“Mục vụ gia đình là nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”
Phỏng vấn
Đức Tổng giám mục
Phaolô Bùi Văn Đọc
sau Thượng Hội đồng Giám mục
khoá ngoại thường về Gia đình
WHĐ (24.10.2014) – Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường về Gia đình do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập nhóm họp tại Roma từ ngày 5-10 đã bế mạc vào Chúa nhật 19-10 vừa qua, sau hai tuần lễ thảo luận sôi nổi.
Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc là một trong các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng này với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Ngài vừa trở về Việt Nam để tham dự Hội nghị Thường niên Kỳ II/2014 của Hội đồng Giám mục Việt Nam sắp diễn ra tại Toà Giám mục Nha Trang. Nhân dịp này phóng viên của Trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gặp Đức Tổng giám mục Phaolô và được ngài dành cho buổi trao đổi ngắn sau đây:
***
Phóng viên: Trọng kính Đức Tổng, Đức Tổng vừa tham dự Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường về Gia đình. Chúng con là những phóng viên của Trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam xin được có đôi câu phỏng vấn Đức Tổng.
Thưa Đức Tổng, Đức Tổng có thể cho chúng con biết những vấn đề chính yếu đã được đưa ra bàn thảo trong Thượng Hội đồng Giám mục và hướng giải quyết của những vấn đề này?
Đức Tổng giám mục Phaolô: Thượng Hội đồng ngoại thường lần này bàn về đời sống gia đình, gia đình nói chung chứ không phải chỉ là hôn nhân hay là hôn phối. Đây là một chủ đề rộng lớn, đặc biệt là những gia đình công giáo trong thế giới hôm nay trước bao nhiêu khó khăn thử thách.
Mục đích của Thượng Hội đồng lần này là lắng nghe các nghị phụ, đặc biệt là các nghị phụ chủ tịch các Hội đồng Giám mục của các quốc gia, để nắm bắt tình hình một cách chắc chắn rồi mới đưa ra đường hướng chung cho toàn thể Giáo hội.
Đường hướng chung của Thượng Hội đồng là kết hợp tình thương và chân lý, lòng thương xót của Thiên Chúa và đòi hỏi bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá. Vì thế điều cốt yếu mà toàn thể Giáo hội vẫn phải kiên nhẫn thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là sự giáo dục đào tạo hết sức cần thiết cho các gia đình Kitô giáo hôm nay.
PV: Thưa Đức Tổng, theo dõi trên truyền thông chúng con thấy có những vấn đề nổi bật như phá thai, ly hôn, hôn nhân đồng tính, bạo lực và đạo đức trong gia đình, được bàn rất sôi nổi ở trong Thượng Hội đồng. Thưa Đức Tổng, ngoài những vấn nạn đó ra thì Thượng Hội đồng Giám mục còn trao đổi những vấn đề quan trọng nào nữa?
ĐTGM: Thực sự, những vấn đề đã được nêu như phá thai, ly hôn, đồng tính, đó là những vấn đề nổi cộm trong Thượng Hội đồng (tôi dùng chữ nổi cộm chứ không dùng chữ nổi bật) nhưng không choán quá nhiều thời gian của Thượng Hội đồng.
Thượng Hội đồng dùng rất nhiều thời gian để bàn về giáo dục đức tin cho các gia đình Kitô giáo, cho vấn đề mục vụ gia đình.
Dĩ nhiên vấn đề mục vụ gia đình là một nghệ thuật. Trước hết, mục vụ là nghệ thuật trên hết các nghệ thuật, nghệ thuật cao cả nhất như thánh Grêgôriô Cả đã nói. Mục vụ gia đình cũng là nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đường hướng mục vụ gia đình thì Thượng Hội đồng cố gắng hướng theo con đường đồng hành và thăng tiến, như Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, dần dần mới nâng lên. Dĩ nhiên, nếu có những lúc phải chữa lành, thì cũng phải chữa lành khi cần thiết. Cho nên mục vụ gia đình có thêm khía cạnh chữa lành. Mục vụ gia đình phải làm thế nào để cho mỗi gia đình Công giáo trở nên một trường học đầu tiên về cách làm người; trường học đầu tiên về xã hội tính, nghĩa là sự giao lưu tiếp xúc gặp gỡ với người khác; trường học đầu tiên về tinh thần Giáo hội và lòng yêu mến Giáo hội; trường học đầu tiên về sự nên thánh vì mọi người Kitô hữu khi chịu phép rửa đều được mời gọi bước theo Chúa Kitô để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.
Điểm thứ hai: Thượng Hội đồng bàn thế nào để có chương trình giáo dục đào tạo thật vững chắc và rõ ràng.
Điểm thứ ba là làm sao biến các gia đình Công giáo thành những tác nhân loan báo Tin Mừng.
Và điểm cuối cùng thì phức tạp hơn, dài hơn, đó là mục vụ gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn và khủng hoảng. Làm sao kết hợp tình thương và chân lý, kết hợp như thế nào trong những trường hợp của những người đã ly dị và tái hôn. Đây là vấn đề rất khúc mắc. Rồi trong trường hợp những người sống chung bất hợp pháp, nghĩa là không có bí tích hôn phối, bây giờ rất nhiều và tràn lan trên toàn thế giới. Điểm thứ ba cũng đề cập tới khá nhiều đó là vấn đề toà án hôn phối, làm thế nào để đơn giản hoá thủ tục để đưa về cho Giáo hội địa phương giải quyết giúp các khủng hoảng về đời sống gia đình.
PV: Kính thưa Đức Tổng, xin Đức Tổng chia sẻ cho chúng con biết bầu khí làm việc tại Thượng Hội đồng lần này.
ĐTGM: Bầu khí làm việc tại Thượng Hội đồng thì rất sôi nổi, rất tự do. Có những lúc hội trường nóng lên vì những tranh luận, nhưng cuối cùng cũng hoà hợp trong tình yêu thương bác ái và trong sự hiệp nhất. Có những phát biểu tự do và mạnh dạn, và có rất nhiều người tham gia phát biểu. Chính tôi cũng phát biểu vào phút cuối sau khi vị hướng dẫn đọc lên sứ điệp của Thượng Hội đồng. Tôi nhận xét thế này: “Tôi nhận thấy là sứ điệp của Thượng Hội đồng làm rất hay, nhằm khích lệ và an ủi các thành phần dân Chúa, đặc biệt là các gia đình Công giáo, nhưng có một thiếu sót là các nghị phụ an ủi dân Chúa mà không nhắc đến Đấng an ủi là Chúa Thánh Thần! Cả hội trường - kể cả Đức Thánh Cha - đều cười rộ lên vì thấy đúng nhưng không kịp sửa chữa được nữa vì đã vào phút cuối của Thượng Hội đồng. Đức Thánh Cha một cách nào đó đã bù vào chỗ trống trong diễn văn tự phát của người vào Thượng Hội đồng. Người nói khá nhiều về Chúa Thánh Thần. Người nói: các nghị phụ nói chung nhiều khi chưa mạnh dạn đủ để bước theo sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần… Bản thân tôi, tôi rất thích sự đa dạng tự do trong yêu thương hiệp nhất. Đó là bầu khí của Thượng Hội đồng năm nay.
PV: Sau khi họp Thượng Hội đồng Giám mục về, Đức Tổng có hướng mục vụ mới nào cho gia đình tại Việt Nam?
ĐTGM: Hướng mục vụ mới thì không biết có mới hay không vì đối với Giáo hội, phải có một cái gốc rất là vững chãi, nhưng lúc nào cũng phải đổi mới. Nếu hỏi về đường hướng mục vụ gia đình thì tôi nghĩ đường hướng này gồm các điểm sau đây:
Trước hết, cơ bản nhất là phải giáo dục đức tin Kitô giáo cho những Kitô hữu, đặc biệt là những gia đình, sâu hơn, kỹ hơn. Giáo dục đức tin Kitô giáo thì gồm ít nhất một số những phần sau đây:
Phần thứ nhất là huấn giáo các bí tích mà tôi có dịp nói đi nói lại trong Thượng Hội đồng trong bài tham luận của tôi. Không phải chỉ bí tích Hôn Phối mà thôi mà những bí tích như bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức, bí tích Thánh Thể. Làm sao giáo dục những người Kitô hữu cho thật kỹ các bí tích đó, thì họ sẽ là những con người tương đối vững vàng để bước vào đời sống hôn nhân, sẽ được vững chãi và hạnh phúc trong đời sống hôn nhân.
Điểm thứ hai hết sức quan trọng là mục vụ đồng hành. Đường hướng chung của Giáo hội là muốn đồng hành cùng với các gia đình, mọi gia đình Kitô hữu và mọi gia đình Kitô giáo. Thực sự đồng hành có nghĩa là cùng hành trình với những Kitô hữu, với các gia đình. Mà khi đã nói đồng hành, thì riêng tôi, tôi nghĩ là phải thăm viếng thôi! Nếu không có sự thăm viếng là gặp gỡ đầu tiên thì làm sao đồng hành được! Việt Nam mình có cái khó này là các giáo xứ quá đông, quá lớn, nên các cha không đi thăm viếng giáo dân. Không gặp gỡ không thăm viếng giáo dân và gia đình thì làm sao đồng hành được? Không có cách nào khác hết, cho nên phải khuyến khích tối đa mục vụ thăm viếng. Nếu trong một giáo xứ quá lớn mà không thực hiện được thì phải cần sang điểm thứ ba.
Điểm thứ ba: Tích cực thúc đẩy sự tham gia của giáo dân. Các gia đình Công giáo giờ đây không phải là đối tượng của mục vụ gia đình, của sự chăm sóc của Giáo hội mà trở thành chủ thể của một gia đình cùng với linh mục, cha xứ tham gia vào mục vụ gia đình, đặc biệt là mục vụ thăm viếng đó. Như vậy mới có thể nói là theo hướng của Hội Thánh hiện nay. Đường hướng mục vụ tôi đề ra hiện nay là đường hướng của Hội Thánh. Những cha nào mà ở giáo xứ nhỏ vẫn vui mừng, đừng ham ở giáo xứ lớn. Giáo xứ nhỏ mình có cơ hội đi thăm các gia đình, mình đồng hành với các gia đình, mình thăm các giáo dân, mình đồng hành với các giáo dân, mình đi theo đúng đường hướng mục vụ của Hội Thánh, như vậy thì rất ích lợi. Tôi tin các cha cố gắng hết sức cùng với giáo dân làm việc này thì Giáo hội Việt Nam tiến được một bước rất xa.
PV: Chúng con hết lòng cám ơn Đức Tổng.
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền