần, và ơn gọi.
Đôi nét lịch sử: Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC) là sự thể hiện ước mơ của các Giám Mục Châu Á khi họ tụ họp với nhau lần đầu tiên năm 1968 tại Manila ngay sau Công Đồng Vaticanô II. Khi các Giám Mục Châu Á lại đến Manila một lần nữa nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1970, đề nghị ấy đã có những bước đi cụ thể để thiết lập tổ chức này. Họ đã xúc tiến các kế hoạch cho FABC giữa lúc các Giáo Hội địa phương đang ưu tư về vấn đề làm thế nào loan báo Tin Mừng trong một “thế giới mới” vừa khai sinh sau thời kỳ thuộc địa.
Trong thời điểm thai nghén và khai sinh FABC, Hội Thánh tại Việt Nam đã góp phần rất tích cực với sự tham gia của Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền Tổng Giám mục Huế.
Điều Lệ: Các Điều Lệ của FABC đã được Toà Thánh phê chuẩn năm 1972. Tổ chức tự nguyện này của các HĐGM Châu Á được hình thành “để cổ võ tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo Hội và xã hội tại Châu Á, phát huy và bảo vệ tất cả những gì mang lại lợi ích lớn hơn.” Lấy việc canh tân trong Hội Thánh làm chủ đề chung cho cơ cấu, suy tư và hoạt động của mình trong bốn thập niên qua, FABC đã phân định rõ Hội Thánh tại Châu Á phải làm gì để là Ánh Sáng, Muối và Men cho các dân tộc Châu Á để hiện thực hoá sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nói “Tôi đến để cho thế gian được sống và sống dư dật” (Ga 10, 10).
Một trong các công cụ chính để đạt mục tiêu này là Đại Hội toàn thể của FABC được triệu tập bốn năm một lần. Đại Hội thường qui tụ khoảng 100 giám mục-đại biểu và một một số đông thần học gia và chuyên gia để nghiên cứu các chủ đề cụ thể, cầu nguyện chung với nhau và soạn thảo các tuyên bố liên quan đến Giáo Hội tại Châu Á.
Hoạt Động: Đại Hội toàn thể lần thứ I của FABC năm 1974 đã ra tuyên bố và khuyến nghị đầu tiên dưới tiêu đề “Loan Báo Tin Mừng tại Châu Á hôm nay”. Đại Hội khuyên sử dụng đối thoại làm phương thức loan báo Tin Mừng tại Châu Á, nơi mà người Kitô hữu chỉ chiếm 2 đến 3 phần trăm dân số tại hầu hết các nước. Tổng Giám Mục Thomas Menamparampil, người từng phục vụ nhiều năm tại vùng đông bắc Ấn Độ đầy rối ren và hiện là chủ tịch Văn Phòng Loan Báo Tin Mừng của FABC, đã đề xuất một phương thức bao gồm việc “thì thầm Tin Mừng vào tâm hồn Châu Á.” Các văn kiện của FABC đã vạch ra chi tiết cho phương thức loan báo Tin Mừng qua đối thoại ở ba bình diện: với văn hoá của dân chúng (hội nhập văn hoá), với các tôn giáo của đất nước (đối thoại liên tôn), và với người nghèo.
Đức Hồng Y Rosales, nguyên Tổng Giám Mục Manila, nói: “Không có FABC, mỗi Giáo Hội địa phương riêng rẽ hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn để giải quyết các vấn đề mà các Giáo Hội địa phương khác cũng đang gặp phải”. Trong Tập I của cuốn Vì Mọi Dân Tộc Châu Á (For All the Peoples of Asia), một nhà thần học từ Ấn Độ, Cha Felix Wilfred, đã trình bày chiến lược “thực hiện tầm nhìn lớn của FABC.”
Cho tới nay những hoạt động của FABC mà người ta có thể ghi nhận từ 1974, như bênh vực người bị áp bức, nghèo khổ, đề cao công lý, tố cáo tệ đoan xã hội, chối từ bạo lực (ví dụ: ĐTGM Phil. Nguyễn Kim Điền trích dẫn: Đức Cha Helder CAMARA: quyết không dùng bạo động, “bạo động sẽ sinh thêm bạo động đổ máu sẽ sinh thêm đổ máu”- tập san NHÀ CHÚA số 44 ) vẫn còn tiếp tục tại nhiều nơi trên thế giới với nhiều phong trào và hình thức hoạt động đa dạng. Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa ngày nay cũng không bỏ qua vấn đề nóng bỏng nói trên. Chúng tôi được vinh dự theo phái đoàn Việt Nam tham dự những đại hội của FABC với những chủ đề khác nhau, như: Kể Câu Chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á, tổ chức năm 2006 tại Thái Lan; Hội nghị tham vấn Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc Thiểu Số tổ chức tại Thái Lan 2009; Rao Truyền Chúa Giêsu Kitô tại Châu Á ngày nay tổ chức ở Hàn Quốc 2010; Hội nghị tham vấn về công cuộc truyền giáo trong bối cảnh xã hội quá khích và tục hóa tại Thái Lan 2011… Tất cả những hội nghị nói trên và những hội nghị khác nói lên mối quan tâm rất sâu rộng của FABC trên cánh đồng Sứ Vụ tại Châu Á.
Các Chức Năng của FABC: Sinh động trước những luồng gió mới của việc canh tân đang thổi trong Hội Thánh, các Giám Mục đã nhận ra nhu cầu thiết lập một cơ chế thường trực qua đó các lãnh đạo Giáo Hội Châu Á có thể đều đặn họp nhau để trao đổi kinh nghiệm và phát triển giữa họ những gì mà các Giáo Hội địa phương có thể làm để đưa tầm nhìn của Vaticanô II vào trong đời sống của các dân tộc tại Châu Á. Vì vậy các chức năng của FABC được xác định như sau:
• Nghiên cứu các cách thức và phương tiện để cổ võ hoạt động tông đồ, đặc biệt trong ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II và các văn kiện chính thức hậu Công Đồng, và theo các nhu cầu của Châu Á
• Thúc đẩy và tăng cường sự hiện diện năng động của Hội Thánh trong việc phát triển toàn diện các dân tộc Châu Á
• Giúp nghiên cứu các vấn đề thuộc quan tâm chung đối với Hội Thánh tại Châu Á, tìm kiếm các giải pháp và hành động phối hợp
• Cổ võ việc truyền thông và hợp tác với nhau giữa các Giáo Hội địa phương và các Giám Mục tại Châu Á
• Phục vụ các HĐGM của Châu Á để giúp họ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Dân Chúa
• Cổ võ một sự phát triển có qui củ hơn của các tổ chức và phong trào trong Hội Thánh trên toàn thế giới
• Cổ võ việc truyền thông và hợp tác đại kết và liên tôn.
Dựa trên nguyên tắc của các Giáo Hội địa phương, các quyết định của FABC không có giá trị ràng buộc pháp lý; việc chấp nhận các quyết định này là một sự thể hiện tính đồng trách nhiệm tập đoàn.
Cơ Cấu: FABC hoạt động thông qua một cấp trật các cơ cấu gồm Đại Hội Toàn Thể, Uỷ Ban Trung Ương, Uỷ Ban Thường Trực, và Văn Phòng Tổng Thư Ký.
• Đại Hội Toàn Thể là cơ quan tối cao của FABC. Đại Hội gồm tất cả các chủ tịch của các HĐGM thành viên hay các giám mục đại diện chính thức của họ, các giám mục đại biểu được bầu ra bởi các HĐGM thành viên, các thành viên liên kết và các thành viên của Uỷ Ban Thường Trực. Đại Hội Toàn Thể bình thường được triệu tập bốn năm một lần.
• Uỷ Ban Trung Ương gồm các chủ tịch của các HĐGM thành viên hay các giám mục đại diện chính thức của họ. Uỷ Ban Trung Ương có nhiệm vụ trông coi việc thực hiện các nghị quyết và các hướng dẫn của Đại Hội Toàn Thể.
• Uỷ Ban Thường Trực gồm 5 Giám Mục được bầu ra từ các vùng khác nhau của Châu Á. Uỷ Ban này có nhiệm vụ thực hiện các nghị quyết và các hướng dẫn của Uỷ Ban Trung Ương. Uỷ Ban Thường Trực hướng dẫn và hỗ trợ Văn Phòng Tổng Thư Ký và các cơ quan khác của FABC.
• Văn Phòng Tổng Thư Ký là cơ quan phục vụ chính và là một công cụ phối hợp trong nội bộ FABC và với các văn phòng và cơ quan bên ngoài. Hỗ trợ cho Văn Phòng Trung Ương có 9 Văn Phòng đặc trách các hoạt động/lãnh vực quan tâm chuyên biệt:
1. Văn Phòng Phát Triển Con Người
2. Văn Phòng Truyền Thông Xã Hội
3. Văn Phòng Giáo Dân
4. Văn Phòng các Vấn Đề Thần Học
5. Văn Phòng Giáo Dục và Tuyên Uý Sinh Viên
6. Văn Phòng các Vấn Đề Đại Kết và Liên Tôn
7. Văn Phòng Phúc Âm Hoá
8. Văn Phòng Giáo Sĩ
9. Văn Phòng Dòng Tu
Từ năm 2011, một bàn giấy về các vấn đề sinh thái đã được thiết lập để phụ trách vấn đề quan trọng này.
Trong những ngày này các Kitô Hữu Việt Nam đang hướng về Đại Hội Toàn Thể FABC lần thứ X để cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn các nghị phụ sinh ra những hoa quả tươi tốt cho đoàn dân Chúa tại Châu Á. Lần đầu tiên Giáo Hội tại Việt Nam được vinh dự tổ chức Đại Hội nói trên trong bối cảnh Năm Đức Tin của Hội Thánh toàn cầu, và hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của Việt Nam, đó là một cơ hội tuyệt vời để các tín hữu tại Việt Nam mở rộng tình yêu và đức tin tới những người anh em trên quê hương, đất nước, trên châu lục và toàn thế giới.
(Trích dịch và tham khảo tài liệu FABC, và tập san Nhà Chúa 44)
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh