Một cái nhìn Kitô giáo về sinh học
Các Giám mục châu Âu hành hương để suy niệm về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên
WHĐ / ZENIT (07.09.2010) – “Thiên nhiên không phải là vô chủ, mà thuộc về Thiên Chúa và được Ngài yêu quý”. Theo Đức Hồng y Peter Erdö, Tổng Giám mục Esztergom-Budapest và chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE), thái độ của người kitô hữu đối với môi trường đặt nền tảng trên chính điểm này.
Ngày 1-9, cuộc hành hương của các Giám mục và các đại biểu của các Hội đồng Giám mục châu Âu phụ trách mục vụ bảo vệ thiên nhiên bắt đầu bằng một thánh lễ được cử hành tại thánh đường thượng phụ ở Hungari. Cuộc hành hương sẽ kết thúc tại thánh đường Mariazell ở Áo. Mục tiêu của cuộc hành hương là suy niệm về chủ đề do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đề ra cho ngày Thế giới Hòa bình: “Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo vệ vũ trụ”.
Linh mục Duarte da Cunha, tổng thư ký của CCEE nhấn mạnh: do vị trí ở trung tâm châu Âu, đền thờ Mariazell “là một điểm gặp gỡ giữa đông và tây và là dịp để nhắc nhở rằng châu Âu, trước khi là một dự án chính trị, đã là một thực tại gồm các nước vốn gặp nhau từ nhiều thế kỷ nay, và, tiếc thay, đã trở thành kình địch của nhau. Nếu chúng ta xây dựng sự hiệp nhất xung quanh Thiên Chúa, Ngài sẽ ban sức mạnh cho các dự án của chúng ta”.
“Hungari, Slovakia và Áo, ba quốc gia mà đoàn hành hương sẽ đi qua, -cha Cunha giải thích- nằm trong số các quốc gia châu Âu đặc biệt quan tâm đến chủ đề môi trường, trên bình diện chính sách nhà nước cũng như theo kế họach cụ thể của Giáo hội”.
Theo vị tổng thư ký của CCEE, vấn đề bảo vệ thiên nhiên “rất phức tạp, bởi vì nó bao hàm hiện tại và tương lai và đòi hỏi sự hợp tác của mọi người. Nó đòi hỏi phải có những cung cách sống mới để bảo vệ thiên nhiên và sống thuận hòa với môi trường”. Và linh mục kết luận: “Ý tưởng của Giáo hội là suy nghĩ về chủ đề này khởi đầu từ con người và từ một nền nhân học thích hợp vốn quan tâm đến mọi chiều kích của con người. Một nền sinh thái học mang tính nhân văn phải là nền tảng cho cuộc đối thoại với tất cả những ai quan tâm đến mối quan hệ với môi trường”.
Thái độ đối với môi trường đặt nền tảng trên một dữ kiện văn hóa. Trả lời một câu hỏi được nêu trong cuộc gặp gỡ giới báo chí tháp tùng cuộc hành hương, Đức hồng y Erdö đã nhắc lại: “Vấn đề về môi trường phải được đặt trong khung cảnh tổng quát hơn của cuộc khủng hoảng văn hóa Tây phương. Bởi vì có một thế giới quan đằng sau các nền văn hóa. Cộng đồng nhân loại cần đặt mình vào khung cảnh của vũ trụ để tìm ra những quy định về một cách xử sự hợp lý”. Ngài nói thêm: “Không có một thế giới quan -không phải là duy nhất- nhưng có ít nhiều điểm giống nhau, có một số mẫu số chung được đa số tương đối của xã hội chấp nhận, chúng ta sẽ không thể đề ra các quy định, bởi vì chỉ luật pháp mà thôi thì không đủ”. Thực vậy, “pháp luật không có tính đạo đức không thể vận hành, bởi vì pháp luật không thể không đếm xỉa đến việc các luật lệ cần phải được tuân thủ một cách tự nguyện”.
Đức Hồng y Erdö khẳng định: “Có một thứ dự án không tưởng hậu hiện đại cần quan tâm, theo đó, việc quy định về cách xử sự của con người đặt nền tảng trên luật pháp và luân lý có thể được thay thế bằng một hệ thống những thao tác, qua các phương tiện truyền thông hay qua cả các biện pháp di truyền học và kỹ thuật điện tử được hoàn thiện hóa để kiểm soát cách xử sự của con người”.
Tuy nhiên, “con người lúc nào cũng cần thiết để đem lại cho mọi thứ kỹ thuật một hướng đi. Cần phải có một tinh thần trách nhiệm lớn hơn để cá thể hóa các dạng của tính đạo đức bao gồm trong các phát minh khoa học, ngoài sự cần thiết phải quy định các phát mình này về mặt pháp lý”. Đây là một con đường còn phải được triển khai nhưng “nếu chủ nghĩa chủ quan không giới hạn chế ngự trong một nền văn hóa nào đó không cho phép chúng ta có một cái nhìn tổng quát về thế giới trong đó chúng ta đang sống, chúng ta sẽ không thể cảm nhận được trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường. Chúng ta sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào cái ‘cảm xúc’, vào cái ‘làm sao tôi cảm nhận mình trong lúc này’. Không quá khứ, không ngày mai, chỉ có khoảnh khắc hiện tại trong đó bối cảnh chẳng có giá trị hay ý nghĩa gì”.
Đức Hồng y Erdö khẳng định: “Tôi rất lạc quan, bởi vì tôi nghĩ rằng nền văn hóa của chúng ta vẫn còn đó và chúng ta sẽ tìm ra được một cái nhìn chung về điểm này. Một cái nhìn thật khiêm tốn, bởi vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt tới mức hiểu được sự vận hành trọn vẹn của toàn thế giới; nhưng điều này không cấm chúng ta cảm thấy có trách nhiệm về sự vận hành này. Nếu chúng ta tin ở Thiên Chúa Tạo hóa và Chủ nhân của thế giới này, chúng ta cũng tin ở sự quan phòng của Ngài. Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta bảo vệ thụ tạo của Ngài”.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19