Ngày thứ hai chuyến tông du Liban của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
WHĐ (16.09.2012) – Thứ Bảy 15-09, chuyến tông du Liban của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bước sang ngày thứ hai. Theo lịch trình, ngày thứ hai trong chuyến tông du, ĐTC sẽ có cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Liban và gặp gỡ các quan chức trong chính quyền, ngoại giao đoàn, đồng thời tiếp xúc với các vị lãnh đạo các tôn giáo. Kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Liban sẽ là cuộc gặp gỡ giới trẻ Liban và Trung Đông tại quảng trường bên cạnh Tòa Thượng phụ Maronit ở Bkerké vào lúc 18g00.
Trước hết, lúc 8g00 (giờ Beirut), ĐTC dâng lễ riêng tại Tòa sứ thần. Sau đó, ĐTC bắt đầu lịch trình làm việc của ngày thứ hai.
Tại Dinh Tổng thống Baabda: ĐTC hội kiến Tổng thống Liban, gặp lãnh đạo các tôn giáo, các quan chức trong chính quyền, ngoại giao đoàn, các nhà hoạt động xã hội và văn hóa (Xem video liên quan)
10g00 sáng, ĐTC đến Dinh Tổng thống tại Baabda, trung tâm hành chính của thủ đô Beirut, chào thăm và hội kiến với Tổng thống Liban.
Ông Michel Sleiman, Tổng thống Liban, đã thay mặt nhân dân Liban chào mừng ĐTC đến thăm đất nước Liban. Ông nói chuyến tông du đến Liban của ĐTC là một cột mốc lịch sử không chỉ đối với Liban mà còn toàn vùng Trung Đông. Ông giới thiệu với ĐTC về tinh thần sống hòa hợp của người dân Liban: “Đất nước Liban không áp đặt lên dân chúng mệnh lệnh phải sống hòa hợp, nhưng tinh thần hòa hợp đã là một đặc điểm nổi bật trong tính cách con người Liban”.
ĐTC đã trồng một cây thông cedar tại Dinh Tổng thống để lưu niệm chuyến viếng thăm Liban. Nhân đó, trong phần đáp từ, ĐTC nói: “Giống như cây thông cedar, khu vực này cần phải được chăm sóc để phát triển mọi mặt”. ĐTC lưu ý nhân loại là một đại gia đình nên phải biết sống chung với nhau. Vì vậy cần phải xây dựng tinh thần hòa hợp và kiến tạo hòa bình với những yếu tố nền tảng như: quyền con người, gia đình, đối thoại và liên đới.
Lúc 10g50, sau cuộc hội kiến với Tổng thống Liban, cũng tại Dinh Tổng thống, ĐTC đã gặp các vị lãnh đạo Hồi giáo và đạo Druze: Giáo trưởng Cheikh Mohammad Rachid Kabbani, phó Chủ tịch Hội đồng thượng cấp Chiite, Giáo trưởng Abdel Amir Kabalan, Giáo trưởng Naim Hassan của cộng đồng đạo Druze và Giáo trưởng Assad Assi, chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Alaouite.
Tháp tùng ĐTC trong cuộc gặp gỡ, có ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Thượng phụ Béchara Boutros al-Rahi, giáo chủ Công giáo Maronit, ĐHY Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn và Đức TGM Gabriele Caccia, sứ thần Tòa Thánh.
Ngài Muhamad Rafik Kabani, đại giáo trưởng Hồi giáo Sunnite tại Liban, trong phát biểuủa mình, đã khẳng định với ĐTC: “Chúng tôi không hề mong muốn người Kitô giáo rời bỏ mảnh đất Trung Đông”, đồng thời bày tỏ sự tán thành với suy nghĩ của Đức Thượng phụ Bechara Boutros về việc cần phải vượt qua cả sự hòa thuận để cùng “hiệp thông và hiệp nhất”.
20 phút sau đó, trong cuộc gặp gỡ chung với các quan chức chính quyền, ngoại giao đoàn, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động xã hội và văn hóa, ĐTC đã gửi đến mọi thành phần trong xã hội Liban cũng như Trung Đông những lời kêu gọi có giá trị định hướng trong việc kiến tạo hòa bình.
Trước hết, ĐTC nhắc đến chủ đề chuyến tông du được ngài chọn từ Phúc âm theo Thánh Gioan (Ga 14, 27): “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” và ĐTC đọc câu chủ đề bằng tiếng Ả rập: Salami Outikom.
ĐTC nêu rõ những thách thức hiện nay Liban và Trung Đông đang phải đối mặt và khen ngợi những nỗ lực giải quyết, trong đó đáng kể nhất là con đường đối thoại, hợp tác, hòa giải và hòa hợp để cùng nhau vượt qua mọi thách thức.
Trong chiều hướng này, ĐTC lưu ý mọi người cần đặt ưu tiên cho vấn đề giáo dục, đặc biệt giáo dục thế hệ trẻ về hòa bình và khát vọng xây dựng nền văn hóa hòa bình:
“Để mở ra một tương lai hòa bình cho thế hệ ngày mai, nhiệm vụ đầu tiên là phải giáo dục về hòa bình nhằm xây dựng một nền văn hóa hòa bình. Trong gia đình và trong các nhà trường, giáo dục trước hết phải dạy về các giá trị tinh thần, thông truyền kiến thức và các truyền thống của một nền văn hóa, ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa”.
ĐTC khẳng định gia đình chính là ngôi trường đầu tiên dạy con người biết sống hòa bình. ĐTC nêu lên kinh nghiệm các gia đình Liban: “Tại Liban không hiếm các gia đình có các thành viên là Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo cùng nhau sống hòa thuận, êm ấm. Vậy, tại sao xã hội lại không thể sống hòa hợp?” ĐTC nhấn mạnh những khu vực đang mất ổn định vẫn có thể chứng minh cho thế giới thấy mình hoàn toàn có khả năng hòa giải và xây dựng hòa bình.
Bản thân cuộc đến thăm và hội kiến với các nhà lãnh đạo Liban của ĐTC cũng đã trở thành lời kêu gọi sống hòa hợp: ĐTC gặp Tổng thống Michel Sleiman là một tín hữu Công giáo Maronit, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, một tín đồ Hồi giáo Chiite và Thủ tướng Nagib Mikati là người Hồi giáo Sunnite.
ĐTC đã lưu ý các vị hữu trách dân sự cũng như tôn giáo cần nhận thức rõ về cái ác, sự dữ “không phải là một lực lượng vô danh nào đó đang hoạt động trong thế giới” nhưng chúng tìm con người làm đồng minh, chúng “lợi dụng con người sử dụng tự do của mình” để đi vào thế giới. Vì vậy con người cần phải ý thức trong việc sử dụng tự do. Để sử dụng tự do hữu hiệu, cần phải tuân giữ “những điều răn của Chúa”.
Kết thúc bài diễn văn, ĐTC đề cập đến tự do tôn giáo trong tương quan với việc xây dựng hòa bình. ĐTC khẳng định: “Muốn có hòa bình phải có tự do tôn giáo”. Cuộc gặp gỡ các tầng lớp trong xã hội Liban kết thúc lúc 13g00.
Tại Bzommar: ĐTC dùng cơm trưa với các Thượng phụ, Giám mục Liban, các thành viên trong Hội đồng về Trung Đông
Vào lúc 13g30, ĐTC đến Bzommar, cách thủ đô Beirut 37km về hướng Đông Bắc, là nơi có đông đảo người Công giáo nghi lễ Armênia.
Tại Tòa Thượng phụ Bzommar của Giáo hội Công giáo nghi lễ Armênia, ĐTC dùng cơm trưa với các Thượng phụ, Giám mục Liban, các thành viên trong Hội đồng đặc biệt về Trung Đông, trực thuộc Thượng Hội đồng Giám mục.
Tại Bkerké: ĐTC gặp gỡ giới trẻ Liban và Trung Đông
Lúc 18g00, ĐTC đã đến quảng trường bên cạnh Tòa Thượng phụ giáo chủ nghi lễ Maronit tại Bkerké để gặp giới trẻ Liban và Trung Đông.
Tham dự cuộc gặp gỡ này có khoảng 15.000 bạn trẻ thuộc nhiều tôn giáo và cả những người không theo tôn giáo nào.
Trong bài phát biểu chào mừng ĐTC, đại diện giới trẻ, cô Rania Abou Shaqra nói rằng giới trẻ Liban sẽ gắn bó với đất nước mình, họ không sợ những ai khác với mình, ngoại trừ chủ nghĩa cực đoan.
Abou Shaqra nói với ĐTC rằng “sự hiện diện của ĐTC ở Liban là một thách thức đối với chiến tranh và là một dấu hiệu của hòa bình”.
Trong phần đáp từ, ngỏ lời với những bạn trẻ Hồi giáo, ĐTC nói: “Tôi chào mừng các bạn trẻ Hồi giáo. Cảm ơn các bạn đã đến đây. Cùng với các Kitô hữu, các bạn là tương lai của đất nước Liban. Cả hai cần tìm cách chung sống và làm việc với nhau. Trung Đông phải hiểu rằng Hồi giáo và Kitô giáo có thể cùng tồn tại trong một tinh thần đức tin trong một xã hội tự do và nhân đạo”.
Với giới trẻ Kitô giáo, ĐTC đưa ra lời kêu gọi đặc biệt, khuyến khích họ đừng thất vọng về tình hình của mình và đừng di cư: “Trong một thế giới thay đổi liên tục, các bạn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhưng kể cả nạn thất nghiệp và tình hình bất ổn cũng không được dẫn các bạn đến chỗ phải nếm vị ngọt ngào cay đắng của di cư, vốn sẽ làm cho ta mất gốc và tách lìa để có được một tương lai không chắc chắn”.
ĐTC khuyên các bạn trẻ “tìm kiếm vẻ đẹp và nỗ lực làm điều thiện, đừng ẩn náu trong những thế giới song hành như ma tuý hoặc thế giới u ám của khiêu dâm”.
Ngài cũng cảnh báo họ rằng các mạng xã hội có thể thật “thú vị”, nhưng cũng “dễ dàng gây nghiện và lẫn lộn giữa thực và ảo”. Đồng thời ĐTC khuyên họ “tìm kiếm mối quan hệ tình bạn đích thực, nâng chúng ta lên”, và tìm cách đem lại ý nghĩa và chiều sâu cho cuộc sống, loại trừ “tính hời hợt và thói tiêu thụ thiếu suy xét”.
ĐTC nhắc nhở các bạn trẻ: “Chúa Kitô đòi buộc các bạn làm như Ngài đã làm: hoàn toàn mở ra cho người khác, cả khi họ thuộc về một nhóm văn hóa, tôn giáo hay quốc gia khác. Hãy dành chỗ cho họ, tôn trọng họ, cư xử tốt với họ, làm cho họ thêm phong phú về mặt nhân bản và vững vàng trong bình an của Chúa”.
Cuối cùng ĐTC kết luận: “Đây là lúc người Hồi giáo và Kitô hữu đến với nhau để chấm dứt bạo lực và chiến tranh”. Và ngài phó thác cuộc gặp gỡ giới trẻ cho sự bảo trợ của Chân phước Gioan Phaolô II và Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của đất nước Liban”.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19