Mục tiêu của al-Azhar với Hội nghị Hoà bình Thế giới là gì?
La Croix, 18.04.2017 – Imam của Thánh đường Hồi giáo al-Azhar là Ahmed el-Tayyib, sẽ tổ chức một Hội nghị Hoà bình Thế giới tại Cairo trong hai ngày 27 và 28 tháng Tư, trong đó sẽ có bài phát biểu của Đức giáo hoàng Phanxicô.
Giới thiệu về Hội nghị này, Sheikh el-Tayyib khẳng định rằng ông muốn “loại trừ những nguyên nhân xung đột, bạo lực và hận thù”, chữa trị những nguyên nhân ấy không phải như những “triệu chứng” mà là “chính căn bệnh”.
Văn phòng của Sheikh el-Tayyib đã tóm tắt các mục tiêu của Hội nghị Hoà bình thế giới sắp diễn ra tại Cairo, với 300 nhân vật đã được mời, trong đó có Đức giáo hoàng Phanxicô, như sau: “Gửi cho toàn thế giới một thông điệp chung” để “kêu gọi hoà bình giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo, giữa các xã hội và giữa tất cả các nước trên thế giới”.
Ý tưởng về Hội nghị này đã có từ tháng Năm 2016 trong chuyến thăm Vatican của Sheikh el-Tayyib, sau đó hình thành với việc công bố chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô đến Ai Cập. Và cuối cùng Hội nghị được ấn định sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và ngày 28 tháng 4 tại Cairo. Chương trình tóm tắt chuyến viếng thăm này của Đức giáo hoàng do Toà Thánh Vatican công bố, cho biết Đức giáo hoàng sẽ đọc một bài diễn văn sau bài diễn văn của Sheikh el-Tayyib vào thứ Sáu 28-04, ngay sau khi đến Cairo và “chào xã giao” Tổng thống Ai Cập al-Sissi.
Một bài phát biểu rất được mong đợi, chỉ ba tuần sau hai vụ tấn công do lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm khiến hàng chục người chết ngay trong khi cử hành Lễ Lá tại hai nhà thờ ở Tanta và ở Alexandria (Ai Cập).
Những khủng hoảng đe dọa yếu tính cuộc sống con người
Nhận thấy “xã hội loài người hiện đang trải qua những cuộc khủng hoảng nặng nề đe dọa hiện hữu của chúng ta và phá hủy yếu tính cuộc sống con người”, al-Azhar –tổ chức tôn giáo chính của Hồi giáo Sunni– nói rằng “những cuộc xung đột đẫm máu và có vũ trang” đang diễn ra “đã đi ngược lại các giá trị tôn giáo và lý tưởng nhân đạo cao cả”.
Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm công lý và hoà bình –bằng cách loại bỏ “những nguyên nhân gây ra nghèo đói, bệnh tật, bạo lực và hận thù”– là “một nhu cầu của con người”, một “trách nhiệm” không chỉ của những ai chia sẻ “một niềm tin hay một triết thuyết nhất định”, nhưng của cả “toàn thể nhân loại”.
Chia sẻ những nguyên tắc nhân văn
Lời giới thiệu cũng nhấn mạnh: “Với việc bành trướng chiến tranh và bạo lực cũng như gia tăng chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa bè phái, tiếng nói của lý trí mời gọi chúng ta làm hết sức để loại bỏ các nguyên nhân gây ra bất hạnh và tìm các phương thế hợp tác thay vì xung đột, tôn trọng thay vì loại trừ nhau, sống trong hoà bình thay vì đấu đá và khoan dung thay vì cuồng tín”.
Lời giới thiệu này lấy lại ý tưởng của bài diễn văn mà Sheikh Ahmad al-Tayyeb đã đọc tại Hội nghị về “Tự do, Quyền công dân, Đa nguyên, Hội nhập” ở Cairo từ 28-02 đến 01-03-2017, với sự tham gia của Hội đồng các học giả Hồi giáo.
Trước một cử toạ gồm nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị từ khắp nơi trên thế giới, al-Tayyeb thừa nhận rằng “bảo rằng tôn giáo không có khủng bố là chưa đầy đủ”. Đây là ý chủ đạo của ông cho đến nay.
“Chúng ta phải chủ động và đi xa hơn bằng cách đưa các nguyên tắc và nền đạo đức của các tôn giáo vào trong thực tế đầy biến động này ... Theo quan điểm cá nhân của tôi, bước đi ấy đòi hỏi phải hành động ngay, khởi đi từ việc hoá giải những căng thẳng và đối nghịch vẫn có giữa các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác nhau, và ngày nay không có lý do gì để tồn tại”.
Đối với vị imam của Thánh đường al-Azhar, “hoà bình giữa những người rao giảng tôn giáo” là chìa khóa cho tương lai. Thật vậy, “người ta không thể cho người khác điều mình không có” Và việc hoá giải những căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo “chỉ có thể thực hiện được nhờ hiểu biết lẫn nhau”.
“Tôi không thích nói về bạo lực Hồi giáo”, Đức giáo hoàng đã nói như thế trên chuyến bay từ Krakow trở về Roma vào ngày 31 tháng Bảy năm ngoái, mấy ngày sau vụ cha Jacques Hamel bị hai kẻ khủng bố thuộc nhóm Hồi giáo quá khích sát hại. Còn trong chuyến bay lúc đi, ngài đã nói về “cuộc chiến” khi bàn về khủng bố, nhưng từ chối dùng từ“chiến tranh tôn giáo”.
Đức giáo hoàng trả lời các phóng viên: “Ngày nào chúng ta cũng nghe nói đến bạo lực. Ngay cả tại Italia này. Nhưng nếu người Công giáo giết một ai đó, chúng ta có được phép nói rằng đó là bạo lực Công giáo hay không? Không phải người Hồi giáo nào cũng tàn ác cũng như không phải mọi người Công giáo đều tàn ác. (...) Có những người ác trong tôn giáo này: đúng thế, nhưng tôi cho rằng trong tất cả các tôn giáo đều luôn có một nhóm nhỏ cực đoan. Đồng hoá Hồi giáo với bạo lực là không công bằng. Như thế là không công bằng và không đúng sự thật”.
WHĐ (21.04.2017)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19