Mừng kính Mẹ Chúa Trời hiển vinh

Mừng kính Mẹ Chúa Trời hiển vinh

Trong năm phụng vụ tháng nào cũng đều có ngày lễ mừng kính Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa trời hiển vinh, chưa kể ngày thứ Bảy đầu tháng. Riêng trong tháng chín có ba ngày lễ kính Đức Mẹ Maria.

Tập tục nếp sống đạo đức này đã ăn rễ sâu trong lòng đời sống Giáo Hội Công giáo từ hằng chục thế kỷ xưa nay, cùng cộng thêm những địa điểm hành hương kính Đức Mẹ trên khắp thế giới.

1.Lễ sinh nhật đức mẹ Maria, 08.09

Sử sách không để lại tấm giấy khai sinh về ngày Đức Mẹ cùng nơi chốn sinh ra. Nhưng căn cứ theo Phúc âm Thánh Luca thuật lại, Đức mẹ Maria là một thiếu nữ sinh trưởng ở nước Do Thái, làng Nazareth, miền Galilea.

Về ngày sinh ra đời không có bằng chứng giấy tờ. Nhưng cũng dựa theo Phúc âm, đức mẹ Maria sinh vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, và qua đời cũng vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên.

Lễ mừng kính ngày sinh nhật Đức Mẹ Maria vào ngày 08.09. hằng năm có lịch sử từ thế kỷ thứ VI bên phía Giáo Hội Đông phương. Đến thế kỷ thứ X và XI. Lễ mừng kính sinh nhật Đức Maria lan rộng khắp trong cả Giáo hội Công giáo.

Trong đời sống Giáo hội Công giáo có ba ngày lễ mừng sinh nhật ngày 24.06, lễ mừng sinh nhật Thánh Gioan Tiền hô; ngày 08.09, lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria và ngày 25.12, lễ sinh nhật Chúa Giêsu.

Mỗi người là công trình tạo dựng của Thiên Chúa ngay từ khi thành hình sự sống trong cung lòng mẹ. Công trình thánh đức đó ghi dấu khởi đầu từ ngày sinh ra ở trần gian.

Mừng ngày sinh nhật là mừng chương trình tình yêu của Thiên Chúa thực hiện nơi con người.

Mừng ngày sinh nhật đồng trong ý nghĩa mừng mầu nhiệm sự sống, mà chỉ một mình Thiên Chúa tạo dựng ban cho con người cùng mọi loài.

Mừng sinh nhật Đức Mẹ Maria nói lên đức tin vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không bỏ rơi con người, dù có sơ xót tội lỗi. Chương trình ân đức cứu độ khởi sự từ ngày Đức Mẹ Maria được tuyển chọn sinh ra trên trần gian.

2. Lễ tên đức mẹ Maria, 12.09

Xưa nay từ ngày có loài người trên mặt đất, ai cũng có tên. Đức Mẹ cũng được cha mẹ sau khi sinh ra cũng đặt cho tên Maria.

Theo Phúc âm Thánh Luca, Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến báo tin Chúa Giêsu xuống thế làm người cho trinh nữ có tên Maria.

Tên Maria nguyên thủy bằng tiếng Do Thái, và có ý nghĩa được Thiên Chúa yêu thương.

Tên Maria trong dòng thời gian lịch sử cùng văn hóa có những lối kiểu viết hay đọc khác nhau: Marie, Mareike, Mariel, Marietta, Marilyn, Marile, Marisa, Marita, Marion, Marja, Mirja, Miriam, Mirjam, Marijam.

Năm 1513 Giáo phận Cuenca nước Tây ban Nha được phép mừng ngày lễ tên Đức Mẹ Maria, để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ Maria.

Ngày 12.09.1683 quân đội Thổ nhĩ Kỳ tiến đến thành Wien bên áo. Quân đội của vua Balan Jan Sobieski đã trương lá cờ Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, tiến ra mặt trận. Và nhờ sự bầu cử che chở của Đức Mẹ, thành Wien được cứu thoát khỏi bị quân Thổ nhĩ kỳ xâm chiếm tràn ngập.

Để ghi nhớ ơn Đức Mẹ Maria cứu giúp này, Đức Giáo Hoàng Innozenz XI đã lập ngày lễ kính tên Đức Mẹ Maria trong toàn thể Giáo hội vào ngày Chúa Nhật liền sau ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria. Đức Giáo Hoàng PIO X. đã thay đổi chọn ngày 12.09. là ngày lễ kính tên Đức Mẹ Maria.

Tên Đức mẹ Maria xưa nay trong đời sống được nhiều người chọn là tên riêng hay tên thánh, nhất là phụ nữ.

Tên Đức Mẹ Maria cũng được chọn làm quan thầy của nhiều xứ đạo, hội đoàn, nhiều nơi chốn địa phương, nhiều nhà Dòng.

Đức Mẹ Maria là một mẫu gương sáng chói về các nhân đức cho mọi người vào mọi thời đại về cung cách sống làm người trong xã hội cũng như sống đức tin vào Thiên Chúa.

Khi kêu cầu tên Đức Mẹ Maria là kêu cầu đến sự trợ giúp ủi an của Người Mẹ Thiên Chúa.

Mừng kính tên Đức Mẹ Maria muốn nói lên Đức Mẹ là người đầy ơn phúc được Thiên Chúa tuyển chọn, và cùng là người phù hộ chuyển lời cầu xin của chúng ta trước tòa ngai Thiên Chúa.

Và mừng kính tên Đức mẹ Maria cũng muốn nói lên lòng thành kính tin tưởng: con người chúng ta được Chúa thương yêu!

3. Lễ kính Bảy sự thương khó Đức mẹ Maria, 15.09

Trong đời sống một người, nhất là người mẹ trần gian xưa nay đều có niềm vui mừng hạnh phúc pha trộn chen lẫn trong đau khổ.

Đức mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa hiển vinh không chỉ có niềm vui mừng được tôn vinh. Nhưng cuộc đời của Đức Mẹ còn có nhiều đau khổ nữa.

Theo những gì Phúc âm thuật lại, nếp sống đạo đức trong Giáo hội nói đến 07 đau khổ của Đức Mẹ Maria:

1. Tiên tri Simeon nói: Một lưỡi gươm đâm thâu qua lòng Bà”.

2.Chạy trốn tị nạn với gia đình sang Ai Cập lúc Chúa Giêsu vừa mới sinh ra.

3.Lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ.

4. Theo dõi đường thập giá của Chúa Giêsu bị kết án.

5. Đứng dưới chân thập giá nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên đó.

6. Tháo gỡ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, ôm xác Chúa vào lòng mình.

7. Đi an táng Chúa Giêsu, con mình, trong nấm mồ dưới lòng đất.

Ngày Lễ kính Bảy sự thương khó Đức mẹ Maria có lịch sử nguồn gốc từ thế kỷ thứ XV. Năm 1423 Tổng Giáo phận Köln đã bắt đầu mừng kính ngày lễ này. Năm 1667 nhà Dòng Serviten được phép mừng kính ngày lễ này. Từ năm 1814 thời Đức giáo hoàng Pio thứ VII, ngày lễ này mừng chung trong toàn Giáo hội.

Mừng kính sự đau khổ của Đức Mẹ Maria không phải là ca ngợi tôn vinh sự đau khổ, nhưng muốn xin Đức Mẹ thông hiểu cầu bầu cho mình kiên nhẫn chịu đựng đau khổ như xưa Đức Mẹ đã sống trải qua.

Mừng kính Đức Mẹ đau khổ là muốn học hỏi gương đời sống Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đồng thời nhìn đau khổ của bản thân mình với con mắt đức tin vào Thiên Chúa, Đấng biến đổi đau khổ thành niềm hy vọng ơn cứu rỗi.

Ai là con người như chúng ta có thể khác hơn Đức Mẹ Maria được?

Top