Lời chủ chăn tháng 8.2011

Lời chủ chăn tháng 8.2011

Toà TGM Thành phố HCM
1.8.2011

 


CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI HIỆN TRẠNG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI


Kính gửi anh em linh mục,
anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận

Anh chị em rất thân mến,

Lời mời gọi đổi mới

1. Lời mời gọi đổi mới, trước tiên đó là lời mời gọi của Thiên Chúa đối với dân Người (x. Ez 36,26...), đối với cộng đoàn giáo hội sơ khai cũng như đối với gia đình nhân loại (x. Cv 2, 1...).

Thánh Phaolô mời gọi người tín hữu hãy cởi bỏ nếp sống cũ, để Thánh Thần đổi mới tâm trí (x. Ep 4,22-24), cùng dẫn dắt bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Giêsu, nhờ đó, người tín hữu không ngừng lớn lên, vươn tới Con Người Mới là Đức Giêsu Đấng Cứu Độ (x. Ep 4,15). Đó là lời mời gọi đổi mới nếp sống hiện tại, để trong suy nghĩ và hành động, người tín hữu ngày càng sống trọn tình con thảo đối với Cha trên trời, và vẹn nghĩa anh em đối với mọi người trong thiên hạ, theo gương Con Thiên Chúa làm người đang ở giữa chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI xác định công cuộc đổi mới hiện trạng đời sống Giáo Hội bắt đầu từ việc đổi mới hiện trạng đời sống của mỗi người tín hữu, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân.

Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 lặp lại lời mời gọi đó đối với cộng đồng dân Chúa Việt Nam hôm nay, gồm gần 7 triệu người công giáo trong 26 giáo phận.

Phương hướng đổi mới :

gắn bó với Ba Ngôi Thiên Chúa
hiệp thông với cộng đồng giáo hội cùng xã hội

2. Bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ, người tín hữu thường xuyên ý thức trong hành trình cuộc đời của mình, phải luôn gắn bó và kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vậy, mỗi lần làm dấu Thánh Giá, mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, mỗi khi đọc kinh cầu nguyện, ngoài việc chỉ làm theo thói quen, cùng bày tỏ tâm tình cảm mến tạ ơn và những ước mong, người tín hữu hãy để tâm chu toàn ba việc đầu mối trọng yếu trong đạo làm người trong trời đất hôm nay.

Một là, trong mọi hoàn cảnh và biến cố của cuộc đời, nhất là khi phải bước đi trong sương mù hay trong phong ba bão táp, trong nghịch cảnh và trái ý, hãy nhớ luôn tìm và thi hành ý Cha trên trời, như lời Chúa Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha, như gương Thánh Gia Thất.

Hai là hãy cùng Thánh Mẫu Maria luôn kiên vững bước đi trên con đường tình yêu cứu độ mà Con Chúa làm người đã mở ra, như lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy. Ngài xác định rõ, tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu mang bốn dấu ấn nổi bật như sau :

- tình yêu mang tính hội nhập và đồng cảm với gia đình nhân loại (5 Sự Vui),
- tình yêu phục vụ cho Tin Mừng cứu độ cùng sự sống mới của mọi người (5 Sự Sáng),
- tình yêu hiến thân vì sự sống mới của gia đình nhân loại (5 Sự Thương),
- tình yêu mang tính đổi mới và mở đường cho người người tiếp cận, đón nhận "sự sống mới" của Chúa Kitô Phục Sinh (5 Sự Mừng).

Ba là, trong mọi tình huống đổi thay, hãy luôn định tâm theo sự soi sáng và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng trí mỗi người, nhờ đó, lời nói, việc làm, cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề trong đời sống, mang lại hoa trái của Thánh Thần là sự bình an và niềm vui, yêu thương và hợp nhất, tránh tạo ra sự phân hoá trong gia đình cũng như trong cộng đồng giáo hội cùng xã hội (x.Ga 5, 22…Eph 5, 8…Col 1, 10…)

3. Bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ, người tín hữu không ngừng chung sức xây đắp tình huynh đệ hiệp thông trong gia đình Giáo Hội ở mọi cấp độ: từ mối hiệp thông giữa hàng giáo phẩm với các thành phần giáo hội, đến sự hiệp thông trong mỗi gia đình là giáo hội tại gia. Tất cả chúng ta là con một Cha trên trời, là những chi thể đa dạng đa năng trong cùng một thân thể Chúa Kitô, cùng đồng hành chung một con đường sứ vụ loan báo Tin Mừng, cùng hội nhập vào đời sống văn hoá xã hội của gia đình nhân loại, cùng dấn thân phục vụ cho sự sống làm người, mở đường cho người người đổi mới và đón nhận quà tặng "sự sống mới" của Chúa Kitô Phục Sinh.

4. Bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Kitô, người tín hữu không ngừng xây đắp tình huynh đệ liên đới đối với đồng bào và đồng loại, là anh em một nhà, cùng chung một định mệnh, chung một trách nhiệm cùng mọi người vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, qua con đường đối thoại trong chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, vì sự sống toàn diện và sự phát triển vững bền của gia đình nhân loại, đặc biệt của người lâm cảnh khó khăn, túng thiếu, về mặt thể chất cũng như tinh thần.

Phương thế đổi mới :

cầu nguyện
và cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần

5. Phương thế đổi mới hiện trạng đời sống Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay, trước hết là lòng kiên trì cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần, đặc biệt bằng việc thay đổi cách điều hành gia đình, cách lãnh đạo cộng đoàn, hướng đến hiệp thông, đồng cảm, đồng thuận, như chìa khoá của công cuộc tân Phúc Âm hoá ngày nay. Lịch sử cứu độ xác minh : Chúa Thánh Thần là chủ thể thực hiện công trình đổi mới theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha:

- Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động nơi Đức Giêsu trong suốt cuộc sống trần thế của Người để Người thực hiện công trình cứu độ trần gian (x. Mt 4,16…),

- Chúa Thánh Thần đổi mới các ngư phủ miền Galilê thành sứ giả can trường Tin Mừng Chúa Phục Sinh, và những tông đồ nhiệt thành dấn thân phục vụ và yêu thương đến cùng, vì sự sống mới của mọi người (x. Cv 2,1...),

- Ngài cũng đổi mới cộng đoàn tín hữu sơ khai gốc thuộc nhiều dân tộc với nhiều nền văn hoá khác nhau, thành một cộng đoàn yêu thương tương thân tương trợ, một lòng một ý phục vụ cho sự sống và sự phát triển của mọi người (x. Cv 2, 42-46 ; 4, 32...).

Đời sống Giáo Hội để lại cho ta kinh nghiệm quý giá này : Lời Chúa và Chúa Thánh Thần là hai bàn tay Cha trên trời dùng uốn nắn người tín hữu ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa làm người, là Trưởng Tử mọi loài thọ sinh. Đồng thời, hai bàn tay đó tạo khả năng cho mỗi người biến những thử thách và gian khổ, những thua thiệt và mất mát, cả những lời phê phán, chỉ trích, kết án, thành cơ hội đổi mới hiện trạng đời sống bản thân theo hình mẫu Đức Giêsu Kitô là Chân Lý, là Sự Sống, là Tình Yêu, và là Đường dẫn đến cội nguồn mọi điều thiện hảo cho mọi người.

6. Vì thế, để đổi mới hiện trạng đời sống giáo hội, các tín hữu cần cộng tác với Chúa Thánh Thần bằng đời sống chuyên cần cầu nguyện, năng gặp gỡ Chúa và lắng nghe Lời Ngài. Lời Chúa nói trong Sách Thánh và trong các bí tích, trong giáo huấn của Giáo Hội và dấu chỉ của thời đại, trong nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương. Đồng thời cùng nhau khám phá Lời Chúa nói trong cuộc sống, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh đổi thay.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ cho ta kinh nghiệm quý báu này : - năng gặp gỡ Chúa và lắng nghe Lời Ngài, người tín hữu ngày càng biết Chúa hơn, - càng biết Chúa, người tín hữu càng mến tin Ngài, - càng mến tin Chúa, ngày càng vững vàng tiến bước trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Ngài, và đời sống tín hữu càng trở nên phong phú. Ngài mời gọi người tín hữu đổi mới cách cầu nguyện. Đổi mới từ cách cầu nguyện chỉ theo thói quen lặp lại những công thức kinh nguyện, đến cách có thêm ý thức và chú tâm cùng với Thánh Mẫu Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu, mở rộng lòng trí đón nhận tâm tư của Ngài, và quyết tâm bước theo Ngài trên con đường tình yêu cứu độ (x. Tông huấn "Mầu nhiệm Mân côi", 10.2002). Cách cầu nguyện với ý thức và quyết tâm đó sẽ mở đường cho mỗi người tín hữu đổi mới lối cảm nghĩ và lối sống bước theo Chúa Kitô đang hiện diện và đồng hành với mình trên con đường tình yêu đồng cảm, dấn thân phục vụ, hiến thân đổi mới sự sống của gia đình nhân loại.

7. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nay là Chân Phước Gioan Phaolô II, giờ đây Ngài đang tiếp tục cầu khẩn Thiên Chúa chúc phúc cho những ai mang ra thực hành những lời Ngài dạy để đổi mới hiện trạng đời sống Giáo Hội hôm nay theo như lòng Chúa mong muốn và như dân Người mong đợi.

                 Gioan B. Phạm Minh Mẫn                                    Phêrô Nguyễn Văn Khảm
                  Hồng Y Tổng Giám mục                                            Giám mục phụ tá

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top