Năng lượng mới cho vùng Trung Đông với việc phong Chân phước cho một người bản xứ

Năng lượng mới cho vùng Trung Đông với việc phong Chân phước cho một người bản xứ

Một nữ tu sinh quán tại Giêrusalem đã thành lập một dòng tu địa phương

WGPSG-- NAZARETH, NGÀY 25/11/2009 (Zenit.org).- Theo văn phòng Toà Thánh Vatican, việc phong Chân phước cho vị sáng lập của một dòng tu, sinh quán tại Giêrusalem, là một động lực cho các Kitô hữu vùng Đất Thánh giữ vững lòng tín thác nơi Mẹ Maria.

Đức Tổng Giám mục Angelo Amato đã phát biểu như vậy ngày Chúa nhật vừa qua khi chủ sự lễ phong chân phước cho Á Thánh Marie Alphonsine Danil Ghattas (1843-1927).

Các tín hữu từ khắp vùng Đất Thánh, gồm cả Jordan và Syria, đến đầy chật Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin tại Nazareth để tham dự lễ phong chân phước cho vị nữ tu người Palestine này.

Chủ sự thánh lễ là ngài Fouad Twal, Thượng phụ Giáo chủ Latinh tại Giêrusalem.

Sinh năm 1843 tại Giêrusalem, nhũ danh Soultaneh Maria, vị nữ tu này đã thành lập Dòng Nữ Tu Mẹ Rất Thánh Mân Côi Giêrusalem là dòng bản xứ duy nhất vùng Đất Thánh. Ngài qua đời tại Ain Karem vào 25/3/1927.

Đức TGM Amato đặc biệt nhấn mạnh hoạt động của các nữ tu này là nhằm “nâng cao phẩm giá và sự cao quý của người phụ nữ hơn nữa.”

Ngài nói sự thánh thiện của vị Á Thánh cho thấy Phúc Âm đã bén rễ sâu như thế nào trên quê hương Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đức TGM còn nói: “Á Thánh [Marie Alphonsine] đã dành một tình yêu đặc biệt cho mảnh đất này, quê hương của ngài, một mảnh đất đã được Chúa Giêsu chúc phúc. Đối với ngài, Thánh gia Nazareth chính là gia đình ngài, và Mẹ Maria là Mẹ ở trên trời của ngài.”

Văn phòng Toà thánh Vatican nói thêm: Á Thánh không chỉ là “một chứng nhân đáng tin cậy của Phúc Âm”, mà còn là “niềm vinh dự cho Giáo hội Công giáo và là viên ngọc báu trên quê hương cao quí của Chúa Giêsu.”

Và Đức TGM cầu xin sao cho lễ phong chân phước của Á Thánh sẽ đem lại một một động lực mới cho Giáo hội địa phương để Giáo hội này “tiếp tục tín thác vào Chúa Quan Phòng và vào sự bảo trợ hữu hiệu của Mẹ Maria, người Mẹ không bao giờ bỏ mặc con cái mình.”


Minh chứng Phúc Âm

Trong bài giảng, Thượng phụ Twal nói Mẹ Marie Alphonsine “là một dung mạo sáng giá, gốc Ả Rập ngay tại Giêrusalem, một minh hoạ tuyệt vời cho Phúc Âm Chúa Kitô.”

Thượng phụ cũng nói về việc Á Thánh Marie Alphonsine đã được Đức Trinh Nữ Maria bao phen thăm viếng như thế nào, và đã được Mẹ yêu cầu thành lập “một Dòng tu địa phương cho các nữ tử quê hương của Mẹ và sẽ mang tên là Dòng Nữ tu Mân Côi.”

Thượng phụ còn nói Dòng Mân Côi “đã, đang và sẽ là cánh tay phải đắc lực của Lãnh phận Thượng phụ Latinh trong các trường học, giáo xứ và học viện. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, các linh mục thuộc Lãnh phận Thượng phụ Latinh và các nữ tu Dòng Mân Côi đã và đang cùng nhau làm chứng cho Phúc Âm trong giáo phận và ở các nước khác thuộc khối Ả Rập.”

Thượng phụ nhấn mạnh rằng thái độ thầm lặng “là một biểu hiện của sự thánh thiện sâu thẳm và đức khiêm nhường lạ thường của Á Thánh.”

Ngài kết luận: “Một cuộc sống không có thánh giá và không có đau khổ là điều không tưởng.”


Từ Rôma

ĐGH Bênêđíctô XVI cũng nói về Á Thánh Marie Alphonsine trước khi ngài đọc Kinh Truyền Tin ngày Chúa nhật với đông đảo dân chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô.

ĐTC nói rằng Mẹ Ghattas có công thành lập “Dòng tu duy nhất dành cho phụ nữ trong vùng, với mục đích giảng dạy giáo lý, xoá nạn mù chữ và cải thiện các điều kiện sống của người phụ nữ mà chính Chúa Giêsu đã đề cao phẩm giá vào thời của Người trên vùng đất này.”

ĐTC khẳng định: “Lễ phong chân phước cho người phụ nữ hết sức nổi bật này là một sự khích lệ cho cộng đồng Công giáo vùng Đất Thánh và là một lời mời gọi luôn tin tưởng, với niềm hy vọng vững chắc, nơi Chúa Quan Phòng và dưới sự bảo trợ từ mẫu của Đức Maria.”

Mẹ Marie Alphonsine là vị Á Thánh thứ hai của Palestine trong thời hiện đại, sau Mẹ Mariam Bawardi (1846-1878), một tu sĩ Dòng Carmel của Giáo hội Hy Lạp-Melkite, được phong chân phước vào năm 1983. Tuy nhiên, Á Thánh Marie Alphonsine là người đầu tiên được tôn phong trong Lãnh phận Thượng phụ Giêrusalem, theo nghi lễ mới do ĐGH Bênêđictô XVI đề ra.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top