Lời Chủ Chăn tháng 1.2012
Toà TGM Thành phố HCM
Tháng 1.2012
Lời Chủ Chăn
Xây ngôi nhà Giáo Hội trên nền vững chắc là Lời Chúa (x. Mt 7, 24-27)
1. Lời kêu gọi xây đắp ngôi nhà Giáo Hội Việt Nam. Thư Chung của HĐGM.VN sau Đại Hội Dân Chúa Việt nam năm 2010 kêu gọi dân Chúa chung lòng chung sức xây đắp ngôi nhà Giáo Hội Việt Nam.
Công Nghị giáo phận tháng 11 năm 2011 tạo cơ hội cho mọi thành phần trong gia đình giáo phận, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, ý thức tham gia vào công cuộc xây đắp ngôi nhà Giáo Hội: - Giáo Hội tại gia là gia đình tín hữu, là tế bào của xã hội và Giáo Hội, - Giáo Hội tại cộng đoàn dân Chúa là dòng tu, tu hội, giáo xứ, các tổ chức mục vụ các cấp, các tổ chức tông đồ giáo dân, - Giáo Hội tại địa phương là giáo phận. Xây đắp ngôi nhà Giáo Hội theo mô hình HĐGM.VN đã thống nhất là Giáo Hội Mầu nhiệm-Hiệp thông-Sứ vụ.
Trong ngôi nhà Giáo Hội mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, ý thức và nỗ lực sống trọn vẹn ba mối tình hiệp thông. Một là sống hiếu thảo trung thành đối với Thiên Chúa là Cha trên trời. Hai là sống tình huynh đệ hợp nhất đối với anh em đồng đạo trong cộng đồng dân Chúa. Ba là sống tình huynh đệ đồng cảm và chia sẻ đối với anh em đồng bào và đồng loại trong cộng đồng nhân loại. Sống và toả sáng ba mối tình đó nhằm làm chứng nhân và loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, là Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương, Tin Mừng Bình An cho mọi người.
2. Theo Lời Chúa Giêsu kêu gọi (x. Mt 7,24-27; Lc 6,46-49), mọi người, mọi thành phần dân Chúa hãy chung sức xây đắp ngôi nhà Giáo Hội trên nền đá vững chắc là Lời Chúa. Vả lại, Chúa Giêsu xác định "con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, song còn sống nhờ Lời Chúa" (x. Mt 4,4), vì lẽ Lời Chúa là Lời ban sức sống mới, ban ánh sáng Chân Lý, Tình Yêu, Bình An, cho những ai chuyên cần lắng nghe, suy gẫm, đón nhận và mang ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, cũng như trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Vì thế, Lời Chúa vừa là nền vững chắc, vừa là con đường đầu tiên dẫn mỗi người đi sâu vào đời sống hiệp thông với ba mối tình, tình Chúa, tình đồng đạo, tình đồng bào và đồng loại.
3. Có thể tìm gặp Lời Chúa ở đâu? Trước hết, mỗi người cần tiếp cận với Lời Chúa đã được ghi lại trong Kinh Thánh và qua dòng thời gian được truyền đến các thế hệ qua quyển Kinh Thánh. Trung tâm của Kinh Thánh là Ngôi Lời nhập thể làm người, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác định 20 Mầu Nhiệm Mân Côi là bản tóm tuyệt vời Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, và cũng là bản tóm cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể làm người ở giữa gia đình nhân loại. Qua dòng thời gian, Lời Chúa còn được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Hội Thánh, và Lời Chúa như hạt giống đã được gieo vào lòng đất văn hoá của các dân tộc.
4. Lời Chúa cốt yếu dạy cho con người điều gì?. Trước hết và trên hết, Lời Chúa dạy cho biết Thiên Chúa là Người Cha yêu thương, đã tạo thành con người theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Nói cách khác, khi trao ban cho con người sự sống làm người, Thiên Chúa đã đặt để trong lòng người hạt mầm tình yêu. Và khi ban hành "Luật Yêu Thương", Thiên Chúa dạy cho con người biết cách mến Chúa yêu người. Luật "Yêu Thương" soi sáng cho lòng người mở rộng cả hai van tim. Một van mở ra đón nhận ánh sáng chân lý và năng lượng tình yêu từ Thiên Chúa là cội nguồn mọi điều thiện hảo. Một van mở ra phản chiếu ánh sáng chân lý, chia sẻ năng lượng tình yêu cho nhau, trong đời sống hôn nhân và gia đình, trong cộng đoàn giáo hội và xã hội.
5. Lời Chúa còn dạy cho con người biết Thiên Chúa yêu thương chăm sóc tình yêu trong lòng người. Thiên Chúa đã sai Người Con Một là Đức Giêsu, đến hoà nhập vào đời sống nhân loại, soi đường dẫn lối cho lòng trí con người thoát khỏi sức ép của tính đối kháng bẩm sinh cùng mọi sự dữ, thoát khỏi vòng kiềm toả của lòng tham sân si cùng những thói hư tật xấu, để hai van tim của lòng người rộng mở, nhờ đó tình mến Chúa yêu người trong lòng người có điều kiện phát triển và toả sáng trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Nói cách khác, khi tu thân luyện đức, khi chăm lo cho đời sống gia đình, khi quản trị một cộng đoàn hay một tổ chức, một công ty xí nghiệp hay xã hội đất nước, khi thực hành những việc đó với hai van của lòng mến Chúa yêu người mở rộng, con người mới có khả năng mang lại an vui cho người người, cho nhà nhà, và góp phần kiến tạo một nền hoà bình chân chính và vững bền cho đất nước cùng thế giới hôm nay.
6. Thực hành Lời Chúa dạy. Qua thời gian hơn hai thiên niên kỷ, Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô để lại cho gia đình nhân loại hôm nay nhiều kinh nghiệm thực hành Lời Chúa dạy. Thực hành Lời Chúa dạy làm người trong trời đất, trước hết là thi hành Lời Chúa dạy mến Chúa yêu người.
Mến Chúa là sống trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa là Cha. Cụ thể là năng gặp gỡ Chúa, lắng nghe Lời Chúa, tìm và thi hành ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa trong đời sống chuyên cần cầu nguyện. Cầu nguyện trong gia đình, trong cộng đoàn, cầu nguyện trong lúc an vui cũng như khi gặp khó khăn thử thách.
Yêu người là sống trọn nghĩa huynh đệ đối với mọi người là con một Cha, anh em một nhà. Cụ thể là tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, trân trọng tình yêu chung thuỷ trong hôn nhân và gia đình, tôn trọng tài sản vật chất và tinh thần của tha nhân, trân trọng tính trung thực, chân thành, vị tha, trong cuộc sống làm người. Yêu người còn là theo gương Con Chúa làm người dấn thân phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển con người, đặc biệt người lâm cảnh khó khăn thiếu thốn, về vật chất cũng như tinh thần.
7. Thực hành Lời Chúa dạy làm người trong thiên hạ có nghĩa là Phúc Âm hoá đời sống nhân loại.
Thực hành Lời Chúa dạy có nghĩa là đưa Lời Chúa mang những giá trị Tin Mừng, giá trị nhân bản, giá trị luân lý, vào đời sống gia đình và cộng đoàn, vào đời sống nhân loại trong mọi lãnh vực, văn hoá và giáo dục, kinh tế và chính trị, nhằm giúp việc tu thân, tề gia, trị quốc của mỗi người, chiếu toả ánh sáng chân lý, tình yêu, bình an, cùng sức sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh.
Thực hành Lời Chúa dạy là đưa giáo huấn xã hội của Giáo Hội vào đời sống gia đình và xã hội, nhằm soi đường dẫn lối cho mọi người xây dựng gia đình mình, cộng đoàn mình:
- thành cái nôi của sự sống nhân loại và sự sống mới của Chúa Phục Sinh, - thành mái ấm tình thương,
- thành ngôi trường đầu tiên giáo dục con cái làm người con Chúa, làm anh em tốt và hữu ích trong xã hội,
- thành một thành trì bảo vệ thế hệ trẻ khỏi bị lây nhiễm những thói hư tật xấu cùng những tệ nạn xã hội.
Thực hành Lời Chúa dạy còn là tìm hạt giống Lời đã được gieo vào lòng đất văn hoá của dân tộc, và vun tưới cho hạt giống đó phát triển và đơm bông kết trái, góp phần vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vì sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền của gia đình nhân loại...
8. Chúng tôi mong các Tổ Chức Mục Vụ chuyên ngành thuộc các cấp, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, liên kết và phối hợp với nhau, tạo sự đồng thuận với những người trách nhiệm thực hiện, nhằm:
(1) đề ra kế hoạch cho năm 2012 cũng như kế hoạch lâu dài, nhằm khai mở cho mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn, tích cực tham gia xây ngôi nhà Giáo Hội trên nền đá vững chắc là Lời Chúa, nơi đó người người ý thức và nỗ lực sống hiếu thảo với Chúa, sống tình huynh đệ hợp nhất với nhau, sống tình huynh đệ đồng cảm và chia sẻ với mọi người;
(2) đề ra những phương thế thích hợp, những việc làm cụ thể trước mắt và lâu dài, giúp cho thế hệ trẻ và gia đình, cho cộng đoàn cùng các tổ chức tông đồ giáo dân, thường xuyên tiếp cận với Lời Chúa, học hỏi, suy gẫm và đưa những giá trị Tin Mừng vào cuộc sống, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Lời Chúa, giúp cho việc tu thân, tề gia, trị quốc, của mỗi người, chiếu toả ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng Tin Mừng cứu độ, đem lại niềm an vui và sức sống dồi dào cho gia đình giáo hội cùng cộng đồng xã hội hôm nay.
9. Lời cầu nguyện là nguồn nước trong lành tưới cho hạt giống ơn Chúa, - cách riêng ơn đức tin, ơn đức mến cùng niềm hy vọng,- phát triển và đơm bông kết trái. Do đó, cầu nguyện còn là bí quyết mang lại kết quả cho công việc cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần, ơn hiểu biết và ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh và ơn đổi mới. Vì thế chúng tôi mời gọi mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn tu, mọi cộng đoàn giáo xứ, mọi tổ chức tông đồ giáo dân, không ngừng cầu nguyện cho công cuộc xây mới ngôi nhà Giáo Hội tại gia đình, tại cộng đoàn, tại giáo phận. Với thời gian và nhờ ơn Chúa cùng sự đồng thuận hợp lực của mọi người, hy vọng công việc xây mới ngôi nhà Giáo Hội sẽ mang lại hoa thơm trái lành, như lòng Chúa mong muốn, và như lòng người mong đợi.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Hồng Y Tổng Giám mục Giám mục phụ tá
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020