Ngày 17/09: Thánh Rôbertô Bellarminô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ngày 17/09: Thánh Rôbertô Bellarminô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ngày 17/09: Thánh Rôbertô Bellarminô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ngày 17 tháng 9
THÁNH RÔBERTÔ BELLARMINÔ,
GIÁM MỤC TIẾN SĨ HỘI THÁNH

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Chúng ta có rất nhiều điều để nói về vị thánh Tiến sĩ này của Hội Thánh. Tuy nhiên trong giới hạn của một bài Suy niệm, chúng ta chỉ có thể đề cập đến những điểm nổi bậc nhất.

Châm ngôn thường nói: “Cây tốt, sinh trái tốt. Cây xấu, sinh trái xấu”. Ðiều đó hiển nhiên như ánh sáng mặt trời. Thánh Rôbertô là hoa quả tốt tươi của những người đã sinh thành ra ngài. Người ta có thể nói về Ngài mà không ngượng: “Thánh nhân là của quí Thiên Chúa ban tặng cho đất nước Ý Ðại Lợi “.

Rôbertô, Ngài Là Ai Vậy?

Rôbertô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1541 tại Montepuciano nước Ý Ðại Lợi trong một gia đình đạo đức và thánh thiện. Mẹ Ngài là Cynthia Cervin, chị ruột của Ðức Giáo Hoàng Marcellô II. Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân đã tỏ ra là một cậu bé đạo đức, hiền lành, khiêm nhượng và đơn sơ. Vốn thông minh sẵn có, thánh nhân đã rất thành đạt trong việc học vấn. Lên 18 tuổi, Ngài xin gia nhập Dòng Tên ở La Mã

Ngài được nhận vào Dòng Tên và được gửi đi du học ở Louvain vào năm 1569. Rôbertô đã được thụ phong linh mục ngay sau khi mãn học ở Louvain. Với trí thông minh, với vốn học vấn uyên thâm, Ngài đã được chọn làm giáo sư ngay tại đại học Louvain trong 6 năm liên tiếp. Trong thời gian làm giáo sư đại học, Ngài đã tổ chức nhiều cuộc tranh luận về đủ mọi đề tài và bao giờ Ngài cũng giải đáp các vấn đề ấy một cách rõ ràng và thỏa đáng. Ngài được cử làm giám tỉnh Dòng Tên ở Naples. Năm 1596, Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV phong làm Hồng Y, nhưng vì lòng khiêm nhượng, Ngài không mang sắc phục Hồng Y. Năm 1602, Ngài được phong chức giám mục.

Bất cứ giữ chức vụ nào, ở trong cương vị nào, thánh nhân cũng hoàn thành xuất sắc công việc được Bề Trên trao phó. Ngài giảng giải rõ ràng Tin Mừng của Chúa, bố thí và củng cố đức tin, tinh thần đạo đức cho mọi giới trong Giáo Hội. Thánh nhân được đề cử giữ nhiều chức vụ trong bộ truyền giáo và lễ nghi. Ngài phải đương đầu với nhiều cuộc tranh luận về quyền bính của Ðức Giáo Hoàng và về tín điều Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Thánh nhân đã viết rất nhiều sách có giá trị về tu đức.

Ngài qua đời tại Rôma ngày 17.9.1621. Theo di chúc, ngài xin được chôn cất trong lễ phục của linh mục, và tổ chức lễ an táng đơn sơ như một người bé nhỏ nhất trong Dòng. Tuy nhiên Đức Thánh Cha bắt phải cho ngài mặc phẩm phục hồng y và tổ chức đám tang thật long trọng. Thế là dù đã chết, ngài vẫn phải vâng lời! Ngài cho thấy được cả hai mặt của Dòng Tên: vừa là môn đệ của Chúa Giê-su nghèo khó và khiêm tốn, vừa là người con tận tụy và vâng lời Hội Thánh.

Ngài được Đức Thánh Cha Piô XI tuyên thánh năm 1930 và Ðức Thánh Cha Benoit XV đã phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1930.(Tổng hợp)

II. SỨ ÐIỆP THÁNH RÔBERTÔ ÐỂ LẠI CHO MỌI NGƯỜI

Có hai sứ điệp mà thánh Rôbertô muốn để lại cho mọi người

1. Trước hết là con đường canh tân Giáo Hội

Thánh Bellarmino giảng dạy một cách thật rõ ràng và cùng với kinh nghiệm sống động từ cuộc sống của chính mình, thánh nhân đã quả quyết rằng rằng không thể có một cuộc canh tân thực sự nào của Giáo Hội, mà trước tiên không có cuộc canh tân chính con người chúng ta và cuộc sám hối của trái tim chúng ta.

Quả đúng như vậy! Chúng ta tự hỏi:Tại sao người Công giáo chưa canh tân được Hội Thánh và thế giới?

Chúng ta nên suy nghĩ những lời sau đây của một cán bộ Cộng sản viết trong báo “Tự do” xuất bản tại Fribourg, Thụy Sĩ:

“Phúc âm là một lợi khí mạnh mẽ để canh tân xã hội hơn những nguyên tắc Mác xít của chúng tôi; nhưng dù vậy sau cùng chúng tôi sĩ là người chiến thắng.

“ Vì tuỳ chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ, trong khi các anh, những người Công giáo, các anh có cả mấy trăm triệu người. Nhưng các anh chỉ sống theo danh từ, còn chúng tôi, những người cộng sản, chúng tôi hết sức thực tế. Chúng tôi quyết định phải đạt đến mục đích nên chúng tôi biết tìm những phương thế để đạt đến mục đích đó.

“Những quyền lợi và đồng lương, chúng tôi chỉ giữ một phần cần thiết, và chúng tôi hy sinh phần còn lại để bỏ vào việc truyền bá chủ nghĩa.

“Chúng tôi cũng để tất cả thời giờ nhàn rỗi và một phần những ngày nghỉ việc dành cho công cuộc truyền bá chủ nghĩa

“Nhưng các anh, trái lại, các anh chỉ để một thời giờ hẹp hòi và một chút ít tiền của trong việc phổ biến Phúc âm của các anh.

“Ai sẽ đi vào những giá trị cao siêu của Phúc âm nếu chính mình các anh không sống theo đó. không tuyên truyền nó, nếu các anh quá hẹp hòi trong việc sử dụng thời giờ và tiền bạc?

“Các anh hãy tin đi, chúng tôi sẽ thắng, bởi vì chúng tôi rất tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng sản của chung tôi và chúng tôi đang sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả tính mạng của chúng tôi để cho công bằng xã hội được thiết lập.

“Còn các anh, các anh sợ phải bẩn tay”

Canh tân là trở về nguồn. Công thức Canh tân: Làm cho người Công giáo trở lại đạo Công giáo. Làm cho người Kitô hữu trở lại với Chúa Kitô. Mới nghe, xem ra chúng ta có vẻ ngạc nhiên, nhưng ngẫm nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy đúng như vậy.

Một câu nói của thánh Gandhi nhiều khi khiến ta suy nghĩ. “Tôi mến Chúa Kitô nhưng tôi không yêu người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô”. (ĐHV 634)

Như vậy mỗi ngày chúng ta phải “Phúc âm hoá lại” trí óc và quả tim chúng ta bằng cách đọc, suy ngắm, say sưa uống lấy lời hằng sống để từ từ Phúc âm thấm nhuần sâu xa vào mọi tế bào, mọi thớ thịt của chúng ta, đó là canh tân, cách mạng chắc chắn nhất. (ĐHV 650)

2. Tiếp theo là xác tín về Thiên Chúa.

+ Nhìn vào cuộc đời thánh thiện của thánh giám mục Robertô, nhân loại như nhận ra rằng: thánh nhân đã sống hết mình với bổn phận, trong mọi chức vụ, ở mọi cương vị, thánh nhân đã đem hết tài sức để phục vụ mọi người. Ngài muốn nói với nhân loại: chỉ có tình yêu mới làm được mọi sự . Thánh nhân đã làm mọi sự vì tình yêu, vì sáng danh Chúa. Ngài đã để lại nhiều sách tu đức rất có giá trị . Với những tư tưởng rút ra từ Phúc Âm, với lòng trung thành với giáo lý chân chính của Chúa Kitô, thánh nhân đã nhắc nhở nhân loại: “Hãy gắn bó với Chúa, hãy học hỏi nơi Chúa và chỉ nơi Chúa, nhân loại mới tìm được sự an bình và hạnh phúc”.

Thành phố Priène ở Tiểu Á vừa mới bị quân địch tràn ngập và đánh cướp bóc. Dân thành phố cố gắng thu xếp những đồ vật quí giá nhất và nhanh chân chạy trốn. Chỉ có nhà khôn ngoan Bias vẫn tiếp tục bình thản đi trên đường với hai tay không. Trên người ông chỉ có chiếc áo dài, chiếc áo khoác và đôi giày. Ông đang đi, thì gặp một người trong số các bạn bè của ông đang đẩy xe kéo theo mình đủ thứ đồ vật quí giá.

- Bias! -người này la lớn- Anh giàu hơn tôi, nhưng bây giờ anh nghèo hơn tôi rồi!

Ngay lúc ấy bỗng xuất hiện những người lính hôi của, và chỉ trong nháy mắt, họ đã chiếm hết tất cả những gì anh ta mang theo, rồi biến mất. Bias bèn cười và nói với bạn:

- Hãy làm như tôi, anh bạn yêu mến! Tôi không bao giờ cầm những vật mà người ta có thể đánh cắp mất trong chốc lát. Tôi tích lũy một kho tàng mà không ai có thể lấy của tôi được và tôi đem nó theo ra ngoại quốc!

- Anh đem theo trong người một kho tàng ư?

- Vâng, một kho tàng quí hơn tất cả vàng bạc của Priène nữa!

- Anh có thể chia sẻ cho tôi chút ít, vì bây giờ tôi đã trở thành kẻ trắng tay không?

Chàng khôn ngoan trả lời ngay, miệng vẫn luôn tươi cười:

- Anh có thể lấy hết tất cả, nếu anh muốn, bởi vì điều này cũng chẳng làm tôi nghèo hơn đâu. Kho tàng ấy là lòng yêu mến, hiểu biết và nhân đức!

Top