Ngày 25/05: Thánh Maria Mađalêna Pazzi (1566-1607)

Ngày 25/05: Thánh Maria Mađalêna Pazzi (1566-1607)

Ngày 25/05: Thánh Maria Mađalêna Pazzi (1566-1607)

Ngày 25 tháng 5

Thánh Maria Mađalêna Pazzi (1566-1607)

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Thánh Mary Magdalene thành Pazzi (hay Maria Magdalena de Pazzi; sinh ngày 2 tháng 4 năm 1566 mất ngày 25 tháng 5 năm 1607) là một nữ tu dòng Cát Minh và sau này là một vị Thánh của Giáo Hội Công giáo.

Mary Magdalene sinh ra trong một gia đình quyền quý ở Florence của nước Ý. Vào thế kỷ 15, dòng họ Pazzi đã nắm giữ một quyền lực chính trị to lớn, cô được giáo dục tốt từ nhỏ và được biết đã cảm nhận sâu sắc sự hiện hữu của Chúa. Thực ra với địa vị và gia cảnh của mình, cô có thể lấy một người chồng và an hưởng cuộc đời nhàn hạ nhưng cô đã chọn con đường dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì.

Lúc 10 tuổi cô được rước lễ lần đầu và ngay sau đó một tháng cô có thề rằng sẽ giữ mình đồng trinh. Khi 16 tuổi, cô gia nhập đan viện Đức Mẹ Các Thiên Thần của Dòng Cát Minh ở Florence. Vào dòng, Catarina lấy tên là Maria Mađalêna, trong thời gian này cô đã chống lại những cám dỗ là kiên trì cầu nguyện, hãm mình, phục vụ tha nhân và sau đó bất ngờ bị lâm bệnh nặng, vào năm 1604 cô bị bệnh nhức đầu và tê bại phải nằm liệt giường nhưng hai tháng sau đó cô được qua khỏi như một phép lạ. Ðể giữ lại các điều đã chứng kiến, cha giải tội yêu cầu cô kể lại các điều được trải nghiệm để các nữ tu thư ký ghi chép lại và tập hợp thành sách.

Sau ba năm mang bệnh, cô qua đời ngày 25 tháng 5 năm 1607 khi 41 tuổi. Giáo Hoàng Urban VIII đã tôn phong cô lên bậc Chân Phước ngày 08 tháng 5 năm 1626 và Giáo Hoàng Clement IX đã đôn cô lên hàng hiển thánh vào ngày 28 tháng 4 năm 1669.

 

II. BÀI HỌC

Cuộc đời của thánh Maria Mađalêna Pazzi xem ra không có gì nổi bật đáng cho chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Tuy nhiên nếu đọc thật kỹ chúng cũng thấy có một nét đặc biệt mà nhiều người thời nay không muốn chấp nhận đó là vấn đề đau khổ trong cuộc sống.

Đành rằng phần lớn nhân loại đã nhìn nhận đau khổ như là một thực tại trong cuộc sống và là một phần của kiếp sống nhân sinh. Thật vậy, hết mọi người, dù là nam hay nữ, sang hay hèn, có tôn giáo hay không có tôn giáo, ở địa vị cao hay thấp, đều phải nếm mùi đau khổ. Thấu hiểu kiếp người là vậy nên Đức Phật đã phải thốt lên rằng “Đời là bể khổ!”

P. CLAUDEL đã viết rất hay: “Thiên Chúa không đến để hủy bỏ sự đau khổ. Người cũng không đến để giải thích về đau khổ. Nhưng Người đến để làm cho đau khổ có ý nghĩa bằng sự hiện diện của Người.”

Sự cao quý tột độ của Kitô giáo là: không tìm phương thuốc siêu nhiên để chống lại đau khổ, nhưng tìm phương cách siêu nhiên để sử dụng đau khổ. (SLMONE WELL)

Khi được Thánh Giá trồng vào, trái tim sẽ dạy cho chúng ta biết rằng: Mọi lý lẽ của lý trí không có giá trị bao nhiêu trước những lý lẽ của con tim. (M. DELBRÊL)

Người ta không chỉ cầu nguyện để tránh khỏi sự khổ cực, nhưng đúng hơn, để chấp nhận đau khổ một cách can đảm hơn. Nếu biết được giá trị của đau khổ, có lẽ người ta sẽ chắp tay quỳ gối xin Chúa ban sự đau khổ. (F. ANDRÉ)

Cách đây 40 năm, một nhà truyền giáo đến thăm viếng một nơi tại New Zealand được gọi là Kuripapanga.

Ngày kia, một người phụ nữ Maori lái xe bò đưa đứa con trai bị bệnh của bà đến bệnh viện ở cách ngôi nhà trọ của bà 40 dặm. Khi vừa mới đi được một quãng đường, bà ấy liền vội vàng quay trở lại nhà, bởi vì người ta phát hiện ra là con trai của bà đã tắt thở. Người phụ nữ này quá sức đau khổ, đến nỗi không ai có thể khuyên can bà chịu rời bỏ xác của con trai bà được. Chẳng bao lâu sau, nhà truyền giáo đi tới đó, và được nghe kể lại về người phụ nữ trên. Nhà truyền giáo đi tới chiếc xe bò và hầu như ngay tức khắc người phụ nữ đó liền xuống khỏi xe và lặng lẽ đến ngồi nói chuyện với nhà truyền giáo một lúc, rồi sau đó, bà lại lên xe bò , tự cầm cương và lái xe ra đi với đôi mắt khô ráo, nét mặt bình thản và thư giãn.

Người ta hỏi nhà truyền giáo :

- Bằng cách nào mà ông có khả năng làm cho người phụ nữ đó chịu buông xác đứa con trai đã chết của bà ấy?.

Nhà truyền giáo kể lại là chỉ cần hỏi người mẹ đau khổ đó rằng :

- Chị có biết Đức Giêsu không ?.

Người mẹ đau khổ đó liền nhìn vào nét mặt của nhà truyền giáo, mỉm cười và được trấn an ngay tức khắc.

Chính sức mạnh của Danh Thánh Chúa đã an ủi tâm hồn người phụ nữ đó.

Sau này, bà ấy đã nói danh thánh Chúa Giêsu và về sự ngọt ngào của Danh Thánh như thế này:

- Nhân danh Đức Giêsu.

Trường hợp của thánh nữ Maria có hơn khác: Sau một cơn bệnh xâu xé Ngài, có nữ tu hỏi thánh nữ xem bí mật nào đã giúp Ngài nhẫn nại chịu đựng như vậy, Ngài chỉ vào cây thánh giá và trả lời:

- Hãy xem điều Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc tôi. Những ai nhớ tới những đau khổ của Chúa Giêsu và dâng những đau khổ của mình cho Thiên Chúa, họ sẽ chỉ còn thấy êm ái đối với những gì mình phải chịu mà thôi.

Xin được kết thúc bằng lời kinh của Cha Gaston Courtois một nhà tu đức học nổi tiếng của nước Pháp:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã kinh nghiệm thế nào về đau khổ, xin thương xót những tâm hồn bị tổn thương và những hình hài bị đau khổ giày vò. Xin Chúa hãy là sự an bình và niềm vui của chúng con. Xin giúp chúng con khám phá ra kho tàng ẩn kín trong sự đau khổ của người kitô hữu.

Chớ gì ý tưởng “Chúa đã chịu đau khổ vì chúng con”, giúp chúng con chấp nhận đau khổ cách can đảm hơn, và biến đổi mọi đau khổ của chúng con thành dụng cụ phục vụ tha nhân và đem ơn cứu độ đến cho trần gian. Với một tình thương muốn trải dài khắp trái đất, chúng con xin dâng lên Chúa những đau khổ ngày nay của cả loài người. Xin Chúa biến đổi những đau khổ ấy thành hồng ân của Tình yêu và Cứu độ cho tất cả mọi người. Amen.

Top