Một vài đề nghị Thông điệp "Caritas in veritate" cống hiến cho thế giới kinh tế tài chánh
Một số nhận định của giáo sư Mario Monti, chuyên viên kinh tế về thách đố Thông điệp ”Yêu thương trong sự thật” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đưa ra cho thế giới kinh tế tài chánh
Trong thời gian qua đã có nhiều giới chức đạo đời phản ứng hay bình luận về thông điệp ”Yêu thương trong sự thật” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Tuy thông điệp chưa được dịch ra tiếng Hoa và tiếng A rập là hai ngôn ngữ của nhiều vùng Á châu, nhưng nó cũng đã được báo chí Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Phi Luật Tân nói tới.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Mario Monti, chuyên viên kinh tế về thách đố Thông điệp “Yêu thương trong sự thật” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đưa ra cho thế giới kinh tế tài chánh.
Giáo sư Mario Monti sinh năm 1943 tại Varese trung bắc Italia. Sau khi đậu tiến sĩ kinh tế thương mại tại đại học Bocconi Milano, ông sang tu nghiệp tại đại học Yale bên Hoa Kỳ. Giáo sư đã dậy môn chính trị kinh tế và là viện trưởng đại học này trong các năm 1989-1994. Trong vòng 10 năm giáo sư cũng đã là thành viên Ủy ban Âu châu đặc trách thị trường, tài chánh và thuế khóa, và cũng là thành viên Ủy ban đặc trách về cạnh tranh thị trường. Giáo sư cũng đã là thành viên của nhiều ủy ban của chính quyền Italia. HIện nay ông là thành viên nhóm ”Suy tư 2020-2030” của Hội đồng Âu châu, đồng thời cũng là thành viên ban cố vấn của hãng Coca Cola.
Hỏi: Thưa giáo sư Monti, Thông điệp của Đức Thánh Cha có giá trị gì đồi với các suy tư liên quan tới các vấn đề kinh tế và xã hội hiện nay?
Đáp: Thông điệp được công bố trong một lúc khiến cho việc suy tư được kích thích một cách rất hay và phong phú. Thật thế, như có người đã nhận xét đối tượng của thông điệp không phải là cuộc khủng hoảng, tinh thần của thông điệp cũng không phải là tinh thần khủng hoảng. Và người ta còn ghi nhận rằng từ ”khủng hoảng” cũng được dùng rất ít so với giọng điệu tin tưởng nói chung của thông điệp. Đức Thánh Cha đến với thế giới kinh tế và giới nghiên cứu kinh tế trong một thời điểm, mà các chuyên viên khá rộng mở đối với việc phê bình và họ khám phá ra rằng họ cần tới việc tái định hướng. Có thể nói rằng lời giải thích sâu xa được lắng nghe và đề nghị của Đức Thánh Cha tìm thấy thái độ lắng nghe hơn, kể cả trong các môi trường thường ít chú ý tới chuyện này.
Hỏi: Có điều gì trong thông điệp đã đánh động giáo sư nhất?
Đáp: Điều đánh động tôi nhất đó là thông điệp cũng đề nghị phải lồng khung các nguyên tắc cai quản kinh tế vào trong một xã hội toàn cầu nữa. Ai chú ý tới vấn đề quản trị kinh tế thì biết là bối cạnh phức tạp của kinh tế có rất nhiều nguyên tắc tham chiếu. Nguyên tắc Đức Thánh Cha đề ra giống như một tài liệu kỹ thuật liên quan tới việc cai quản một xã hội trong đó kinh tế có một vai trò quan trọng. Có một kiểu nói đã đặc biệt gây ấn tượng cho tôi, đó là khi Đức Thánh Cha nói tới việc cần thiết phải có “Quyền bính chính trị thế giới”, Quyền Bính viết chữ hoa. Từ tương quan giữa kinh tế và luân lý và giữa xã hội và cá nhân, một cách tự nhiên chúng ta bước sang một dấn thân ngoại thường, mà chính các người nghiên cứu và sống trong lãnh vực kinh tế và thị trường cũng phải chú ý, cả khi họ không đồng ý với hướng đi luân lý mà Giáo Hội vạch ra.
Hỏi: Theo giáo sư, đâu là tầm quan trọng của sự nhấn mạnh này trong thông điệp?
Đáp: Có lẽ có một điểm cần khai triển thêm sau này: điều Đức Thánh Cha nói mở ra một chương, chấm dứt quyền tối thượng của các quốc gia riêng rẽ trên kinh tế. Một ”Quyền bính quốc tế đích thật” là điều kiện cần thiết giúp quản trị nền kinh tế thế giới, biết tôn trọng hai đòi buộc luân lý nền tảng. Một đòi buộc luân lý liên quan tới việc phân phối giữa các quốc gia và bên trong các quốc gia ngày nay. Đòi buộc thứ hai liên quan tới việc phân phối trong thời gian giữa các thế hệ. Thật là điều quan trọng, khi các quốc gia hướng tới một hình thức cai quản gần với “Quyền bính chính trị thế giới” này. Nếu không có các bước tiến ý nghĩa trong chiều hướng này, thì không thể đương đầu với các vấn đề phân phối cũng như các vấn đề ổn định và lớn mạnh được.
Hỏi: Nhưng mà việc thiết lập một Quyền bính như thế có thể thực hiện được hay không thưa giáo sư?
Đáp: Thế giới đang từ từ tiến tới chiều hướng này. Hiện đang xảy ra các hiện tượng hội nhập miền, chẳng hạn như trường hợp của Liên Hiệp Âu châu, trong đó ngày càng rõ nét ý thức rằng trong thời toàn cầu hóa, các quốc gia riêng rẽ không có khả năng tối thượng trên hết mọi sự. Quyền bính tối thượng trên hết mọi sự ngày càng trờ thành lý thuyết và ngày càng ít hữu hiệu hơn. Vì thế cần phải có việc chia sẻ quyền bính trong các cơ cấu rộng rãi hơn. Ngoài Liên Hiệp Âu châu ra, thì còn có khối G8 quy tụ các cường quốc kinh tế thế giới, và khối G20 quy tụ cả các quốc gia đang trên đường phát triển mạnh và bắt đầu có thế đứng đáng kể trên thị trường quốc tế, cũng như tổ chức Liên Hiệp Quốc... tất cả đều tiến theo hướng nói trên.
Dĩ nhiên, Đức Thánh Cha chỉ cho thấy một cơ cấu quốc tế có ”quyền bính” đích thật, hay có khả năng quan trọng trong quyết định chính trị và một hình thức hợp thức hóa từ hạ tầng, từ người dân, là điều các tổ chức quốc tế ngày nay không có được, ngoại trừ Quốc Hội Âu châu do người dân trực tiếp bầu lên. Đối với những người cho rằng tư tưởng này là một ảo tưởng thì tôi muốn nhắc cho họ biết rằng thế giới của chúng ta đã đạt các bước tiến lớn trong việc có được ý thức rằng nếu không tiến tới trong chiều hướng này, thì các vấn đề sẽ trở thành sức mạnh hủy diệt đối với nền kinh tế và đối với xã hội. Cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế đã chứng minh cho thấy điều đó.
Hỏi: Vâng, cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh đã thay đổi các mô thức kinh tế. Nó có thay đổi các mô thức luân lý đạo đức không thưa giáo sư?
Đáp: Nó đã mở tai mở mắt cho cả những ai trước kia không sẵn sàng thấy và lắng nghe. Nó đã trở thành một bản đồ giúp hiểu các nhận thức mà trong qúa khứ chỉ có một số ít người có được. Vì thế nên thửa đất mà thông điệp của Đức Thánh Cha đang bay là là trên đó, là thửa đất rất phì nhiêu.
Hỏi: Thưa giáo sư Monti, đề tài lớn xuyên suốt toàn thông điệp là sự phát triển. Thế thì phải có các điều kiện nào để sự phát triển không chóng thì chầy cũng tỏ ra phù du hay chỉ hữu hiệu có một phần?
Đáp: Cuộc khủng hoảng giúp chúng ta hiểu rằng việc có thể chịu đựng được không phải là một đồ trang sức, mà càng ngày càng trở thành một đòi buộc không thể thiếu của sự phát triển. Dĩ nhiên chúng ta đã biết rằng thị trường - là cơ cấu không thế thay thế được đối với sự thịnh vượng và phát triển - có thể gặp các thất bại. Nó không thể bảo đảm cho một sự phát triển có thể chịu đựng được, nhưng đòi buộc phải có một đường lối chính trị kinh tế. Nhưng cuộc khủng hoảng đã cho chúng ta thấy rằng chính nền kinh tế thị trường cũng có thể trở thành không thể chịu đựng nổi, không được chấp nhận nữa, nếu nó không đương đầu được một cách hữu hiệu với các vấn đề chênh lệch và bất bình đẳng qúa đáng.
Hỏi: Trong thông điệp Đức Thánh Cha đã viết rằng nhân loại toàn cầu được coi như là ”một gia đình các dân tộc”. Giáo sư có đồng ý với tư tưởng này hay không?
Đáp: Dĩ nhiên là tôi đồng ý chứ. Trong thực tế và trong nhận thức nhân loại thực sự càng ngày càng là một đại gia đình thông truyền cho nhau, bị điều kiện hóa và chú ý tới những điều xảy ra cho các thành phần khác, với các thất bại trong các tiêu chuẩn phán đoán và các lựa chọn của các chính quyền. Khoảng trống đành cho các sở thích hẹp dần. Điều này có nghĩa là các lựa chọn luân lý đạo đức gợi hứng cho các đường lối chính trị phải được hài hòa hơn. Đây là một điểm dẫn thẳng tới tư tưởng Quyền bính quốc tế”.
Hỏi: Trên mặt bàn của các giá trị luân lý được chấp nhận, có thể nhận ra một cách rộng rãi cái gì giúp ích cho một sự phát triển biết tôn trọng con người hơn và như thế vững chãi hơn không?
Đáp: Việc thảo luận liên quan tới các giá trị phải hướng dẫn các cung cách hành xử của cá nhân và các lựa chọn của quyền bính công cộng ngày càng trở thành quan trọng, khi việc toàn cầu hóa giảm bớt các khoảng trống đối với các quyết định triệt để cách xa nhau. Vì hậu qủa của cuộc khủng hoảng, luân lý đạo đức đã bước vào trong các tài liệu của các cơ cấu ngân hàng một cách rộng rãi. Và người ta đã hiểu rằng luân lý đạo đức là một cái gì ở trong trung tâm của các sự vật, chứ không phải là một khía cạnh bên ngoài của nó.
Hỏi: Nhưng mà đó là loại luân lý đao đức nào vậy thưa giáo sư?
Đáp: Tôi tin rằng có các nguyên tắc cần phải đồng ý chấp nhận với nhau, như một đoạn đường mà tất cả mọi người đều phải đi chung với nhau, dù có nghĩ gì đi nữa. Thật khó mà không tự nhận ra trong một nền luân lý đạo đức từ đó nảy sinh ra các kiểu hành xử tồi tệ như đã thấy xảy ra cho tới nay, và trong đó người ta chú ý hơn đến sự phân phối công bằng.
Hỏi: Giáo sư có nhận thấy các nhà kinh tế chấp nhận điều này hay không?
Đáp: ”Chiếc hộp” luân lý sẽ không được mọi người làm đầy theo cùng một cách thức, nhưng chắc chắn là hầu hết đều muốn bỏ vào đó một số các gia vị chung. ”Cái hộp” đó hiện nay ngày càng được coi như cần thiết cho chính hoạt động của các guồng máy kinh tế, mà không còn phải là đòi buộc luân lý phụ thuộc, tiếp theo hay riêng rẽ nữa.
Hỏi: Giáo Hội có thể góp phần vào việc lành mạnh hóa nền kinh tế hay không thưa giáo sư?
Đáp: Tư tưởng của Giáo Hội ít chao đảo hơn là các lượng định kỹ thuật, khoa học, ý thức hệ hay chính trị. Trong lịch sử của mình Giáo Hội đã từ từ - trong một vài trường hợp thì trễ tràng qúa - Giáo Hội đã từ từ hiểu giá trị của kinh tế và của thị trường, và khi Giáo Hội đã hiểu rồi thì đưa ra chuẩn mốc đòi hỏi một cách chính đáng. Nếu tôi hiểu văn bản thông điệp một cách đúng đắn, thì giờ đây Giáo Hội không đòi phải vứt bỏ kinh tế ra đồng như có thể làm một cách dễ dàng và theo kiểu mị dân, như nhiều người đã làm trong các buổi thảo luận về kinh tế. Không, Giáo Hội ổn định hơn nhiều. Giáo Hội đã mất giờ để hiểu một vài gía trị nào đó, và tôi không thấy Giáo Hội muốn loại bỏ các gía trị ấy một cách hấp tấp, chỉ vì các gía trị đó ít hấp dẫn người dân hơn.
Hỏi: Dĩ nhiên là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không vứt bỏ kinh tế rồi, trái lại ngài còn để nghị các điều kiện giúp nó phục vụ con người, có đúng thế không thưa giáo sư?
Đáp: Tôi cảm thấy được khích lệ can đảm, khi thấy Giáo Hội đứng trên một bình diện cao hơn và thoát ra ngoài cuộc tranh luận gây chia rẽ của các đề tài khác. Có một phần trong xã hội đi theo những gì mà Giáo Hội làm và cảm thấy cần tới thông điệp này. Về phía Giáo Hội tôi đặc biệt ghi nhận một quan điểm rất kính trọng đối với chính trị, mà Giáo Hội mời gọi trở về với phẩm giá của nó. Trông thấy Đức Thánh Cha mời gọi chính trị trân trọng sứ mệnh và trách nhiệm của nó trong một giai đoạn lịch sử phức tạp như vậy, làm cho trái tim tôi rộng mở.
Trong khi phải nói rằng con tim tôi bị đóng lại, khi thấy một vài giới chức chính trị lên án việc gắn bó với các giá trị được Giáo Hội bênh vực, nhưng họ làm thế với chủ đích là vớt vát sự đồng ý của dân chúng.
Hỏi: Như là chuyên viên nghiên cứu kinh tế giáo sư thấy ”kinh tế gia Biển Đức XVI” như thế nào?
Đáp: Đức Thánh Cha thừa nhận tầm quan trọng của kinh tế, sự cần thiết của một khung cảnh đối với các giá trị và việc cai quản các hiện tượng kinh tế, tính cách không toàn vẹn của kinh tế: tôi nghĩ tới điều mà Đức Thánh Cha định nghĩa là ”kinh tế của qùa tặng”. Đây là một bước nhận thức ý nghĩa, chứ không phải là một gợi hứng chung chung, nhưng là một nhận định về một phạm trù ngày càng phát triển. Trong các năm qua chúng ta đang chứng kiến hai hiện tượng mâu thuẫn nhau. Thứ nhất là sự phát triển của các hiện tượng tột cùng của thị trường, trong các hình thái thường không thể kiểm soát nổi; thứ hai là các phát triển bất ngờ, như ý thức và sự nhậy cảm ngày càng gia tăng đối với môi sinh hay phong trào thiện nguyện ngày càng phổ biến và có lý do sâu rộng. ”Nền kinh tế của qùa tặng” đã phát triển rất nhiều: và nếu kinh tế sẽ không bao giờ dựa trên qùa tặng hay dựa trên việc cho đi, thì nó cũng phải chú ý tới khoảng không đang lớn lên này. Và nó khiến cho chúng tôi là các chuyên viên kinh tế hiểu rằng cũng có một con người hoạt động một cách khác; nghĩa là thay vì chỉ chú ý tới lợi nhuận và thu vén cho mình, thì biết cho đi, biết trao tặng.
(Avvenire 2-8-2009)
bài liên quan mới nhất
- Tóm tắt thông điệp “Fratelli tutti – Tất cả anh em”
-
Thông Điệp Phục Sinh và Phép Lành Toàn Xá 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Kỷ niệm 50 năm Thông điệp Populorum Progressio -
Kỷ niệm mười năm Thông điệp Deus Caritas Est của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI -
Thông điệp 'Laudato Si' về Môi trường: Những nét đặc trưng -
Thông điệp gửi Cộng đồng Dân Chúa nhân Ngày thế giới Ý thức về Tự kỷ lần thứ VIII (02-04-2015) -
Canh thức cầu nguyện kỷ niệm hai mươi năm Thông điệp Evangelium Vitae -
Đọc Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei) - Chương IV -
Lumen fidei: Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Quan niệm về tính dục con người trong thông điệp “Evangelium Vitae”
bài liên quan đọc nhiều
- Thông Điệp Phục Sinh và Phép Lành Toàn Xá 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Thông điệp 'Laudato Si' về Môi trường: Những nét đặc trưng -
Quan niệm về tính dục con người trong thông điệp “Evangelium Vitae” -
Đọc Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei) - Chương IV -
Thường huấn linh mục: Một vài ghi nhận khi đọc Thông Điệp "Bác ái trong Chân lý" -
Thông điệp "Bác ái trong Chân lý": Ý chính của từng số -
Kỷ niệm 50 năm Thông điệp Populorum Progressio -
Kỷ niệm mười năm Thông điệp Deus Caritas Est của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI -
Thông điệp "Bác ái trong Chân lý": Lời giới thiệu của ĐTC Bênêđictô XVI -
Lumen fidei: Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô