Linh mục Theodore M. Hesburgh, một gương mặt linh mục trí thức đương đại của Giáo Hội tại Hoa Kỳ
Linh mục Theodore M. Hesburgh, một gương mặt linh mục trí thức đương đại của Giáo Hội tại Hoa Kỳ
WHĐ (19.08.2009) – Linh mục Theodore M. Hesburgh, được gọi thân mật là Cha Ted, một tu sĩ Dòng Thánh Giá.
Linh mục Hesburgh nguyên là viện trưởng viện Đại học Notre Dame (bang Indiana, Hoa Kỳ) trong suốt 35 năm (1952-1987). Ngài là một gương mặt xuất sắc của Giáo Hội và giới trí thức đại học của nước Mỹ đương đại.
Trong hơn nửa thế kỷ thi hành tác vụ linh mục, với tình yêu và niềm say mê đối với thánh chức này, Cha Ted đã có những cống hiến lớn lao cho Giáo hội và xã hội, đặc biệt cho nền giáo dục đại học của Hoa Kỳ.
Cha đã từng phục vụ bốn triều giáo hoàng. Trong đó cha có những đóng góp nổi bật cho ba đời giáo hoàng. Thời Đức Gioan XXIII, cha phục vụ với tư cách đại diện thường trực của Vatican tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đặt tại Vienna (1956-1970). Thời Đức Phaolô VI, năm 1968, cha được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đại biểu của Vatican tham dự lễ Kỷ niệm 20 năm Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Iran. Năm 1972, thời Đức Phaolô VI, cha xây dựng Viện Hiệp nhất ở Tantur (Giêrusalem), đến nay vẫn do Đại học Notre Dame tiếp tục công việc điều hành. Năm 1983, cha được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa, với sứ mạng tìm ra những phương cách hữu hiệu nhằm rao giảng sứ điệp cứu độ của Tin Mừng trong thế giới đa văn hóa.
Ngoài những đóng góp phục vụ Giáo Hội, Cha Ted còn là một trí thức lớn, đóng góp không nhỏ vào những giá trị đương đại của nước Mỹ và quốc tế như: sự bình đẳng, lòng khoan dung, hòa bình, loại bỏ những hiểm họa chiến tranh, phát triển giáo dục bậc cao…, trên rất nhiều cương vị như: viện trưởng đại học, chủ tịch Ủy ban soạn thảo Dự luật về các Quyền Công dân của Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Khoa học và Kỹ thuật phục vụ phát triển, chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Tị nạn và Nhập cư Hoa Kỳ, điều phối viên của nhóm khoa học gia quốc tế đấu tranh giải trừ vũ khí hạt nhân…
Nhưng trên hết vẫn là tinh thần và nhiệt tâm tông đồ của một linh mục. Bên trong tinh thần và nhiệt tâm ấy là cả một niềm quý trọng và yêu mến chức linh mục.
Đối với cha Hesburgh, không hoạt động nào có sức hấp dẫn, thu hút niềm say mê và khơi lên niềm hăng hái làm việc bằng công việc và cuộc sống tông đồ của người linh mục.
Nhân Năm Linh mục, WHĐ trân trọng giới thiệu bài Tự thuật của cha Theodore M. Hesburgh. Bài viết trích trong cuốn “Extraordinary Lives: 34 Priests Tell Their Stories” do Francis P. Friedl và Rex Reynold thực hiện, nxb Ave Maria, 1998.
(Nhan đề và những tiểu đề do WHĐ đặt.)
* * *
Tại Hoa Kỳ, linh mục Ted Hesburgh, Viện trưởng Danh dự của Viện Đại học Notre Dame, là một trong những tên tuổi nổi tiếng và rất được kính trọng. Mặc dù đã “nghỉ hưu” vai trò viện trưởng vào năm 1987, sau ba mươi lăm năm đảm nhận cương vị này, cha vẫn được mời ở lại viện và tiếp tục là điều phối viên của một số trung tâm mà cha đã giúp đỡ thành lập.
Cha Hesburgh là một vị lãnh đạo nổi bật trong cả hai lĩnh vực tôn giáo và trần thế. Ngài đã làm cố vấn cho bảy đời Tổng thống Hoa Kỳ và vài triều Giáo hoàng. Cha đã phục vụ tại mười lăm ủy ban của Tổng thống Hoa Kỳ và từng là thành viên của Ủy ban khoan hồng của Tổng thống sau chiến tranh Việt Nam. Cha phụ trách việc xem xét 15.000 đơn xin khoan hồng của những thanh niên trốn quân dịch và các quân nhân bị loại ngũ. Cha đã từng dâng lễ tại Nam Cực và vượt kỷ lục thế giới về tốc độ bay đạt vận tốc Mach 3.35 trên chiếc phi cơ Blackbird SR 71, đã từng giảng cho người Nga tại các nhà thờ của họ, cha cũng đã nhận được 120 bằng danh dự.
Mặc dù đạt được những thành tựu vừa nêu, nhưng cha Hesburgh quả quyết là ngài sẽ vui sướng từ bỏ tất cả nếu chúng đe dọa cách nào đó đến mục tiêu lớn nhất mà cha hằng ấp ủ: chức linh mục.
Văn phòng của cha Hesburgh đặt tại tầng mười bốn của thư viện được vinh dự mang tên ngài, ở một khu vực có thể nói là khiêm tốn. Kề bên văn phòng thư ký của cha có một phòng họp rất đẹp dành cho khách và các nhóm đặc biệt. Dọc theo tường là hàng chục giải thưởng và bằng danh dự đã được trao cho cha Hesburgh từ nhiều năm qua. Trên một bảng lớn được đặt chính giữa văn phòng, trưng bày những tập album đầy hình ảnh về những thành tựu của cha. Một chiếc ti-vi màn hình lớn được đặt ở góc phòng làm cho không gian được thay đổi trở thành khu vực giải trí dành cho khách, đặc biệt là các trận bóng ngày thứ Bảy.
Trong văn phòng đặt sau căn phòng đặc biệt này, có một người vẫn miệt mài làm việc mười hai giờ một ngày với những ước mơ và những dự phóng cho một Notre Dame lớn mạnh hơn, đó là vị cựu Viện trưởng, một người mà sự nghiệp của ngài được gắn bó với tên tuổi của trường, đã trở thành huyền thoại tại Hoa Kỳ. Ngài sinh tại Syracuse, New York, ngày 25.05.1917, và thụ phong linh mục tại Notre Dame năm 1944. Cha Hesburgh là tu sĩ Dòng Thánh Giá.
Vâng, có lẽ vị linh mục Hoa Kỳ được biết nhiều nhất chính là người đã tóm tắt toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của mình trong một từ: Linh Mục.
Theodore M. Hesburgh, một niềm khát khao sống đời linh mục
Tôi đã hằng mong ước được làm linh mục. Tôi đã tiếp xúc với một số linh mục rất tốt lành trong giáo xứ của chúng tôi, giáo xứ Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi ở Syracuse. Các linh mục phụ tá rất gần gũi với bọn trẻ chúng tôi, một vị tốt nhất trong số các linh mục là Cha Harold Quinn, phụ trách huấn luyện lễ sinh, tổ chức những buổi tĩnh tâm và thường xuyên giải tội cho chúng tôi. Đó là một giáo xứ phi thường, trong ba mươi năm đầu mới thành lập, giáo xứ đã cung cấp ba mươi bốn linh mục và hai mươi tám nữ tu. Chúng tôi đã được các nữ tu dòng Trái Tim Vẹn sạch Đức Maria dạy dỗ. Đây là một môi trường tốt giúp chúng tôi trưởng thành, và từ những ngày đầu tiên ở trường, tôi không bao giờ muốn điều gì khác hơn là được làm linh mục. Tôi đã được hỏi, nếu chỉ có một từ được ghi trên bia mộ, tôi sẽ chọn từ nào? Câu trả lời của tôi là: “Linh mục”.
Tôi thụ phong linh mục đã hơn 50 năm, và đó là thời gian tuyệt vời trong đời tôi. Tôi gặp gỡ và làm bạn với nhiều người cả nam lẫn nữ, họ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết những việc tôi làm, tôi không bao giờ quên rằng mình là một linh mục. Tôi được tiếp xúc với cuộc sống của nhiều người ở những mốc điểm quan trọng cuộc đời cả những niềm vui và nỗi buồn. Bạn biết không, điều làm tôi thật sự ngạc nhiên đó là tôi có thể trở nên rất thân thiết với nhiều người bởi vì tôi sống đời độc thân. Người ta chẳng có chút ấn tượng nào khi biết tôi không có trương mục trong ngân hàng, cũng chẳng lưu tâm việc tôi khấn vâng phục, vì hầu hết mọi người cũng phải chấp hành những quy định của công ty, của quân đội và có thể ngay cả với người mình yêu. Nhưng dường như có gì đó trong đời sống độc thân đã cuốn hút họ. Họ thấy tôi vẫn là một con người bình thường. Tôi quen biết rộng rãi với các phu nhân của các nhà ngoại giao, của các đại sứ và ngay cả với phu nhân của các Tổng thống. Thỉnh thoảng những ông chồng đến hỏi tôi: “Làm thế nào mà các bà xã của chúng tôi lại cứ xúm quanh cha, yêu quí cha và thấy thoải mái khi tiếp xúc với cha, về điểm này thì không ông nào trong nhóm chúng tôi làm được.” Tôi trả lời: “Đơn giản là vì tôi không trở nên mối đe dọa cho họ, họ có thể cởi mở với tôi”. Và tất cả họ đều gọi tôi là “Cha” mà không cảm thấy ngần ngại. Cho dù họ là người Công giáo, Tin lành hay Do thái, đều gọi tôi là Cha Ted. Đại khái họ biết rằng tôi sẵn sàng sống với chọn lựa cuộc đời độc thân, vì thế tôi có thể thuộc về tất cả mọi người, và có thể giúp bất cứ ai cần đến tôi.
Sống độc thân giúp ích rất nhiều cho cuộc đời linh mục, bởi vì với đời sống này chúng ta chỉ hướng đến những nơi chúng ta phải đến và đến những việc chúng ta phải làm. Nếu được bắt đầu lại, tôi vẫn sẽ muốn là một linh mục độc thân. Và tôi không nghĩ rằng các linh mục chọn đời sống độc thân là những người có thể gặp khó khăn trong đời sống giới tính (…)
Tôi nghe biết có khá nhiều bạn trẻ không muốn vào Chủng viện chỉ vì phải sống đời độc thân. Nhưng tôi cũng xác tín rằng vẫn còn những người sẵn sàng cam kết sống đời linh mục và đời sống độc thân. Đây không phải là một cam kết dễ dàng, điều này giống như việc bạn đang leo lên bề mặt của tảng đá thẳng đứng; tất cả chúng ta rất dễ rơi xuống bất cứ lúc nào, chỉ có ơn Chúa mới giúp chúng ta đứng vững. Tôi thật sự không bị chi phối nhiều lắm về ý nghĩ độc thân. Đối với giáo sĩ hồi tục, sự cô đơn có thể là vấn đề không thể vượt qua được (…)
Quả thế, tôi không tin rằng linh mục lập gia đình là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Sống đời hôn nhân đòi hỏi rất nhiều cam kết và cũng phải làm việc chăm chỉ như sống đời linh mục. Tất cả đều đòi hỏi sự chung thủy. Tôi cũng chẳng ký tên để đề nghị rằng bạn có thể ký hợp đồng năm năm rồi sau đó rời bỏ đời sống linh mục. Bạn không thể thi hành việc này như trong Hải quân. Tôi không chắc rằng bạn có thể làm điều này trong đời sống linh mục, đây là một cam kết rất sâu xa và có tính riêng tư. Đối với tôi, tôi thành thật nói rằng tôi đã nhận ra giá trị lớn lao trong đời sống độc thân và hết lòng làm việc khi sống đời sống đó. Và tôi hy vọng tôi có thể thực hiện cho đến cùng. Nếu tôi sống được như vậy là bởi vì tôi cố gắng trung thành với những điều như là đọc kinh nhật tụng, dâng thánh lễ mỗi ngày (tôi có bỏ chỉ hai hay ba lần trong đời tôi), lần hạt Mân côi và suy niệm.
Theodore M. Hesburgh: “Linh mục là một ơn gọi tuyệt vời”
Đời sống linh mục là một ơn gọi tuyệt vời. Nếu bạn được làm linh mục, hãy quỳ xuống và cầu nguyện với Chúa rằng đã lãnh chức linh mục thì bạn sẽ sống cuộc đời của người linh mục, bởi vì đời sống này không dễ đâu, và cám dỗ thì luôn bao quanh bạn.
Linh mục có một vai trò rất quan trọng trong xã hội. Vai trò người linh mục ngày hôm nay giống như ngày xưa Chúa Giêsu chọn các môn đệ. Người sai các ông ra đi và rao giảng Tin Mừng; làm phép rửa và mang Ơn cứu độ đến cho mọi người. Nhiệm vụ nền tảng vẫn không thay đổi và vẫn còn thiết thực cho tất cả mọi xã hội, nền văn hóa và hoàn cảnh địa lý. Năm 1995, khi đến Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha không đến với tư cách của một nhà ngoại giao mà của một linh mục. Ngài dâng thánh lễ cho hàng ngàn người, giảng dạy và chúc lành cho họ, ngài nói chuyện với Liên Hiệp Quốc về quyền của con người, về hòa bình và tự do. Thế giới ngày nay đang cần đến những chức năng này của linh mục giống như con người vào thời Chúa Giêsu cũng đã có nhu cầu đó.
Mọi thành phần trong xã hội đều cần đến linh mục. Tôi biết mỗi thành phần đều có tầm quan trọng – trẻ em ở tiểu học và trung học, những người trẻ đã lập gia đình, những người già đang phải đối diện với cái chết. Nhưng nếu tôi phải chọn một nhóm mà tôi cho là quan trọng, tôi sẽ nói rằng đó là các sinh viên ở tuổi đại học, đây là thành phần xã hội mà tôi đã làm việc hầu như gần hết cuộc đời mình. Họ đã qua cái thời của niềm tin đơn giản; việc đúng - sai không còn là chuyện trẻ con nữa mà là điều rất hệ trọng. Họ đang trở nên những Kitô hữu trưởng thành, đang đối diện với những cam kết và những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống sau này như là: hôn nhân, nghề nghiệp và đức tin. Họ đang xây đắp nền móng cho một tương lai lâu dài. Tôi muốn giúp họ có những chọn lựa tốt nhất trong những năm tháng có tính quyết định này.
Giảng dạy là một nhiệm vụ chính yếu của người linh mục. Chủ yếu tôi giảng trong các thánh lễ được cử hành tại hội trường của viện, thường có khoảng 30 người tham dự. Tôi thấy kết quả của một bài giảng hay được phản hồi trên khuôn mặt những người trẻ tuổi. Họ phản hồi tích cực đối với một bài giảng hay. Tôi luôn chuẩn bị bài giảng tốt hơn, bởi nếu tôi chỉ cố gắng làm cho mau cho chóng, họ sẽ đến và nói ngay rằng đó không phải là cách tốt nhất mà tôi làm. Tôi không bao giờ dùng phiếu cho các bài giảng. Khi tôi giảng một bài nghèo nàn, các sinh viên không cảm thấy hối tiếc khi nói với tôi rằng, tôi đã đi trệch khỏi mục tiêu. Còn khi tôi có một bài giảng hay, họ cũng không ngần ngại khen tôi. Việc chuẩn bị bài giảng gồm hai phần: thứ nhất tôi tìm hiểu kỹ lưỡng các bài đọc, kế đến tôi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Tôi nghĩ rằng hầu hết các Kitô hữu không ý thức rõ về vai trò của Ngài, nhiều linh mục cũng thế. Chúa Thánh Thần chính là người giúp tôi trong mọi lúc khó khăn. Thánh Thần, Đấng an ủi không bao giờ làm tôi thất vọng. Giảng dạy là việc rất quan trọng, việc này là một trong công việc chính của sứ mạng linh mục. Nhưng đừng quên rằng cuộc sống của một linh mục là bài giảng tốt nhất. Chúng ta sẽ thất bại bất cứ lúc nào, nhưng nếu mọi người biết rằng chúng ta đang chăm chỉ làm việc để thể hiện căn tính linh mục, đó chính là cách giảng hiệu quả nhất. Một người bạn của tôi, cha Charlie Sheedy từng nói rằng: “Cuộc sống tu sĩ cần chú ý đến một điều, đó là có mặt”. Đừng làm một linh mục vắng mặt, hãy luôn hiện diện những nơi cần đến bạn.” Có hai việc chính trong sứ mạng linh mục: mang lời Chúa và ân sủng của Chúa đến cho con người.
Tôi chắc rằng điều tuyệt vời nhất tôi khám phá ra đó là con người tốt biết bao! Khi tôi được thụ phong linh mục, tôi nghĩ rằng tôi sẽ thất vọng khi giải tội; điều này hoàn toàn ngược lại. Tôi đã gặp được những người khiêm tốn đến xưng tội, họ khao khát trở nên tốt lành và chân thật. Điều đó làm tôi ngạc nhiên và thich thú.
Theodore M. Hesburgh: “Linh mục có thể đóng góp gì cho xã hội?”
Tôi thường suy nghĩ, một linh mục có thể đóng góp điều gì đặc biệt cho xã hội, và tôi tin rằng điều đơn giản đó là trở nên Chúa Kitô khác “alter Christus”. Chúa Giêsu muốn hiện diện với mọi người ở mọi nơi, và một trong những cách Chúa hiện diện là qua các linh mục. Chúng ta làm cho Chúa hiện diện trước hết qua việc nói về sứ điệp của Người. Để có hiệu quả, sứ điệp đó phải được thích nghi với thực tại ngày nay, làm cho sứ điệp đó trở nên thật với con người, nếu không sứ điệp đó chỉ là những ngôn từ. Chúa Giêsu đã làm được điều này trong thời của Người; Người không thể thực hiện điều đó bây giờ. Người cần có người đem sứ điệp của Người đến với mọi người của mọi thế kỷ, làm cho sứ điệp đó trở nên ý nghĩa đối với họ. Thứ đến, linh mục là người ban phát ân sủng, đặc biệt qua việc cử hành các bí tích, nhưng thường là chính sự hiện diện của linh mục.
Đức Hồng y Suhard của Paris, một trong những mẫu người lý tưởng đầu tiên của tôi, đã để lại một ấn tượng tuyệt vời, đó là “người tông đồ của sự hiện diện”, có mặt tại chỗ. ĐHY nói về sự có mặt của linh mục giống như cha Sheedy từng nói.
Mỗi khi nhìn lại cuộc đời mình và hồi tưởng những khi gặp thuận lợi, có lẽ những may mắn tốt đẹp ấy sẽ không đến nếu tôi không phải là linh mục. Tôi có nhiều cảm nghiệm về điều này. Đôi khi có những sự việc xảy ra chỉ vì tôi là một linh mục. Lợi thế của tôi, đó là thành viên của Đại học Notre Dame, điều này điểm tô lớp áo bên ngoài của Kitô giáo. Bạn không thấy có nhiều linh mục ở Nam Cực hoặc Kremlin hay ở Liên Hiệp Quốc. Tôi muốn tiết lộ một câu chuyện. Có một tối, chúng tôi ở tại trường Đại học Vienna cùng với các nhà tri thức và khoa học gia tham dự cuộc Gặp gỡ quốc tế về Năng lượng nguyên tử, một chương trình của Liên Hiệp Quốc về Nguyên tử vì Hòa bình. Trưởng phái đoàn của Nga là vị giáo sư chuyên ngành luyện kim ở Moscow, ông đã khai mạc cuộc họp bằng lời phát biểu như sau: “Thưa quí vị, ở đây có nhiều nhà khoa học, nhiều vị nhận giải Nobel, các vị giáo sư từ các đại học nổi tiếng trên thế giới. Nhưng chỉ có một người mà tôi hoàn toàn tin tưởng đó là cha Ted, bởi vì ông chưa bao giờ nói dối tôi và tôi cũng chưa bao giờ nói dối ông điều gì.” Đó quả thật là giây phút làm tôi nhớ mãi.
Một trong những niềm vui lớn nhất đối với linh mục là làm thay đổi đời sống con người. Tôi xin nêu một ví dụ sau đây dường như vượt khỏi tầm hiểu biết bình thường của một linh mục. Trong giai đoạn 15 năm tham gia Ủy ban về Quyền công dân, tôi thực hiện một sự thay đổi trong bốn giờ cuối cùng với cương vị chủ tịch. Trong Bộ luật về các Quyền công dân năm 1964, về mặt lý thuyết, có thể nói chúng tôi đã làm thay đổi bộ mặt của Hoa Kỳ. Chúng tôi nhằm đến chủ nghĩa apartheid đang diễn ra ở Nam Phi và loại bỏ chủ nghĩa đó thông qua dự luật. Lúc bấy giờ Tổng thống Johnson phải chấp nhận thông qua bản dự thảo đó. Tổng thống Kennedy chưa bao giờ làm xong hoặc cũng chưa từng cố gắng làm, trái lại Johnson đã thông qua và hiệu lực hóa bộ luật này. Thật cảm động khi đem lại quyền bình đẳng của những người đã đến nước Mỹ làm nô lệ từ hơn 200 năm trước. Nhiều điều khoản của đạo luật này quy định phải thực hiện công lý cho những sắc dân thiểu số. Khi chúng tôi có cuộc hội thảo tại miền nam, một vài người bạn hồi tục của tôi tình cờ làm tôi khó xử. Một thành viên của Ủy ban quay sang tôi và viết trên một tờ giấy “Cha đề cập đôi chút về thần học”. Thế là tôi phải trình bày về quan điểm Kitô giáo. Sau đó họ nói với tôi “Cha thật không công bằng với chúng tôi. Chúng tôi biết cha nói đúng, nhưng chúng tôi khó mà thay đổi lối sống của mình”.
Theodore M. Hesburgh: “Dù phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng đời linh mục vẫn là một đời sống tuyệt vời”
Đời linh mục là một đời sống tuyệt vời, nhưng cũng gặp phải nhiều vấn đề, cũng như mọi lối sống khác cũng có vấn đề của nó. Một trong những vấn đề đó là sự cô đơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà đa số mọi người chung quanh chúng ta có vợ và con cái, nhưng chúng ta lại không. Tôi trở về với căn phòng cô quạnh ở Corby Hall gần những ngôi nhà ổ chuột, và nói thẳng ra, đó không phải là nơi dành cho tình thân hữu. Nhưng chúng ta phải thấy đó là một phần cái giá phải trả của mình. Chúng ta không thể thuộc về một người nếu chúng ta thuộc về mọi người. Sự cô độc là điều có thật, tuy nhiên nó sẽ được thăng hoa khi chúng ta có nhiều bạn bè (… ).
Tôi rất lạc quan về tương lai của Giáo hội. Chúng ta đang phát triển rất nhanh trong thế kỷ này. Ngay tại viện đại học Notre Dame này, cũng có khoảng 85% là công giáo, chúng ta có 21 bạn trẻ đang theo học giáo lý để gia nhập Giáo hội. Ở mỗi lứa tuổi, người Công giáo chúng ta đều phải đối diện với nhiều vấn đề và ở từng thời kỳ lịch sử, Giáo hội cũng phản chiếu những vấn đề của thời đại. Khi Âu Châu trải qua thời Trung cổ, chúng ta cũng sống trong đêm trường trung cổ. Trong suốt thời Cộng sản thống trị Đông Âu, chúng ta cũng bị đàn áp. Chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn khi Đế quốc Rôma trị vì. Cuối cùng, khi chúng ta được nhìn nhận, thì tất cả những thuyết quân chủ của các đế chế đã len lỏi vào Giáo hội và chúng ta trở thành một kiểu vương quốc trông rất đẹp được trị vì bởi các Giám mục và các Hồng y. Trong luận án tiến sĩ, tôi có nêu ý tưởng: người giáo dân đã được ủy thác thi hành sứ mạng tồng đồ qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Về phương diện siêu hình học, họ được trao quyền tham gia phụng vụ và đem Chúa đến cho người khác. Tôi thực sự tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn đang dẫn dắt chúng ta nhận ra vai trò của người giáo dân trong tình hình khan hiếm linh mục hiện nay.
Liệu đây có phải là thời điểm tốt để trở thành linh mục? Tôi nghĩ bất cứ lúc nào cũng là thời điểm tốt. Nếu tôi được sinh ra trong năm 1150 hoặc 1600 hay 2000, tôi cũng vẫn chọn trở thành linh mục. Nếu có ai đó thật sự muốn làm tôi đau đớn, ắt họ sẽ nói tôi không được dâng lễ, cử hành các Bí tích hoặc giảng dạy nữa, vì họ muốn nói trắng ra tôi không còn là một linh mục. Xin đừng quên, hai chữ “linh mục” là từ duy nhất tôi muốn ghi trên bia mộ của mình.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng