Mới khám phá thấy một đoạn văn bản Kinh Thánh cổ xưa nhất

Mới khám phá thấy một đoạn văn bản Kinh Thánh cổ xưa nhất

MOUNT SINAI, Ai cập (Zenit.org) - Một mảnh da có chép văn bản Kinh Thánh, mới được tình cờ khám phá mấy ngày trước đây tại Tu viện Thánh Caterina ở chân núi Sinai (Ai cập). Đoạn văn này thuộc Cổ bản Sinai (Codex Sinaiticus), được coi là một trong hai thư bản cổ xưa nhất.

Người tìm ra được mảnh da này là Nikolas Sarris, một sinh viên 30 tuổi người gốc Hy lạp, tình cờ thấy được khi anh đang tiến hành cuộc nghiên cứu tại tu viện trong học trình tiến sĩ chuyên về các văn bản chép tay thuộc thế kỷ 18.

Sarris cũng là thành viên thuộc một nhóm hiện đang phụ trách xuất bản Cổ bản Sinai trên mạng lưới điện toán, mới hoàn chỉnh từ tháng 7 vừa qua do sáng kiến của Thư viện Anh quốc, Thư viện trường Đại học Leipzig (Đức) và Thư viện Quốc gia Nga, với sự hợp tác của ngài Damianos, Tổng giám mục Chính thống giáo vùng Sinai đồng thời là tu viện trưởng tu viện Thánh Caterina.

Vì đã quen thuộc với Cổ bản, nên Sarris nhận ra ngay văn tự trên mảnh da, nhờ vào kiểu dáng chữ viết và chiều cao các cột, mặc dầu chỉ có một phần lộ ra dưới gáy sách.

Anh nói với Thông tấn xã The Independent: “Đó thật là một giây phút đầy hứng khởi. Tuy không thuộc lãnh vực chuyên môn của tôi, nhưng vì đã giúp việc trong dự án trên mạng, nên Cổ bản đã in sâu trong trí nhớ. Tôi liền bắt đầu xem xét chiều cao các chữ viết cũng như các cột và nhận ra ngay đây là một phần của Cổ bản từ trước tới nay chưa ai thấy được.”

Còn nhiều nữa

Văn bản trên mảnh da tương ứng với đoạn mở đầu trong Sách Josua. Cha Justin, quản thủ thư viện của nhà dòng đã xác nhận sự khám phá này.

Theo lời của cha Justin phát biểu với The Art Newpaper, có thể còn có nhiều phần nằm khuất dưới các lớp gáy sách khác; tuy nhiên hiện nay tu viện không có đủ phương tiện kỹ thuật cần thiết để có thể tiến hành cuộc khai thác mà không gây ra hư hại.

Tại thư viện nhà dòng có ít nhất 18 cuốn sách khác đóng thành tập như thế do hai tu sĩ sưu tập, dùng lại văn tự trong Cổ bản. Cha quản thủ thư viện nói: “Chúng tôi không biết có thể tìm được thêm những đoạn văn khác nữa thuộc Cổ bản trong những cuốn sách đó hay không, nhưng chắc chắn là rất đáng nên tìm tòi xem xét.”

Theo truyền thống, người ta tin Cổ bản Sinai là một bản Kinh Thánh chép tay được viết trong khoảng từ năm 330 đến 350 theo lời thình cầu của Hoàng đế Constantin. Thư bản này, cùng với Cổ bản Vatican (Codex Vaticanus), được coi là bản văn Kinh Thánh cổ xưa nhất trên thế giới.

Nhà học giả người Đức Constantin Von Tischendorf đã khám phá ra Cổ bản Sinai tại Tu viện Thánh Caterina vào năm 1844 và đã lấy ra nhiều phần của thư bản này trong những thập niên kế tiếp.

Hiện nay các phần trong Cổ bản đó được phân chia và lưu giữ tại Thư viện Anh quốc, Thư viện trường Đại học Leipzig (Đức) và Thư viện Quốc gia Nga.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top