Ngày 02/02: Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (+video)
ĐỨC MẸ DÂNG CON VÀO ĐỀN THÁNH
Lc 2,22-40
“Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh,
dành cho Chúa” (Lc 2,23)
Câu chuyện chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện rất đẹp về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Qua câu chuyện này, một lần nữa, chúng ta lại có dịp hiểu thêm về một vài khía cạnh đặc biệt trong cuộc đời của Ngài.
1. Qua câu chuyện hôm nay rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn được trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta. Trong thư gửi Tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã viết rất hay về vấn đề này. Ngài viết như sau: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các Thiên Thần, nhưng là con cháu Apraham. Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa để đền tội cho dân” (Dt 2,1617).
Chúng ta khó có thể tìm thấy một diễn tả nào về Chúa Giêsu-làm-người hay hơn thế.
Như anh chị em đã biết Chúa đến với loài người chúng ta là để cứu chuộc con người chúng ta. Chúa đã không muốn thực hiện công việc cứu chuộc này từ xa. Để làm công việc này, Chúa đã làm người. Thánh Gioan đã viết: “Ngài đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14)
Một Thiên Chúa cao cả, linh thiêng, đã nhận lấy một thân xác như mọi người chúng ta. Nguyên việc này thôi thì tôi tưởng cũng đã là một việc kỳ diệu rồi. Thế nhưng Chúa chưa muốn dừng lại ở đó. Nhận lấy một thân xác để được ở giữa loài người như một người, Chúa Giêsu vẫn chưa lấy làm đủ. Người còn muốn đi xa hơn như lời Thánh Phaolô nói, Người muốn trở nên giống mọi người trong mọi sự... “chỉ trừ tội lỗi”
Bài Tin Mừng hôm nay nói Chúa Giêsu được dâng tiến lên Thiên Chúa theo luật của Môise. Thực ra thì việc này là bổn phận của Đức Maria và thánh Giuse. Theo nghĩa vụ thì Thánh Giuse và Đức Mẹ phải làm như thế. Theo luật Môise cũng là tục lệ của người Do thái, thì những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là bà mẹ phải làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù Đức Maria và thánh Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng các ngài cũng vẫn chu toàn mọi lề luật: Như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa” (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể chuộc lại bằng cách dâng cúng của lễ như luật định.
2. Bên cạnh đó bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng thấy những bài học khác cũng không kém quan trọng. Tôi muốn nói đến sự vâng phục và lòng khiêm nhường, đặc biệt của Đức Maria.
Sự vâng phục thánh ý Chúa là một trong nét đẹp trong đời sống của Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài đã thể hiện sự vâng phục này ngay từ khi các ngài được Chúa trao cho trách nhiệm cộng tác với Thiên Chúa trong việc thực hiện công cuộc cứu chuộc loài người. Thánh Giuse đã vâng phục thế nào thì mọi người chúng ta đã biết.
Còn với Đức mẹ Maria thì chúng ta thấy: Mẹ Maria đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng và rực rỡ hơn rạng đông, nhưng Mẹ đã tuân hành giữ luật của Thiên Chúa một cách thật hoàn hảo. Mẹ giữ luật vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Mẹ đã lên đền làm lễ dâng con và thanh tẩy. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Rất Thánh Trinh Nữ tự ý tuân giữ luật thanh tẩy vì Mẹ yêu mến và kính trọng Thiên Chúa. Mẹ hay Con Mẹ không buộc phải vâng phục, nhưng vì tình mến làm cho Mẹ tuân giữ. Mẹ tuân giữ luật để làm gương cho những người khác”.
Thêm vào đó chúng ta còn thấy được nơi Đức Mẹ một tấm gương khác về lòng khiêm tốn
Chúng ta biết, dù được mọi đặc ân vượt mức trên mọi thụ tạo, Mẹ Maria vẫn hạ mình thẳm sâu dưới mọi tạo vật: Mẹ xao xuyến bối rối trước lời chào tán tụng của Thiên sứ Gabriel (Lc 1,29), và nhận mình là phận nữ tỳ thấp hèn của Chúa (Lc 1,48). Cả cuộc sống Mẹ Maria được dệt bằng đức khiêm tốn, nhất là từ ngày thiên sứ truyền tin qua ngày Mẹ thăm viếng thánh Elizabeth tới ngày Mẹ dâng Con trong đền thờ. Thánh Phanxicô Salesiô nói: “Cao sâu biết bao sự khiêm tốn mà Chúa chúng ta và Mẹ Maria đã thi hành khi lên đền thờ: Chúa đến đền thờ để được hiến dâng như tất cả các con trẻ của những người tội lỗi. Mẹ Maria đến để làm lễ thanh tẩy như tất cả các bà mẹ phàm trần. Cần gì mà Mẹ phải thanh tẩy, vì Mẹ đã không bị ô nhiễm do đặc ân tuyệt diệu từ lúc đầu thai mà các thần Cherubim và các Seraphim không tài nào sánh ví”. Vậy mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn làm như thế.
Mẹ đã làm thế bởi vì
Mẹ thực sự nhận biết được Thiên Chúa là Đấng cao cả và biết mình chỉ là một thụ tạo thấp hèn.
Chúng ta hãy tập sống khiêm tốn như Đức Mẹ để được luôn xứng đáng với tình thương của Chúa.
Đức cố Giáo Hoàng Gio-an 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gio-an, đừng tự xem mình là quan trọng!”
Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng!
Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, triền đồi. Đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, những chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi...
Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:
- Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói: “Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!”
Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói:
- Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất.
Lạy Mẹ Maria đầy lòng khiêm nhu, xin uốn lòng mỗi người chúng con nên giống Mẹ. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)