Lời Chủ Chăn: Năm mới, Canh tân đổi mới, Lo âu và Hy vọng
Toà TGM Thành phố HCM
Trước thềm Xuân Nhâm Thìn
NĂM MỚI, CANH TÂN ĐỔI MỚI,
LO ÂU VÀ HY VỌNG
Năm mới, canh tân đổi mới
1. Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 mời gọi dân Chúa VN chung sức xây ngôi nhà Giáo Hội tại VN theo mô hình Giáo Hội Mầu nhiệm-Hiệp thông-Sứ vụ. Công Nghị giáo phận năm 2011 tạo cơ hội cho mọi thành phần trong giáo phận ý thức tham gia xây mới ngôi nhà gia đình, cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, giáo phận, thành Giáo Hội Mầu Nhiệm- Hiệp thông-Sứ vụ. Xây trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa, nhằm làm cho các ngôi nhà đó trở nên đền thờ Thiên Chúa ngự ở giữa dân Người. Sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa mang lại sự bình an cùng tạo cơ hội cho mọi người ngày ngày kín múc nguồn nước hằng sống, và chia sẻ cho đồng bào và đồng loại. Nguồn nước hằng sống chính là kho tàng ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người mang tặng cho gia đình nhân loại.
Lo âu
2. Kinh nghiệm canh tân đổi mới từ các Tông đồ. Sau 3 năm sống với Chúa Giêsu, lòng trí các môn đệ của Chúa vẫn mang quan điểm dân gian về ơn cứu độ. Quan niệm dân gian về ơn cứu độ, không phải là giải thoát gia đình nhân loại khỏi mọi sự dữ cản đường đi đến nguồn sống dồi dào trong yêu thương và bình an, song chỉ là giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ đế quốc Roma. Chính vì thế, khi đối diện với nghịch cảnh trái ý, khi đứng trước cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu, các ông không hành động theo lòng tin, song chỉ phản ứng theo cảm tính cùng bản năng tự vệ (thủ lợi, đấu tranh bạo lực, bỏ cuộc...).
Sau biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh, Thiên Chúa Cha sai phái Thánh Thần đến ban năng lực đổi mới lòng trí, tầm nhìn cùng quan điểm các ông. Sau khi đón nhận ơn Thánh Thần, các ông trở nên con người mới, bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Phục Sinh, làm chứng nhân và loan báo Tin Mừng cứu độ cho các dân tộc. Sự kiện đó xác minh Chúa Thánh Thần là nguồn lực tình yêu đổi mới lòng người.
3. Kinh nghiệm canh tân đổi mới từ Công Đồng Vatican II. Kết thúc Công Đồng Vatican II năm 1965, nhiều vị trong Giáo Hội vui mừng và cảm nhận rằng Công Đồng là một lễ Hiện Xuống mới. Thế nhưng, những năm sau đó, xuất hiện những nhóm cực hữu và cực tả, tạo ra sự phân hoá đó đây trong Giáo Hội. Những nhóm cực hữu cảm thấy trở nên xa lạ đối với Giáo Hội đang đổi mới, và đóng băng trong xu thế bảo thủ. Những nhóm cực tả, - thay vì bước theo Chúa Giêsu hoà nhập và đồng cảm với phận người, lấy tình yêu thương đổi mới lòng người, - thì dấn thân vào đời, từng lúc đồng hoá ít nhiều với thế gian và đi theo con đường đấu tranh chống đối nhau, xa rời đường lối yêu thương cứu độ của Chúa. Cả hai xu thế đều gây nên ít nhiều khó khăn cho hành trình đổi mới trong sự hợp nhất và bình an.
Điển hình những khó khăn đó đây trong hơn 50 năm qua, như:
- sự phân hoá, khủng hoảng cục bộ trong cộng đồng dân Chúa cũng như trong một số dòng tu từ những năm sau Công Đồng Vatican II 1965;
- những bước đi lạc lõng cùng sai lệch của một số chức sắc trong những thập niên qua...
Một nguyên nhân sâu xa gây ra khó khăn và cản bước con đường canh tân đổi mới trong sự hợp nhất và an bình, phải chăng đó khung nếp hẹp hòi của lòng trí con người cùng bản năng tự vệ? Nói khác đi, phải chăng là sự khiếm khuyết nhân tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà", là yếu tố văn hoá có thể hợp lực với ơn Chúa Thánh Thần đổi mới đời sống gia đình nhân loại?
Hy vọng
4. Kinh nghiệm từ lịch sử loài người là bài học cho thế hệ hôm nay. Những xáo trộn cùng những biến động và bạo lực không ngừng trên con đường đổi mới cuộc sống xã hội loài người xưa nay, nhắc nhở cho mọi người ghi nhớ bài học của tiền nhân: "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" là điều kiện cần có để người người trong thiên hạ có cơ hội đón nhận được ơn bình an và nguồn sống dồi dào mà Cha trên trời thương ban cho gia đình nhân loại.
Kỳ thực, cả ba yếu tố đó đều hàm chứa Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội triển khai Lời Chúa, ơn Chúa Thánh Thần. Đó cũng là nguồn ánh sáng và năng lực trợ giúp cho người người vượt qua khung nếp hẹp hòi của lòng trí cùng bản năng tự vệ, để được tự do theo lòng tin cậy mến soi dẫn tiến bước đi đến nguồn sống dồi dào trong hợp nhất và bình an.
5. Thiên thời nghĩa là thuận ý trời, theo như lòng Chúa mong muốn. Lời Chúa cho biết trọng tâm của ý Chúa là mong muốn người người trong thiên hạ được sống và sống dồi dào trong yêu thương và an bình.
6. Địa lợi nghĩa là phù hợp với luật lệ và giáo huấn của Giáo hội, với truyền thống văn hoá lành mạnh của dân tộc.
Một thí dụ điển hình. Triển khai Lời Chúa dạy, giáo huấn của Giáo Hội công giáo xác định gia đình là quà tặng của Thiên Chúa cho gia đình nhân loại, vì sự sống và hạnh phúc của mọi người. Người đón nhận quà tặng đó có bổn phận xây dựng gia đình mình thành :
(1) cái nôi của sự sống mới, sự sống dồi dào,
(2) mái ấm tình thương,
(3) ngôi trường đầu tiên giáo dục làm người tốt và hữu ích cho nhân loại,
(4) thành trì bảo vệ thế hệ trẻ khỏi bị lây nhiễm những thói hư tật xấu cùng các tệ nạn xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình lành mạnh, xã hội lành mạnh. Môi trường xã hội lành mạnh, nhà nhà mới có cơ hội hít thở không khí trong lành, và vững bước đi đến nguồn sống dồi dào trong yêu thương và bình an.Và truyền thống văn hoá dân tộc, như "Hôn nhân là chuyện trăm năm; Đồng vợ đồng chồng thì tát biển Đông cũng cạn...", có cùng một ý hướng.
7. Nhân hoà nghĩa là hoà với lòng người. Ngoài thực tế "bá nhân bá tánh", cuộc sống gia đình, cộng đoàn, xã hội, luôn bao hàm những quan điểm dị biệt và mâu thuẫn, đặc biệt hôm nay là mâu thuẫn giữa những quan điểm về tự do, nhân quyền, quyền lợi..., trong đời sống hôn nhân và gia đình, trong cộng đồng và xã hội. Trong lịch sử loài người, có những lúc, những mâu thuẫn đó đã trở thành nguyên nhân gây ra sự phân hoá và hận thù, cùng dẫn đến đấu tranh và bạo lực, khủng bố và chiến tranh, chết chóc và tang thương cho gia đình nhân loại.
Muốn có nhân hoà trong cuộc sống nhân loại, người tu thân, tề gia, trị quốc, trị quốc, cần nỗ lực thoát ra khỏi khung nếp hẹp hòi của lòng trí và bản năng tự vệ, để lòng tin cậy mến được tự do theo sự soi dẫn của ánh sáng chân lý và tình yêu từ Lời Chúa cùng ơn Chúa Thánh Thần, hướng đến sự đồng thuận về những mẫu số chung, thống nhất về mặt bổ túc và điểm trung hoà giữa những dị biệt trong cuộc sống. Nhờ đó, những dị biệt trong cuộc sống có cơ hội trở thành một mối lợi, phong phú hoá đời sống nhân loại, đem lại an vui và hạnh phúc cho nhà nhà.
8. Nguồn lực canh tân đổi mới đời sống dân Chúa. Kinh nghiệm trong đời sống dân Chúa cho biết hoa trái của ơn đổi mới tuỳ thuộc vào sự kết hợp ba nguồn lực chính :
(1) nguồn tự lực từ ý thức và ý chí của mỗi người,
(2) nguồn trợ lực từ sự hỗ trợ của gia đình, cộng đoàn, của Giáo Hội,
(3) nguồn chủ lực từ Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá ban sự sống, là Cha yêu thương ban Lời mang ánh sáng chân lý và tình yêu, ban sức sống mới của Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, ban Thánh Linh của Ngài cùng ơn soi sáng, ơn hiểu biết, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn hiệp thông, ơn hợp nhất, ơn đổi mới, cho những ai biết mở rộng lòng tin đón nhận.
Nói cách khác, Lời Chúa cùng đời sống cầu nguyện gắn bó với Chúa, và đời sống hiệp thông hợp nhất trong Giáo Hội, đồng cảm và chia sẻ trong cộng đồng nhân loại, khi được liên kết thành nguồn lực tổng hợp, sẽ tăng sức cho mọi người thoát ra khỏi khung nếp hẹp hòi của lòng trí cùng bản năng tự vệ phản ứng khép kín và chống đối lẫn nhau, và cùng nhau an tâm tiến bước đi đến nguồn sống dồi dào trong hợp nhất và an bình.
9. Bí quyết xây mới ngôi nhà Giáo Hội trên nền vững chắc là Lời Chúa. Kinh nghiệm trong lịch sử Giáo Hội cho biết: đời sống cầu nguyện cùng thực thi Lời Chúa dạy mến Chúa yêu người, là nguồn nước nguồn phân vun tưới cho hạt mầm ơn thánh phát triển và sinh hoa thơm trái lành cho đời sống gia đình và cộng đoàn tín hữu, cũng như cho đời sống xã hội nhân loại.
Vì thế, chúng tôi ước mong người người, nhà nhà, trước hết và trên hết, một lòng sống trọn tình hiếu thảo thờ kính Thiên Chúa, luôn tìm và thi hành ý Cha trên trời, theo sự soi dẫn của ơn khôn ngoan từ Chúa Thánh Thần. Sống trọn tình con thảo đối với Ba Ngôi Thiên Chúa không những là trọng tâm của đạo làm con Chúa, song còn là nền tảng cho cuộc sống trọn nghĩa huynh đệ đồng cảm, hợp nhất và chia sẻ đối với mọi người anh em đồng đạo, đồng bào và đồng loại.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020