Một chuyến đi với dấu chỉ của hy vọng

Một chuyến đi với dấu chỉ của hy vọng

WHĐ (21.03.2012) – Chuyến tông du tại Mêhicô và Cuba từ 23 đến 27 tháng Ba này sẽ là chuyến viếng thăm mục vụ lần thứ 23 bên ngoài Italia của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, hôm thứ sáu vừa qua, trong buổi gặp gỡ báo chí quốc tế, cho biết phái đoàn tháp tùng Đức giáo hoàng trong chuyến đi này gồm có Đức hồng y Marc Ouellet, chủ tịch Ủy ban phụ trách châu Mỹ La tinh; Đức hồng y Robert Sarah, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh “Cor Unum”; Đức hồng y Javier Lozano Barragan, người Mêhicô, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Mục vụ cho nhân viên y tế; Đức hồng y Antonio Canizares, Bộ trưởng Bộ Phụng tự; Đức Tổng giám mục Dominique Mamberti, phụ trách các quan hệ với các quốc gia.

Sẽ có khoảng 250 giám mục tham dự các sự kiện dự kiến của chương trình thăm viếng của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong số này có các Chủ tịch các Hội đồng giám mục tại châu Mỹ Latinh, các giám mục đại diện cho các Giáo hội tại Hoa Kỳ và Canada.
Vẫn là một chuyến viếng thăm mục vụ

Nhân cuộc gặp gỡ báo chí này, linh mục Lombardi nhắc lại các lý do của chuyến tông du tại Mêhicô và Cuba như sau: Kỷ niệm hai trăm năm ngày các dân tộc châu Mỹ Latinh giành được độc lập; hai mươi năm quan hệ ngoại giao giữa Mêhicô và Tòa Thánh; kỷ niệm bốn trăm năm tìm thấy tượng Đức Mẹ Bác Ái, bổn mạng của Cuba và Năm Thánh được tổ chức nhân dịp này.

Nhưng chuyến tông du tại trung tâm của lục địa này, trước tiên và cũng như các chuyến tông du khác của Đức giáo hoàng, vẫn là để “chu toàn sứ vụ của người mục tử chung”, sứ vụ Đức Kitô đã giao cho ngài và bao gồm trách nhiệm “củng cố anh em của ngài trong đức Tin”.
Cha Lombardi nhấn mạnh: “Dưới nhiều khía cạnh, đây có thể được xem như sự tiếp nối công việc mục vụ đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu, bởi vì Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ tới nhiều địa điểm mà vị tiền nhiệm của ngài, mặc dù rất muốn, nhưng không thể tới được. Chẳng hạn, Đức giáo hoàng sẽ không tới thủ đô cũng như thánh đường Guadalupe, những nơi Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tới rồi, nhưng ngài sẽ tới Leon, tại đây ngài sẽ chủ sự một cuộc hành hương lớn tới thánh đường Chúa Kitô vua, trên núi Cubilete, và tới Guanajuato, nằm tại trung tâm của nước này, cuộc thăm viếng tại nơi này sẽ có “một giá trị biểu tượng rất cao đối với toàn thể nhân dân Mêhicô”.
Với dấu chỉ của hy vọng

Trong bài xã luận của chương trình “Octava Dies” hằng tuần trên Đài Truyền hình Vatican (CTV), cha Federico Lombardi giới thiệu “Chuyến tông du lần này được đặt dưới dấu chỉ của hy vọng” đối với người Mêhicô, người Cuba và đối với toàn thể châu Mỹ Latinh.

Đối với người Mêhicô vốn “là một dân tộc có những tiềm năng và tài nguyên lớn lao, nhưng hiện đang gặp sóng gió bởi những vấn đề trầm trọng đang đè nặng trên hiện tại và cả tương lai của đất nước này, khởi đầu là tình trạng bạo lực bi đát”.

Đối với người Cuba, những người đang “thấy mình đứng ở ngưỡng cửa của một thời đại mới có thể diễn ra, và ở đó, người ta hy vọng những lời có tính cách tiên tri của Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II về sự cởi mở hai chiều giữa Cuba và thế giới sẽ có thể thành hiện thực trong một bầu khí của phát triển, tự do và hòa giải”.

Đối với toàn thể châu Mỹ La tinh, nơi “một Giáo hội, dấn thân trong ‘sứ vụ của toàn lục địa’, được khởi đầu tại Đại hội Aparacida, hy vọng có thể tiếp tục thể hiện ý tưởng của sứ vụ trong việc phục vụ lục địa và làm sao để, mặc dù những khó khăn và mạo hiểm của thời đại này, các giá trị nhân bản và Kitô giáo vẫn bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của con người”.

Việc chuẩn bị đón tiếp

Mười bốn năm sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhân dân Cuba đang nóng lòng chờ đợi chuyến tông du của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Sứ thần Tòa Thánh tại La Havana, Đức Tổng giám mục Bruno Musaro cho biết: Mọi người đều còn giữ trong ký ức chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Wojtyla. Ngay chính quyền, theo sứ thần, cũng đã đánh giá cao khẩu hiệu của ngài: “Chớ gì Cuba mở ra với thế giới và thế giới mở ra với Cuba”. Theo Đức sứ thần “đây cũng là ‘mong ước thầm kín’ của mọi người dân ở đây muốn có “một sự hòa giải giữa mọi người dân Cuba”.

Đức hồng y Jaime Ortega, Tổng giám mục Havana, khẳng định vào những ngày áp cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng: “Đức giáo hoàng tới để làm chúng ta thêm mạnh mẽ trong đức tin, ngài đến củng cố các giá trị Kitô giáo”.

Trong một sứ điệp khác được phổ biến hôm thứ ba 13 tháng Ba, Đức Tổng giám mục hăng hái ngỏ lời với người dân Cuba và gợi lại các kỷ niệm của ngài từ chuyến viếng thăm Cuba của Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998, tới lần gặp gỡ mới đây của ngài với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Vatican nhân dịp cuộc họp Hồng y đoàn hồi tháng hai vừa qua, khi Đức Thánh Cha đã thân mật chào ngài và nói: “Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Cuba”.

Đức giáo hoàng sẽ viếng thăm đảo quốc này với tư cách “người hành hương của tình bác ái” và trong viễn tượng “củng cố trong đức Tin một đất nước đã được Kitô hóa nhưng còn cần được Tân Phúc âm hóa”. Một đức tin phần nào còn “đang ngủ” nhưng vẫn hiện diện trong lòng con người.

(Tóm lược từ Zenit, 19-03-2012)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top