Năm Thánh Linh Mục: phỏng vấn ĐTGM Mauro Piacenza

Năm Thánh Linh Mục: phỏng vấn ĐTGM Mauro Piacenza

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mauro Piacenza, Thư ký Bộ Giáo Sĩ về Năm Linh Mục

Ngày 19-12-2009 Năm Linh Mục do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khai mạc ngày 19 tháng 6 năm 2009, nhân kỷ niệm 150 năm thánh Gioan Maria Vianney cha sở thánh họ Ars qua đời, đã tiến hành được một nửa. Năm Linh Mục đã được cử hành trên thế giới với nhiều sáng kiến khác nhau, tùy theo hoàn cảnh của các Giáo Hội địa phương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Mauro Piacenza, Thư ký Bộ Giáo Sĩ, về việc cử hành Năm Linh Mục và kết qủa của nửa năm cử hành.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Piacenza, Năm Linh Mục đã tiến hành được phân nửa, Đức Cha có nhận xét gì về kết qủa của việc cử hành?

Đáp: Chúng tôi chỉ có thể khẳng định với rất nhiều hài lòng, vì thấy rằng từ mọi miền trên thế giới, từ các Hội Đồng Giám Mục cũng như từ từng giáo phận, có rất nhiều sáng kiến đã được đưa ra để cử hành Năm Linh Mục, nhất là các buổi cầu nguyện cho các linh mục, và các sinh hoạt đạo đức gắn liền với Năm Linh Mục. Mạng lưới lớn cầu nguyện cho các linh mục dần dần được đan dệt và thành hình, theo các kiểu và các thời gian mà Chúa Thánh Thần quyết định chứ không phải chúng tôi. Các giờ chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi được Bộ Giáo sĩ tỏ chức vào mỗi thứ năm đầu tháng tại đền thờ Đức Bà Cả quy tụ hàng giáo sĩ tu sĩ và giáo dân hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện cho các linh mục. Đây là một thí dụ và là một khích lệ tổ chức các “nhà tiệc ly cầu nguyện” với Mẹ Maria tương tự cho tín hữu khắp nơi trên thế giới.

Thật là điều tốt đẹp nếu trong mỗi giáo phận toàn thế giới hàng tháng đều có các buổi cầu nguyện như thế, và có một nơi chầu Mình Thánh Chúa liên lỉ cho ơn thánh hóa các linh mục.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đâu là các sinh hoạt quan trọng sắp tới được tổ chức trong Năm Linh Mục này?

Đáp: Ngoài các sinh hoạt phụng vụ với Đức Thánh Cha, mà chính ngài sẽ nhắc nhớ cho chúng ta biết, tôi đặc biệt nghĩ tới Lễ làm phép Dầu và lễ kỷ niệm Chúa Giêsu thành lập thiên chức linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Thế rồi trước mắt, theo thứ tự thời gian, có đại hội thần học quốc tế sẽ diễn ra trong các ngày 11-12 tháng 3 năm 2010 tại Đại học giáo hoàng Laterano. Đây là dịp đặc biệt thuận tiện giúp duyệt xét tình hình cử hành Năm Linh Mục, bằng cách tái nhấn mạnh trên tính cách thường hằng và bất biến của chức linh mục thừa tác, nhìn vào các tình trạng cụ thể và các dấu chỉ thời đại, trong đó các linh mục được mời gọi hằng ngày thi hành chức vụ của mình. Trong số các thuyết trình viên sẽ có các Hồng Y, Giám Mục, các thần học gia và các chuyên viên đến từ khắp nơi trên thế giới, để nói chuyện với các vị có trách nhiệm đào tạo hàng giáo sĩ của các Hội Đồng Giám Mục toàn thế giới về tham dự đại hội, cũng như với tất cả các Giám Mục và các chủ chăn đặc biệt nhậy cảm với các dề tài về chức Linh Mục thừa tác. Các đại học tại Roma cũng đang thừa nhận tính cách chuyên môn của đại hội và thu xếp để các sinh viên và chủng sinh tham dự đại hội có thể được hưởng ích lợi của những ngày dự đại hội và được kể như tham dự một môn học trong học trình đại học.

Vào tháng 6 sẽ có cuộc gặp gỡ quốc tế dành cho các linh mục toàn thế giới chung quanh Đức Thánh Cha để suy tư về các đề tài chính của cuộc sống linh mục, trong khung cảnh của một cuộc hành hương các đền thờ lớn là đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, đền thờ Đức Bà Cả và đền thờ thánh Phêrô trong các ngày mùng 9,10,11 tháng 6. Và cuộc gặp gỡ các linh mục quốc tế sẽ kết thúc với buổi canh thức Thánh Thể Linh Mục và thánh lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu bế mạc Năm Linh Mục, do Đức Thánh Cha chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô. Buổi canh thức theo tinh thần của Nhà Tiệc ly Giêrusalem xưa kia, khi các Tông Đồ quây quần chung quanh Mẹ Maria và Tông Đồ Phêrô cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Chúng tôi ước mong mọi giáo phận toàn thế giới cũng sẽ gửi phái đoàn đại diện do Đức Giám Mục giáo phận hướng dẫn về Roma tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế của các linh mục. Chúng tôi cũng ước mong có sự hiện diện của phái đoàn tất cả mọi hiệp hội đời sống thánh hiến do các bề trên tổng quyền hướng dẫn. Ngoài ra chúng tôi cũng chờ đón các chủng sinh và các tín hữu muốn bầy tỏ niềm tin nơi chức Linh Mục và sự ủng hộ của họ đối với các linh mục.

Hỏi: Thưa Đức Cha, liên quan tới bí tích Giải Tội hình như Tòa Thánh cũng sẽ chuẩn bị một tài liệu. Nhưng xem ra cuộc khủng hoảng mà bí tích Hòa Giải đang gặp phải vẫn kéo dài, có đúng vậy không?

Đáp: Vâng đúng thế. Hơn là một tài liệu về bí tích Giải Tội, đây là một loại ”Cẩm nang” dành cho các linh mục giải tội và các cha linh hướng. Nó phải giúp tái khám phá ra vẻ đẹp của việc cử hành bí tích Hòa giải đối với linh mục giải tội cũng như giáo dân lãnh bí tích này. Và nhất là nó chứng minh cho thấy một cách hiển nhiên liên hệ của bí tích Giải Tội với căn tính của linh mục, là người đã được Chúa Kitô giao cho nhiệm vụ tha tội cho tín hữu.

Theo tôi mỗi một linh mục, noi gương ngoại thường của Cha sở thánh họ Ars, mà Đức Thánh Cha đã đưa ra làm gương mẫu, phải và có thể ban bí tích Giải Tội mỗi ngày, và phải dành thời giờ và có chương trình xác định và thường hằng cho việc ban bí tích Hòa Giải cho tín hữu. Kinh nghiệm dậy cho chúng ta biết rằng, nếu linh mục ngồi tòa giải tội thường xuyên, với lòng khiêm tốn và trung thành, thì các hối nhân sẽ tới xưng tội. Cuộc khủng hoảng bí tích Hòa Giải cũng sẽ còn đấy, nhưng có lẽ đồng thời cũng phải ghi nhận rằng có qúa nhiều tòa giải tội trống, không có linh mục ngồi tòa. Vì thế cần phải nghĩ tới chuyện tổ chức và xàc định các ưu tiên cử hành bí tích Giải Tội thế nào để chúng có chỗ trong chương trình cứu chuộc, chứ không trong tương quan với các đòi hỏi tức thời mà thôi.

Hỏi: Thưa Đức Cha Thư ký Bộ Giáo Sĩ, trong tâm thức thông thường vị linh mục là người hiện diện tại chỗ bên cạnh dân chúng. Nhưng các cơ cấu mục vụ mới và con số các linh mục giảm sút còn có thể bảo đảm cho sự một hiện diện như thế nữa hay không?

Đáp: Việc tạo ra các cơ cấu mục vụ mới đôi khi cần thiết, như các ”đơn vị mục vụ”, có thể đáp ứng một nhu cầu cụ thể là bảo đảm cho một việc phục vụ nào đó, cả trong các điều kiện thiếu thốn linh mục. Và ở đâu nó được sống với sự quân bình và tinh thần trách nhiệm, nó cũng có thể kéo theo sự triển nở của các cộng tác sinh động giữa các linh mục với nhau và giữa các linh mục và giáo dân. Tuy nhiên trong các tình trạng như vậy, cần phải luôn luôn duy trì hai yếu tố: một đàng là vai trò của vị linh mục như là người đầu tiên có trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho ngài, trong sự hiệp thông với Đức Giám Mục - chứ không tùy thuộc các linh mục khác; đàng khác là sự gần gũi và có thể tới được với linh mục từ phía các giáo dân, mà không có qúa nhiều hàng rào ngăn cách hay các thanh lọc ”mục vụ”, vì các thanh lọc ấy chỉ có tên mục vụ, vả lại gọi chúng là mục vụ là điều không thích hợp. Vượt ngoài mọi cơ cấu, dân Chúa cần vị linh mục, cần lời nói, cần sự an ủi và gần gũi của linh mục diễn tả sự gần gũi của chính Chúa Kitô.

Hỏi: Nhưng mà thưa Đức Cha, trong tình trạng thiếu thốn linh mục như hiện nay, làm thế nào để có thể thực hiện được điều đó? Bộ Giáo Sĩ có các tin tức nào mới liên quan tới các ơn gọi linh mục hay không?

Đáp: Dấu chỉ đầu tiên của việc canh tân ơn gọi và cuộc sống linh mục đó là một ý thức và sự trung thành lớn hơn đối với căn tính linh mục của mình, có thể nhận ra một cách rõ ràng, qua sự hiện diện tại chỗ của vị linh mục bên cạnh các người khác trong mọi hoàn cảnh sống của họ: từ trường học cho tới nhà thương, từ đại học cho tới các nhà tù vv... Chiếc áo linh mục cũng rất quan trọng, nó quan trọng hơn điều người ta thường tưởng nghĩ nhiều. Trước hết nó cho phép vị linh mục không che dấu hay tự biến mình giống với người khác, rồi nó cũng cho phép mọi người nhận biết vị linh mục một cách dễ dàng hơn và nó chứng minh cho thấy linh mục luôn luôn phục vụ và phục vụ tại khắp mọi nơi.

Các ơn gọi nở hoa từ ý thức rõ ràng về căn tính linh mục và về quyền tối thượng, từ chỗ nhất dành cho Thiên Chúa, được biểu lộ ra ngoài bằng việc canh tân sức mạnh của lời cầu nguyện, đặc biệt là trong việc thờ lậy Mình Thánh Chúa để cầu nguyện cho ơn gọi. Chúa luôn luôn mời gọi và sự mời gọi tương ứng với các nhu cầu của Giáo Hội. Ơn gọi hay các lời mời gọi của Chúa thì luôn có đó, nhưng cần phải biết lắng nghe để cảm nhận được tiếng Chúa gọi. Nhưng để có thể lắng nghe tiếng Chúa gọi, cần phải có thái độ biết thinh lặng nội tâm. Cần phải ”nghe” và ”trông thấy”. Tạo dựng các cơ cấu mục vụ mới là điều hợp pháp và có thể đáp ứng tạm thời một tình trạng khẩn cấp, nhưng nó không bao giờ được phép làm suy yếu công tác mục vụ ơn gọi. Và trong nền tảng, mục vụ ơn gọi được nuôi dưỡng bằng việc gặp gỡ các ”linh mục thánh thiện”. Cũng không thể nghĩ rằng trong tương lai sẽ đến lúc có thể làm mọi sự mà không cần tới các linh mục. Lý do đơn sơ là vì không có linh mục thì cũng sẽ không còn có Giáo Hội của Chúa Kitô, và suối nguồn ơn thánh cửu độ sẽ không tuôn chảy nữa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top