Mùa Covid: Không thể làm ngơ!

Mùa Covid: Không thể làm ngơ!

Mùa Covid: Không thể làm ngơ!

TGPSG -- Lòng tôi không yên mỗi khi gặp những người như vậy. Tôi tự nhủ phải làm gì cho họ…

Chưa bao giờ Sài Gòn lại như lúc này, vắng vẻ yên tĩnh lạ thường. Những hình ảnh, âm thanh náo nhiệt, những tiếng còi xe nhộn nhịp vào mỗi buổi chiều tối không còn nữa.

Những ngày này, tôi di chuyển trên đường phố Sài Gòn thật thênh thang, không còn cảnh chen lấn leo lên lề đường, không còn cảnh kẹt xe, khói bụi. Nhiều lúc chạy xe trên đoạn đường dài, dường như quãng đường ấy là của riêng mình, nhất là vào giờ giới nghiêm mọi người ở nhà, chỉ trừ một số ra đường vì công việc đặc biệt.

Do nhu cầu đi lại của công việc, tôi đi giữa những con đường vắng lặng ấy, mà lòng gợn lên nhiều cảm xúc khó tả, khi nhìn vào những quán ăn, nhà hàng, những cửa tiệm kinh doanh buôn bán cửa đóng then cài, những khu chợ đìu hiu im ắng. Phố phường đây đó giăng dây chốt chặn. Mọi người đi lại phải xuất trình giấy tờ, trình phiếu đi chợ mua thực phẩm. Khi đi siêu thị thì phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ. Tất cả đã tạo nên cảm giác của thời chiến đối với con virus quái ác.

Mặc dù với chỉ thị 16, đa số mọi người phải ở nhà, chỉ ra đường với lý do đặc biệt, nhưng khi đi ngang qua những con đường, tôi vẫn thấy đâu đó thấp thoáng bóng dáng những người vô gia cư lay lắt ngoài lề đường. Họ là những người sống mưu sinh ngoài đường phố, vẫn ngồi đó mong chờ sự động lòng trắc ẩn của người qua lại. Thời buổi khó khăn mọi người đều bị ảnh hưởng, nhất là những người nghèo. Lòng tôi không yên mỗi khi gặp những người như vậy. Tôi tự nhủ phải làm gì cho họ.

Sau thời gian tham gia chống dịch bên ngành y tế, tôi phải ngưng vì nhà có hai người lớn tuổi nhiều bệnh nền, nên tôi không tiếp tục công việc lấy mẫu xét nghiệm Covid được nữa.

Ở nhà đọc sách, nói chuyện với mọi người, thời gian thật yên tĩnh, không phải tất bật vội vàng. Khi được thong thả, được ăn uống nghỉ ngơi bình an, tôi chợt nhớ tới giờ này các đồng nghiệp của tôi đang vất vả ngoài tuyến đầu chống dịch, biết bao người nghèo khổ đang cần hỗ trợ lương thực phẩm.

Được thôi thúc phải làm gì đó có ích, tôi xin tham gia phụ việc với văn phòng Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn - làm những công việc lặt vặt trong hoạt động hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo. Đôi khi có người quen giới thiệu một vài hộ gia đình khó khăn, tôi xin văn phòng Caritas giúp và đích thân mang thực phẩm đến. Tới nơi, tôi chứng kiến biết bao người tại khu trọ đang phải sống một cuộc sống thiếu thốn mọi bề, đặc biệt thiếu thực phẩm trong thời gian giãn cách theo chỉ thị 16. Họ không đi làm được, nên cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Nhu cầu của những người khó khăn thì quá nhiều, nếu như chỉ dồn hết cho Caritas thì sẽ quá tải. Sau 10 ngày phụ việc trên văn phòng Caritas, tôi học được cách làm việc của qúy cha, quý sơ trong cung cách phục vụ.

 

Trước nhu cầu cấp thiết của người nghèo, tôi kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của những người quen biết. Ban đầu với sự giúp đỡ của gia đình chị Hương Thảo và bạn bè, nhiều hộ gia đình khó khăn tại những khu trọ được hỗ trợ thực phẩm. Thấy nhu cầu thực phẩm trong giai đoạn khó khăn này là một vấn đề quan trọng không nhỏ nên tôi thành lập nhóm trên Facebook với tên “Cứu đói mùa dịch”. Nhóm Facebook bỗng thành một cầu nối nho nhỏ giữa người cho và người nhận: qua nhóm Facebook khiêm tốn này, nhiều người khó khăn có thể nói lên hoàn cảnh của họ, và nhiều tấm lòng quảng đại có thể sẻ chia.

Ban đầu gia đình chị Hương Thảo cho mượn không gian tại nhà để tập kết những gì xin được, sau đó phân chia gửi đến những người khó khăn tại các khu trọ. Với sự giúp đỡ của những tấm lòng bác ái, nhóm nhận được có lúc cả 2- 3 tấn rau củ quả, nên phải để nhờ thêm ở khuôn viên Tu viện Kitô Vua, 48 Bành Văn Trân, P.7, Q.Tân Bình, Tp.HCM. Quý thầy sẵn sàng giúp đỡ khi chuyển hàng lên xuống hoặc phân chia từng phần quà.

Khi nhóm Facebook “Cứu đói mùa dịch” vừa xuất hiện, nhiều người nghèo biết tới và đăng tin xin trợ giúp. Quỹ của nhóm không có nhiều nên rất hạn chế trong việc đáp ứng phục vụ những người khó khăn tại những khu trọ và những gia đình bị cách ly. Ban đầu nhóm mua sữa cho những bé từ 6 tuổi trở xuống, nhưng sau một thời gian kinh phí không đủ để mua sữa tiếp, nên hiện tại chỉ có thể hỗ trợ sữa cho những bé dưới 1 tuổi. Hằng ngày sinh hoạt thu chi của nhóm đều công khai, ai cho tặng dù chỉ một chút, nhóm cũng ghi lại cẩn thận. Nhóm làm việc với tinh thần vô vị lợi theo Lời Chúa dạy, nhận được gì thì nhóm chuyển cho anh chị em khó khăn; không có gì thì nhóm được nghỉ ngơi, chỉ thấy xót xa khi tiếng kêu than của những người cùng khổ không được đáp ứng.

 

Thật bất ngờ trong lúc gần như chẳng còn gì thì nhóm được cha Antôn Nguyễn Cao Siêu dòng Tên, nhờ người giúp đỡ tổng cộng 30 triệu đồng và 10 tấn gạo. Chưa bao giờ nhóm nhận được nhiều gạo như vậy, ai cũng nói chắc phải phát ít nhất cũng được nửa tháng; vậy mà trong vòng chưa tới một tuần, 10 tấn gạo và toàn thể số tiền đã gửi đi hết. Những ngày đó, trung bình xuất kho trên dưới 2 tấn gạo một ngày; các cụ xưa nói quả không sai: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống!”.

Có những ngày, nhóm phải thông báo tạm nghỉ vì không còn gì để phát. Ngay sau đó, cha Tôma Vũ Quang Trung dòng Tên - đang làm việc hỗ trợ thực phẩm cho những người nghèo thì chương trình bị gián đoạn do dịch bệnh nên thiếu người cộng tác - cha đã chuyển cho nhóm “Cứu đói mùa dịch” một số thực phẩm còn lại để nhờ nhóm làm trung gian gửi đến những người khó khăn.

Ngoài sự giúp đỡ tạo điều kiện tốt của quý thầy dòng Kitô Vua, nhóm còn được sự hỗ trợ vận chuyển đắc lực của một số anh trong nhóm. Giúp vận chuyển miễn phí bằng xe bán tải, các anh tự lấy xe của gia đình, tự đổ xăng, bỏ công sức thời gian để chuyên chở. Nhờ vậy thực phẩm tới được tận nơi những anh chị em đang gặp khó khăn tại khu trọ. Đối với một số gia đình nhỏ lẻ ở vị trí không quá xa, nhóm tranh thủ vận chuyển bằng xe máy.

Biết rằng dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, những anh chị em công nhân, lượm ve chai, bán vé số… vẫn đang rất cần sự cảm thông, giúp đỡ để vượt qua khó khăn, nên tuy dù rất nhỏ bé, nhóm vẫn đang vận dụng hết khả năng khiêm tốn của mình, mong được tiếp tục là chiếc cầu đơn sơ chân thành, chuyển tải những món quà thiết thực tới những anh chị em đang thiếu thốn tại nhiều nơi trong thành phố...

Têrêsa Phạm Thủy

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top