Linh đạo giáo dân hay nẻo đường nên thánh cho mọi gia đình Kitô giáo

Linh đạo giáo dân hay nẻo đường nên thánh cho mọi gia đình Kitô giáo

Dẫn nhập

Khởi đi từ những mệnh lệnh của Tin mừng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không thể nào che dấu được” (Mt 5,13-14), thiết tưởng những Lời này phù hợp với người giáo dân hơn cả; họ là những con người sống giữa lòng trần thế, là muối, là ánh sáng cho đời, là “những nắm men” đang làm cho thế giới dậy men Tin Mừng (x. Mt 13,13). Dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, một Công đồng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, lưu tâm và đề cao vai trò của người giáo dân giữa lòng trần thế, chúng ta phác thảo một nền linh đạo giáo dân.

Trước tiên, chúng ta xác định người giáo dân là ai; kế đến, tìm hiểu vị trí của người giáo dân trong Giáo hội; và cuối cùng xác định linh đạo giáo dân qua vai trò và sứ mạng của người giáo dân giữa lòng trần thế; đồng thời cũng vạch ra những thách đố và một vài gợi hướng để suy tư.

Chúng ta tìm hiểu linh đạo người giáo dân một cách tổng quát bắt đầu từ câu hỏi căn bản:

I. Người giáo dân là ai?

1. Khởi đi từ một cách nhìn tiêu cực

Xưa nay, người giáo dân không được nhìn nhận và đánh giá một cách đúng mức; họ thường được định nghĩa cách tiêu cực: giáo dân là những tín hữu không làm linh mục, không khấn dòng. Hồng y Gasquet, trong quyển “The Layman in the Pre-Reformation Parish” - “Giáo Hội trong thời kỳ tiền cải cách giáo xứ”, đã kể mẩu truyện dí dỏm:

Một Kitô hữu tân tòng hỏi linh mục: “Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội như thế nào?”

Linh mục trả lời: “Giáo dân có hai vai trò, thứ nhất: quỳ trước bàn thờ; thứ hai: ngồi quay mặt về toà giảng”.

Sau đó, Đức Hồng y còn hài hước nói thêm: người ta còn quên vài trò quan trọng nữa của người giáo dân là đưa tay vào túi móc tiền ra bỏ vào rổ! [1]

Quả thực, suốt nhiều thế kỷ, người giáo dân như “một người ở trọ” ngay trong chính nhà của mình! Trong bối cảnh một xã hội “nặng óc gia trưởng”, một Giáo Hội thượng tôn hàng giáo sĩ, thì vai trò người giáo dân thật là mờ nhạt. Trong đời sống đức tin, giáo dân đóng vai trò thụ động, mang tâm trạng được ban phát; ân sủng, sứ mạng… như một thứ đặc quyền của hành giáo sĩ. Vô tình, đức tin bị tách ra khỏi đời sống xã hội; chỉ có Tin Mừng ở nhà thờ, nơi toà giảng; chứ không thể có Tin Mừng nơi công sở, nơi phố chợ hay sạp cá được! Và ngay cả việc nên thánh cũng là đặc quyền của hàng giáo sĩ, giới tu hành; giáo dân hoàn toàn lo việc đời và thuộc về thế gian, muốn nên thánh thì phải rập khuôn theo nếp sống của những bậc tu hành. Một não trạng như thế khá phổ biến nơi phần đồng những tín hữu đơn thành, chân chất.

Thiết tưởng, chúng ta cần vượt qua những quan niệm thiển cận như thế, người giáo dân phải được trả lại vị trí đúng đắn của mình, vì họ có một nền linh đạo, hay một đường hướng nên thánh đặc thù, chứ không phải là một thứ bản sao của hàng giáo sĩ.

Chúng ta tìm hiểu cách nhìn tích cực này về người giáo dân dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II.

2. Cách nhìn tích cực về người giáo dân dưới ánh sáng Công đồng Vatican II

Công đồng Vatican II (Hiến chế về Hội Thánh, số 31), định nghĩa người giáo dân cách tích cực: giáo dân là tín hữu sống giữa đời, đặc trưng của giáo dân là trần thế.

Tuy nhiên, không ít tác giả phản ứng lại định nghĩa này, vì không chỉ có giáo dân mới sống giữa đời, mà ngay cả giáo sĩ, tu sĩ cũng sống giữa đời (thế giới của họ đâu phải là sa mạc hay cung trăng đâu!). Hơn nữa, phải hiểu thế nào là “giáo dân”, trẻ mới rửa tội đã là giáo dân, hay phải là người tín hữu trưởng thành?…

Theo cha Hans Urs Von Balthasar, thì không có linh đạo nào đặc trưng của giáo dân cả, họ chỉ là những tín hữu và gắng nên thánh trong những điều kiện sinh sống cụ thể hằng ngày.[2]

Như vậy, người giáo dân là ai? Họ có sứ mạng gì không? Để trả lời câu hỏi “người giáo dân là ai?”, Công đồng Vatican II đã loại bỏ giải pháp dễ dãi của một định nghĩa tiêu cực, mà nhìn nhận vai trò người giáo dân một cách tích cực hơn. Công đồng bày tỏ ý hướng nền tảng của mình qua việc khẳng định rằng người giáo dân hoàn toàn thuộc về Giáo Hội, cũng như thuộc về mầu nhiệm của Giáo Hội; và nét đặc trưng trong ơn gọi của họ có mục đích riêng là “tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách quản trị các sự việc trần thế và xếp đặt chúng theo thánh ý Thiên Chúa một cách đặc biệt”.[3]

Hiến chế Ánh sáng Muôn dân quảng diễn tư tưởng trên như sau:

“Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả giáo hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì [4] được Giáo Hội công nhận: nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thanh tẩy, đã trở nên Dân Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Giáo hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình”.[5]

Đức Piô XII, trong diễn từ đọc trước các tân Hồng y (20-2-1946), đã khẳng định:

“Các tín hữu, hay chính xác hơn, người giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiên phong trong đời sống Giáo Hội; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động cho xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là chính Giáo hội, tức là cộng đoàn tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung, là Đức giáo hoàng, và các vị Giám mục hiệp thông với ngài. Người giáo dân là Giáo Hội”.[6]

Khẳng định trên của Đức Thánh Cha đã gây ý thức và có ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội. Về sau, Thượng Hội đồng Giám mục 1987, và Tông huấn “Kitô hữu Giáo dân” của Đức Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại ý tưởng đó.[7]

Từ một góc nhìn mới mẻ về người giáo dân như thế, chúng ta tìm hiểu về vị trí của họ trong Giáo hội.

II. Vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội

Trước khi tìm hiểu về vị trí của người giáo dân, thiết tưởng chúng ta cần xác định lại quan điểm thế nào là Giáo hội; bởi vì có không ít những quan điểm phiến diện, lệch lạc về Giáo hội. Công đồng cho chúng ta lối nhìn căn bản:

1. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa

“Dân Thiên Chúa” là một ý niệm giữ vị trí then chốt trong toàn thể tư tưởng của Hiến chế Ánh sáng Muôn dân. Ý niệm này được xây dựng trên nền tảng lịch sử và Kinh thánh: từ một dân tộc được Chúa chọn làm dân riêng, đến một Giáo Hội lữ hành tiến về quê trời như Dân riêng tiến về đất hứa. Giáo Hội chính là một Dân mới có tính phổ quát và hoàn hảo hơn, đó cũng chính là Dân Chúa chọn để làm nên một “dân tư tế, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

Hạn từ “Dân Thiên Chúa” gợi lên cho chúng ta cách nhìn xuyên suốt, liên tục trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giáo hội là Israel mới, là dân cánh chung ; và mọi người luôn được mời gọi gia nhập dân này qua Bí tích Thanh Tẩy, và được mang một danh xưng đặc biệt: người Kitô hữu.

“Dân Thiên Chúa” cũng là một hạn từ có khả năng diễn tả sống động hình ảnh cụ thể của Giáo hội, hình ảnh một đoàn dân quy tụ.[8] Cách nhìn này cho thấy sự bình đẳng của mọi người tín hữu, đánh đổ một lối nhìn về Giáo hội theo lối hình chóp; hoăc lối nhìn chỉ thấy Giáo Hội là hàng giáo phẩm.

Ngoài hình ảnh sống động Giáo Hội là dân Thiên Chúa, Giáo Hội còn được diễn tả là Nhiệm thể Chúa Kitô[9]; trong nhiệm thể này, các chi thể đều bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Thiết tưởng từ nền tảng hai ý niệm quan trọng này về Giáo Hội, chúng ta tìm hiểu vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội.

2. Vị trí căn bản của người giáo dân trong Giáo Hội

Sau Công đồng Vatican II, một Thượng hội đồng giám mục đã nhóm họp vào tháng 10 năm 1987 để bàn về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và thế giới ; thành quả được đúc kết trong Tông huấn Christifideles laici, do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 31-12-1988. Trong văn kiện, chân dung người tín hữu giáo dân được diễn tả qua vị trí của họ trong Giáo hội nhìn từ ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.[10]

- Chiều kích mầu nhiệm: Người giáo dân được hưởng trọn vẹn phẩm giá của Kitô hữu, nghĩa là con cái của Thiên Chúa, thân thể của Đức Kitô, đền thờ của Chúa Thánh Thần (số 11-13). Họ được thông dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô (số 14)[11], vì là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên người giáo dân được mời gọi nên thánh bằng cách phát triển những hoa trái của Thánh Linh (số 16).[12]

- Chiều kích hiệp thông: người giáo dân được lãnh những đặc sủng khác nhau, tất cả những đặc sủng này đều nhằm mưu ích cho cộng đoàn, xây dựng, duy trì những mối dây liên kết với những phần tử khác trong các cấp độ cộng đoàn khác nhau (giáo họ, giáo xứ, giáo phận, Giáo Hội hoàn vũ).[13]

- Chiều kích sứ vụ: người giáo dân tham gia vào sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới, đặc biệt nơi những môi trường mà Tin Mừng chưa thấm nhập: những môi trường ngoài Kitô giáo; những môi trường phản kháng, chống đối Kitô giáo…[14]

Liên kết ba chiều kích trên, ta thấy người giáo dân có một vị trí đặc biệt trong Giáo Hội, người giáo dân là chính Giáo hội[15], là Dân Thiên Chúa, là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, họ bình đẳng với mọi thành phần khác về vị trí và giá trị như bất cứ thành phần nào trong Thân Thể Huyền Nhiệm.[16]

Từ vị thế căn bản này, chúng ta làm sáng tỏ linh đạo giáo dân.

III. Linh đạo giáo dân

Nếu người giáo dân có vị thế căn bản trong Giáo Hội, thì cũng có một linh đạo dành riêng cho họ. Linh đạo này được đặt nền trên Bí tích Thanh Tẩy.

1. Nền tảng căn bản: Bí tích Thánh Tẩy

Khi lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, người Kitô hữu được chia sẻ ba chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả của Đức Kitô. Tuy nhiên, người giáo dân, do tính cách trần thế, đã hành xử ba chức vụ này khác với hàng giáo sĩ. Chúng tìm hiểu nét đặc thù của từng vai trò đó.

a. Vai trò tư tế

Chúa Kitô là vị thượng tế duy nhất, duy mình Người mới có thể dâng lên Chúa Cha hiến lễ đích thực có giá trị vĩnh viễn cứu độ con người. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng trao quyền tế lễ cho các thừa tác viên của Người khi thiết lập tác vụ linh mục. Để thi hành chức vụ này cách trọn vẹn, Đức Giêsu mời gọi một dân là Giáo Hội, dân được thánh hoá để trở thành dân thánh, dân tư tế (x. 1 Pr 2,9).

Người giáo dân được chia sẻ chức tư tế Chúa ban cho Giáo Hội, gọi là chúc tư tế cộng đồng[17]. Nhờ chức tư tế này, người giáo dân có thể thực sự thánh hoá đời sống mình, thánh hoá mọi sinh hoạt trần thế, mọi chức vụ, và ngay cả những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Tất cả được kết hợp với hiến tế duy nhất của Đức Kitô, dâng lên Chúa Cha, để nên lời ca khen chúc tụng cũng như mang lại ơn cứu độ cho chính mình và cho nhân loại. [18]

“Mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công việc làm hằng ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô”.[19]

b. Vai trò ngôn sứ

Ngôn sứ hay tiên tri là những người được Chúa tuyển chọn, thay mặt Chúa để nói Lời và ý muốn của Người cho nhân loại. Đức Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại, Người đến và nói “những điều đã nghe biết nơi Chúa Cha”. Đức Giêsu là điểm thành toàn của tất cả các ngôn sứ; nói cách khác, tất cả các ngôn sứ đều là chuẩn bị và loan báo Đức Giêsu sẽ đến.

Người giáo dân tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Đức Giêsu bằng cách góp phần vào sứ vụ loan báo ý định cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại: họ bày tỏ đức tin và đức ái cho những người chung quanh, trong lĩnh vực nghề nghiệp, và nhất là trong đời sống gia đình.

“Được thánh hoá do Bí tích Hôn Nhân, hai vợ chồng cùng làm chứng cho nhau và con cái về lòng tin và tình yêu của Chúa, để cho gia đình Kitô giáo vừa là nơi huấn luyện tuyệt diệu cho công cuộc tông đồ, vừa bày tỏ sức mạnh của Tin Mừng giữa lòng thế giới”.[20]

Thiết tưởng vai trò ngôn sứ của người giáo dân trong thời đại hôm nay, còn là đọc ra ý định của Thiên Chúa qua dấu chỉ và các biến cố của thời đại, một thời đại đầy biến động, đổi thay chóng mặt. Thiên Chúa vẫn ngỏ lời với con người, nhưng điều quan trọng là con người có nhận ra và đáp trả hay không. Không phải chỉ thời nay, nhưng thời nào vai trò ngôn sứ cũng vẫn cấp bách và cần thiết.

c. Vai trò vương giả

Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha cho đến chết, và Người đã phục sinh vinh hiển. Khi mọi sự hoàn tất, khi Người tiêu diệt hết mọi quản thần, quyền thần và dũng thần, Người trao lại vương quyền cho Thiên Chúa là Cha, để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự và cho mọi người (x. 1 Cr 15,20-28).

Khi lãnh nhận chức vụ vương giả của Đức Kitô, người giáo dân được hưởng một sự tự do đích thực, tự do hào hùng của con cái Chúa, không còn làm nô lệ cho ác thần, và được ban sức mạnh để chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình. Chức vụ vượng giả này cũng thúc đẩy người giáo dân có trách nhiệm phải hăng say hoạt động để đưa tất cả mọi anh em của mình về với Thiên Chúa.

Để thi hành vai trò này, Công đồng nhắc nhở người giáo dân cần phải nhận biết bản tính sâu xa của các thụ tạo, cứu cánh của chúng phải hướng về Thiên Chúa, chờ đợi ngày Thiên Chúa cứu độ trọn vẹn; cho nên người giáo dân giữa môi trường trần thế, cần phải nỗ lực làm cho trần gian thấm nhuần ơn cứu độ của Đức Kitô và đạt tới cùng đích của nó một cách hữu hiệu hơn trong công lý, hoà bình và bác ái.[21]

2. Sứ mạng thánh hoá trần thế

Có thể nói sứ mạng đặc trưng của người giáo dân là thánh hoá trần thế. Sứ mạng này khởi đi từ một lời mời gọi căn bản của Đức Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

a. Lời mời gọi nên thánh của mọi Kitô hữu

Nên thánh không phải là đặc quyền của riêng thành phần nào, tất cả mọi người đều được mời gọi trở nên hoàn thiện, và phải trở nên hoàn thiện. Các phương tiện nên thánh của người giáo dân cũng là những phương chung cho tất cả mọi tín hữu : đời sống nhân đức, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các bí tích, việc cầu nguyện, hy sinh, bác ái … và những sinh hoạt hằng ngày ; nhờ thế, toàn thể cuộc đời trở nên hiến tế tinh thần đẹp lòng Chúa và góp phần thánh hoá nhân loại.[22]

Người giáo dân nên thánh trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống: nơi gia đình, nơi phố chợ, nơi công sở… Nhờ sống đạo giữa lòng nhân loại như vậy, họ góp phần “Tin Mừng hoá” thế giới; một thế giới còn quá nhiều chọn lựa nghịch với giá trị của Tin Mừng. Nét đặc trưng của người giáo dân là nên thánh gữa đời, giữa những xô bồ náo nhiệt chứ không phải nơi sa mạc hoang vu hay tu viện bốn bề yên tĩnh.

Chúng ta đào sâu hơn khía cạnh trần thế trong sứ mạng của người giáo dân.

b. Tính cách trần thế trong sứ sứ mạng của người giáo dân

Đức Piô XII, trong bài phát biểu tại đại hội thế giới năm 1957, đã đưa ra những nhận định khá rõ nét về tính cách đặc thù trong sứ mạng của người giáo dân:

“Mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới đòi phải có sự can thiệp của các tông đồ giáo dân. Việc “thánh hiến trần gian”, trong cốt yếu, chính là công việc của người giáo dân, là những người hoà nhập một cách chặt chẽ vào đời sống kinh tế xã hội”.

Nhìn lại lịch sử nhân loại, sau đệ nhị thế chiến, trước một xã hội đổ vỡ tan nát nhưng cũng đang manh nha nhiều yếu tố mới mẻ, Đức Gioan XXIII đề cập đến vai trò người giáo dân như là lời đáp trả tiếng kêu khẩn thiết của thế giới:

“Giáo Hội hôm nay phải đương đầu với một trách nhiệm lớn lao: đem sắc thái nhân bản và Kitô giáo vào trong nền văn minh hiện đại, sắc thái mà nền văn minh này đòi hỏi và dường như khẩn khoản nài xin, nhằm lợi ích phát triển và sự hiện hữu của nền văn minh ấy. Giáo hội chu toàn cách trách nhiệm ấy, đặc biệt nhờ các giáo dân, là những người phải cảm thấy mình dấn thân vào việc thực hiện những hoạt động nghề nghiệp như là việc chu toàn một nghĩa vụ, như là một dịch vụ mà do họ thực hiện trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, trong Đức Kitô, để làm vinh danh Người”.[23]

Như vậy, với vị thế đặc biệt của mình, người giáo dân có thể thi hành những sứ mạng mà hàng giáo sĩ không thể nào chu toàn nổi. Họ thực đang là men Tin Mừng, là muối ướp trần gian. Người giáo dân đang nỗ lực xây dựng Nước Trời ngang qua những nẻo đường trần thế, họ là lời nhắc nhở một thời cánh chung đã khởi đầu và đang tiến về sự viên mãn. Lời của Đức Gioan Phaolô II, trong bài giảng bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục 1987, càng cho ta xác tín hơn sứ mạng đặc thù của người giáo dân, sứ mạng mang tính cách trần thế:

“Người tín hữu giáo dân được đặt vào tận biên thuỳ của lịch sử: gia đình, văn hoá, xã hội, thế giới lao động, kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, truyền thông đại chúng, những vấn đề lớn của sự sống, của liên đới, hoà bình, đạo đức nghiệp vụ, nhân quyền, giáo dục, tự do tôn giáo”.

Thiết tưởng đến lúc này, chúng có thể hình dung ra được sứ mạng cao cả của người giáo dân, họ đóng vai trò tích cực và đặc thù, để hoàn thành sứ mạng chung của cả Giáo Hội, sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm cho muôn người trở thành môn đệ của Đức Kitô.

3. Những thách đố

Ở trên, chúng ta đã phác thảo linh đạo của người giáo dân dựa trên nền tảng căn bản là Bí tích Thánh Tẩy; thực ra, Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng chung cho mọi Kitô hữu, chẳng kỳ họ là giáo dân hay giáo sĩ. Thiết tưởng ngay trong cách phân chia này, dù có nhìn tích cực đến đâu, người giáo dân vẫn bị xếp hạng. Phải nói rằng Công đồng Vatican II đã có bước đột phá rất lớn trong việc xác định lại vai trò của người giáo dân trong Giáo hội, đưa ra những suy tư định hướng cho một nền linh đạo giáo dân; tuy nhiên, đây mới chỉ là lý thuyết, hay những biểu ngữ sáo rỗng; về phương diện thực hành, Công đồng không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể để người giáo dân có thể tham gia một cách tích cực vào những tác vụ của Giáo Hội;[24] cho nên sứ mạng chung của cả Giáo Hội vẫn thường bị coi như là công việc riêng của hàng giáo sĩ, đặc biệt là trong công tác quản trị. Linh đạo của người giáo dân vẫn bị giảm thiểu.

Một chút nhìn lại lịch sử, trong thiên niên kỷ thứ nhất, giáo dân và giáo sĩ phát triển song hành; bước sang thiên niên kỷ thứ hai, hình ảnh người giáo dân mờ nhạt, hàng giáo sĩ thượng tôn. Nếu dự đoán một chút về tương lai, phải chăng thiên niên kỷ thứ ba này phải là thiên niên kỷ của người giáo dân? Phải chăng cần một lối nhìn thần học mới về người giáo dân, tránh những địa vị, chức tước quá nhiều? Ở một số vùng sâu xa hẻo lánh, người giáo dân được chia sẻ một số tác vụ mà từ trước đến nay chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, ví dụ như: quản trị cộng đoàn, trao Mình Thánh Chúa, thăm viếng và trao Của Ăn Đàng cho kẻ liệt…; tuy nhiên, những tác vụ này chỉ được thực thi một cách ngoại thường, như một biện pháp chữa cháy, chứ không phải là tác vụ chính thức người giáo dân được trao phó.

Cũng có những trường hợp người giáo dân lạm dụng chức quyền, chi phối cả những hoạt động của Giáo Hội. Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội: Vào thế kỷ thứ mười, người giáo dân có quyền bầu Giám mục; và rồi nhiều giáo dân có vai vế, xen mình cả vào việc bầu Giáo hoàng. Do vậy, từ thế kỷ thứ mười một, Giáo hội dần dần bị cơ cấu hóa và dẫn đến tình trạng giáo sĩ trị, quyền bính của hàng giáo sĩ ngày càng được củng cố và đẩy lui vị trí của người giáo dân. Tình trạng thái quá bất cập này còn được Công đồng Trentô củng cố vững mạnh hơn nữa. Suốt cả 10 thế kỷ, người giáo dân một cách vô tình chỉ được coi là một Kitô hữu hạng hai; cho tới Vatican II, lối nhìn này mới được đặt lại. Tuy nhiên để có thể thay đổi não trạng, cả về phía giáo sĩ lẫn giáo dân, cần phải có một “cuộc cách mạng” và phải cần thời gian nữa.

Kết luận

Thánh Âutinh nói: “Làm giám mục cho anh em tôi rất sợ; làm tín hữu đối với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem lại ơn cứu độ”.

Quả thực, ơn gọi căn bản và cao quý nhất của mỗi người, đó là ơn gọi được làm Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh Tẩy, người tín hữu được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, được quy tụ thành dân Thiên Chúa, được chia sẻ 3 chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô. Dù là giáo dân hay giáo sĩ, tất cả đều bình đẳng và được trân trọng như những bộ phận khác nhau trong cùng một thân thể. Mỗi bộ phận có chức năng riêng, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung. Có lẽ trong thiên niên kỷ thứ ba này, cần phải triển khai ơn gọi là Kitô hữu, như ơn gọi nền tảng của mọi thành phần dân Chúa, và đặc biệt phải giúp người giáo dân nhận ra phẩm giá và vai trò đặc biệt của mình là một Kitô hữu sống ơn gọi giáo dân, cũng như những Kitô hữu khác sống ơn gọi tu sĩ, linh mục.

Chính từ ý thức này, người giáo dân dấn thân vào trần thế như một chức năng riêng biệt. Ứng với từng hoàn cảnh cụ thể, tuỳ theo nghề nghiệp, tuổi tác, tình trạng bản thân, môi trường văn hoá, kinh tế, chính trị… người giáo dân phải thích ứng và đem vào đó những giá trị Tin Mừng. Do vậy, tuy có thể phác thảo một nền linh đạo chung cho người giáo dân, nhưng không loại trừ những nét linh đạo mang tính đặc thù hơn nữa: linh đạo dành cho thiếu nhi, giới trẻ, giới trưởng thành, những người cao tuổi, những người bệnh tật, hay linh đạo dành cho những người nghiện hút, nhiễm AIDS… Hành trình vẫn diệu vợi, mời gọi nhiều người dấn thân khám phá; mệnh lệnh lên đường loan báo Tin Mừng và lời mời gọi nên hoàn thiện của Đức Giêsu vẫn đang thôi thúc mỗi người chúng ta.

---------------------------------------------

 

[1] x. Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn, tr. 2.

[2] x. Phan Tấn Thành, tr. 378.

[3] x. Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 31,2.

[4] Nên có sự phân biệt ở đây, theo Giáo luật, những tu sĩ không có chức thánh, cũng thuộc vào hàng giáo dân. Theo cấp độ phẩm trật, chỉ phân biệt hàng giáo dân và giáo sĩ (đây là chú thích của người viết chứ không phải của bản văn).

[5] x. Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 31.

[6] Trích theo Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn, tr. 251.

[7] x. Nguyễn Trọng Viễn, tr. 2.

[8] Giáo Hội, theo tiếng Hylạp là Ekklesia, nghĩa là sự quy tụ.

[9] x. Cr 12,12-30; LG 7.

[10] x. Phan Tấn Thành, tr. 378.

[11] Cbúng ta sẽ khai triển riêng ba chức vụ này khi bàn về vai trò của giáo dân giữa lòng trần thế.

[12] x. Chương I của Tông huấn Christifideles laici, nói về chiều kích mầu nhiệm trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi.

[13] x. Chương II của Tông huấn Christifideles laici, nói về nội bộ của Giáo Hội.

[14] x. Chương III của Tông huấn Christifideles laici.

[15] Cách diễn tả của Đức Piô XII.

[16] x. 1 Cr 12,12.

[17] Chức tư tế cộng đồng phân biệt với chức tư tế của các linh mục là chức tư tế thừa tác.

[18] Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, số 32.

[19] Ibidem, số 32.

[20] Ibidem số 32.

[21] x. Nguyễn Trọng Viễn, tr. 7.

[22] x. Phan Tấn Thành, tr. 379.

[23] Thông điệp Mẹ và Thầy, ban hành ngày 15-5-1961, của Đức Gioan XXIII.

[24] Những tác vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả, chỉ được giải thích một cách hạn hẹp, một chiều. Trong thức tế: phải là người có chức thánh mới được công bố Tin mừng, phải là linh mục chánh xứ mới có quyền tài phán… Không phải là cào bằng tất cả những tác vụ ở đây, nhưng thực tế là vai trò của người giáo dân rất bị hạn chế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thánh Công đồng chung Vatican II.

2. Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn, Linh đạo Giáo dân, Đại Chủng viện Thánh Giuse, 1990-1991.

3. Lm. Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh, tập III, Rôma 2003, chương 12.

4. Lm. Nguyễn Trọng Viễn, Linh đạo Giáo dân và Linh đạo Giáo dân Đaminh, tài liệu tham khảo khóa học tập về giáo dân Đaminh.

5. Lm. Thiện Cẩm, Giáo Hội, Cộng đồng Dân Thiên Chúa, 1994.

6. Fr. F. Antonisamy, An introduction to Christian spirituality, St. Pauls, 2000.

Top