Loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay
Thi hành lệnh truyền
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền lại và mong muốn các môn đệ của mình thực hiện sứ vụ: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin mừng nước Thiên Chúa cho muôn dân”(Mt 28,19-20). Lệnh truyền của Chúa Giêsu luôn vang vọng đối với tất cả mọi tín hữu và đặc biệt là những người theo Chúa trong ơn gọi tu trì. Ngay từ thời kỳ đầu, các Tông đồ đã hăng say với sứ vụ mà Chúa Giêsu đã giao phó và với sự nhiệt tình này, các Ngài đã quy tụ được số người tin theo Chúa mỗi ngày một đông. Dù trong hoàn cảnh nào, Giáo hội ngày nay vẫn luôn tha thiết kêu gọi mọi người hãy lên đường làm nhân chứng cho Tin mừng, đem Tin mừng của Chúa đến với những người chưa nhận biết.
Tất cả mọi người Kitô hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ vụ truyền giáo. Ngay khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi chúng ta đã mang trong mình một trọng trách, đó là sống và loan báo Tin mừng nước Thiên Chúa. Cuộc sống với muôn vàn những lo toan và vất vả về cơm áo gạo tiền đã lôi cuốn người tín hữu vào. Điều này đã làm cho các tín hữu không còn nhớ trách nhiệm truyền giáo của mình. Vì thế mà ngày nay sứ vụ truyền giáo dường như hoàn toàn do những tu sĩ đảm trách và được coi là công việc của các tu sĩ, những người môn đệ của Chúa Kitô trong thời đại này.
Ngày hôm nay, chúng ta là những người đang bước theo Chúa Kitô trên con đường dâng hiến. Vì thế một cách nào đó, buộc chúng ta phải lên đường thi hành sứ vụ, làm cho nước Chúa được hiện diện khắp nơi và muôn người được đón nhận Tin mừng.
Những trăn trở về hành trang
Chúng ta không thể cho người khác những thứ mà mình không có. Muốn mời gọi mọi người đến với mình, trước hết phải có cái gì đó để cho họ. Cho ở đây không nhất thiết là cho về vật chất, nhưng có thể cho những cái mang giá trị tinh thần. Trong hành trình truyền giáo, chúng ta không biết trước được sẽ đi trong bao lâu, có khi phải đi suốt cuộc đời. Lịch sử đã cho chúng ta thấy, có những nhà truyền giáo ra đi mà không có ngày trở về quê hương. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình, để đổi lại Lời Chúa được sinh sôi nảy nở ở nơi mình đến.
Nhắc lại lịch sử để chúng ta thấy rằng phải chuẩn bị những gì cho chuyến đi xa. Chúng ta cũng đừng quá lo lắng, bởi vì chắc chắn trong bước đường truyền giáo của chúng ta luôn có Chúa đồng hành và chuẩn bị cho chúng ta những thứ cần thiết. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu khi sai các môn đệ đi, Người cũng đã dặn các ông là đừng mang theo bao bị mà hãy đi người không. Hay như trong chuyến truyền giáo đầu tiên của các môn đệ, vì muốn cho tất cả các dân tộc đều nhận biết Tin mừng, Chúa Thánh Thần đã ban cho các ông được ơn nói tiếng lạ, để các ông có thể đến được với các dân tộc khác nhau (Cv 2, 1-13). Cũng vậy, ngày nay chúng ta lên đường để truyền giáo, cũng đừng mang cho mình quá nhiều những thứ không thật cần thiết. Vì nếu mang theo nhiều đồ đạc sẽ chỉ làm vướng bận và sẽ níu chân chúng ta trên bước đường truyền giáo. Chúng ta cũng phải xác định mục đích của chúng ta là gì trong việc truyền giáo. Nếu xác định được mục đích ấy, chúng ta sẽ biết mình phải chuẩn bị những gì. Truyền giáo được hiểu là loan báo Tin mừng Phục sinh của Chúa Giêsu cho những người chưa nhận biết. Vì vậy, điều cần thiết mà chúng ta phải có đó là kiến thức và sự hiểu biết về Thiên Chúa. Sứ vụ truyền giáo là giới thiệu cho người khác biết về Chúa Giêsu Kitô. Muốn cho người khác dễ dàng đón nhận Tin mừng, chúng ta cần phải có đời sống giống như Chúa Kitô. Như vậy, ngoài kiến thức ra, chúng ta cũng cần phải có một đời sống nhân bản tốt, một con tim biết yêu thương và một đời sống nhiệm nhặt trong kỷ luật. Đời sống của chúng ta trở nên như một tấm gương, để qua chúng ta, người khác có thể nhận ra được hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải thể hiện làm sao để cho người khác hình dung được Thiên Chúa là một Đấng gần gũi, đầy yêu thương, hiện diện thật trong cuộc sống chứ không phải là một Đấng xa lạ.
Công cuộc truyền giáo là một công việc hết sức khó khăn. Để có được kết quả tốt, mỗi người chúng ta phải tự trang bị cho mình một tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng dấn thân vào những nơi có thể nói là nguy hiểm nhất, không tháo lui khi gặp khó khăn gian khổ. Để qua chúng ta nhiều người được đón nhận Tin mừng và được sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa.
Những khó khăn gặp phải trên bước đường truyền giáo
Truyền giáo là đến những vùng đất mới, đến những nơi xa lạ với cuộc sống thường ngày của chúng ta. Khi nói đến truyền giáo chúng ta nghĩ ngay đến việc ra đi. Ra đi đến những biên giới mới, đến với những nơi mà ánh sáng Tin mừng chưa được hiện diện. Vì vậy, không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định. Những khó khăn đó có thể đến từ thiên nhiên và cũng có thể đến từ con người. Trong bài viết này, tôi chỉ đưa ra một vài rào cản mà chúng ta dễ dàng gặp phải trong bước đường truyền giáo.
Cản trở đầu tiên chúng ta gặp phải đó là cản trở về văn hoá và phong tục tập quán. Mỗi dân tộc, mỗi vùng, mỗi miền đều có những nét văn hoá và những phong tục riêng. Để tránh được sự va chạm này, chúng ta cần phải hết sức khéo léo, phải biết hòa vào và phải biết dung hòa giữa cái cũ và cái mới. “Đáo giang chọn khúc, nhập gia tuỳ tục”, thật đúng trong trường hợp này. Chúng ta không thể áp đặt cái mới, cũng như ngay lập tức có thể thay đổi được những thói quen đã có từ bao đời của một dân tộc. Muốn cho người ta đón nhận cái mới, chúng ta phải đi từng bước một. Chúng ta phải ta biết nương theo những giá trị cũ để lồng vào những giá trị mới. Có như vậy, người ta mới dễ dàng đón nhận cái mới và không bị sốc. Ngày nay danh từ “Hội nhập văn hoá” đã được sử dụng rộng rãi. Các dân tộc nhờ sự hội nhập mà ngày càng đến gần nhau hơn. Cũng vậy Tin mừng muốn đến được với mọi người và mau chóng sinh sôi nảy nở thì cũng cần thiết phải hội nhập.
Chúa Giêsu là một tấm gương của sự hội nhập văn hoá. Trước khi bắt đầu cuộc đời rao giảng. Chúa đã học sống theo những phong tục và tập quán của người Do Thái. Chúa Giêsu đã sống lề luật và tuân thủ theo những quy định của giáo quyền cũng như thế quyền một cách triệt để. Để cho giống như dân chúng, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả. Người cũng đóng thuế thập phân cho nhà cầm quyền như những công dân khác.
Cản trở thứ hai đó là sự đối đầu với những tôn giáo bản địa. Đây thực sự là một vấn đề nhạy cảm. Chúng ta không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được niềm tin tôn giáo của một con người. Tin mừng của Chúa không thể áp đặt mà để cho mọi người tự khám phá và tin theo. Bất cứ một tôn giáo chính thống nào cũng dạy người ta phải ăn ngay ở lành, không tôn giáo nào lại dạy phải làm điều xấu. Vì vậy, nếu chúng ta là những người đến sau, thì chúng ta phải tôn trọng về vấn đề tự do tín ngưỡng của người dân nơi mà chúng ta đến. Trong những trường hợp này, muốn ánh sáng Tin mừng hiện diện, chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi thời gian, “Mưa lâu thấm đất”. Công việc truyền giáo mà chúng ta nhắm tới không phải ngày một ngày hai mà có thể có kết quả, mà phải là một quá trình lâu dài.
Thực tế cho thấy có những chuyến truyền giáo theo kiểu mì ăn liền, khua chiêng múa trống rất to, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi tắt ngúm. Truyền giáo theo kiểu này thực sự không mang lại hiệu quả. Truyền giáo thực sự không phải như vậy, nếu chúng ta chỉ gieo xuống rồi bỏ đó, thì Đức tin của những người mới đón nhận Tin mừng không thể bén rễ sâu được. Chỉ cần một biến cố nào đó xảy đến với họ trong cuộc sống, họ sẽ bỏ đạo. Thật là uổng phí công sức chúng ta bỏ ra. Vì vậy, để đức tin được vững chắc trong vùng đạo mới, ngoài gieo vãi, chúng ta còn phải chăm bón và săn sóc. Chăm bón có thể bằng những sinh hoạt về đạo, chẳng hạn như: Tổ chức các hội đoàn, các nhóm sống đạo, hay các lớp giáo lý…
Một điều rất tốt để giữ được niềm tin cho những người mới đón nhận Tin mừng chính là sự hiện diện của chính chúng ta. Không có gì sống động và thu hút người khác cho bằng chính đời sống của chúng ta. Qua đời sống của chúng ta người khác có thể nhận ra ánh sáng Tin mừng. Trong thời của thánh Đaminh, để lôi kéo được những người theo lạc giáo trở về chính đạo, ngoài việc giảng thuyết, Cha Đaminh đã dùng chính đời sống của mình để làm gương cho giáo dân. Ngài cũng đi chân đất và thực hiện việc ăn chay hãm mình như phái lạc giáo. Chính đời sống nhiệm nhặt của mình, cuối cùng thánh Đaminh cũng đã thuyết phục được rất nhiều những người theo lạc giáo trở lại với chính đạo.
Một trở lực mà chúng ta sẽ gặp phải trong công cuộc truyền giáo đó là vấn đề về ngôn ngữ. Thế giới ngày nay như xích lại gần nhau hơn. Con người đang sống trong quá trình toàn cầu hóa. Công việc truyền giáo của chúng ta ngày càng được mở rộng không chỉ gói gọn trong một quốc gia, mà còn mở rộng ra phạm vi thế giới. Chính vì vậy, vấn đề về ngôn ngữ đóng một vai trò hết sức quan trọng không thể thiếu. Chúng ta không thể nói cho người khác hiểu được nếu như chúng ta không biết ngôn ngữ của họ. Rất nhiều trường hợp chúng ta không thể dùng được tiếng Anh (ngôn ngữ mang tính quốc tế). Bởi vì việc truyền giáo thường nhắm tới đối tượng là số đông chứ không phải là một tầng lớp nào mà thôi. Theo chia sẻ của một Linh mục sau chuyến truyền giáo tại Hàn Quốc cho biết: khó khăn lớn nhất cha gặp phải đó là vấn đề ngôn ngữ. Khi mới sang vì không biết tiếng Hàn, nên mọi việc đều phải có người hướng dẫn, từ việc đi lại cho đến các giao tiếp thông thường. Trước khi sang Hàn, cha chỉ chuẩn bị vốn tiếng Anh. Nhưng khi sang đó tiếng Anh không thể sử dụng, vì đa số người dân đều nói tiếng bản địa, chỉ có một số ít nói được tiếng Anh. Cha kết luận một câu: “Thật như đứa trẻ lên ba, mọi thứ đều phải tập lại từ đầu”. Như vậy chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của ngôn ngữ. Để việc truyền giáo ngoài biên giới quốc gia được thành công, ngoài việc phải hiểu biết về nền văn hóa của đất nước sở tại, chúng ta cũng cần phải biết ngôn ngữ của đất nước họ.
Trên đây chúng ta mới chỉ đề cập đến việc truyền giáo ra nước ngoài. Nhưng còn việc truyền giáo trong nước thì sao? Đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Đất nước Việt Nam chúng ta là một đất nước đa sắc tộc với con số 54 dân tộc cùng sinh sống. Hiện nay, theo số liệu thống kê, trong cả nước mới có khoảng 7 đến 8% người nhận biết Tin mừng. Vì vậy đây vẫn là một cánh đồng trù phú cho việc truyền giáo. Để đến được với những người lương dân, chúng ta cũng cần phải biết ngôn ngữ giao tiếp của họ (dân tộc thiểu số). Có như thế chúng ta mới dễ dàng tiếp cận và gần gũi với họ được. Đa số người dân tộc thiểu số sống trong hoàn cảnh khó khăn. Đời sống kinh tế của họ còn hạn chế về nhiều mặt. Đến với họ, chúng ta cần phải trang bị một số kiến thức cơ bản, để có thể giúp cho họ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao sự hiểu biết,… Thực hiện được điều này, chúng ta sẽ mau chóng được họ đặt niềm tin tưởng. Từ đó họ sẽ dễ dàng đón nhận ánh sáng Tin mừng.
Tạm kết
Công việc truyền giáo luôn là vấn đề được Giáo hội quan tâm hàng đầu. Bất kỳ thời kỳ nào người Kitô hữu cũng phải lên đường để thi hành sứ vụ đem Lời của Thiên Chúa đến với muôn dân. Chúng ta là những người đang bước theo Chúa Kitô trên con đường dâng hiến, chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta luôn có những thao thức, trăn trở và băn khoăn đối với sứ vụ truyền giáo. Hy vọng rằng, mỗi chúng ta đã có sự chuẩn bị cho sứ vụ thiêng liêng và cao cả này, để cho Tin mừng nước Thiên Chúa ngày càng được nhiều người biết và tin theo. Dấn thân trong bước đường truyền giáo chắc hẳn rằng sẽ không tránh khỏi những khó khăn và vất vả, nhưng chúng ta cũng đừng quá lo lắng, vì Thiên Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta. Cứ an tâm vững bước lên đường.
(trích Giữa anh em số 7)
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh