Một bài học lịch sử về loan báo Tin Mừng
Ngày 21-04-2012, tại Trung tâm mục vụ Sài Gòn, Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN tổ chức buổi hội thảo thần học về đề tài Giáo Hội tại Việt Nam: Nỗ lực loan báo Tin Mừng cách mới mẻ. Các thuyết trình viên trình bày đề tài từ góc độ thần học về Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần. Ngoài ra cũng không quên khía cạnh lịch sử, cho nên có bài thuyết trình về Những bài học lịch sử cho việc loan báo Tin Mừng và tái loan báo Tin Mừng.
Từ góc độ lịch sử và mục vụ, có thể nhớ đến những nhận xét của Rodney Stark, nhà xã hội học tôn giáo, dạy tại đại học Baylor. Ông tự nhận không phải là Kitô hữu nhưng cũng không phải là người vô thần, vì theo ông, vô thần cũng là một thứ niềm tin. Nếu người Kitô hữu tuyên xưng “tôi tin có Chúa”, thì người vô thần tuyên xưng “tôi tin rằng không có Chúa”. Cũng chỉ là tin, dù người ta có khoác cho chủ trương vô thần của mình mỹ từ “khoa học”. Cho nên đơn giản ông là người chủ trương bất khả tri. Hiểu như thế, những nhận xét ông đưa ra dứt khoát không để bênh vực hay phản đối Kitô giáo nhưng chỉ phát xuất từ nghiên cứu lịch sử và xã hội.
Trong cuốn Sự trỗi dậy của Kitô giáo (Rise of Christianity) (1996), Rodney Stark nhận định rằng từ chỗ là một nhóm nhỏ và chịu bách hại khốc liệt, Kitô giáo đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành tôn giáo chính trong đế quốc Rôma và nền móng của văn minh Tây phương, là vì hai điều chính yếu: giáo huấn của Đạo và sự nhiệt thành của tín hữu. Ông viết, “Yếu tố chính yếu trong sự thành công của Kitô giáo là những điều mà các Kitô hữu tin… và những điều họ tin đã thấm vào xương thịt họ, thấm vào cách họ điều hành những công việc xã hội cũng như ứng xử cá nhân, chính điều đó dẫn đến sự trỗi dậy của Kitô giáo”.
Để minh họa về giáo huấn của Đạo, tác giả nhắc đến một thực tế mà các Kitô hữu ít khi nghe nói đến. Đó là sự kiện phá thai, giết trẻ con, khinh miệt phụ nữ… không phải bây giờ mới có nhưng đã phổ biến từ những thế kỷ đầu. Trong một tác phẩm hộ giáo ở thế kỷ II, tác giả là Minuscius Felix, một luật sư người Rôma đã trở lại đạo, cho biết “Có những phụ nữ uống thứ thuốc làm cho thai nhi chết ngạt trong dạ mẹ ngay từ những giây phút đầu tiên”. Hippocrates, vốn được coi như người khai sáng nền y học hiện đại, cũng từng nổi tiếng vì sáng chế dụng cụ phá thai gồm những lưỡi dao sắc để cắt phôi và cái kẹp để kéo phôi ra khỏi dạ mẹ! Nhưng người ta đâu nhắc đến chuyện này trong cái gọi là lời thề Hippocrates! Cách đây ít năm, các nhà khảo cổ đã phát hiện những tàn tích của một thứ bệnh viện chuyên phá thai thời đế quốc Rôma: những hố đầy xương của hơn 100 đứa trẻ.
Giáo huấn của Kitô giáo hoàn toàn khác. Ngay từ đầu, các Kitô hữu không chấp nhận phá thai, ngừa thai, giết trẻ con, ly dị, đồng tính, bất trung trong hôn nhân. Đang khi đó, tất cả những chuyện này là chuyện phổ biến trong đế quốc Rôma. Athenagoras, một Kitô hữu giáo dân, nói thẳng với hoàng đế Marcus Aurelius năm 176 rằng phá thai là sát nhân và những ai can dự vào việc này phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa: “Chúng tôi nhìn những phôi thai là những tạo vật của Chúa, được Chúa chăm sóc yêu thương”.
Không chỉ tin tưởng suông, những giáo huấn ấy còn thấm vào xương thịt của các Kitô hữu, hướng dẫn cách sống và chọn lựa hằng ngày của họ. Họ ý thức rằng tin vào Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô có nghĩa là chấp nhận thay đổi toàn bộ cách nghĩ và cách sống, là sự biến đổi tận căn, vì thế không thể tiếp tục lối sống như trước đây theo nền văn hóa sự chết nữa. Các Kitô hữu đã sống lối sống mới cho dù phải chịu thiệt thòi, kể cả bắt bớ và bách hại. Những cuộc bách hại đã không thể giết chết Kitô giáo nhưng càng làm cho niềm tin nơi các tín hữu mạnh mẽ hơn và lôi kéo nhiều người đến với Giáo Hội hơn.
Chính giáo huấn của Đạo Kitô và sự nhiệt thành sống giáo huấn ấy nơi các tín hữu đã làm nên lý do chính yếu để giải thích sự trỗi dậy mạnh mẽ của Kitô giáo. Lại không phải là bài học quý giá cho các Kitô hữu ngày nay khi nói đến sứ vụ loan báo Tin Mừng cách mới mẻ hay sao?
Theo đó, loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, trước hết, đòi hỏi người công giáo phải đào sâu và hâm nóng lại niềm tin của mình. Không phải vô tình khi đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10 sắp tới Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ (New Evangelization) lại song hành với Năm Đức Tin (từ 21.10.2012 đến 24.11.2013). Có một thực tế đau lòng là nhiều đất nước đã từng cống hiến cho Giáo Hội những nhà thừa sai đầy nhiệt huyết, dấn thân loan báo Tin Mừng ở những miền đất xa xôi, nhưng nay, trong chính những đất nước ấy, nhiều người mang danh là công giáo lại không hiểu ngay cả những khái niệm căn bản của đức tin công giáo. Một thực tế đau lòng khác là nhiều trường công giáo vẫn có giờ tôn giáo ngay trong nhà trường, nhưng học sinh công giáo lại chẳng hiểu biết bao nhiêu về giáo lý công giáo. Thế nên, để loan báo Tin Mừng cách mới mẻ thì trước hết, chính người công giáo phải hiểu rõ mình tin vào ai, tin điều gì, tại sao tin. Nói cách khác, chính người công giáo cần được tái loan báo Tin Mừng.
Chưa hết, cứ theo nhận định của Rodney Stark thì các Kitô hữu trong đế quốc Rôma ngày xưa không chỉ hiểu giáo huấn đức tin, nhưng đức tin ấy còn thấm vào máu thịt của họ và thể hiện trong cách sống, trong những chọn lựa hằng ngày. Để loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, người công giáo cũng cần có nhiệt tình mới, đến độ dám lội ngược dòng chảy của văn hóa thời đại, như các Kitô hữu ngày xưa đã dám sống khác với lối sống phổ biến chung quanh họ. Đức tổng giám mục Chaput, Hoa Kỳ, đã diễn tả xác tín này cách mạnh mẽ: “Những Kitô hữu đầu tiên đã xây cuộc đời họ trên niềm tin vào Thiên Chúa là Cha. Họ tôn trọng hoàng đế nhưng họ không lẫn lộn hoàng đế với Thiên Chúa. Họ đặt Thiên Chúa lên trên hết. Họ tin Giáo Hội là mẹ của họ. Họ tin các giám mục và linh mục là những người cha tinh thần, và tin rằng qua các bí tích, họ được trở nên con cái Thiên Chúa, được dự phần vào sự sống thần linh như thánh Phêrô nói. Đã đến lúc người công giáo phải tìm lại căn tính công giáo của mình hiểu như là các môn đệ của Đức Giêsu Kitô và những nhà truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta phục vụ đất nước cách tốt nhất bằng việc nhớ lại rằng trước hết chúng ta là công dân Nước Trời. Càng là người công giáo tốt thì càng là công dân tốt. Lý do là nếu chúng ta không hết lòng hết sức sống niềm tin công giáo cách đúng đắn, thì chúng ta chẳng có gì đáng giá để đóng góp cho xã hội và đất nước”.
bài liên quan mới nhất
- Giới thiệu tập sách Các Sứ Điệp Ngày Thế Giới Loan Báo Tin Mừng
-
Ba điều cần quan tâm hàng đầu để thi hành Sứ vụ loan báo Tin mừng -
Ủy ban Loan Báo Tin Mừng: Họp mặt 2020 -
Cần một đối thoại ngôn sứ cho những vấn đề truyền giáo hôm nay -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo -
Các Hội đoàn Công giáo Tiến hành tham gia vào sứ mạng Phúc âm hóa tại Việt Nam -
Ban Mục Vụ Loan Báo Tin Mừng -
Khai mạc Hội thảo Loan Báo Tin Mừng toàn quốc tại TGP Huế -
Giáo hạt Tân Định: Đào tạo giáo dân trong sứ mạng truyền giáo
bài liên quan đọc nhiều
- Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối
-
Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Ủy ban Loan Báo Tin Mừng: Họp mặt 2020 -
Các Hội đoàn Công giáo Tiến hành tham gia vào sứ mạng Phúc âm hóa tại Việt Nam -
Ba điều cần quan tâm hàng đầu để thi hành Sứ vụ loan báo Tin mừng -
Giới thiệu tập sách Các Sứ Điệp Ngày Thế Giới Loan Báo Tin Mừng -
Cần một đối thoại ngôn sứ cho những vấn đề truyền giáo hôm nay -
Để trở thành nhà Truyền giáo trẻ tuổi -
Đến với giáo điểm truyền giáo Cần Giờ