Ngày Dự tòng gặp gỡ Giám mục Giáo phận
WGPSG -- Từ 16g00 đến 20g00 Chúa nhật 15.3.2015, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã gặp gỡ gần 600 tham dự viên, gồm anh chị em Dự tòng thuộc các giáo xứ trong Tổng Giáo phận, trong đó có 206 anh chị sẽ lãnh nhận bí tích Rửa Tội vào lễ Phục Sinh năm nay. Ngoài ra còn có gần 100 giáo lý viên, những người đỡ đầu và thân nhân.
Theo thông lệ hằng năm, Chúa nhật thứ IV Mùa Chay được chọn là “Ngày Dự tòng gặp gỡ Giám mục Giáo phận”. Đây là cơ hội thuận tiện để anh chị em dự tòng nhận biết các vị chủ chăn và sống mối hiệp thông huynh đệ trong gia đình Giáo phận cách cụ thể và sống động. Bắt đầu bằng việc chọn Giêsu, các Dự tòng sẽ trở nên thành viên trong đại gia đình Thiên Chúa: “Anh em không còn phải là người xa lạ, nhưng là người đồng hương, và là người nhà của Thiên Chúa”.
Các Dự tòng thuộc đủ mọi thành phần và trình độ học vấn khác nhau: có người là giảng viên Đại học, có người là công nhân. Họ tìm hiểu, học giáo lý, đến với Chúa do nhiều lý do khác nhau: Tiến tới hôn nhân với người Công giáo, được ơn đặc biệt sau khi tham dự cầu nguyện, người thân hoặc bạn bè giới thiệu, tham gia sinh hoạt các nhóm Công giáo tiến hành…
Sau nhiều ngày chuẩn bị, hôm nay các Dự tòng rất hạnh phúc khi lần đầu tiên trong đời được gặp gỡ vị Chủ chăn Tổng Giáo phận - Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, như Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền nói: “Trước khi đến đây, anh chị em dự tòng chỉ nghĩ rằng giáo xứ là Giáo hội, là lớn nhất! Nhưng hôm nay, anh chị em Dự tòng được gặp Đức Tổng Giám Mục, vị cha chung lớn nhất, như được gặp gỡ Chúa Kitô vậy”. Một sự hiện diện đầy ánh quang minh, tràn niềm vui như bài giảng của Đức TGM về Mầu Nhiệm Ba Ngôi là linh đạo của Ban Giáo Lý TGP Sài Gòn đã chọn - Linh đạo hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa, hiện diện trong khi làm dấu Thánh giá trên trán, trên vai, trên người. Linh đạo của Ban Giáo lý TGP là mầu nhiệm của sự hiệp thông trong tình yêu tự hiến và trao ban. Sự hiệp thông này không khép kín trong Ba Ngôi, nhưng mở ra cho nhân loại qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.
Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu, của sự sống, của hiệp thông. Trong tình yêu Ba Ngôi, con người được mời gọi nhập thể và nhập thế, hiệp nhất trong khác biệt, và dấn thân cho sự sống để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này: bước vào trần thế tràn ngập niềm vui Tin Mừng, đấy là sống đức tin.
Anh chị em đã được đón tiếp nồng hậu từ đầu, khi bước vào sảnh lớn của hội trường, nơi có các bàn đón tiếp theo cụm giáo xứ, được mời nước uống, nghỉ ngơi một chút trước khi vào Hội trường Phạm Minh Mẫn, sắp xếp ngồi theo tên các giáo xứ được gắn trên ghế. Các Dự tòng được sắp xếp ngồi trước các người đỡ đầu, và thân nhân được sắp xếp ở hai bên. Những chiếc khăn tím xanh được trao cho các anh chị em Dự tòng Tuyển chọn, và nơ cam dành cho anh chị em đỡ đầu. Khán đài được trang trí thật trang trọng đầy hoa màu hồng chen lá xanh, xen kẽ điểm nhấn với hình 3 vòng tròn của logo “Mầu Nhiệm Ba Ngôi” là logo của Ban Giáo lý TGP. Cây Thánh giá treo khăn tím nhạt đặt trên quả địa cầu màu xanh, biểu tượng cho lời mời gọi của Đức TGM về ăn chay và bảo vệ màu xanh, màu sạch, màu yêu thương của môi trường sống.
Điều làm anh chị em Dự tòng vui nhất có lẽ là lúc được chụp hình theo cụm giáo xứ, chen nhau đứng gần Đức Tổng Giám mục. Điều làm cho anh chị em Dự tòng và tân tòng có nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc là được đón nhận và chia sẻ cho nhau nụ cười, được sống với nhau, trong niềm vui quy tụ của đại gia đình Giáo phận, anh chị em thấy gia đình của anh chị em thật lớn, thật đông và thật vui.
Rất cảm ơn anh chị em Giáo lý viên các giáo xứ, cùng quý cha xứ đã quan tâm đến việc hướng dẫn Dự tòng. Hiện nay, Trung tâm Mục vụ đào tạo ra nhiều anh chị em đã được chuẩn hóa - học hết Cao đẳng Thần học, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dạy giáo lý tại các giáo xứ. (Xin quý cha sở liên hệ với Trung tâm Mục vụ để được biết tên của các anh chị em của giáo xứ mình đã được chuẩn hóa về Thần học, và nhiều bộ môn khác nhau, các anh chị em này có thể giúp đỡ quý cha sở trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng qua việc dạy giáo lý và chia sẻ Lời Chúa). Hiện nay, giáo xứ thánh Phanxicô Đakao đã có những GLV Dự tòng được chuẩn hóa về hướng dẫn các lớp Dự tòng - 7 anh chị em đã tốt nghiệp và đang tiếp tục học. Thời gian học Giáo lý Dự tòng sắp tới của TGP Sài Gòn sẽ là 6 tháng học Dự Tòng, theo Đức Giám mục và các linh mục trong TGP đã quy định. Nguyện chúc cho tất cả anh chị em Dự tòng biết kiên nhẫn, lợi dụng thời gian thuận tiện mà chấp nhận học hỏi Lời Chúa, và tìm hiểu về Đạo Thánh Đức Chúa Trời, mỗi ngày một sâu hơn, mỗi ngày một thấy Lời Chúa ngọt ngào hơn.
Xin cho mỗi anh chị em Giáo lý viên luôn phục vụ hết tình, luôn yêu mến hết lòng, và luôn sống hết tâm, và luôn phục vụ hết sức cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, nơi chỉ có 7% người Công giáo. Mảnh đất quê hương đang rất cần nhiều tấm lòng, nhiều chứng nhân sống động bằng cuộc sống hy sinh, bằng lời rao giảng, và nhất là bằng đời sống cầu nguyện của từng anh chị em Kitô hữu.
Để kết thúc, xin trích dẫn vài lời rất đáng cho mỗi người chúng ta suy tư - lời trích từ Sứ điệp truyền giáo 1997, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 như sau:
“Trước nhiều anh chị em, dù được Thiên Chúa Cha yêu thương (Redemptoris Missio, 3), nhưng chưa được biết đến Tin Mừng cứu rỗi, người Kitô không thể nào không cảm thấy trong lương tâm mình sự rung động đã thôi thúc thánh Phaolô tông đồ thốt lên: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" ( 1Cr 9, 16). Một cách nào đó, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trực tiếp, trước mặt Thiên Chúa, về sự không có đức tin của hàng triệu anh chị em chúng ta… Thái độ đáp trả gương mẫu cho lời mời gọi mọi người hãy lãnh lấy trách nhiệm truyền giáo, là thái độ mà Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nêu gương cho thời đại của thánh nữ. Năm 1997 nầy cũng là năm kỷ niệm 100 qua đời của ngài. Cuộc đời và giáo huấn của thánh Têrêsa nhấn mạnh mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa việc truyền giáo và sự chiêm niệm. Không thể nào thi hành sứ mạng truyền giáo, nếu không có đời sống cầu nguyện sâu xa và sự kết hiệp chặt chẽ với Chúa và với sự hy sinh của Ngài trên thập giá. Việc ngồi dưới chân Chúa, Thầy của mình (x. Luca 10,39), chắc chắn là điểm khởi đầu của mọi hoạt động tông đồ đích thực”.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020