Linh mục là người tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu thánh hóa con người và thế giới
Linh mục là người tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu thánh hóa con người và thế giới qua việc loan báo Lời Chúa và cử hành các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải.
Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 5-5-2010.
Như đã biết Đức Thánh Cha vừa mới viếng thăm mục vụ tổng giáo phận Torino về nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu vài cảm tưởng của chuyến viếng thăm và nói về nhiệm vụ thứ hai của linh mục là nhiệm vụ thánh hóa con người, đặc biệt là qua các Bí tích và việc phụng tự của Giáo Hội.
Trong chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha đã kính viếng Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino, hiệp ý với hơn 2 triệu tín hữu cũng đang kính viếng Tấm Khăn Liệm trong những ngày này. Ngài nói Tấm Khăm Liệm ấy có thể dưỡng nuôi đức tin và củng cố lòng đạo đức Kitô, vì nó thúc đẩy tín hữu tiến tới với gương mặt của Chúa Kitô, tiến tới với Thân Xác Chúa Kitô chịu đóng đanh và phục sinh, và chiêm niệm Mầu Nhiệm Phục Sinh là trung tâm Sứ Điệp Kitô. Chúng ta là chi thể của Thân Mình Chúa Kitô phục sinh, hoạt động trong lịch sử, mỗi người theo nhiệm vụ riêng mà Chúa Kitô đã giao phó.
Đề cập tới nhiệm vụ của linh mục là thánh hóa con người Đức Thánh Cha nói ”Thánh” là phẩm chất chuyên biệt của Thiên Chúa, nghĩa là sự thật tuyệt đối, lòng lành, tình yêu, vẻ đẹp và ánh sáng tinh tuyền. Ngài định nghĩa nhiệm vụ này của linh mục như sau:
Thánh hóa một người như thế có nghĩa là đặt để người đó tiếp cận với Thiên Chúa, với bản chất của Người là ánh sáng, sự thật, tình yêu tinh tuyền. Và đương nhiên là sự tiếp cận ấy biến đổi con người. Trong thời xa xưa người ta xác tín rằng không ai có thể trông thấy Thiên Chúa mà không chết ngay tức khắc. Vì sức mạnh chân lý và ánh sáng của Ngài qúa vĩ đại! Nếu con người đụng chạm tới luồng sáng tuyệt đối ấy thì sẽ không thể sống còn. Đàng khác cũng lại có xác tín rằng không có sự tiếp cận tối thiểu với Thiên Chúa, thì con người cũng không thể sống được. Như thế vấn nạn là làm sao con người có thể tìm ra sự tiếp cận với Thiên Chúa, là nền tảng mà không chết ngộp vì sự vĩ đại của Thiên Chúa. Đức tin của Giáo Hội nói với chúng ta rằng chính Thiên Chúa đã tạo ra sự tiếp cận biến đổi chúng ta từ từ trở thành hình ảnh của Ngài.
Tự mình không ai có thể đặt để người khác trong sự tiếp cận với Thiên Chúa. Một phần chính ơn thánh của chức linh mục là nhiệm vụ tạo ra sự tiếp sự tiếp cận ấy. Điều này được thực hiện trong việc loan báo lời Chúa, qua đó ánh sáng của Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Nó được thực hiện một cách sâu đậm trong các Bi Tích. Việc dìm mình vào trong Mầu Nhiệm vượt qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô xảy ra trong Bí Tích Rửa Rội, được củng cố trong Bí Tích Thêm Sức và trong Bí tích Hòa Giải, và được dưỡng nuôi bởi Bí Tích Thánh Thể, là Bí Tích xây dựng Giáo Hội như là Dân của Thiên Chúa, Thân Mình của Chúa Kitô, Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. Gioan Phaolo II, Tông Huấn Pastores gregis, s.32). Như thế, chính Chúa Kitô thánh hóa, nghĩa là lôi kéo chúng ta vào trong phạm vi của Thiên Chúa. Nhưng trong lòng thương xót vô cùng, Ngài kêu gọi một số người ”ở” với Ngài (x. Mc 3,14) và qua Bí tích Truyền Chức, trở thành những người chia sẻ Chức Linh Mục của chính Ngài, mặc cho sự nghèo nàn nhân loại, trở thành các thừa tác viên của sự thánh hóa ấy, phân phát các mầu nhiệm của Chúa, là các cây cầu của sự gặp gỡ với Chúa, làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong các thập niên qua người ta có khuynh hướng đề cao chiều kích loan báo trong căn tính và sứ mệnh linh mục, tách rời khỏi nhiệm vụ thánh hóa, viện cớ là phải thắng vượt một kiểu mục vụ thuần túy bí tích. Nhưng có thể thi hành chức Thừa Tác Linh Mục bằng cách thắng vượt mục vụ bí tích hay không? Như trình thuật trong các Phúc Âm, Chúa Giêsu khẳng định rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa là mục đích sứ mệnh của Người, nhưng nó không chỉ là một diễn văn, mà cũng bao gồm hành động của Người nữa. Các dấu chỉ, các phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện cho thấy rằng Nước Chúa đến như một thực tại hiện diện, và sau cùng trùng hợp với chính con người của Ngài, với việc trao ban chính Ngài. Điều này cũng đúng đối với chức thừa tác linh mục: linh mục đại diện Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đi, và tiếp tục sứ mệnh của Chúa, qua ”lời nói” và ”bí tích” trong toàn thể thân xác và linh hồn, dấu chỉ và lời nói.
Có lẽ chính việc đánh giá thấp nhiệm vụ thánh hóa đã khiến cho niềm tin nơi sự hữu hiệu cứu rỗi của các Bí Tích bị suy yếu đi, và nói cho cùng cũng khiến cho niềm tin nơi hoạt động của Chúa Kitô và của Thần Khí Ngài qua Giáo Hội, trong thế giới bị suy yếu đi.
Chỉ có Đức Giêsu thành Nagiarét là Chúa và là Đức Kitô bị đóng đinh và phục sinh mới có thể cứu rỗi thế giới và con người. Mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ là nơi hoạt động của Chúa Kitô qua Giáo Hội, đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể, khiến cho lễ tế hy hiến cứu chuộc của Chúa Kitô hiện thực, và trong Bí Tích Hòa Giải, trong đó từ cái chết của tội lỗi con người trở lại cuộc sống mới, cũng như trong mọi cử chỉ bí tích thánh hóa khác (PO, 5).
Vì thế cần phải thăng tiến một nền giáo lý thích hợp để giúp tín hữu hiểu gía trị của các Bí Tích, và noi gương Cha Sở Thánh họ Ars, sẵn sàng quảng đại chú ý tới việc phân phát cho các tín hữu các kho tàng ơn thánh mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta, và chúng ta không phải là chủ nhân mà chỉ là các người quản lý. Đặc biệt trong thời đại của chúng ta ngày nay, một đàng xem ra có sự yếu kém của đức tin, mặt khác có nhu cầu kiếm tìm tu đức, mỗi một linh mục phải nhớ rằng loan báo truyền giáo, phụng tự và các bí tích không bao giờ được tách rời nhau trong sứ mệnh của linh mục. Và phải thăng tiến việc mục vụ bí tích để đào tạo dân Chúa và giúp họ sống tràn đầy Phụng Vụ, việc phụng tự của Giáo Hội và các Bí Tích như là các ơn nhưng không của Thiên Chúa, các hành động tự do và hữu hiệu trong hoạt động cứu độ của Ngài.
Sau khi nhắc cho các linh mục biết rằng trong Bí Tích chính Thiên Chúa hoạt động chứ không phải con người, và linh mục người ban bí tích chỉ là dụng cụ, tuy cần thiết Chúa dùng để ban ơn cứu độ, nhưng chỉ là dụng cụ. Vì thế các linh mục phải quảng đại và khiêm tốn trong việc ban các Bí Tích, tôn trọng các khoản của Giáo Luật và phải xác tín rằng sứ mệnh của mình là làm sao để cho tất cả mọi người được kết hiệp với Chúa Kitô, có thể tự hiến cho Thiên Chúa như bánh sống động và thánh thiện đẹp lòng Ngài (x. Rm 12,1). Rồi Đức Thánh Cha khuyến khích các linh mục như sau:
Các linh mục thân mến, hãy sống Phụng Vụ và phụng tự với niềm vui và tình yêu thương: đó là hành động mà Chúa Phục Sinh thi hành trong quyền năng của Chúa Thánh Thần nơi anh em, với anh em và cho anh em. Tôi muốn lập lại lời kêu gọi mới đây: ”hãy trở lại tòa giải tội, như nơi cử hành Bí Tích Hòa Giải, và cũng như là nơi trong đó anh em hãy ở thường xuyên hơn, để tín hữu có thể tìm thấy lòng xót thương, lời khuyên nhủ ủi an, cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương và hiểu biết và sống kinh nghiệm sự hiện diện Lòng Từ Bi Chúa, bên cạnh sự Hiện Diện thực sự của Thánh Thể” (Diễn văn nói với các viên chức Tòa Ân Giải 11-3-2010). Tôi cũng muốn mời gọi mọi linh mục cử hành và sống sâu đậm Thánh Thể, là trọng tâm của nhiệm vụ thánh hóa: chính Chúa Giêsu muốn ở với chúng ta, sống trong chúng ta, tự ban chính Ngài cho chúng ta, cho chúng ta thấy lòng từ bi vô biên và sự hiền dịu của Thiên Chúa.
Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha mọi gọi tín hữu ý thức được ơn lớn lao mà Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới là các linh mục: qua chức thừa tác của các vị Chúa tiếp tục cứu rỗi con người, hiện diện và thánh hóa con người. Anh chị em hãy biết cám tạ Thiên Chúa, và nhất là hãy biết sống gần gũi với các linh mục với lời cầu nguyện và sự nâng đỡ, đặc biệt trong những lúc khó khăn, để các vị luôn là Mục tử như lòng Chúa mong muốn.
Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người
Linh Tiến Khải
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng