Năm Thánh 2010: Hướng về Kẻ Sở
Về nơi khai mạc Năm thánh
Năm Thánh kỷ niệm năm mươi năm thành lập Hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam sẽ được khai mạc trọng thể tại Kẻ Sở, cũng còn được gọi là Sở Kiện [tên của hai làng Sở và Kiện ghép lại], nằm trong thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.
Kẻ Sở là một trong những giáo xứ lớn của Tổng giáo phận Hà Nội hiện nay với gần 9 ngàn tín hữu, và nhất là với một truyền thống công giáo lâu đời.
Trụ sở của Địa phận
Kẻ Sở đã từng là thủ phủ của Địa phận Tây Đàng Ngoài cho tới khi Tòa giám mục được dời về Hà Nội[1]. Sau khi Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị), nơi đặt trụ sở của Địa phận Tây Đàng Ngoài từ hơn một thế kỷ, bị phá bình địa vào tháng 6.1858, và khi đạo bắt đầu được tự do (theo Hòa ước tháng 6.1862), Kẻ Sở đã được chọn làm trung tâm của Địa phận. Khi thừa sai Puginier từ Sàigòn ra Bắc vào đầu những năm 60 của thế kỷ XIX và tới Kẻ Sở, thì Đức cha Charles Hubert Jeantet-Khiêm (giám mục Pentacomie, 1861-1866) đang ở đây. Từ Hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) tới cuối thời Pháp thuộc (19.8.1945), tính ra Địa phận Tây Đàng Ngoài và Địa phận Tây Đàng Ngoài – Hà Nội đã trải qua năm đời giám mục : Đức giám mục Jeantet-Khiêm (1861-1866), Đức giám mục Theurel-Chiêu (1866-1868), Đức giám mục Puginier-Phước (1869-1892), Đức giám mục Gendreau-Đông (1892-1935) và Đức giám mục Chaize-Thịnh (1936-1946). Bốn trong năm giám mục này đã từng ở Kẻ Sở. Đức giám mục Gendreau, sau khi thụ phong linh mục (1873), được sai đi truyền giáo ở Việt Nam, đã tới Kẻ Sở và học tiếng Việt ở đây.
Tháng 4.1886, ĐGM Puginier đã gặp cụ Sáu Trần Lục, tác giả của quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm nổi tiếng, “linh mục quản xứ nhỏ bé của Phát Diệm tới Kẻ Sở, mang theo một sắc chỉ vàng có triện lớn đỏ chói. Đó là văn bằng của khâm sai cho ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”. Cụ Sáu tới Kẻ Sở gặp bề trên của mình là ĐGM Puginier để thỉnh ý giám mục về việc triều đình giao cho Cụ sứ mạng Khâm sai. Đức giám mục cho phép Cụ Sáu nhận sứ mạng mà nhà vua tin cậy giao cho, nhưng chỉ trong thời gian càng ngắn càng tốt. Sau 35 ngày, Cụ Sáu được khuyên nên từ chức và trở về Phát Diệm. Vị “Khâm sai đã vâng lời”[2].
Là trụ sở của địa phận, Kẻ Sở có Đại chủng viện, trường latinh, trường thầy giảng, sở quản lí nhà in và nhà thờ lớn, nhà dòng Mến Thánh giá, trường học, bệnh viện… Những cơ sở cần thiết để xây dựng nền móng cho một giáo hội tại một xứ truyền giáo.
(ảnh: http://2010.tgphanoi.org)
(ảnh: http://2010.tgphanoi.org)
Nhà thờ Kẻ Sở
Được khởi công xây năm 1877, hoàn tất năm năm sau, tức vào năm 1882. Nhà thờ là một công trình kiến trúc đồ sộ: “Bốn hàng cột chia lòng nhà thờ thành năm gian dọc, dài 67m, rộng 31m, cao 23m, có thể chứa từ 4 đến 5 nghìn người, không có ghế. Cửa sổ lắp kính màu. Bàn thờ sơn son thếp vàng, vách cung thánh bằng gỗ chạm trổ tinh vi. Nhà thờ được xây trên một nền bằng gỗ lim”[3]. Nhà thờ Kẻ Sở ra đời do sáng kiến và dưới sự đốc thúc của Đức giám mục Puginier-Phước, cũng sẽ là người xây dựng nhà thờ Lớn Hà Nội sau này, nhưng đồng thời cũng là thành quả của cả cộng đồng dân Chúa: “Từ các nơi, người ta đổ tới góp công, lấy đá, lấy gỗ bên kia sông đem về, nung gạch, nung ngói, bắc giàn, đóng móng, nghĩa là làm hết các việc kể cả đẽo, đục, khắc, dưới sự điều khiển của Đức Cha”[4]. Nhà thờ được dâng kính Đức Maria.
Nhà thờ Kẻ Sở đã là nơi diễn ra các ngày lễ lớn, như lễ tấn phong các giám mục chánh và phó Địa phận Tây Đàng Ngoài-Hà Nội, - ĐGM Gendreau (1887), ĐGM phó Bigolet (1912), và ĐGM phó Chaize (1925), người kế vị ĐGM Gendreau năm 1935. Đây là dịp quy tụ lớn, như lễ tấn phong Đức Cha Gendreau (Đông), ngày 16-10-1887, theo sử sách ghi lại thì đã có 32 thừa sai, 43 linh mục, 200 chủng sinh và gần 20 nghìn giáo dân tới dự. Một con số khá lớn vào thời này.
Nhà thờ Kẻ Sở cũng là nơi an nghỉ của một số giám mục: Đức cha Retord (Đức cha Liêu), Đức cha Theurel (Đức cha Chiêu). Đức cha Puginier-Phước, tuy mất ở Hà Nội, nhưng linh cữu đã được đưa về an táng trong nhà thờ Kẻ Sở.
(ảnh: Đức cha Giuse Yến)
Công đồng Kẻ Sở
Kẻ Sở cũng còn lànơi họp Công đồng miền Đàng Ngoài lần thứ hai vào năm 1912. Công đồng đã do Đức giám mục Gendreau-Đông, với tư cách niên trưởng các giám mục, triệu tập theo thư đề ngày 16-7-1911, quy tụ 5 giám mục đại diện tông tòa và hai linh mục quyền đại diện tông tòa. Tham dự Công đồng này còn có một giám mục và mười linh mục khác được mời nhưng không được quyền biểu quyết. Công đồng Kẻ Sở nối tiếp công việc của công đồng Kẻ Sặt. “Trong công đồng này, chúng tôi cố theo sát những gì đã định đoạt trong công đồng thứ nhất, để Công đồng thứ hai này chẳng phải là một công đồng mới mà là bổ túc và diễn giải công đồng thứ nhất mà thôi”[5]. Công đồng đã xây dựng các điều khoản về nhân sự, về tài sản của địa phận, về các bí tích và về việc coi sóc bổn đạo. Các điều khoản này đã được Tòa Thánh phê duyệt. Công đồng Kẻ Sở như vậy đã góp phần củng cố sự phát triển của giáo hội.
Nhà in Kẻ Sở
Còn gọi là nhà in Ninh Phú, gốc là nhà in Kẻ Vĩnh chuyển qua, khi tòa giám mục được đặt tại Kẻ Sở thay vì tại Kẻ Vĩnh. Nhà in Kẻ Sở đã không chỉ in sách đạo mà còn in cả sách học, thuộc khoa học phổ thông như nhà in Tân Định tại Sàigòn, cũng vào thời điểm này. Năm 1900, Đức giám mục Gendreau, khi về châu Âu, đã mang theo một số sách của nhà in này để biếu bộ Truyền bá Đức Tin. Được biết, từ năm 1902, nhà in Kẻ Sở đã sử dụng hai kỹ thuật in, in chữ nôm và in chữ quốc ngữ theo mẫu tự la tinh. Nhà in Kẻ Sở đã tồn tại và hoạt động gần sáu chục năm, cho tới khi được chuyển về Hà Nội, năm 1929.
Về nơi cử hành lễ Khai mạc năm thánh mừng kỷ niệm năm mươi năm ngày thành lập hàng giáo phẩm giáo hội Công giáo ở Việt Nam hay hướng về Kẻ Sở trong những giờ phút long trọng này, người tín hữu Việt Nam hẳn sẽ có được cái cảm nghĩ mình đang thực hiện chuyến hành hương về với một trong những chặng đường phát triển của Công giáo ở Việt Nam.
–––––––––––––––––––––––––––
[1] Linh mục Trương Bá Cần, tác giả bộ Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, NXB Tôn giáo Hà Nội, 2008, tập II, trg. 488, viết: “Chúng ta cũng chưa tìm thấy một tài liệu nào hay dấu vết của một nghi thức nào đánh dấu việc di chuyển danh hiệu hiệu tòa và nhà thờ chính tòa từ Kẻ Sở về Hà Nội. Nhưng có lẽ việc di chuyển thực tế đã xảy ra rất sớm. Chắc chắn không phải chờ cho tới cuối năm 1924, là lúc Địa phận Tây Đàng Ngoài được lấy tên địa phương nơi có tòa giám mục làm tên địa phận, như các địa phận ở Việt Nam. Chúng ta biết rằng vị giám mục ở đâu thì tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở đó.” Năm dời 1933.
[2] Olichon, 98-99, trích theo Trương Bá Cần, sđd., trg. 560)
[3] Một số tác giả, Nhà thờ công giáo ở Việt Nam, kiến trúc - lịch sử, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, trg. 50).
[4] Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên, Lược sử Địa phận Hà Nội 1626 – 1954, 1994, trg. 410
[5] Xem TBC, sđd. tập II, trg. 731.
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền