Ngày 05/07: Thánh Antôn Maria Zaccaria, linh mục (1502-1539)

Ngày 05/07: Thánh Antôn Maria Zaccaria, linh mục (1502-1539)

Ngày 05/07: Thánh Antôn Maria Zaccaria, linh mục (1502-1539)

Ngày 5 tháng 7
THÁNH ANTÔN MARIA ZACCARIA - LINH MỤC

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh Antôn Maria Giacaria sinh năm 1502 tại Grêmôna, cha Ngài mất sớm, mẹ Ngài, người góa phụ trẻ 18 tuổi không còn biết tới hạnh phúc nào hơn trên trần gian là đào tạo tâm hồn người con nhỏ của mình. Thấy con thích làm việc hơn là chơi giỡn và biết kiên trì hy sinh hãm mình, bà rất mừng rỡ, chính bà cũng phát huy tình bác ái đối với người nghèo khổ, làm gương cho con.

Thành Grêmôna nơi Antôn sinh trưởng vừa mới hết chiến tranh. Sau cuộc chiếm đóng của người Pháp, dân thành lại phải chiến đấu với Ludorse Sforza. Tình cảnh thật khốn khổ. Ngày kia trên đường về học, cậu bé Antôn đã cởi tấm áo thêu của mình cho người nghèo mặc. Thấy vậy, người mẹ đã âu yếm ôm con vào lòng. Từ đó Antôn xin cho con được ăn mặc bình thường, có khi còn nhịn phần ăn cho người nghèo nữa.

Thân mẫu Antôn đã chọn cho Ngài những bậc thầy nổi danh về văn chương Hy lạp và Latinh. Vào tuổi 15, Antôn đã theo môn triết học ở Pavie, rồi lại theo đuổi y học ở Padua. Ở đại học người ta chế nhạo nếp sống nghèo khó của Ngài. Tốt nghiệp phải cấp bằng tiến sĩ ưu hạng, Ngài được rất nhiều khách hàng tín nhiệm. Nhưng đây lại là thời Luthênô nổi dậy. Antôn bỏ nghề thuốc để theo môn thần học.

Antôn Giacaria bắt đầu tụ tập trẻ em lại, Ngài nói cho chúng nghe về các chân lý cao trọng. Cha mẹ chúng cũng thường tới nghe dạy. Họ nói :

 - Nào chúng mình đến nghe thiên thần của Chúa.

Tay cầm thánh giá, thánh nhân rảo qua khắp các đường phố nói về ơn cứu chuộc và việc thống hối. Nơi nào bị chế nhạo, bị sỉ nhục, Ngài càng năng lui tới hơn.

Năm 1528, lúc được 26 tuổi, Antôn được thụ phong linh mục. Ngài đến ở Milan, thăm viếng các người đau khổ trong các nhà thương, nhà tù, nơi các xóm nghèo. Các nghĩa cử Ngài làm đã mang lại cho Ngài danh hiệu "người cha dân tộc". Ngài ngồi tòa hàng giờ để phục sinh các linh hồn. Ngài chống lại phái thệ phản và đối đầu với bất cứ ai muốn tấn công đức tin tinh tuyền. Cha Antôn có hai người bạn tông đồ là Mariggia và Ferrari. Đức giáo hoàng truyền cho các Ngài lập một hội dòng mới, các tu sĩ dòng thánh Phaolô. Các Ngài được trao cho việc coi sóc thánh đường thánh Barnaba, nên người ta gọi các Ngài là các cha Barnabê.

Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh:

- "Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác".

Ngài dạy họ phải làm quen với những phỉ báng khinh miệt nhưng không làm như vậy được nếu không hướng trọn ý tưởng về với Chúa, và nếu kinh nguyện chưa nên của ăn nuôi sống linh hồn. Các linh mục và cả hàng giáo sĩ đã bắt đầu. Chiều về anh em họp nhau lại để thú tội. Thánh nhân còn dẫn anh em rảo qua đường phố bằng cách vác Thánh giá mà rao giảng. Họ còn tự động cột dây vào cổ, làm những việc nặng nhọc trong khi một số khác đi ăn xin cho người nghèo.

Thấy vậy, nhiều người thống hối và cải thiện đời sống. Thánh Antôn còn cổ động lòng sùng kính Thánh Thể khuyên năng rước lễ hơn. Thời đó người ta chỉ rước lễ một hai lần trong năm. Trước sự đổi mới này, nhiều người coi sự nhiệt thành của Ngài là cuồng tín dị đoan. Thánh nhân vẫn an lòng và cảm nghiệm điều Ngài thường nói :

- Bạn sẽ được thấp nhập vào Chúa đến độ không còn lo tưởng đến những sự trên thế gian này nữa.

Năm 1530, Ngài giúp nữ công tước Torelli thành lập một hội dòng nữ. Đức giáo hoàng Phaolô III đã chuẩn y hội dòng này và đặt tên là "Dòng chị em các thiên thần".

Năm 1536, cha Antôn Giacaria từ chức bề trên nhà dòng mà Ngài đã giữ từ đầu để đi truyền giáo. Ngài rao giảng Phúc âm và giải hòa các cuộc tranh chấp. Công việc thật bề bộn, không thể lường trước được, dầu vậy thánh nhân vẫn trung thành với tác vụ, các cuộc tĩnh tâm và thư tín.

Tuy nhiên lần này, tại Guastalla, thánh nhân đã kiệt sức. Xa các môn sinh, Ngài lui về với thân mẫu. Bà khóc lóc khi thấy con. Nhưng Antôn nói :

- Mẹ ơi ! Mẹ đừng khóc nữa. Chẳng bao lâu rồi mẹ cũng được vui mừng với con trong vinh quang bất tận mà bây giờ con đang tiến vào.

Ba giờ chiều ngày 5 tháng 7 năm 1539, linh mục trẻ 36 tuổi Antôn Maria Giacaria thở hơi cuối cùng trong tay mẹ hiền.

Đức Thánh Cha Lêô XIII đã cất nhắc Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1807 vì lòng nhiệt thành truyền giáo và tinh thần cầu nguyện vượt bậc của Ngài.

II. BÀI HỌC

Nhìn vào cuộc đời của thánh Antôn Maria Giacaria, người ta thấy chẳng có gì là cao cả siêu phàm và độc đáo như một số các vị thánh khác.

Con đường nên thánh của ngài là con đường Chúa đặt ra cho mọi người.

Đó là chu toàn công việc Bổn phận của mình. Làm bổn phận là đường lối tu đức chắc chắn nhất. Nhiều người bày vẽ một lối tu đức rắc rối, rồi phàn nàn là khó! (ĐHV 999)

Các thánh chỉ làm bổn phận mình, theo ơn Chúa ban cho mỗi người. Thánh Giuse và Mẹ Maria không làm gì khác hơn là chu toàn bổn phận âm thầm, khiêm tốn mỗi ngày, nói được là bổn phận tầm thường hơn nhiều người trong chúng ta nữa.

Chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ lo làm việc nội trợ trong nhà kín như các chị em khác.

Thánh Isiđôrô cứ đi cày như các nông dân khác.

Thánh Gioakim và Anna là cha mẹ gia đình vất vả như cha mẹ của mọi gia đình khác.

Thánh Gioan Vianney chỉ ngồi toà giải tội như bất cứ một Linh mục nào khác. Có Linh mục nào mà giải tội không được đâu! Như cha Vianney rất ý thức về bổn phận cao cả của ngài và đã chu toàn một cách rất tuyệt hảo, mặc dầu ngài dốt đặc. Trước ngài ngồi toà mỗi tuần ít giờ, dần dần mỗi ngày ít giờ, rồi sau cùng, suốt mấy chục năm cuối đời, ngồi toà giải tội mỗi ngày 18 giờ. Ngài chỉ làm chừng ấy thôi mà ma quỷ cũng phải thét lên: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao phải bó tay thất nghiệp”,

Thánh Bonaventura (1221-1274) trước khi làm Hồng Y coi sóc giáo phận, đã làm Bề Trên Cả điều khiển Dòng Phanxicô. Ngài có tiếng là rất thông minh xuất chúng, viết nên nhiều tác phẩm lừng danh, nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị.

Một hôm, thầy nấu bếp xin gặp ngài với nét mặt thật thê lương ảm đạm, thầy trình bày:

- Thưa cha, mấy lâu nay con buồn quá nhưng vẫn cứ ấp ủ mãi trong lòng. Đến hôm nay, con mới bạo dạn xin phép gặp cha để nhờ cha giải quyết nỗi lo âu cho con.

- Cha sẵn sàng giúp con, con cứ tự nhiên trình bày mọi chuyện.

- Thưa cha, con trộm nghĩ: thông thái thời danh như cha thì thật là hạnh phúc. Vì nhờ đó cha có thể yêu mến Chúa, phụng sự Chúa, và sau lên thiên đàng dễ dàng hơn, ngồi gần Chúa hơn!,.. Nghĩ lại phận con là một tên đầu bếp rất hèn, con cảm thấy quá buồn tủi! Không biết rồi đây có được lên thiên đàng hay không, thấy được sự vinh hiển Chúa hay không, có gần gũi Chúa như cha được không!

- Ồ, con đừng nghĩ thế! Chúa chẳng bao giờ đòi hỏi sự thông thái thời danh cả. Chúa chỉ sợ con không mến Chúa trong các công việc bổn phận tầm thường hằng ngày của con thôi?

- Vậy dốt như con cũng có thể yêu mến Chúa như cha Bề Trên Cả sao?

- Đúng thế!

- Mấy bà ngoài chợ cũng thế sao?

- Dĩ nhiên rồi! Miễn là mấy bà dâng cho Chúa mọi công việc!

Nghe đến đây thầy đầu bếp trẻ không còn đè nén được niềm phấn khởi. Không kịp chào Bề Trên Cả, thầy vội chạy ra khỏi phòng, leo lên thành, chảy xuống đường, lao ra đường  phố chợ và la lên:

- Anh chị em ơi! Các bà bán hàng ngoài chợ ơi! Tôi báo cho anh chị em một tin rất vui mừng, anh chị em có thể nên thánh như cha Bề Trên Cả của chúng tôi đấy.

Thầy vừa chạy vừa la lớn tiếng như điên, quanh cả phố chợ. Người ta thật khó mà nhận ra thầy vì thầy chạy quá nhanh, nhưng giọng nói của thầy thì ai cũng nghe:

- Cứ làm bổn phận tầm thường vì mến Chúa thì sẽ nên thánh cả. Chính cha Bonaventura mới cho tôi biết như thế! Mừng quá? Vui quá! anh chị em ơi.

Top