Một lần đến Pháp viện Minh Đăng Quang
Vào một ngày cuối năm Giáp Ngọ, theo chân cha Phanxicô Xaviê, anh em chủng sinh khóa 12 thuộc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn đến thăm Pháp viện Minh Đăng Quang. Trong khuôn khổ giảng khóa Mục vụ đối thoại liên tôn, chuyến viếng thăm này giúp anh em tiếp cận với một nơi đào tạo tăng sinh sau khi được tìm hiểu về pháp tu của Phật giáo tại lớp.
Đón chúng tôi tại cổng Pháp viện là Đại Đức Minh Liên. Theo sự hướng dẫn của Đại Đức lễ tân này, chúng tôi lần lượt viếng thăm quần thể kiến trúc của Pháp viện. Sau khi thăm chánh điện - nơi các Phật tử đang tụng kinh Pháp hoa bằng tiếng Việt. Bên cạnh ngôi Tổ Đình cổ được lưu giữ như di tích lịch sử hiện diện cùng Tổ sư từ năm 1968, là những cơ sở khang trang - khởi công xây cất tư năm 2009 đến nay -, với hai bảo tháp bát giác được, như nâng bước chân người trên con đường tu tập vươn tới bát chánh đạo, như níu kéo lòng người trong sự da diết của nhân duyên, trong chiều sâu của đời sống nghĩa tình.
Hơn nửa thế kỷ khai sáng và hiện diện trên quê hương, hệ phái Khất Sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập trở nên thân quen trong tâm thức người Việt, trong huyết quản của những ai yêu mến và tu tập giáo lý nhà Phật theo con đường của hệ phái Khất Sĩ. Với những chia sẻ thân tình của vị trụ trì, Hòa thượng (HT) Thích Giác Toàn, dù khác nhau trên con đường tìm kiếm chân lý, chúng tôi cảm thấy gần nhau hơn trên hành trình thanh luyện cũng như trong cố gắng hoàn thiện con người mình. Qua những kinh nghiệm của vị chức sắc Phật giáo, chúng tôi nhận ra khao khát của Tổ sư hệ phái Khất Sĩ trong suốt mười năm hoằng pháp là đưa đạo Phật gần gũi với người Việt; sự chuyên chăm dõi theo gương của vị sáng lập trong nỗ lực tinh tấn tu tập, hành trì chánh pháp của chư vị Tôn đức Tăng Ni và Phật tử môn đồ Hệ phái. Cùng là Kinh Phật, cùng là chân lý được chứng ngộ hơn hai ngàn năm, nhưng lối hành đạo hội nhập văn hóa của hệ phái Khất Sĩ đã giúp Phật tử Việt Nam tìm thấy một điểm tựa tâm linh vững chắc gần gũi, giữa một thế giới vô thường còn nhiều tham, sân, si.
Nghe HT trụ trì chia sẻ, chúng tôi chợt nhận ra quan niệm tu tập còn khá hạn hẹp nơi bản thân mình. Sự tu tập phải là một cảm thức sống động trong từng khoảnh khắc của đời tu sinh. Nếu đã thực sự dấn thân thì làm sao có thể chấp nhận sự tu tập nửa vời? Nếu đã chấp nhận từ bỏ thì sao cứ mãi băn khoăn về cái ăn, cái mặc, về cái được và mất giữa chông chênh của cuộc đời? Lời dạy của Tổ sư hệ phái Khất Sĩ - được ghi chép lại trong bộ Chơn Lý gồm 69 quyển -, hẳn sẽ được khắc sâu nơi tâm các môn sinh nhờ thiền ngẫm. Phần anh em chúng tôi - trong Năm sống Dấn thân xây dựng cộng đoàn Chủng Viện -, cảm thấy tâm đắc với hướng đào tạo tăng-ni sinh của Tổ sư: “Nên tập sống chung tu học. Cái sống là phải sống chung. Cái biết là phải học chung. Cái linh là phải tu chung”.
Buổi gặp gỡ khép lại với bữa cơm chay được chuẩn bị với lòng hiếu khách của chư Tăng và sự tận tâm phục vụ của quý Phật tử Thiện Duyên (tên của nhà hàng chay). Cuối bữa cơm trưa, chúng tôi còn được gặp gỡ phái đoàn Tăng Ni vừa tốt nghiệp từ các nơi trở về. Niềm vui hạnh ngộ biểu lộ trên gương mặt mọi người. Cha Phanxicô Xaviê nói lên niềm vui hội ngộ mà mọi người được mời gọi đón nhận và sẻ chia cho nhau. Cơ duyên gặp gỡ sẽ mang đến cho tu sinh của hai đạo, niềm vui lâu dài nếu mỗi người biết mở lòng và mỉm cười với tha nhân. Chúng tôi nhớ đến cảm nghiệm chân thành của HT Thích Giác Toàn: Niết Bàn không ở đâu xa, Niết Bàn ở tại lòng ta “nếu bạn học được cách dùng bộ măt tươi cười của Đức Phật Di Đà mà nhìn thế giới này thì bạn cũng vui vẻ, trong lòng thư thái, bạn chính là Niết Bàn”.
Rời Pháp viện Minh Đăng Quang dưới cái nắng oi bức giữa trưa Sài Gòn, chúng tôi vẫn còn trông thấy biểu tượng những ngọn lửa vươn cao trên hai bảo tháp. Chúng tôi chợt nhớ di ngôn của Tổ sư hệ phái Khất Sĩ dành cho môn sinh, trước khi ngài vắng bóng. Cuộc sống tương lai vẫn là nỗi băn khoăn tồn vong day dứt nơi lòng người. Thế nhưng, dù cuộc sống ngày mai có như thế nào đi chăng nữa, nếu trong giây phút hiện tại ta đã sống trọn vẹn, đã chu toàn cách thiện hảo bổn phận của mình, thì chúng ta hãy cứ bình thản ra đi và hãy tin rằng ngọn lửa chơn lý sẽ được thắp sáng mãi nơi lòng người, giữa lòng đời.
Nhờ gặp gỡ, lắng nghe và trò chuyện với những người có trách nhiệm đào tạo bên đạo Phật, chúng tôi tích lũy thêm kinh nghiệm quý báu cho hành trình sứ vụ mai ngày.
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah