Ngày 28/04: Thánh Phêrô Maria Chanel, linh mục, tử đạo

Ngày 28/04: Thánh Phêrô Maria Chanel, linh mục, tử đạo

Ngày 28/04: Thánh Phêrô Maria Chanel,  linh mục, tử đạo

THÁNH PHÊRÔ CHANEL LINH MỤC
(1803-1841)

Ngày 28/4

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Chúng ta mừng kính Thánh Chanel, vị thánh tử đạo tiên khởi của châu Đại Dương, đúng ngày qua đời của thánh nhân. Ngày 28 tháng 4 năm 1841 ngài đã đổ máu vì Đức Kitô. Ngài cũng là vị tử đạo đầu tiên trong Hội Dòng Đức Maria do linh mục Colin thành lập năm 1816. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1954 và được đưa vào lịch Rôma năm 1969. Ngài là vị thánh bảo trợ công cuộc truyền giáo tại châu Đại Dương.

Pierre-Marie Chanel sinh năm 1803 tại Cuet, thuộc giáo phận Belley, nước Pháp. Sau khi hấp thụ nền giáo dục tốt lành Kitô giáo và được đào tạo tại Chủng Viện, ngài được thụ phong linh mục năm 1827. Ngài thi hành mục vụ lần đầu tiên với tư cách phó xứ, rồi chính xứ tại Crozet, gần Genève, trước khi được bổ nhiệm làm giáo sư và bề trên đại Chủng Viện. Tuy nhiên, vì quá say mê đời sống truyền giáo, nên ngài vào tu hội Đức Maria (Maristes). Vừa tuyên khấn xong và theo như mong muốn, Cha Pierre Chanel được phái đến châu Đại Dương, phụ trách nhóm thừa sai đầu tiên để loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Đức Kitô. Vì thế ngày 8 tháng 11 năm 1837, ngài đặt chân đến đảo Futuna (Polynésie), dâng hiến đảo này cho Đức Trinh Nữ Maria.

Thánh nhân tới đảo Futuna với cha Maria Niziep.Ở tại hòn đảo hoang này người ta vẫn còn tập tục ăn thịt người, Ngài đã phải dốc toàn lực mở mang nước Chúa. Một tu sĩ phụ tá luôn sát cánh với Nhà truyền giáo đã kể lại như sau:

 “Làm việc dưới sức nóng như thiêu như đốt của ánh sáng mặt trời, Ngài trở về nhà ướt đẫm mồ hôi, đói khát, nhọc mệt, nhưng vẫn vui tươi nhanh nhẹn, tâm hồn sảng khoái như vừa trở về từ một nơi hạnh phúc. Đây không phải chỉ có một lần mà dường như ngày nào cũng vậy”.

 “Người không từ chối người dân Futuna điều gì cả. Đối với những ai bắt bớ Ngài, Ngài luôn tha thứ và không khước từ họ, dù cho họ có dốt nát hủ lậu đi nữa. Ngài luôn hiền dịu đối với mọi người”.

 Thật lạ lùng gì khi dân chúng gọi Ngài là “Người phúc hậu” chính Ngài đã thường nói với các bạn :

- Trong cuộc truyền giáo khó khăn thế này chúng ta phải thánh thiện mới được.

 Ngài đã cố hết sức để đem Chúa Kitô và Tin Mừng của Người cho họ nhưng Ngài chỉ nhận được những kết quả nhỏ nhoi. Dầu vậy, Ngài vẫn tin tưởng rằng: việc truyền giáo là việc của loài người nhưng đồng thời cũng là của Thiên Chúa nữa nên ngài không hề thất vọng. Gương và lời Chúa đã nói: “Người lo gieo và người khác sẽ gặt”nên thánh nhân luôn nỗ lực rao giảng giáo lý Kitô giáo và chống lại việc sùng bái của các thần dữ. Nhiệt tình của Ngài đã gây nên nhiều ghen ghét đe dọa cho chính mạng sống Ngài.

 Hôm trước ngày qua đời thánh nhân còn nói:

- Kitô giáo được gieo trồng trên đảo sẽ không bị tiêu diệt với cái chết của tôi, vì đây không phải là việc của loài người mà là của Thiên Chúa.

Dù gặp muôn vàn khó khăn, tuy nhiên, nhiều thanh niên thổ dân cảm mến gương lành và lời giảng dạy của ngài, đã tỏ ra muốn đón nhận Tin Mừng, trong đó có anh Meitala, con của Niuliki, ông này làm vua đảo Futuna. Meitala đã sẵn sàng để lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Nhưng khi nghe tin này, nhà vua liền giận dữ và kết án tử hình cả cha Chanel lẫn Meitala, con ruột của mình. Đó là ngày 28 tháng 4 năm 1841: châu Đại Dương đã có những vị tử đạo đầu tiên.

Sau đó không lâu, toàn đảo đã đón nhận Tin mừng. Toàn thể dân đảo Futuna đã trở lại đạo công giáo, đức tin từ Futuna lấn sang các đảo lân cận ở Oceania.

Một thánh đường lưu giữ các thánh tích của thánh Pierre Chanel, được xây cất tại O-Futuna, trong giáo phận Wallis và Futuna, thuộc Tổng Giáo Phận Nouméa (Tân Caledonie) mà người Việt nam chúng ta thường gọi là Tân Thế Giới.

 II. BÀI HỌC.

Cuộc đời của thánh Phêrô Chanel đã để lại cho chúng ta một bài học rất đặc biệt về lòng nhiệt thành trong việc đem Chúa đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Chính lòng nhiệt thành này đã thúc đẩy ngài vượt muôn ngàn dặm để từ một xứ sở văn minh hàng đầu của thế giới đem Tin mừng của Chúa đến cho những người bán khai ở tận một phương trời xa xôi bên biển Thái Bình dương

Chính vì ý thức rằng việc rao giảng Tin Mừng không phải chỉ là việc của con người mà con là việc của Thiên Chúa cho nên ngài đã dám hy sinh như vậy.

Vâng! Việc loan báo Tin Mừng là việc của mọi người tin Chúa. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21).

Xin được gửi đến anh chị em bài chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tại Manila ngày 29-11-1970.

Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, vì tôi đã được chính Đức Ki-tô sai đi. Tôi là tông đồ và tôi cũng là chứng nhân. Mục đích càng xa, sứ mạng càng khó thì tình yêu Đức Ki-tô lại càng thôi thúc tôi mạnh mẽ hơn. Tôi phải rao giảng danh của Người : Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chính Người đã tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa vô hình, chính Người là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, và chính trong Người mà tất cả tồn tại. Người là Thầy và là Đấng cứu chuộc nhân loại. Vì chúng ta, Người đã sinh ra, đã chết và đã sống lại.

Chính Người là trung tâm của lịch sử và của muôn vật muôn loài. Người biết và yêu mến chúng ta ; Người là bạn đồng hành của chúng ta trên đường đời, là con người của khổ đau và hy vọng. Chắc chắn Người sẽ lại đến, và sau cùng sẽ là Đấng xét xử chúng ta ; Người đưa cuộc đời chúng ta đến chỗ sung mãn và làm cho chúng ta được hạnh phúc muôn đời, như lòng chúng ta tin tưởng.

Tôi sẽ không ngớt nói về Người ; chính Người là ánh sáng, là sự thật ; hơn nữa, Người còn là đường, là sự thật và là sự sống. Người là bánh, là nước nguồn làm cho chúng ta không còn đói khát nữa. Người là mục tử, là thủ lãnh, là gương mẫu, là nguồn trợ lực, là anh của chúng ta. Như chúng ta và còn hơn chúng ta, Người đã nên bé nhỏ nghèo khó, chịu nhục nhã, phải vất vả nhọc nhằn, bị áp bức và khổ đau. Vì chúng ta, Người đã nói, đã làm các phép lạ, đã lập một vương quốc mới : nơi đó, những kẻ nghèo là những người có phúc ; nơi đó, sự bình an là nguyên lý của đời sống chung ; nơi đó, những ai có tâm hồn trong sạch và những người sầu khổ sẽ được ngợi khen và được an ủi, những ai khát khao sự công chính sẽ được thỏa lòng ; nơi đó, những kẻ tội lỗi có thể nhận được ơn tha thứ và mọi người nhận ra nhau là anh em.

Đấng ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô mà anh em đã nghe nói đến và chắc hẳn phần đông anh em thuộc về Người vì anh em là Ki-tô hữu. Vậy thưa anh chị em Ki-tô hữu, tôi xin nhắc lại danh Người cho anh chị em. Tôi xin loan báo danh đó cho mọi người : Đức Giê-su Ki-tô là khởi nguyên và tận cùng, là An-pha và Ô-mê-ga, là vua của thế giới mới, là nguyên lý nhiệm mầu và tối hậu giải thích lịch sử nhân loại và vận mệnh chúng ta. Chính Người là Đấng trung gian và có thể nói Người là chiếc cầu nối liền đất với trời. Chính Người là Con Người hoàn hảo nhất, tuyệt vời hơn hết mọi người, vì Người là Con Thiên Chúa, vĩnh cửu vô biên, và là Con Đức Ma-ri-a, Đấng diễm phúc hơn mọi phụ nữ, Đấng là mẹ của Người theo thể xác, là mẹ của chúng ta vì chúng ta hiệp thông với Thánh Thần của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh.

Đức Giê-su Ki-tô ! Anh em hãy nhớ : Người là Đấng chúng tôi hằng rao giảng cho anh em luôn mãi. Chúng tôi muốn cho danh Người vang dội đến tận cùng cõi đất và đến muôn muôn đời.

Top