Lời Chủ Chăn tháng 12.2011

Lời Chủ Chăn tháng 12.2011

Toà TGM TP.HCM
Tháng 12.2011

Lời Chủ Chăn

LUẬT YÊU THƯƠNG TRONG LÒNG NGƯỜI


1. Nguồn gốc tình yêu. Thiên Chúa tạo thành con người theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Từ khi trao tặng quà "sự sống" cho nhân loại, Đấng Tạo Hoá đã đặt để tình yêu như hạt lúa giống nơi thửa đất lòng người. Và từ đó, như người đi gieo giống, Thiên Chúa không ngừng chăm sóc cho mầm tình yêu phát triển và trổ bông kết trái, vì sự sống và hạnh phúc của gia đình nhân loại.

2. Thiên Chúa ban hành luật yêu thương. Khi ban hành luật yêu thương, Thiên Chúa dạy cho dân Người biết cách mến Chúa yêu người. Mến Chúa trước hết và trên hết là năng gặp gỡ Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thi hành ý Chúa trong cuộc đời. Mến Chúa còn là theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, bước theo Chúa Giêsu trên đường tình yêu cứu độ, và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, dẫn dắt họ bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Thiên Chúa.

Chúa dạy cách yêu người, trước hết, là tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, trân trọng tình yêu chung thuỷ trong hôn nhân và gia đình, tôn trọng tài sản vật chất và tinh thần của tha nhân, trân trọng tính trung thực, chân thành, vị tha, trong cuộc sống làm người. Yêu người còn là theo gương Con Chúa làm người dấn thân phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển con người, đặc biệt người lâm cảnh khó khăn.

Như thế, luật Chúa soi sáng cho lòng người (lòng đạo, lòng nhân, cũng như lòng tin) mở rộng cả hai van tim. Một mở ra đón nhận ánh sáng và năng lượng tình yêu từ Thiên Chúa. Một mở ra phản chiếu ánh sáng, chia sẻ năng lượng tình yêu cho nhau, trong đời sống hôn nhân và gia đình, giáo hội và xã hội.

3. Thiên Chúa chăm sóc tình yêu trong lòng người. Thiên Chúa đã sai Người Con Một là Đức Giêsu, đến hoà nhập vào đời sống nhân loại, soi đường dẫn lối cho tình yêu trong lòng người thoát khỏi sức ép của tính đối kháng bẩm sinh ; thoát khỏi vòng kiềm toả của lòng tham sân si, ganh ghét hận thù, với hành vi tự vệ và đóng kín, hoặc kết tội và loại trừ nhau. Với hai van tim của lòng người rộng mở, mầm mến Chúa yêu người có điều kiện phát triển và trổ sinh hoa trái, trong đời sống gia đình và xã hội. Thiên Chúa còn dùng Lời Chúa cùng ơn Thánh Thần vun tưới cho tình mến Chúa yêu người khởi sắc trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Lịch sử và thực tế cuộc sống, cùng thiên nhiên vạn vật, để lại nhiều hình ảnh minh hoạ tình yêu nở hoa muôn sắc tô thắm cho đời sống nhân loại, và mang lại bình an hạnh phúc cho người người.

4. Tình yêu quảng đại và hy sinh. Chiều chiều, ông chủ nhà thích thả bộ trong vườn tre sau nhà. Bóng mát màu xanh, tiếng xào xạc của lá tre, tiếng kẽo kẹt của thân tre, làm cho ông cảm thấy giãn xả và thư thái. Một buổi chiều, ông ra vườn với một con dao, định đốn tre. Đứng trước những bụi tre, ông cảm thấy tiếc xót. Sau giây phút tư lự, ông tự trả lời rằng ông có ý định đốn tre để chế biến cây tre thành nhiều dụng cụ phục vụ cho sự sống con người. Tre làm đũa ăn, làm thúng rổ, làm bàn ghế, làm giường ngủ, làm nhà ở, làm cầu qua sông rạch, làm hệ thống dẫn nước dưới suối lên tưới thửa ruộng trên triền đồi, làm những nhạc cụ, tranh trang trí nhà cửa. Sau đó, ông cảm thấy an lòng và hứng khởi làm một việc cần làm nhằm phục vụ cho sự sống của nhiều người.

Cây tre là hình ảnh tình yêu quảng đại chấp nhận hy sinh để trở nên hữu ích cho đời. Hình ảnh đó, trước hết, là hình ảnh Đức Giêsu yêu thương tới cùng trên thập giá. Sau giây phút cầu nguyện xin ơn vâng theo ý Chúa Cha, Ngài đã tự nguyện đón nhận khổ đau tủi nhục và chết chóc của phận người, để bày tỏ một tình yêu không còn tình yêu nào lớn hơn, một tình yêu đồng cảm, bao dung, quảng đại, vô biên.

Đó cũng là hình ảnh cha Px. Trương Bửu Diệp, tự nguyện ở lại giữa đoàn chiên trong cơn nguy biến, chấp nhận hy sinh mạng sống vì sự sống của đoàn chiên. Đó còn là hình ảnh những người cha người mẹ lao nhọc mỏi mòn vì gia đình, nhưng tình yêu trong lòng ngày càng cao lên như núi Thái Sơn, mở rộng như biển Thái Bình. Đó còn là hình ảnh những vị tu hành đã tự nguyện khiêm tốn và hy sinh nhận làm thùng rác đón lấy những gì người khác thải vào đó, lời than thở, phiền trách, sự bực tức, uất hận, những sai lầm... Trút bỏ những gì đè nặng lương tâm, họ cảm thấy được thanh thoả và an lòng.

5. Tình yêu linh hoạt và trung thành. Trong một cuộc gặp gỡ giao lưu với những vị khách từ châu Á, các bạn trẻ Saigon có đặt ra một câu hỏi: hàng năm, dân tộc Philippin phải hứng chịu hậu quả của nhiều trăm cơn bão, bí quyết nào giúp họ tồn tại? Đức Hồng Y Rosales, Tổng Giám mục Manila, trả lời bí quyết đó là làm thân cây tre: khi phong ba bão táp đến, cây tre nằm rạp xuống, sau cơn giông tố, cây tre lại đứng thẳng lên.

Ở đây, cây tre là hình ảnh một tình yêu uyển chuyển và linh hoạt, chung thuỷ và trung thành. Cho dù phải trải qua bao nhiêu sóng gió gian truân trong gia đình, qua bao nhiêu cơn bão trong cuộc đời, - cơn bão cải tạo xã hội chủ nghĩa để lại nhiều xáo trộn và mất mát, cơn bão của lối sống hưởng thụ ích kỷ và sa đoạ, cơn bão của dịch nghiện ngập và dịch HIV để lại nhiều cái chết trắng..., - tình yêu trong lòng người vẫn tồn tại và phát triển.

6. Tình yêu từ bi và nhân hậu. Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh "tình yêu bao dung", gần đây, nơi thái độ khoan dung, nhân hậu của Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđitô XVI, đối xử với những kẻ hãm hại các ngài, với những nhóm chống đối, kết tội các ngài. Tình yêu khoan dung nhân hậu đó đã thể hiện khả năng cải tạo lòng người và đổi mới đời người.

Nhờ sức mạnh của tình yêu bao dung, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, cùng nhiều thành viên trong gia đình Giáo Hội, đã biến những khó khăn thử thách, những thua thiệt và mất mát, những lời phê phán và kết tội, thành cơ hội canh tân đời sống và đổi mới lối sống của nhiều người trong Giáo Hội cũng như xã hội.

7. Tình yêu sáng tạo. Chúng ta có thể tìm gặp hình ảnh tình yêu sáng tạo tại nhiều nơi trong gia đình giáo phận hôm nay, chẳng hạn những nhóm có sáng kiến tổ chức hoạt động tương thân tương trợ:

- tổ chức những bữa ăn từ thiện cho người lâm cảnh túng ngặt,

- tổ chức tiếng hát vì người nghèo, tổ chức tiếp sức cho mùa thi, tổ chức quỹ học bổng,

- tổ chức thu nhặt ve chai, gây quỹ trợ giúp những người trẻ gặp khó khăn,

- tổ chức những buổi học giáo lý phối hợp với những sinh hoạt giải trí lành mạnh, giúp các bạn trẻ vượt qua những đam mê bệnh hoạn của thời đại,

- tổ chức đưa xe lăn đến người bại liệt, giúp họ bước đi trên đường đời,

- biến những hoạt động từ thiện bác ái cũng như những lễ hội thành cơ hội xây đắp tình huynh đệ đồng cảm và hiệp thông, để loan Tin Mừng Bình An, Tin Mừng Tình Thương cho xã hội hôm nay.

8. Tình yêu làm nở hoa tình yêu. Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh "tình yêu nở hoa" nơi những nhóm tình nguyện chung sức phục vụ những người trẻ sống với căn bệnh thời đại ở những trung tâm xa xôi, hẻo lánh, phục vụ những người kém may mắn ở những mái ấm tình thương, những người bệnh tật ở những cơ sở y tế, từ thiện nhân đạo. Hoặc nơi những người chuyên cần chăm lo, ủi an, và cầu nguyện cho những người lâm cảnh bất hạnh, tật nguyền...

Tình yêu vị tha phục vụ đó đã tạo điều kiện cho bản thân những người được phục vụ, thoát ra khỏi vòng kiềm toả của tâm trạng đóng kín, mặc cảm, hay hận đời. Nhờ đó, hai van tim rộng mở, tình yêu trong lòng họ được toả sáng, soi đường dẫn lối cho họ đi đến một chân trời mới. Nơi đó họ tìm gặp lại lẽ sống cho đời mình trong sự bình an thanh thản.

9. Thay lời kết. Xã hội hôm nay mang dấu vết những tranh chấp và bất ổn, cùng những vấn đề nghiêm trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, chính trị. Điều cao quý nhất, người người khát mong, là hai van tim của lòng người ngày càng mở rộng, và tình yêu ngày càng toả sáng. Khi hoa tình yêu nở rộ khắp nơi, tình yêu đồng cảm và khoan dung, hy sinh và quảng đại phục vụ, tình nghĩa đồng đạo, đồng bào, đồng loại, sẽ tô thắm cho nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên đất nước và thế giới hôm nay. Ánh sáng văn hoá sự sống và sức mạnh của văn minh tình thương sẽ giúp cho gia đình nhân loại vượt qua những vấn đề nghiêm trọng. Nhờ đó, nhiều người có cơ hội thoát khỏi những khó khăn, và cùng nhau tiến bước đi đến một cảnh đời ngày càng tươi sáng và thanh bình.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn                    Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Hồng Y Tổng Giám Mục                              Giám Mục Phụ Tá

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top