Lời Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn tại Tam Tông Miếu
Khi tham dự lễ kỷ niệm ngày đăng tiên của cố Định Pháp Tổng lý Minh Thiện tại Tam Tông Miếu (20.12.2010), sau lời phát biểu cảm tưởng của các chức sắc Cao Đài, linh mục đại diện Ban Mục vụ ĐTLT TGP Tp. HCM đã bày tỏ tâm tình bằng hữu của người Công giáo qua những lời sau đây:
Lời Phát biểu của Ban MVĐTLT TGP TP. HCM nhân lễ kỷ niệm ngày đăng tiên của cố Định Pháp Tổng lý Minh Thiện
Kính thưa ngài Tổng Lý, vị Chủ trì và quý môn sanh Minh Lý,
Kính thưa chư vị đạo hữu và đạo tâm cùng toàn thể giới chức, quan khách
Trước hết, thay lời cho anh chị em Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn Tổng Giáo phận Tp. HCM, chúng tôi muốn bày tỏ niềm vui của những người Công giáo khi được hiện diện giữa quý vị, nhân dịp kỷ niệm ngày đăng tiên của cố Định Pháp Tổng lý Minh Thiện.
Tiếp đến, tôi rất cảm khái khi đọc qua cuốn sách “NGÀI MINH THIỆN - Cuộc đời và đạo nghiệp” của nữ đạo hữu Đại Cơ Huờn và tâm đắc cách riêng bài “Ngũ nguyện” của Đức BÁC NHÃ THIỀN SƯ TAM TÔNG PHÁP CHỦ NGUYÊN QUÂN BỒ TÁT; cũng như lời của Đông Phương Lão Tổ truyền dạy Ngài rằng:
Thiên đạo tùng tâm, chánh đạo tầm,
Chơn nhơn trợ nhữ lạc duyên cầm.
Phước chí anh linh thường ám hộ,
Minh minh vận chuyển tại ư tâm.
Ư tâm tích đức hạnh,
Vạn sự đắc phương hanh.
Tầm sư nan học đạo,
Cửu nhựt dĩ công thành.
Nghĩa là:
Đạo Trời nương theo lòng, hãy tìm chánh đạo,
Chơn nhơn giúp ngươi vui giữ cái duyên này.
Phước đến, các đấng anh linh thường âm thầm phò hộ,
Mịt mờ vận chuyển ở trong lòng.
Hãy tích đức ở tâm,
Muôn việc được suôn sẻ.
Tìm thầy, học đạo thì khó,
Lâu ngày thì mới thành công [1].
* * *
Thiên đạo tùng tâm, chánh đạo tầm,
Chơn nhơn trợ nhữ lạc duyên cầm.
Phải chăng lời mời gọi này cũng đang ngỏ với con người ngày nay, nhất là với quý đạo hữu và đạo tâm đang hiện diện tại Tam Tông Miếu, nơi Ngài Minh Thiện [2] đã hành đạo và truyền Đạo.
Tôi tin rằng với chánh tâm, chúng ta sẽ tìm được chánh đạo.
Và khi phát tâm kiên trì thực hành chánh đạo, chúng ta sẽ góp phần xây dựng cùng phát triển cái tâm đạo, vốn tàng ẩn sâu xa trong lòng mọi người.
Sau hết, tôi nguyện kính chúc quý đạo huynh, đạo tỷ cùng toàn thể quý vị luôn tỏa sáng tâm đạo cho mọi người mà Thượng Đế đang và sẽ gởi đến gặp gỡ chúng ta trên hành trình làm người này.
Xin chân thành cám ơn toàn thể chư vị.
Tam Tông Miếu, ngày 20 tháng 12 năm 2010
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn TGP. Tp. HCM
Xem thêm: Hạnh ngộ với quý Đạo hữu Minh Lý Thánh Hội
----------------------------------------------------------
Ghi chú:
[1] Đại Cơ Huờn, NGÀI MINH THIỆN-Cuộc đời và đạo nghiệp, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, tr. 28.
[2] TIỂU SỬ Ngài Nguyễn Văn Miết - MINH THIỆN
Cố ĐỊNH PHÁP TỔNG LÝ - TAM GIÁO TỔ SƯ gia phong: BÁC NHÃ THIỀN SƯ - TAM TÔNG PHÁP CHỦ
Ngài Minh Thiện sinh năm Đinh Dậu (tháng 8-1897) trong một gia đình đạo đức Nho giáo tại tỉnh Long An, làng Lợi Bình Nhơn. Thân phụ Ngài là ông Tôn Văn Thi, cũng là Minh Lý môn sanh (MLMS), nhập môn ngày 02-9-1926, pháp danh Hiệp Nhứt. Thân mẫu Ngài là bà Lâm Thị Chợ nhưng quê nội xưa kia ở trấn Củ Chi, huyện Hốc Môn, sau đến đời ông thân Ngài mới dời về Long An. Ngài còn 4 người chị em nữa là: chị cả Tôn thị Kỷ, em gái là Tôn Thị Thân - MLMS pháp danh Toàn Lạc, Tôn Thị Sáu - MLMS pháp danh Toàn Kiết và em trai Tôn Văn Lâm - MLMS pháp danh Chí Giác.
Ông thân Ngài là một Nho gia, tu theo phái Minh Sư, giữ công phá cách, siêng làm các việc phước thiện. Ngôi nhà nơi gia đình cư ngụ có dành nơi để thờ phượng và cúng lễ theo phái Minh Sư. Khi song thân Ngài qua đời, các con cháu trong gia đình đều lên thành phố sanh sống tạo sự nghiệp, nên ngôi nhà bỏ không, nhờ các đạo hữu Minh Sư chăm nom săn sóc và về sau hiến luôn cho chi phái Minh Sư làm Thánh đường cúng bái. Đến nay tại Thánh đường chỉ còn có hai vị sư cô, nên đã xin gia nhập vào Chùa Thiên Khánh thuộc Tỉnh hội Phật giáo Long An để hoạt động.
Ngài Minh Thiện từ nhỏ được gia đình cho học chữ Nho, cho đến khi phong trào học chữ quốc ngữ để đi làm nổi lên thì ông thân Ngài dẫn đến trường xin nhập học, nhưng trường đòi phải nộp khai sanh - mà Ngài chưa có. Vì thời kỳ ấy ở các làng xóm, gia đình nhân dân chưa có ý thức phải làm khai sanh khi sanh con nên Ngài Minh Thiện chưa có khai sanh để nhập học. Ông thân Ngài liền dẫn đến ông Chánh Lục bộ để xin làm khai sanh. Ông này hỏi đặt tên gì? Ông thân Ngài không kịp suy nghĩ mà nói liền một cái tên bình dân là tên một loài trái cây ở địa phương là Mít, mà cũng không nói họ gì. Ông Chánh Lục bộ liền viết vô bộ (mà chắc ông này cũng học Việt ngữ chưa thông nên cho liền họ tên là Nguyễn Văn Miết - thay vì là Mít). Việc này, chúng tôi được Ngài Minh Thiện kể lại khi dạy giáo lý lúc còn sanh tiền.
Ngài theo tân học cho đến khi ra làm việc với chánh phủ thời bấy giờ được gọi là công chức chánh ngạch. Có thời gian Ngài ra làm việc tại Côn Đảo mấy năm. Ngài mục kích lắm chuyện đau thương, thấy nhiều người đau khổ đến độ muốn chết đi cho rãnh, mà chết đi cũng không được. Thấy rõ cuộc đời là bể khổ, sầu đau, nên từ đó Ngài đã hướng tâm chí mình về đường đạo đức.
Gặp thời Tam kỳ Phổ độ, Đạo Minh Lý ra đời, Ngài là một trong sáu vị khai sáng viên nền Đạo. Sau đây là các thời kỳ hành Đạo của Ngài:
- Nhập môn năm Ất Sửu, tháng 5-1925, được pháp danh MINH THIỆN tịch Đạo.
- Thanh Tịnh Sư ngày 04-4-1930. Theo lệnh Trên, Ngài xin nghỉ hưu về lãnh nhiệm vụ Chủ trì từ ngày 6-6-1938 cho đến ngày 21-9-1952 mãn nhiệm kỳ.
- Nhập tự năm 1955.
- Khiết Tịnh Sư ngày 21-8-1965.
- Vĩnh Tịnh Sư ngày 20-10-1965.
- Siêu Tịnh Sư ngày 6-8-1967.
Từ quan về, Ngài đã là một vị công chức cao cấp ở chức Huyện và khi nghỉ hưu, Chính phủ có nghỉ đến công lao phục vụ đã phong Ngài lên chức Phủ. Việc này Ngài đã kể lại cho chúng tôi và nói thêm là đã tu rồi mà sự đời vẫn đeo đuổi.
Ngài quy tiên ngày 16-11 Nhâm Tý (1972) vào giờ Tý, trùng ngày Vía Đức A Di Đà Phật. Vừa thoát xác thì Ngài được Tam Giáo Tổ Sư phong cho Thánh vị là Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ. Khóa tịnh 4 khối năm 1974 được Đức Trần Hưng Đạo, Lê Đại Tiên và Vạn Hạnh Thiền Sư cho 10 vế xưng tụng công đức là bài “Xưng Tụng Công Đức” hiện nay.
Khi lập gia đình, người hôn phối của Ngài là Lâm Thị Hộ cũng nhập môn Minh Lý năm 1925 với pháp danh Diệu Ngươn. Bà mãn phần ngày 18-3-1953 với cấp bậc Thanh Tịnh Cô và được ân phong là Diệu Duyên Nương Nương.
Vì thấy Ông bà không có con nên người em là bà Toàn Lạc mới đưa một cô con gái làm con nuôi cho Ông bà hủ hỉ. Đó là cô Nguyễn Kim Tuyết, nhập môn với pháp danh là Tịnh Nhứt và lập gia đình với ông Nguyễn Vĩnh Nghi cũng là một môn sanh Minh Lý pháp danh là Thanh Thể, hiện nay sống ở bên Mỹ với hai cô con gái.
Tường Định
biên soạn
(Nguồn: caodaivn.com)
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah