Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi Phần I của Tông huấn
TGPSG -- Năm “Gia đình Amoris Laetitia” kéo dài từ 19-3-2021 đến 26-6-2022 với Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10, sẽ được tổ chức tại Roma, để kỷ niệm 5 năm ban hành tông huấn “Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu”.
ĐTC Phanxicô đã ban hành tông huấn “Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu” vào ngày 8-4-2016 (đã được ký vào ngày 19-3 năm đó). Tông huấn này là một trong những tài liệu dài nhất trong lịch sử của Giáo hoàng; nó bao gồm phần mở đầu và 9 chương, phản ánh những thách đố của đời sống hôn nhân và gia đình.
Chúng ta đã cùng nhau thưởng thức phần Dẫn nhập rất ấn tượng của Tông huấn. Bây giờ, chúng ta tiếp tục đi vào vẻ đẹp của Tông huấn trong 23 số của chương I, và 10 số đầu của chương II.
ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ
Khi tóc mùa Xuân dài trước cửa,
Khi nắng chiêm bao khẽ chớp hàng mi,
Khi những con thuyền chở mộng ra đi,
Giấc mộng phiêu lưu như bầy hải điểu,
Kỷ niệm trở về, nắm tay nhau hiền dịu,
Ngón tay thơm vàng phấn bướm đa tình,
Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh,
Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo.
Trên đường ta đi,
Những đóa hoa nở mặt trời xích đạo,
Những làn hương mang giông tố bình sa,
Những sắc cầu vồng nghiêng cánh chim sa,
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách,
Thời gian qua trên một nét mi dài.
Núi mùa thu buồn gợn sóng đôi vai,
Dòng sông lạ trôi sâu vào tâm sự…
Những câu đầu tiên hết sức lãng mạn trên đây của bài thơ “Đường vào tình sử” - do thi sĩ Đinh Hùng sáng tác - đã diễn tả được những ước mơ nóng bỏng, chất chứa trong Tông huấn Niềm vui Tình Yêu: “Khát vọng lập gia đình vẫn mãnh liệt nơi người trẻ… (x. số 1) Hôn nhân là một hành trình phát triển đầy năng động… (x. số 37) Ta cần chạm tới nơi thâm sâu nhất của trái tim những người trẻ, là những người có tràn đầy khả năng sống quảng đại, anh hùng, dấn thân, yêu thương, sẵn sàng nhiệt tâm và can đảm đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân… (x. số 40)”
Có thể thấy Tông huấn muốn người trẻ nhìn hôn nhân như “Đường vào tình sử”: Trên đường ta đi, những đóa hoa nở mặt trời xích đạo/ Những làn hương mang giông tố bình sa. Nghĩa là, “Đường vào tình sử” có hoa nở rất tươi thắm, cho dẫu đấy là hoa nở trong nắng cháy nhọc nhằn của mặt trời xích đạo. “Đường vào tình sử” có những làn hương ngát thơm, cho dù đấy là hương thơm của giông tố bình sa. "Đường vào tình sử" là đường của tình yêu có nhiều phong ba. Nhưng không sao cả: Anh vẫn sẽ tìm em như tìm một hành tinh/ Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo.
Tông huấn “Niềm vui Tình Yêu” có những nội dung cốt yếu như thế. Chúng ta đã cùng nhau thưởng thức phần Dẫn nhập rất ấn tượng của Tông huấn. Bây giờ, chúng ta tiếp tục đi vào vẻ đẹp của Tông huấn trong 23 số của chương I, và 10 số đầu của chương II.
CHƯƠNG I: DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
Thánh Kinh nói rất nhiều về gia đình. Đặc biệt, Thánh vịnh 128,1-6 mô tả “ngôi nhà của gia đình” với cả nhà ngồi quanh bàn tiệc, kể cho nhau nghe chuyện tình của họ, khởi đi từ việc Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, có đặc tính phong nhiêu và sáng tạo giống Chúa Ba Ngôi. Khi khắc khoải tìm “một trợ tá tương xứng” khả dĩ lấp đầy nỗi cô đơn bức bối, người nam đã gặp người nữ; cả hai thành “một xương một thịt” và sinh con. (số 8-13)
Bầy con của bạn như những cây ô-liu mơn mởn
Tại bàn ăn gia đình, con cái quây quần chung quanh cha mẹ như “những cây ô-liu mơn mởn”, như “những viên đá sống động”, là hồng ân, là sự sung mãn, sự tiếp nối liên tục của lịch sử cứu độ. (số 14)
Không gian sống động của gia đình biến thành Hội Thánh tại gia, với sự hiện diện của Chúa Kitô tại bàn ăn. Gia đình trở thành trường giáo lý cho con cái, nơi cha mẹ thực hiện sứ mạng giáo dục của mình. Còn con cái thì “thờ cha kính mẹ”, sống hết mình với gia đình, nhưng không phải là một thứ tài sản của gia đình. Chúng cũng có cuộc sống riêng, có một khoảng độc lập nào đó để thực hiện việc hiến dâng cho Nước Chúa. (số 15-18)
Một con đường đau khổ và đẫm máu
Đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình. Chính Chúa Giêsu đã trải nghiệm những đau khổ này. Lời Chúa trở thành bạn đồng hành cho các gia đình, chỉ cho họ thấy đích đến sau cùng. (số 19-22)
Công khó tay bạn làm ra
Người cha lao động để nuôi sống gia đình và giúp cho xã hội phát triển. Thất nghiệp và việc làm bấp bênh gây tổn hại nhiều đến sự yên ổn của các tổ ấm. Gia đình cũng bị suy thoái khi con người cư xử tàn bạo với thiên nhiên. (số 23-26)
Dịu dàng vòng tay ôm ấp
Cha mẹ cần biết yêu thương, tha thứ, trao hiến chính mình, đặc biệt là dịu dàng trong tình yêu, tạo thành sự hiệp thông giữa các ngôi vị, nên giống Đấng Sáng Tạo trong việc sinh sản, giáo dục con cái, làm cho tình yêu lớn lên với việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa, tham dự Thánh lễ và thường xuyên hoán cải. Họ can đảm và thanh thản đối diện với những thách đố, rồi suy niệm trong lòng những điều kì diệu Chúa làm cho mình theo gương Mẹ Maria. (số 27-30)
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG ĐẦY THÁCH ĐỐ
Thiện ích của gia đình có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh, nên cần hiểu biết thâm sâu hơn về mầu nhiệm hôn nhân và các khó khăn của gia đình. (số 31)
Nhiều tự do hơn; trách nhiệm và công việc trong nhà được phân công tốt hơn, nhưng gia đình ngày nay phải đối diện với chủ nghĩa cá nhân cực đoan, tạo ra những ốc đảo trong tổ ấm. Nhịp sống gấp rút dễ dập tắt những chọn lựa lâu dài. Tuyệt đối hoá các ước muốn riêng tư tạo ra sự nóng nảy và hung hăng, dễ làm mất khả năng quảng đại tự hiến, khiến hôn nhân thay đổi thất thường, gia đình dễ biến thành một trạm quá cảnh, với những tính toán thực dụng. Vì thế, cần phải trình bày các lí do và động cơ chọn lựa hôn nhân và gia đình, giúp người ta sẵn sàng đáp trả ân sủng và tín thác vào ơn Chúa. Hãy nhấn mạnh đến ân sủng, lương tâm và trình bày hôn nhân như một hành trình phát triển đầy năng động. (số 33-37)
Cần đồng hành và hỗ trợ các gia đình triển nở tình yêu, khắc phục xung đột, phát huy giáo dục, cổ động xưng tội rước lễ, giới thiệu những chứng tá đẹp. Thay vì thụ động lên án những suy đồi, hãy tích cực đề ra những con đường mang lại hạnh phúc, vừa rất đòi hỏi, vừa gần gũi cảm thương, đẩy lui loại “văn hóa tạm bợ” thể hiện qua: lối sống tốc độ, mau thay đổi quan hệ tình cảm, không dám dấn thân, sợ mất tự do, hay tính toán thiệt hơn, coi nhau như đồ vật… (số 38-39)
Người trẻ ngại kết hôn vì: có quá nhiều lựa chọn, thiếu việc làm, xem thường hôn nhân, thấy nhiều cặp hôn nhân thất bại, thấy sống chung ngoài hôn nhân có lợi hơn, quan niệm quá lãng mạn về tình yêu, sợ mất độc lập, dị ứng với thủ tục… Vì thế, cần cổ võ sự quảng đại, anh hùng, dấn thân, yêu thương, nhiệt tâm và can đảm nơi người trẻ. (số 40)
Với những số trên đây, Tông huấn “Niềm vui Tình yêu” quả thực đã muốn người trẻ nhìn hôn nhân như “Đường vào tình sử”: Trên đường ta đi, những đóa hoa nở mặt trời xích đạo/ Những làn hương mang giông tố bình sa. "Đường vào tình sử" có nhiều phong ba. Nhưng không sao cả: Anh vẫn sẽ tìm em như tìm một hành tinh/ Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo.
“Đường vào tình sử” của Đức Giêsu đã là như thế khi Ngài yêu Hội Thánh của Ngài… Ta sẽ tiếp tục dõi theo “Đường vào tình sử” này của Tông huấn trong các bài kế tiếp...
Vi Hữu (TGPSG - NSTM)
Nguyên văn Phần I của Tông huấn Amoris Laetitia:
CHƯƠNG I
DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
8. Thánh Kinh nói nhiều về các gia đình, các thế hệ, các câu chuyện tình và những khủng hoảng gia đình, từ trang đầu, ngay khi bước vào khung cảnh gia đình của Ađam và Eva, cùng với gánh nặng của bạo lực, có cả sức mạnh của sự sống vẫn tiếp (cf. St 4), cho đến trang cuối nơi xuất hiện tiệc cưới của Hôn thê và Con chiên (Kh 21,2.9). Đức Giêsu mô tả hai ngôi nhà, một xây trên đá và một xây trên cát (cf. Mt 7,24-27), tượng trưng cho bao tình huống gia đình, tạo nên bởi tự do của các thành viên sống trong đó, vì như một thi sĩ kia đã viết: “mỗi ngôi nhà đều là một trụ đèn”[1]. Giờ đây, theo sự dẫn dắt của tác giả thánh vịnh, chúng ta hãy bước vào một trong những ngôi nhà này qua một khúc hát mà ngày nay vẫn còn vang lên trong phụng vụ lễ cưới của Do Thái cũng như Kitô giáo:
Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
Ăn ở theo đường lối của Người
Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
Bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
Khác nào cây nho đầy hoa trái;
Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
Bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh,
được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình! (Tv 128,1-6).
Bạn và hiền thê của bạn
9. Vì thế, chúng ta hãy bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà bình yên này, với cả gia đình cùng đang ngồi quanh bàn tiệc. Ở trung tâm bàn tiệc, chúng ta thấy đôi vợ chồng là cha và mẹ, với cả câu chuyện tình yêu của họ. Nơi họ thể hiện ý định thuở ban đầu chính Đức Kitô đã mạnh mẽ gợi lên: “Các ông đã không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’?” (Mt 19, 4). Và Người nhắc lại lệnh truyền của sách Sáng Thế: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).
10. Hai chương đầu hùng tráng của sách Sáng Thế cống hiến cho chúng ta hình ảnh cặp vợ chồng nhân loại trong thực tại nền tảng sâu xa nhất của nó. Bản văn khởi đầu ấy của Thánh Kinh đã lóe sáng lên một số khẳng định quan trọng. Khẳng định đầu tiên, đã được Đức Giêsu trích dẫn cách tổng hợp, tuyên bố: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thật đáng ngạc nhiên, hạn từ “hình ảnh Thiên Chúa” chiếm vị trí song song diễn giải bởi hạn từ cặp đôi “nam và nữ”. Phải chăng điều đó có nghĩa chính Thiên Chúa cũng có phái tính, hay Ngài cũng có một người bạn đời thần linh, như một số tôn giáo cổ xưa vẫn chủ trương? Dĩ nhiên là không, bởi vì chúng ta biết rõ Thánh Kinh đã bác bỏ những tín ngưỡng tôn thờ ngẫu tượng được phổ biến giữa những người Canaan ở Đất Thánh. Người ta bảo vệ tính siêu việt của Thiên Chúa, nhưng vì Thiên Chúa đồng thời cũng là Đấng Tạo Hóa, nên đặc tính phong nhiêu của đôi vợ chồng nhân loại là “hình ảnh” sống động và hữu hiệu, dấu chỉ hữu hình của hành vi sáng tạo.
11. Đôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực là “tác phẩm điêu khắc” sống động (không phải ngẫu tượng điêu khắc bằng đá hay bằng vàng mà Thập giới cấm ngặt), có thể biểu tỏ được Thiên Chúa Đấng sáng tạo và cứu độ. Vì thế, tình yêu phong nhiêu mới có thể trở thành biểu tượng cho những thực tại thâm sâu bên trong Thiên Chúa (cf. St 1,28; 9,7; 17,2-5.16; 28,3; 35,11; 48,3-5). Đó là lí do giải thích tại sao trình thuật sách Sáng Thế này, theo cái gọi là “truyền thống tư tế”, được đan dệt nên bởi những tầng lớp phả hệ khác nhau (cf. St 4,17-22.25-26; 5; 10; 11,10-32; 25,1-4.12-17.19-26; 36): bởi vì khả năng sinh sản của đôi vợ chồng nhân loại là con đường mà lịch sử cứu độ diễn tiến. Dưới ánh sáng này, mối quan hệ phong nhiêu của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh để khám phá ra và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa-Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy. Những lời sau đây của thánh Gioan-Phaolô II soi sáng cho chúng ta: “Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu. Trong gia đình thần linh, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần”[2]. Như thế, gia đình không là điều gì xa lạ gì với chính yếu tính thần linh[3]. Khía cạnh tam vị này nơi cặp vợ chồng có một hình ảnh mới mẻ trong thần học của Phaolô khi thánh Tông đồ đặt gia đình trong tương quan với “mầu nhiệm” kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh (cf. Ep 5,21-33).
12. Nhưng Đức Giêsu, khi nói về hôn nhân, còn gợi cho chúng ta một trang khác của sách Sáng Thế, chương 2, qua đó hé lộ cho thấy một chân dung tuyệt vời với những chi tiết rạng rỡ của cặp vợ chồng. Trong số đó chúng ta chỉ chọn hai chi tiết mà thôi. Chi tiết thứ nhất, đó là nỗi ưu tư của người đàn ông đi tìm cho mình “một trợ tá tương xứng” (St 2,18-20), khả dĩ lấp đầy được nỗi cô đơn bức bối mà sự gần gũi của các loài vật và mọi thụ tạo cũng không khỏa lấp được. Nguyên ngữ tiếng Hipri gợi lên một cuộc gặp gỡ trực tiếp, như là “mặt đối mặt” – mắt nhìn mắt – trong một cuộc đối thoại thinh lặng, bởi vì trong tình yêu sự thinh lặng thường diễn tả nhiều hơn lời nói. Đó là sự gặp gỡ một khuôn mặt, một “đối tác” phản chiếu tình yêu Thiên Chúa và là “thiện ích đệ nhất, là có được một trợ tá tương xứng, và trụ cột để tựa nương”, như một hiền triết trong Thánh Kinh đã nói (Hc 36,24). Hoặc như cô dâu trong sách Diễm ca đã thốt lên một lời tuyên xưng diệu kỳ về tình yêu và về ân huệ người ta trao ban cho nhau: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi thuộc trọn về chàng […] Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc trọn về tôi!” (Dc 2,16; 6,3).
13. Từ cuộc gặp gỡ chữa lành được nỗi cô đơn này, phát sinh sự sống mới và gia đình. Và sau đây là chi tiết thứ hai mà chúng ta có thể ghi nhận: Ađam, vốn cũng là con người của mọi thời đại và của tất cả mọi vùng miền trên hành tinh này của chúng ta, cùng với vợ mình, khai sinh một gia đình mới, như Đức Giêsu đã nhắc lại bằng cách trích dẫn sách Sáng thế: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,5; cf. St 2,24). Động từ “gắn bó”, trong nguyên ngữ Hipri, chỉ một sự hòa điệu sâu xa, một sự gắn bó cả về thể xác lẫn tâm hồn đến độ nó được dùng để diễn tả sự kết hiệp với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63,9), như tác giả thánh vịnh vẫn hát. Sự kết hợp hôn nhân như vậy gợi lên không chỉ trong chiều kích tính dục và thân xác mà còn cả trong sự trao hiến tình yêu tự nguyện. Kết quả của sự kết hợp này là “trở thành một xương một thịt”, hoặc bằng việc hai thân xác gắn chặt với nhau, hoặc bằng sự kết hợp giữa hai con tim và đời sống và, có lẽ, nơi đứa con được sinh ra từ cả hai sẽ mang trong mình “cốt nhục” của cả cha lẫn mẹ, không chỉ về di truyền học mà cả về tâm linh nữa.
Bầy con của bạn như những cây ô-liu mơn mởn
14. Chúng ta hãy trở lại với bài ca của tác giả thánh vịnh. Bài ca này cho thấy bên trong ngôi nhà có người chồng và người vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái quây quần bên họ như “những cây ô-liu mơn mởn” (Tv 128,3), tức là tràn đầy sinh lực. Nếu cha mẹ như là nền móng của ngôi nhà, thì con cái như là “những viên đá sống động” của gia đình (cf. 1 Pr 2,5). Thật ý nghĩa, trong Cựu Ước từ ngữ được sử dụng nhiều nhất sau tên gọi Thiên Chúa (YHWH, “Đức Chúa”) lại là từ “người con” (ben), một từ ngữ vốn có liên hệ đến động từ Hipri có nghĩa “xây dựng” (banah). Vì thế, trong thánh vịnh 127, ơn huệ con cái được tôn vinh bằng hình tượng hoặc như việc xây dựng một ngôi nhà, hoặc như đời sống xã hội và thương mại diễn ra tại các cổng thành: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công […] Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh ra thời son trẻ tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế! Họ sẽ không nhục nhã khi phải đến cửa công tranh tụng với địch thù.” (Tv 127,1.3-5). Đã hẳn, những hình ảnh này phản ảnh nền văn hóa của một xã hội thời xa xưa, nhưng sự hiện diện của những đứa con, dẫu sao vẫn là một dấu chỉ của một gia đình sung mãn, tiếp nối liên tục của chính lịch sử cứu độ, từ đời này qua đời khác.
15. Trong viễn tượng đó, giờ đây chúng ta có thể giới thiệu một chiều kích khác nữa của gia đình. Chúng ta biết rằng trong Tân Ước người ta nói về “Hội thánh hội họp tại nhà” (cf. 1 Cr 16,19; Rm 16,5; Cl 4,15; Plm 2). Một không gian sống động của gia đình có thể biến thành Hội thánh tại gia, một khung cảnh cho Bí tích Thánh Thể, có sự hiện diện của Chúa Kitô tại bàn ăn. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh của sách Khải huyền, trong đó Chúa nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Như vậy, người ta đã phác họa một mái ấm gia đình, là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, có kinh nguyện chung và, như thế, có phúc lành của Chúa. Đó chính là điều đã được khẳng định bởi thánh vịnh 128 mà chúng ta coi như nền tảng: “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc!” (Tv 128,4-5a).
16. Thánh Kinh còn coi gia đình như là trường giáo lý của con cái. Điều đó được minh họa trong phần mô tả cử hành lễ Vượt qua (cf. Xh 12,26-27; Đnl 6,20-25), và sau đó đã được giải thích thêm trong các haggadah của người Do Thái, tức là trong trình thuật dưới hình thức mẫu đối thoại kèm theo nghi thức bữa ăn tưởng niệm biến cố Vượt qua. Ngoài ra, còn có một thánh vịnh đề cao việc loan báo đức tin trong gia đình: “Điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kì công Chúa đã làm. Người đã ban huấn lệnh cho nhà Gia-cóp, đặt ra lề luật cho Israel, dạy tổ tiên chúng tôi truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu thế hệ tương lai kẻ hậu sinh cũng biết, rồi mai ngày đến lượt kể cho con cháu mình.” (Tv 78,3-6). Vì thế, gia đình là nơi cha mẹ trở thành những thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đó là một công trình “lưu truyền” từ người này sang người khác: “Vậy mai ngày con của ngươi có hỏi: ‘Điều đó nghĩa là gì?’ Thì ngươi sẽ nói với nó: ‘Đức Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ’” (Xh 13,14). Như vậy, nhiều thế hệ khác nhau sẽ lên tiếng ca tụng Đức Chúa, “nào là nam thanh, nào là nữ tú, khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng” (Tv 148,12).
17. Cha mẹ có trách nhiệm phải hoàn tất cách nghiêm túc sứ mạng giáo dục của mình, như lời dạy bảo thường xuyên của các bậc khôn ngoan trong Thánh Kinh (cf. Cn 3,11-12; 6,20-22; 13,1; 22,15; 23,13-14; 29,17). Phần con cái thì được mời gọi gẫm suy và thực hành giới răn: “Hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20,12), động từ “thờ kính” ở đây có liên quan đến việc hoàn tất những cam kết trong gia đình và xã hội cách đầy đủ, không được xao nhãng lấy cớ được miễn chuẩn tôn giáo (cf. Mc 7,11-13). Thực ra, “ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu (Hc 3,3-4).
18. Tin mừng cũng nhắc nhở chúng ta rằng con cái không phải là một thứ tài sản của gia đình, nhưng trước mắt chúng có cuộc sống riêng của mình để sống. Nếu quả thực Đức Giêsu vẫn tỏ ra mẫu mực vâng phục cha mẹ trần thế của Người, khi tuân phục các ngài (cf. Lc 2,51), thì hẳn Người cũng cho thấy việc chọn lựa cách sống của người con và chính ơn gọi làm người kitô hữu có thể đòi hỏi phải có một khoảng độc lập nào đó với gia đình để thực hiện việc hiến dâng cho Nước Chúa (cf. Mt 10,34-37; Lc 9,59-62). Hơn nữa, chính Người lúc 12 tuổi đã trả lời cho Mẹ Maria và Thánh Giuse là Người còn có một sứ mạng quan trọng hơn để hoàn tất ngoài phạm vi gia đình trần thế của Người (cf. Lc 2,48-50). Bởi thế Người đề cao sự cần thiết phải có những mối dây liên kết sâu xa khác nữa cả trong những mối tương quan gia đình: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Đàng khác, khi quan tâm đến các trẻ nhỏ trong xã hội của vùng Cận đông cổ đại vốn vẫn coi chúng như những chủ thể chẳng có lấy một quyền lợi đặc biệt nào, thậm chí có khi còn bị coi như những đồ vật mà gia đình sở hữu, Đức Giêsu còn đi đến chỗ giới thiệu các em nhỏ cho người lớn như là những thầy dạy, vì tính đơn sơ tin tưởng và hồn nhiên của các em đối với những người khác: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,3-4).
Một con đường đau khổ và đẫm máu
19. Diễm tình ca được trình bày trong Thánh vịnh 128 không phủ nhận một thực tế đắng cay vốn ghi dấu trên toàn bộ Thánh Kinh. Đó là sự hiện diện của đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông thân mật trong đời sống và tình yêu. Không phải là vô cớ mà diễn từ của Đức Kitô về hôn nhân (cf. Mt 19,3-9) lại được đưa vào cuộc tranh luận về li dị. Lời Chúa không ngừng chứng thực chiều kích tăm tối vốn đã được để lộ ra ngay từ thưở ban đầu, khi mà do tội lỗi, tương quan yêu thương và trong sáng giữa người nam và người nữ biến thành sự thống trị: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16).
20. Con đường đau khổ và đẫm máu trải dài qua nhiều trang Thánh Kinh. Khởi đầu từ sự kiện Cain sát hại em mình là Aben, đến các cuộc cãi vã giữa những người con và các bà vợ của Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop, và tiếp theo là những bi kịch đẫm máu của nhà Đavit, cho đến bao nhiêu khó khăn của gia đình gặp thấy trong câu chuyện của Tôbia hoặc lời thú nhận đắng cay của Giop khi bị bỏ rơi: “Anh em tôi, Người đẩy họ xa tôi. Người quen biết coi tôi như người dưng nước lã […] Hơi thở tôi khiến vợ tôi ghê tởm, mùi hôi thối xông ra làm cho anh em tôi gớm ghiếc.” (G 19,13.17).
21. Chính Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình khiêm hạ, sớm đã phải trốn chạy sang một vùng đất xa lạ. Người ghé thăm nhà của Phêrô nơi bà mẹ vợ của ông đang nằm bệnh (cf. Mc 1,30-31); Người liên đới với nhà ông Giairô hay nhà của Ladarô trong biến cố đau buồn chết chóc (cf. Mc 5,22-24.35-43; Ga 11,1-44); Người nghe được tiếng kêu khóc tuyệt vọng của bà góa thành Nain trước cảnh đứa con bà đã chết (cf. Lc 7,11-15); Người chạnh lòng trước lời khẩn cầu của người cha có đứa con bị động kinh trong một ngôi làng nhỏ thôn quê (cf. Mc 9,17-27). Người gặp gỡ những người thu thuế như Mátthêu hay Dakêu trong nhà riêng của họ (Mt 9,9-13; Lc 19,1-10), và cả những người tội lỗi như người phụ nữ đã lẻn vào ngôi nhà của người biệt phái (cf. Lc 7,36-50). Người biết những lo âu và căng thẳng mà các gia đình phải chịu đựng, và Người đã đưa chúng vào trong các dụ ngôn của Người: từ những đứa con bỏ nhà cha mẹ đi hoang (cf. Lc 15,11-32) cho đến những đứa con khó khăn ương bướng (cf. Mt 21,28-31) hay làm mồi cho bạo lực (cf. Mc 12,1-9). Và Người cũng quan tâm đến tiệc cưới gặp lúng túng vì có nguy cơ bị thiếu rượu (cf. Ga 2,1-10) hay vì khách mời không tới dự tiệc (cf. Mt 22,1-10), Người còn biết cả đến nỗi lo của một gia đình nghèo lỡ đánh mất một đồng xu (cf. Lc 15,8-10).
22. Lướt qua toàn cảnh như thế, chúng ta có thể thừa nhận rằng Lời Chúa không được mạc khải như một chuỗi luận đề trừu tượng, mà như một người bạn đồng hành an ủi ngay cả các gia đình đang gặp khủng hoảng hay đang trải qua đau khổ nào đó, và chỉ cho họ thấy đích đến của cuộc hành trình, khi mà Thiên Chúa “sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4).
Công khó tay bạn làm ra
23. Ở đầu Thánh vịnh 128, người cha xuất hiện như một người lao động, dùng lao động của đôi bàn tay mình mà bảo đảm cho gia đình có được những phúc lợi vật chất và được yên bình: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128,2). Lao động là một phần thiết yếu làm nên phẩm giá của đời sống con người, điều đó được rút ra từ những trang sách đầu tiên của Thánh Kinh, khi đọc thấy rằng “con người đã được đặt vào trong vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Đó là hình ảnh người lao động biến đổi được vật chất và khai thác được những sức mạnh của thiên nhiên, trong khi tạo ra “tấm bánh do công khó tay bạn làm” (Tv 127,2), và cũng qua đó con người tự làm cho mình triển nở.
24. Lao động cũng đồng thời vừa giúp cho xã hội phát triển vừa nuôi sống gia đình, giúp gia đình được ổn định và phồn thịnh: “Ước chi trong suốt cả cuộc đời, bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128,5-6). Sách Châm ngôn cũng trình bày công việc của người mẹ trong gia đình, công việc hằng ngày của bà được mô tả trong từng chi tiết, chồng con cũng nức lòng ca tụng (cf. Cn 31,10-31). Chính Tông đồ Phaolô cũng tỏ ra tự hào vì mình đã không trở thành gánh nặng cho người khác, bởi vì ngài đã lao động với đôi bàn tay của mình và như vậy tự bảo đảm được cho cuộc sống của mình (cf. Cv 18,3; 1 Cr 4,12; 9,12). Thánh Phaolô rất xác tín về sự cần thiết phải làm việc đến nỗi ngài đã đưa ra một qui luật gắt gao cho các cộng đoàn của ngài: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10; cf. 1 Tx 4,11).
25. Nói như thế, hẳn người ta hiểu được nỗi khổ đau về tình trạng thất nghiệp và việc làm bấp bênh, như được phản ảnh trong sách Rút và như điều Đức Giêsu đã gợi ra trong dụ ngôn những người vô công rỗi nghề vì không có công ăn việc làm nên ngồi không nơi các quảng trường (cf. Mt 20,1-16), hoặc như kinh nghiệm Người từng trải qua về những người nghèo túng và đói khát xung quanh Người. Đó là tình trạng bi đát của xã hội mà nhiều quốc gia đang phải đương đầu, và việc thiếu công ăn việc làm cũng gây tổn hại nhiều đến sự yên ổn của các gia đình
26. Chúng ta cũng không thể quên sự suy thoái xã hội do tội lỗi đã gây ra, khi con người cư xử tàn bạo với thiên nhiên, như khi tàn phá thiên nhiên, sử dụng thiên nhiên cách ích kỉ và tàn nhẫn. Những hậu quả xuất hiện từ đó vừa là tình trạng sa mạc hóa trái đất (cf. St 3,17-19), vừa là tình trạng mất quân bình về mặt kinh tế và xã hội, đó là những tình trạng mà các tiên tri xưa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, khởi đi từ Êlia (cf. 1 V 21) cho đến những lời của Đức Giêsu chống lại sự bất công (cf. Lc 12,13-21; 16,1-31).
Dịu dàng vòng tay ôm ấp
27. Đức Kitô đã đề ra dấu hiệu phân biệt ai là môn đệ Người, đó là luật yêu thương và sự trao hiến chính mình cho người khác (cf. Mt 22,39; Ga 13,34), và Người đã thực hiện điều đó qua một nguyên tắc mà người cha và người mẹ thường thể hiện trong cuộc sống của mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Lòng thương xót và sự tha thứ cũng là hoa quả của tình thương. Về điều này, chúng ta có một ví dụ rất tiêu biểu, đó là sự kiện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn tới trước Đền thờ Giêrusalem, chị bị bao vây bởi những người tố cáo, nhưng sau đó khi còn lại một mình với Đức Giêsu, Người không kết án chị nhưng mời gọi chị đi về sống một cuộc sống xứng đáng hơn (cf. Ga 8,1-11).
28. Trong viễn cảnh của tình yêu, là điều cốt yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo về hôn nhân và gia đình, còn nổi lên một nhân đức khác mà thế giới của những tương quan cuồng nhiệt và hời hợt ngày nay không biết đến. Đó là sự dịu dàng. Chúng ta hãy tham chiếu Thánh vịnh 131, một thánh vịnh ngọt ngào và nồng nàn. Người ta cũng có thể nhận ra nơi các bản văn khác (cf. Xh 4,22; Is 49,15; Tv 27,10), sự kết hợp giữa người tín hữu và Đức Chúa của mình được diễn tả qua ngôn ngữ tình yêu phụ tử hay mẫu tử. Ở đây cho thấy sự mật thiết tinh tế và dịu dàng giữa mẹ và con, một bé thơ ngủ yên trong vòng tay mẹ sau khi đã được bú sữa no nê. Theo nghĩa của từ gamul trong tiếng Hipri, người ta nói đến một đứa trẻ đã dứt sữa đang nép mình vào lòng mẹ, trong vòng tay mẹ ẵm. Như thế, có một sự gần gũi có ý thức chứ không chỉ có tính sinh học. Bởi thế tác giả Thánh vịnh mới hát lên: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.” (Tv 131,2). Song song với Thánh vịnh 131, chúng ta còn có thể nói đến một diễn cảnh khác, trong đó tiên tri Hôsê đặt vào môi miệng Thiên Chúa như vào môi miệng người cha những lời đầy cảm xúc này: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu thương nó […]. Ta đã tập đi cho nó, đã đỡ cánh tay nó […]. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo nó. Ta xử với nó như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,1.3-4).
29. Với cái nhìn này của đức tin và tình yêu, của ân sủng và dấn thân, của gia đình nhân loại và Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, chúng ta chiêm ngắm mẫu gia đình mà Lời Chúa kí thác vào đôi tay của người đàn ông, của người đàn bà và của con cái để hình thành nên sự hiệp thông giữa các ngôi vị, là hình ảnh của sự hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Rồi đến việc sinh sản và giáo dục con cái, đó lại là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và hiệp thông trong Thánh Thể để làm cho tình yêu ngày một lớn lên và luôn hoán cải để xứng đáng là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
30. Trước mỗi gia đình, hình ảnh gia đình thánh Nadaret vẫn xuất hiện, với những nỗi vất vả thường ngày thậm chí với cả những cơn ác mộng, như khi thánh gia phải chịu đựng hành vi bạo lực phi lí của vua Hêrôđê, đó cũng là kinh nghiệm bi thương mà ngày nay vẫn tiếp tục tái diễn trong nhiều gia đình tị nạn bị bỏ rơi không được bảo vệ. Như các nhà đạo sĩ xưa, các gia đình cũng được mời đến chiêm ngắm Hài Nhi và Đức Mẹ, để bái lạy và tôn thờ Người (cf. Mt 2,11). Như Mẹ Maria, các gia đình được khuyên nhủ đối diện với những thách đố của gia đình mình, cả khi buồn lẫn khi vui, một cách can đảm và thanh thản, và cũng để gìn giữ và suy niệm trong lòng những điều kì diệu Chúa đã làm (cf. Lc 2,19.51). Trong kho tàng trái tim của Mẹ Maria, cũng chất chứa tất cả mọi biến cố của từng gia đình chúng ta, những biến cố mà Mẹ vẫn ân cần gìn giữ. Bởi thế Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những biến cố đó để nhận ra được thông điệp Thiên Chúa ngay trong lịch sử của gia đình mình.
CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA GIA ĐÌNH
31. Thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh. Đã có rất nhiều phân tích về hôn nhân và gia đình, về những khó khăn và thách đố đối với gia đình hiện nay. Chúng ta nên tập chú vào thực tế cụ thể, vì “những đòi hỏi và những lời mời gọi của Thần Khí cũng vang lên ngay trong những biến cố lịch sử”, qua đó “Hội thánh có thể được dẫn đến chỗ hiểu biết thâm sâu hơn đối với mầu nhiệm khôn dò về hôn nhân và gia đình”[4]. Ở đây, tôi không có tham vọng trình bày toàn bộ những gì có thể nói về những đề tài khác nhau liên quan đến gia đình trong bối cảnh hiện thời. Nhưng, vì các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã đưa ra một cái nhìn thực tế về các gia đình trên toàn thế giới, nên tôi thấy thật là phù hợp để thâu thập lại đôi điều trong những đóng góp mục vụ của các ngài, thêm vào đó những bận tâm khác từ chính cái nhìn của tôi.
Thực trạng của gia đình
32. “Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta hãy nhìn vào thực tế của gia đình hiện nay trong toàn cảnh phức tạp, với ánh sáng và bóng tối của nó. […] Những thay đổi về nhân học và văn hóa ngày nay đang tác động lên mọi khía cạnh của đời sống và đòi phải có một lối tiếp cận có tính phân tích và đa dạng”[5]. Trong bối cảnh cách đây vài thập niên, các Giám mục Tây Ban Nha đã nhận ra một thực tế là trong các gia đình đã có được sự tự do nhiều hơn, “bằng sự phân công hợp tình hợp lí hơn các gánh nặng, trách nhiệm và công việc. […] Khi càng đề cao sự thông giao nhân vị giữa vợ chồng, người ta càng góp phần làm cho toàn thể cuộc sống chung trong gia đình có tính nhân văn hơn. […] Cả xã hội ngày nay trong đó chúng ta đang sống, cũng như xã hội mà chúng ta đang hướng đến đều không cho phép tiếp tục tồn tại những hình thức và mẫu mực gia đình như trong quá khứ mà thiếu sự phân biệt”[6]. Nhưng “chúng tôi ý thức xu hướng chính của những thay đổi về nhân học và văn hóa đó đang dẫn các cá nhân đến chỗ ngày càng ít được hỗ trợ hơn so với quá khứ từ các cấu trúc xã hội, trong đời sống tình cảm và gia đình của họ”[7].
33. Đàng khác, “cũng cần phải xét đến nguy cơ ngày càng tăng về một thứ khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan làm biến chất các mối liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành viên gia đình như một ốc đảo cô lập, đôi khi còn nổi lên tư tưởng cho rằng con người tạo nên chính mình bởi các ước muốn riêng tư vốn được xem như tuyệt đối[8]. “Những căng thẳng xâm nhập từ một thứ văn hóa mang đậm tính cá nhân chủ nghĩa coi trọng chiếm hữu và hưởng thụ, làm nảy sinh trong lòng các gia đình những hành xử thiếu kiên nhẫn và hung hăng”[9]. Tôi muốn kể thêm vào đó cả nhịp sống gấp rút hiện nay, những áp lực, cơ cấu tổ chức xã hội và làm việc, vì đó cũng là những nhân tố văn hóa gây nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng có được những chọn lựa lâu dài. Đồng thời, chúng ta cũng thấy mình đang đối diện với những hiện tượng hàm hồ. Chẳng hạn, người ta đề cao tư tưởng về một thứ nhân vị tôn vinh tính chân thực đối lại với cung cách xử sự rập khuôn. Đó là một giá trị có thể phát huy những tài năng và tính bộc phát tự nhiên; nhưng nếu định hướng sai lạc, nó có thể tạo ra những thái độ ngờ vực thường xuyên, tránh né dấn thân, khép mình trong tháp ngà tiện nghi và kiêu căng. Sự tự do chọn lựa giúp ta tự hoạch định đời sống của mình và phát triển bản thân mình tốt nhất, nhưng nếu không có những mục tiêu cao thượng và kỉ luật cá nhân, tự do đó sẽ khiến người ta ngày càng mất dần đi khả năng quảng đại tự hiến chính mình cho tha nhân. Thực tế tại nhiều nước, nơi mà con số các cặp kết hôn đang giảm, thì ngày càng có nhiều người chọn sống độc thân, hay chung chạ như vợ chồng mà không sống chung một nhà. Chúng ta cũng có thể nêu lên một ý thức đáng khen ngày nay về đức công bằng; nhưng nếu hiểu không đúng, điều này sẽ biến các công dân thành những khách hàng chỉ quan tâm mỗi việc cung ứng các dịch vụ cho mình mà thôi.
34. Nếu những nhân tố nguy hiểm này ảnh hưởng đến quan niệm về gia đình, thì gia đình có thể biến thành một trạm quá cảnh, nơi người ta chỉ chạy đến nương nhờ khi cần, hoặc nơi người ta đến để đòi hỏi những quyền lợi, còn các quan hệ thì phó mặc cho những thay đổi thất thường của những ước muốn riêng và hoàn cảnh. Thực ra, ngày nay người ta dễ lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tư tưởng cho là mỗi người có thể phán quyết thế nào tùy ý, như thể ngoài cá nhân chẳng còn đâu là chân lý, giá trị và nguyên tắc định hướng cuộc đời, người ta xem như thể mọi thứ đều như nhau, và mọi sự đều phải được phép. Trong bối cảnh đó, lí tưởng hôn nhân, vốn là một sự dấn thân trọn vẹn và bền vững suốt đời, rốt cuộc sẽ bị tiêu tan bởi những sở thích tùy hứng hoặc bởi những thói thất thường dựa trên cảm tính. Người ta sợ sự cô đơn, người ta ước muốn được sống trong một môi trường được che chở và chung thủy, nhưng đồng thời càng ngày người ta càng sợ bị vướng nhiều hơn vào mối quan hệ có thể cản trở việc thực hiện những khát vọng cá nhân của mình.
35. Là Kitô hữu, chúng ta không thể chối bỏ lí tưởng hôn nhân, chỉ vì lí do không muốn đi ngược dòng cảm thức của con người ngày nay, vì muốn hợp thời, hoặc vì mặc cảm tự ti trước tình trạng suy thoái về đạo đức và nhân bản. Như thế chúng ta sẽ làm cho thế giới thiếu mất đi những giá trị mà chúng ta có thể và phải góp phần. Hẳn là, chẳng có ý nghĩa gì khi cứ ngồi một chỗ mà chỉ trích những điều xấu xa của thời đại, như thể làm vậy chúng ta có thể thay đổi được điều gì. Cũng chẳng ích gì khi cố dùng quyền bính áp đặt luật lệ lên người khác. Điều chúng ta cần là một nỗ lực với sự quảng đại và trách nhiệm nhiều hơn để trình bày các lí do và các động cơ cho việc chọn lựa hôn nhân và gia đình, và bằng cách này giúp người ta sẵn sàng đáp trả hơn nữa ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ.
36. Đồng thời chúng ta cũng phải khiêm tốn và thực tế nhìn nhận rằng, đôi khi cách chúng ta trình bày niềm tin Kitô giáo của mình, và cách chúng ta cư xử với người khác đã góp phần tạo ra tình trạng mà chúng ta đang than vãn như ngày nay, bởi thế chúng ta cần phải tự phê bình một cách thích đáng. Đàng khác, chúng ta thường trình bày hôn nhân theo cách nào đó khiến cho mục đích kết hợp của hôn nhân, lời mời gọi triển nở trong tình yêu và lí tưởng tương trợ lẫn nhau bị lu mờ đi, trong khi quá nhấn mạnh về bổn phận sinh sản như thể đó là mục đích duy nhất. Chúng ta cũng đã không đồng hành tốt với các cặp vợ chồng mới cưới trong những năm đầu hôn nhân của họ, không có những đề xuất thích hợp với giờ giấc của họ, với ngôn ngữ của họ, với những ưu tư cụ thể nhất của họ. Nhiều khi chúng ta cũng đã trình bày một thứ lí tưởng thần học hôn nhân quá trừu tượng, được xây dựng hầu như nhân tạo, xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn của các gia đình. Việc lí tưởng hóa quá mức như vậy, nhất là khi chúng ta không đánh thức đủ niềm tín thác vào ơn Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân trở thành hấp dẫn hơn và đáng khao khát hơn, mà hoàn toàn đi ngược lại.
37. Từ khá lâu rồi, chúng ta vẫn cứ tin rằng chỉ cần nhấn mạnh những vấn đề đạo lí, đạo đức sinh học và luân lí, mà không cần khuyến khích người ta mở lòng ra với ân sủng, cũng là điều đã nâng đỡ các gia đình, củng cố mối dây liên kết vợ chồng và mang lại cho cuộc sống chung của họ một ý nghĩa. Chúng ta đã gặp khó khăn khi trình bày hôn nhân như một hành trình năng động của phát triển và thực hiện hơn là một gánh nặng phải chịu đựng suốt cả cuộc đời. Chúng ta cũng cảm thấy khó khăn khi muốn dành chỗ cho lương tâm của các tín hữu, là những người rất thường đáp lại lời mời gọi của Tin mừng cách tốt nhất ngay giữa những giới hạn của họ, và họ cũng có khả năng phân định cá nhân tốt trước những tình huống khi mọi kế hoạch bị đổ vỡ. Chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm.
38. Chúng ta phải biết ơn vì phần lớn người ta vẫn còn quí trọng giá trị các mối tương quan gia đình với ước mong những giá trị này sẽ kéo dài mãi và được ghi dấu bằng sự kính trọng lẫn nhau. Bởi thế, người ta cảm kích việc Hội thánh đồng hành và hỗ trợ người ta trong các vấn đề liên quan đến việc làm triển nở tình yêu, việc khắc phục những xung đột hay việc giáo dục con cái. Nhiều người quí trọng sức mạnh của ân sủng mà họ đã cảm nhận nơi Bí tích Giao Hòa và Thánh Thể, ân sủng này giúp họ vượt qua được những thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình. Tại một số nước, đặc biệt nơi nhiều vùng của Châu Phi, chủ nghĩa thế tục vẫn không làm suy yếu được một số giá trị truyền thống, và các cuộc hôn nhân vẫn tạo nên một liên kết vững chắc giữa hai đại gia đình thông gia, trong đó người ta vẫn còn giữ được một cơ cấu khá rõ ràng nhằm giải quyết những tranh chấp và những khó khăn. Trong thế giới hiện nay, chúng ta cũng cảm kích chứng tá của các đôi hôn phối không những kiên trì theo thời gian mà còn vẫn tiếp tục sống dự phóng chung và bảo toàn được tình yêu của họ. Điều đó mở ra một hướng mục vụ tích cực, ân cần, có thể từng bước giúp các đôi bạn đào sâu hơn những đòi hỏi của Tin mừng. Thế nhưng, chúng ta rất thường ở trong tư thế tự vệ, và phung phí năng lượng mục vụ cho việc lên án một thế giới suy đồi, mà ít có khả năng đề ra cho người ta những con đường mang lại hạnh phúc. Nhiều người cảm thấy rằng sứ điệp của Hội thánh về hôn nhân và gia đình không phản chiếu rõ ràng lời rao giảng và thái độ của Đức Giêsu, Người đồng thời vừa đề xuất một lí tưởng rất đòi hỏi vừa không bao giờ từ chối gần gũi và cảm thương với những con người yếu đuối, như người phụ nữ xứ Samaria hay người phụ nữ ngoại tình.
39. Điều đó không có nghĩa là không còn nhận ra sự suy đồi văn hóa không cổ võ tình yêu và sự hiến dâng nữa. Những ý kiến tham khảo trước hai Thượng Hội đồng gần đây cho thấy rất nhiều triệu chứng khác nhau của một thứ “văn hóa tạm bợ”. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, lối sống tốc độ trong đó người ta thay đổi từ quan hệ tình cảm này sang quan hệ tình cảm khác. Người ta tưởng rằng tình yêu, cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết nối tùy theo sở thích của người tiêu dùng và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”. Tôi cũng nghĩ tới nỗi sợ mà người ta cảm thấy bởi viễn cảnh của một sự dấn thân vĩnh viễn khơi lên, nghĩ tới nỗi sợ không còn thời gian tự do, nghĩ tới những mối tương quan tính toán thiệt hơn, người ta băn khoăn liệu chúng có bù đắp được sự cô đơn, có được một sự bao bọc chở che, hay được phục vụ thế nào đó hay không. Người ta chuyển đổi cách sống các quan hệ tình cảm giữa con người thành thái độ sống như khi ứng xử với các đồ vật và môi trường, đó là xem mọi sự đều có thể vứt bỏ, mỗi người dùng xong rồi bỏ, mua và hủy, khai thác và vắt kiệt. Rồi thì chia tay! Chứng tự yêu mình thái quá khiến người ta không còn khả năng nhìn thấy được gì ngoài bản thân mình, ngoài những khao khát và những nhu cầu của mình. Nhưng ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn, sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế. Một điều đáng lưu ý là hôn nhân đổ vỡ thường xảy ra nơi những người lớn tuổi mà thích tìm một lối sống “độc lập và từ chối lí tưởng chung sống với nhau cho đến tuổi già, để chăm sóc và nâng đỡ nhau.
40. “Có thể có nguy cơ đơn giản hóa vấn đề cách cực đoan, nhưng chúng ta có thể nói là mình hiện đang sống trong một nền văn hóa khuyến khích người trẻ không lập gia đình, bởi vì họ thiếu những triển vọng cho tương lai. Nhưng cũng chính nền văn hóa đó đang cung cấp cho những người khác quá nhiều sự chọn lựa đến nỗi họ cũng ngần ngại tạo lập gia đình”[10]. Trong một số nước, nhiều người trẻ “thường ở trong hoàn cảnh phải hoãn kết hôn vì vấn đề kinh tế, vì công ăn việc làm hay vì học hành. Đôi khi cũng vì những lí do khác như ảnh hưởng của những ý thức hệ xem thường hôn nhân và gia đình, hoặc do muốn tránh kinh nghiệm thất bại của những đôi hôn nhân đi trước, hoặc do sợ hãi điều gì đó mà họ coi là quá vĩ đại và thánh thiêng, hoặc vì những cơ hội xã hội và những mối lợi kinh tế đi kèm theo cuộc sống chung thuần túy, hoặc do một quan niệm về tình yêu thuần túy dựa trên cảm xúc và lãng mạn, hoặc do sợ mất sự tự do và độc lập của mình, hoặc do việc người ta dị ứng với những gì có tính định chế và thủ tục hành chính”[11]. Chúng ta cần tìm cho ra những ngôn ngữ, những lí lẽ và những chứng từ thích hợp để có thể giúp ta chạm tới nơi thâm sâu nhất của trái tim những người trẻ, nơi họ là những người vốn có khả năng nhất sống để quảng đại, dấn thân, yêu thương và thậm chí sống anh hùng, nhằm mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân với nhiệt tâm và can đảm.
Bản dịch của các Ủy Ban: Giáo Lí Đức Tin, Mục Vụ Gia Đình và Mục Vụ Di Dân trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam
[1] Jorge Luis Borges, “Calle desconocida”, in Fervor de Buenos Aires, Buenos Aires 2011, 23.
[2] Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ tại Puebla de los Angeles (28.01.1979), 2: AAS 71 (1979), 184.
[3] Cf. ibid.
[4] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio (FC) (22.11.1981), 4: AAS 74 (1982), 84.
[5] RS 2014, 5.
[6] HĐGM TÂy Ban Nha, Matrimonio y familia (6.7.1979), 3.16.23.
[7] RF 2015, 5.
[8] RS 2014, 5.
[9] RF 2015, 8.
[10] Phanxicô, Diễn văn tại Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ (24.9. 2015): L’Osservatore Romano, 26.9.2015, tr. 7.
[11] RF 2015, 29.
bài liên quan mới nhất
- Tình chị em
-
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Chương trình Chuyên đề Giáo Dục: Giới thiệu Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Chuyên đề: “Đồng hành với người trẻ trong gia đình” ngày 21-10-2020 -
Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái
bài liên quan đọc nhiều
- Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông
-
Hôn nhân khác đạo -
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái -
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Phóng sự: Báu vật Chúa ban